Triều đại nhà Trần là một trong những triều đại mà Phật giáo được phát triển rực rỡ. Cùng với nhà Lý, giai đoạn Lý Trần đã để lại dấu ấn một thời vàng son của Phật giáo Việt Nam.
Do đâu mà dưới hai triều đại này Phật giáo lại đạt tới đỉnh cao đó? Lý giải câu hỏi trên không dễ dàng, bởi vì đó chính là kết qur tổng hợp của nhiều nhân tố, trong điều kiệ lịch sử và bối cảnh xã hội Việt Nam thời bấy giờ, cùng với tính chất của Phật giáo Việt Nam, trong đó sự thể hiện tuyệt vời về đường lối, tư tưởng Phật giáo qua hoạt động của các tăng sĩ đời Trần quả đã có một ý nghĩa to lớn. Có thể nêu lên một vài nét, góp phần nhỏ vào viêc lý giải câu hỏi trên.
Không phải đợi đến thời Trần, Phật giáo ở Việt Nam mới thể hiện tính chất hợp thế. Từ trong bản thân Phật giáo, tính chất “khế lý, khế cơ”, sự tùy thuận theo từng quốc gia và dân tộc đã có sẵn. Khi đi vào Việt Nam, đạo Phật đã kết hợp giáo lý của mình với truyền thống của dân tộc Việt Nam, và trong từng giai đoạn tổ chwacs xã hội mỗi thời kỳ, tính tích cực nhập thế này được thể hiện nhiều hay ít.
Thời Trần, có thể được gọi là thời đại của một tông phái giáo duy nhất, xuất phát từ núi Yên Tử. Trải qua cá triều vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông... Phật giáo Trúc Lâm, với nền Phật giáo nhập thế đã đưa đạo Phật đời Trần lên đỉnh cao, tiêu biểu cho tinh thần nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ra đời. Tinh thần nhập thế thể hiện qua lời nói và hành động của Thiền sư, mà cũng đồng thời là vị vua cai trị muôn dân; qua câu nói bất hủ của các vị quốc sư trú trì trên dãy Yên Tử khuyên Trần Thái Tông, khi vua muốn từ bỏ ngai vàng lên tu tại chùa Hoa Yên “Phàm là đấng làm vua cai trị muôn dân, thì phải lấy ý muôn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình” (1). Sự kiện vua Nhân Tông sau khi đổi pháp hiệu Trúc Lâm, đã đi “Vân du hành đạo”, khuyên dân xóa bỏ dâm từ (thờ thần lõa thể, và sinh lực khí...” tu hành giáo lý thập thiện,... cho thấy Phật giáo đời Trần đi sát vào việc cải tạo xã hội. Tinh thần nhập thế này còn được thể hiện qua sự tha thiết của Trúc Lâm trong việc tìm người xứng đáng kế thừa sự nghiệp hành đạo nhập thế của mình; qua việc tổ chức chu đáo buổi lễ truyền y pháp cho Pháp Loa, và đồng thời thể hiện chủ ý của Trúc Lâm muốn đặt cơ sở vững chắc cho một nền Phật giáo thống nhất và nhập thế tại Việt Nam, xây dựng một giáo hội mới trên căn bản kêu gọi thập thiện chính là Trúc Lâm muốn coi giáo lý căn bản của đạo Phật, và lấy giáo lý này làm cơ bản cho nền đạo đức xã hội.
Thời Trần còn có Tuệ Trung, người được vua Thánh Tôn khâm phục, gọi là Thượng sĩ. Khi hay tin giặc Nguyên xâm lược nước ta, Thượng sĩ rời khỏi Thiền lâm ra trận. Truyền thống “Hòa quang đồng trần” (dấn thân và hòa mình vào cuộc đời để phụng sự) đã được Thiền sư Thường Chiếu soi rọi, truyền trao lại cho đệ tử. Nguyên tắc “tùy tục” (làm giống như cuộc đời) là nguyên tắc đòi hỏi người thực hiện phải đạt được trình độ cao, “hòa”vào chứ không “đồng”.
Người ấy lúc nào cũng như một đóa sen sống giữa cuộc đời nhưng vẫn giữ được sự thanh khiết và vươn lên khỏi bùn nhơ. Tư tưởng đó được xem như tư tưởng chủ đạo trong đạo Phật thời Trần, và đã đưa đến câu nói của một con người đang trong danh lợi cuộc đời, xem ngôi vua chỉ là chiếc giày rách! Trong bài “Phổ khuyến phát bồ đề tâm” Thái Tông đã viết: “Công danh cái thế chẳng qua là một giấc mộng dài, phú quý kinh người, khó tránh “vô thường” hai chữ” (2).
Thao thức và trăn trở tìm cho Phật giáo Việt Nam một nét mới mang tính dân tộc, không lệ thuộc và ảnh hưởng nặng nề các nền văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ và Trung Quốc du nhập vào, là một trong những đặc điểm của Phật giáo thời Trần. Tinh thần này bàng bạc trong suốt nghi thức “lục thời sám hối khoa nghi”. Đây là một sám pháp gọn gàng, thực tiễn và đẹp đẽ so với các nghi thức như Từ Bi Thủy Sám đã không thua mà lại còn có thể đẹp đẽ và thực dụng hơn (3). Tinh thần đó còn được thể hiện qua Đại Tạng Kinh triều Trần. Sách còn ghi lại hiện tượng hiến máu để in Đại Tạng Kinh năm 1319, trên 5.000 quyển. Ấn bản này do Bảo Phác chủ trương, đã bỏ đi một số kinh mục không thông dụng. Sách “Tam Tổ thực lục” có chép rằng vua Anh Tôn cho viết và khắc bản tác phẩm của Trúc Lâm để vảo Đại Tạng Kinh, điều đó cũng có nghĩa rằng Đại Tạng Kinh của Phật giáo thời Trần và cũng là của Phật giáo Việt Nam đã có những nét riêng, đã thể hiện tư tưởng của Trúc Lâm trong ấy.
