Nếu có dịp đi đến vùng Bảy núi (Thất sơn) thuộc tỉnh An giang, các bạn sẽ được nghe kể rất nhiều câu chuyện nửa thực, nửa hư. Tin tưởng mức độ nào, tùy bụng người nghe nhưng có một điều ai nấy đều gật đầu là qua chúng, ta sẽ dễ dàng mến yêu một miền đất lắm sông nước nhiều vườn ruộng trĩu xanh; cảm nhận được“cá tính” của những con người đất phương nam: trọng nghĩa khinh tài, Làm cật lực chơi hết mình, tính nết chơn chất, ít so đo, dễ gần gũi vv… Và luôn sẵn sàng quên thân khi đứng trước cái ác, cái xấu…
I.Anh Vũ sơn (núi Két): là một trong 7 núi của vùng “Thất Sơn mầu nhiệm”. Núi này thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, cách Trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 70km về hướng tây theo Quốc lộ 91 rồi rẽ qua tỉnh lộ 948. Núi Két tiếp giáp với thị trấn Nhà Bàng và được bao bọc bởi những ngọn nói như núi Dài, núi Đất, núi Trà Sư, núi Bà Đắc. Tạo cho nơi đây một phong cảnh thiên nhiên hữu tình.
Đến đây, quý khách sẽ được tham quan các di tích và thắng cảnh như: Bửu Sơn Linh Tự, Bửu Minh Tự, Đình Thới Sơn… Đi dần lên núi các bạn có thể ghé qua Hang Dơi, Điện Ngọc Hoàng, Giếng Tiên, Sân Tiên, Điện Bạch Vân… và sẽ được nghe kể với truyền thuyết dân gian, ngoài ra còn được ôn lại truyền thống đấu tranh chống xâm lược của quân và dân vùng “Thất sơn mầu nhiệm”…
II.Phật Thầy Tây An & giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương:
Người khai sáng giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, được dân trong vùng tôn xưng là Phật thầy Tây An.
Ông tên thật là Đoàn Minh Huyên, sinh năm Đinh Mão (1807), quê quán làng Tòng Sơn, Sa Đéc, xưa thuộc trấn Vĩnh Thanh, nay là tỉnh Đồng Tháp.
Là một chí sĩ yêu nước, có tinh thần cách mạng, bất mãn triều đình phong kiến, thường ra tay cứu độ dân lành nên bị nhà cầm quyền nghi là gian đạo sĩ nên tạm giam ông tại Châu Đốc; sau ông bị buộc phải đến tu ở chùa Tây An trong thời kỳ Thiền sư Hải Tịnh Nguyễn Văn Giác trụ trì (đời thứ nhất- Thiệu Trị thứ 7 năm 1847).
Vị hòa thượng mới này ngoài việc tu hành còn có tài làm thuốc trị bệnh cho nhân dân rất hiệu quả nên sau khi ông mất, đồng bào suy tôn ông là Phật thầy Tây An và danh hiệu này vẫn được gọi cho đến bây giờ.
Nói gọn lại, mặc dù viên tịch sớm, nhưng Đoàn Minh Huyên đã làm được rất nhiều việc như chữa bệnh miễn phí, chu du vùng Bảy Núi, Cái Dầu, Đồng Tháp…thành lập nhiều trại ruộng để khẩn hoang sản xuất và sau này những nơi ấy đều trở thành căn cứ chống quân Pháp xâm lược (một trong những nơi ấy là Đình và Trại ruộng
Thới Sơn, là địa danh có liên quan đến 2 nhân vật tôi sẽ kể)
Ông cũng có rất nhiều đại đệ tử thân cận, trong đó có Quản cơ Trần Văn Thành, người đề xướng cuộc khởi nghĩa ở Láng Linh - Bảy Thưa một thời làm giặc Pháp khiếp sợ (năm 1873). Ngoài ra, ông còn nhiều đệ tử nổi tiếng khác như các ông: Tăng Chủ, Đình Tây, Đạo Xuyến, Đạo Ngoạn, Đạo Lập…
Phật thầy Tây An viên tịch ngày 12 tháng 8 năm 1856, lúc mới 50 tuổi; với lời dặn dò là mộ dành an táng ông không được đắp nấm. Hiện mộ ở phía sau chùa Tây An.
Nhưng thật đáng tiếc, khác với đức tính giản dị của Phật Thầy, người đời sau lần lượt tô son trát vàng lòe loẹt lên chùa, lên mộ khiến mất dần dáng vẻ, phong quang cũ; để làm gì chắc bạn đọc ngầm biết và cũng chạnh lòng như tôi …
Mộ Phật Thầy Tây An
Đôi nét về giáo phái :
Chủ trương của Phật Thầy là lấy đạo Phật làm căn gốc, nhưng không thờ hình tượng Phật, không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, không hành nghề thầy đám, không cúng kiến chè xôi & tu đâu cũng được…
Theo giáo lý của ông thì người tu cốt tránh ác làm lành, rửa lòng trong sạch, giữ tâm thanh tịnh và hằng thực thi “tứ ân” lớn : ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại.
Tên giáo phái có nghĩa:
Bửu Sơn là núi qúi báu, tức là Thất Sơn mà đỉnh linh thiêng nhất là núi Cấm; Kỳ Hương tức là mùi thơm lạ.
Người là còn gọi tên giáo phái là đạo Lành, theo nghĩa đạo dạy việc làm lành lánh dữ.
Có người cho rằng đấy là đạo của ông Trần Văn Thành (một đại đệ tử của Phật Thầy, người khởi xướng cuộc khởi nghĩa Bảy thưa-Láng Linh ) vì kiêng tên ông nên tín đồ đọc trại ra đồng thời cũng để che mắt thực dân, để chúng hiểu lầm là đạo chỉ dạy người làm điều lành chớ không hề chủ trương chống phá bọn họ…
III.Ông Tăng Chủ và truyền thuyết hàng phục mãnh hổ:
Ông Tăng Chủ tức Bùi Văn Thân, cũng gọi là Bùi Thiền Sư, là anh chú bác với ông Đình Tây.
Hai ông như nhiều vị đệ tử của Phật Thầy đều có đức lớn, đạo pháp uyên thâm, võ dũng phi thường nên rất được dân tùng phục. Những nông trại tại Hưng Thới, Phước Điền, Xuân Sơn đều do hai cụ thừa lịnh Phật Thầy mà dựng lên.
Những người dân cũng là những tín đồ lam lũ chất phác, ban ngày đi khai hoang, đêm về thì lễ bái, niệm Phật, tham thiền và lĩnh hội những lời hay ý đẹp của hai ông.
Và mỗi khi người ta nhắc đến ông Đình Tây, nhớ ngay chuyện ông “Năm chèo” thì mỗi khi nói tới ông Tăng Chủ, họ không sao quên được những câu chuyện thuần phục mãnh hổ của ông.
Chuyện kể:
Một lần cọp về xóm vào chập tối, người ta rút lên trên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ tre báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ, cọp nhào tới phủ lên mình ông Tăng. Ông lẹ làng ngồi xuống, một tay dựng đứng mác thong lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt, liền né sang một bên.
Trong lúc cọp mất thăng bằng chao mình trên lưng chừng, thì ông Tăng đấm lẹ vào hông nó một quả đấm thôi sơn và thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đá nặng đòn.
Cọp róng lên một tiếng vang rừng rồi ngã lăn bất tỉnh.
Ông Tăng không giết cọp, bước tới vực nó dậy, miệng lẩm bẩm:
- Tao tha cho, từ nay phải bỏ tánh ngang tàng, đừng tới đây nữa mà mất mạng!
Cọp gầm mặt xuống đất, kéo la lết cái chân què vào rừng và từ đó không dám bén mảng đến xóm nữa.
Thêm một câu chuyện khác:
Ở tại đình Xuân Sơn, cách đây chừng 800 thước, một hôm ông Tăng đi thăm ruộng về thì trời tối. Khi đến gần cửa, ông trông thấy bóng một con cọp nằm lù lù bên mé đường mòn. Thấy ông, nó đứng dậy hả miệng, quào cổ rồi cúi đầu tỏ vẻ đau đớn lắm.
Ông Tăng hiểu ý nó, bảo:
- Mắc xương rồi đó chớ gì! Sao không tới đây sớm tao cứu cho mà đến nỗi ốm o quá vậy? Thôi, nếu mắc xương thì ngay cổ ra.
Con cọp riu ríu vâng lời. Ông Tăng co tay ấn vào cổ nó một cái. Lập tức nó sặc lên mấy tiếng rồi khạc ra một thỏi xương lớn.
Vài hôm sau, cọp cõng tới trước sân trại ruộng ông Tăng một con heo rừng vừa quật chết để đền ơn cứu mạng.
Về sau ông Tăng có cất một cái miếu nhỏ tại đình làng Thới Sơn để thờ con hổ biết lễ nghĩa ấy.
Khi ông tịch (ngày 27 tháng 10 - tài liệu không ghi năm) người nhà đem an táng ông ở làng Xuân Sơn. Là nơi trước đây có một ngôi chùa do Tăng Chủ và Đình Tây dựng lên để tu. (Sau khi ông Đình Tây viên tịch và cũng được an táng tại đây, người ta đổi lại thành đình. Tuy vậy, trong đình ngày nay vẫn còn có một toà thờ Phật)
IV Ô.Đình Tây & truyền thuyết về “ông Năm Chèo”
Ông tên Bùi Văn Tây, sinh năm 1802(?) mất ngày 23 tháng 2 năm Canh Dần 1890, thọ 88 tuổi; không thấy sách nào ghi gốc gác ông ở đâu. Chỉ biết tướng mạo ông cao lớn, khi già thì lưng còm và mình mẩy trổ đồi mồi.