Một điều có thể thấy rõ là dù cho Phật giáo thời Trần phát triển rực rỡ nhưng tinh thần Phật giáo vẫn chưa thực sự được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. “Lục thời sám hối khoa nghi”của Trần Thái Tông vẫn chưa được nhiều người sử dụng bằng Dược Sư, Thủy Sám, Hoàng Sám... của Trung Quốc. Mặt khác sự kiện Thiền sư Huyền Quang, vào cuối đời mình, không còn tiếp tục đặt quan hệ mật thiết với các vua trong triều (4) do đó có nhiều sự mâu thuẫn phân hóa nơi đó, đã làm cho tư tưởng Phật giáo dần dần không còn gắn với mọi hành động có tính cách chỉ đạo, định hướng như trước kia nữa. Các vị Thiền sư, thông qua một tổ chức giáo hội mới, chưa thục sự cắm rễ, tư tưởng Phật giáo thời Trần trong nhân dân. Tất cả nững điều đó góp phần đem lại sự suy yếu về mặt ảnh hưởng của Phật giáo, để nhường bước cho Nho giáo.
Tuy vậy, tinh hoa của Phật giáo thời Trần qua năm tháng có sự tiềm ẩn trong điều kiện có sự thống trị mạnh mẽ của Nho giáo cũng đã được thể hiện lại dưới một màu sắc mới mẻ, trong một bối cảnh xã hội giữa thế kỷ XIX, mang đặc trưng của một nền Phật giáo dân gian, đậm tính chất địa phương và bộc lộ rõ tinh thần nhập thế. Đó là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, do Đoàn Minh Huyên sáng lập (5) năm 1849, dựa trên căn bản “chú trọng về cư sĩ tại gia” và chủ trương chuẩn bị giai đoạn nhập thế để tiến dần đến xuất thế. Tông phái này còn tự cho rằng: “Bửu Sơn Kỳ Hương là hóa thân hay hậu thân của Trúc Lâm Yên Tử” (6) và cho rằng đây là giai đoạn nhập thế, nên xướng xuất pháp môn “tu nhân, học Phật”. Với pháp môn này, nhập thế được thể hiện qua việc là tròn 4 ân lớn: “Ân tổ tiên cha mẹ, ân Tổ quốc, ân Tam Bảo, ân đồng bào và nhân loại”. Với pháp môn này, Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đã nêu bật nghĩa vụ của một con người đối với gia đình, đất nước, con người thấy mình có những trách nhiệm cần phải hoàn thành, cần phải dấn thân vào đời, xem đời là phương tiện thể hiện con đường đạo. “Tu nhân” theo quan niệm của Bửu Sơn Kỳ Hương là rèn luyện con người sống thiện để tạo một xã hội an lạc tại thế gian. Nhờ gắn được mối quan hệ giữa đạo và đời, nên trong một thời gian ngắn, Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đã tạo được ảnh hưởng khá sâu rộng trên địa bàn Nam Bộ. Khi Pháp đặt chân đến Việt Nam xâm lược, hầu hết khối tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đều khởi lên phong trào chống Pháp. Nhiều đạo sĩ vốn là đệ tử của Đoàn Minh Huyên đã tham gia kháng chiến, và tạo được ảnh hưởng nhất định đối với quần chúng, như Trần Văn Thành (Cố Quản) với cuộc khởi nghĩa Láng Linh Bảy Thưa (1867 - 1873).
Với chủ trương “Phật tại tâm” nên Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ thờ trần điều làm biểu tượng chính. Không thờ tượng cốt, bác bỏ hẳn những điều phiền toái trong nghi lễ, giản dị hóa cách thờ cúng. Sự đơn giản và phổ cập các giáo điều căn bản trong giáo lý nhà Phật là một nét đặc biệt của Phật giáo Việt Nam và cũng là tinh thần của Phật giáo thời Trần.
Tính chất nhập thế của Bửu Sơn Kỳ Hương cũng được thấy rõ qua việc góp phần tăng cường sản xuất nông nghiệp. Nông dân Bửu Sơn Kỳ Hương đã đi khai hoang lập ấp. Các trại ruộng ở Thới Sơn (Tịnh Biên An Giang), ở Láng Linh (Châu Phú An Giang) thể hiện tinh thần lao động khai hoang của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương.
Tóm lại, có thể nói yêu nước, yêu dân là một đặc trưng nổi bật trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Kết hợp được tư tưởng “lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” trong tư tưởng Phật giáo với truyền thống này và đưa tư tưởng ấy vào cuộc đời, biến thành hành động cụ thể, thông qua những con người Việt Nam yêu nước, thương dân, dù là một tu sĩ, hay là một vị vua, thì xã hội ấy sẽ được phát triển, đạo pháp sẽ được hưng thịnh. Ở đâu và lúc nào mà sự kết hợp hai yếu tố thuần thục, thực hiện hai yếu tố ấy nhuần nhuyễn, giai đoạn ấy, thời ấy đạt được đỉnh cao của thời kỳ vàng son, chói lọi trong Phật giáo, và ngược lại, sự suy thoái là điều hiển nhiên không tránh khỏi. Đó là bài học về sự kết hợp và vận dụng tinh hoa trong truyền thống dân tộc để phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc. Bài học ây cho đến nay vẫn còn ý nghĩa.
TRẦN HỒNG LIÊN