Đình Tây có 2 người vợ. Vợ trước sanh được 1 trai ở Năng gù, vợ sau sanh được 3 gái ở làng Thới sơn. Chính cô thứ ba cất giữ mấy báu vật mà Phật Thầy Tây An trao cho Đình Tây để sau này bắt con sấu 5 giò mà người đời vì kinh sợ gọi tôn là “Ông Năm chèo”.
Ông là một học trò tài giỏi nhất của Phật thầy.Ngoài tài võ nghệ, tài trị bệnh, sức mạnh ít ai sánh kịp; ông còn có tấm lòng yêu nước sâu xa. Bởi vậy ông đã đóng góp nhiều tài lực trong công cuộc chống thực dân Pháp vào cuối đời Tự Đức.
Đặc biệt, cách chữa trị của ông thật lạ, bất cứ ai đau bệnh gì ông chỉ dùng miểng sành cắt cho thì hết bệnh, nên trước nhà ông hồi đó có một đống miểng ngùn ngụn lối chừng bốn năm chục giạ lúa…
Hiện nay người đến viếng đình Thới sơn sẽ thấy một hồ nước rộng chứa nước sinh hoạt cho cả vùng.Và chính tại hồ này khi xưa là nơi ông Đình Tây lén thả nuôi con sấu hung dữ ấy.
Cách đình khoảng vài trăm mét là mộ ông bà Đình Tây, mãi tận bây giờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương…
Truyền thuyết về “ông Năm Chèo”:
Những người lớp trước nói lại, số là có ông Đình Tây, người cận kề Phật Thầy Tây An khi ngài còn tại thế.
Một hôm ngài sai ông Đình Tây xuống Láng Linh, một trại ruộng của ngài, giúp đỡ đẻ cho một sản phụ vì chồng đi bắt rùa rắn nuôi gia đình chưa về. Khi người chồng về, biết ông Đình giúp đỡ gia đình mình như vậy, bèn tặng ông một con sấu con rất lạ kỳ. Con sấu có năm chân, mình màu đỏ với nhiều chấm bông hoa lốm đốm...
Khi ông Đình mang con sấu về, Phật Thầy xem qua, bảo là con quái vật phải trừ đi, nhưng ông Đình thương con sấu quá, bèn giấu thầy, đem con sấu xuống trại ruộng Xuân Sơn nuôi tiếp. Con sấu năm chân này có sức lớn phi thường. Sau một đêm mưa gió lớn, nó đã bứt gãy xích sắt và đi mất.
Ông Đình buồn lo quá vì không biết hậu họa như thế nào khi con sấu năm chân này lớn thêm nữa. Ông mới bèn thú thiệt với Phật Thầy và xin tạ lỗi. Thầy rất buồn bã và sau đó ngài mới trao cho ông Đình một cây mun, một lưỡi câu và hai cây lao, tất cả đều rèn bằng sắt, rồi dặn ông Đình nên cất các vật dụng này phòng khi con quái vật này xuất hiện.
Thời gian rồi cũng qua, Phật Thầy đã viên tịch. Bỗng một mùa lụt nước dâng ngập ruộng nương nhà cửa; sấu năm chân nay đã quá lớn , trườn lên vùng Láng Linh rượt bắt thiên hạ làm náo động cả một vùng. Dân chạy lại báo với ông Đình. Ông Đình mang “bửu bối” tới. Sấu biến mất dạng.
Từ đó, mỗi khi có sấu năm chân xuất hiện, dân trong vùng cứ đồng loạt hô lớn “Bớ ông Đình! ông Năm Chèo dậy!”(vì sấu dữ có 5 chân, trông gần giống 5 mái chèo dùng để chèo xuồng), tức thì con sấu thần biến mất.
Nhưng để trừ hậu họa về lâu, ông Đình về Láng Linh rình bắt sấu hoài mà không gặp. Lần sau cùng, ông Đình mới vừa nói, vừa như hăm dọa :”Nếu sấu thần chưa tới số, thì từ nay nên yên lặng, đừng nổi lên phá hoại xóm làng. Còn như mạng căn đã hết, thì hãy sớm chịu oai trời, đừng để phải phiền ta!” !
Từ đó, ông Năm Chèo không còn xuất hiện miệt Láng Linh nữa, nhưng dân thương hồ và chài lưới thời bấy giờ đều ớn ông, vì sợ có ngày ông sẽ dậy lên nhận chìm xuồng ghe mỗi khi phải đi ngang qua các khúc sông đó…
BÙI THỤY ĐÀO NGUYÊN
Tài liệu tham khảo:
- Nửa tháng trong miền Thất Sơn - Nguyễn Văn Hầu
- Cá tính miền Nam - Sơn Nam.