Cho đến nay, Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn
còn là một đề tài nghiên cứu thu hút khá nhiều nhà khoa học, mặc dù đã có không
ít công trình sách, luận án, tham luận khoa học được trình bày tại các buổi toạ
đàm, hội thảo... Nhiều vấn đề hiện vẫn còn được tiếp tục tìm hiểu; nhiều ý
kiến khá khác biệt nhau, xoay quanh việc tìm hiểu về Bửu Sơn Kỳ Hương. Đó là
một điều lý thú và cần thiết. Dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau, nhiều
chuyên ngành riêng biệt, đồng thời cũng cần sử dụng phương pháp liên ngành,
chắc chắn đạo / giáo phái (secte religieuse / religious sect) Bửu Sơn Kỳ Hương
sẽ ngày càng được phân tích, đánh giá và tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác
hơn.
Bài viết này cũng tiếp tục trên phương hướng ấy để góp phần vào việc tìm
hiểu những đặc điểm của một giáo phái mang tính đặc thù của một khu vực và qua
đó, phần nào hiểu rõ hơn về đặc trưng tộc người Việt dưới góc độ đời sống văn
hoá tinh thần.
Một trong những đặc điểm nổi bật,
quan trọng và có tính bao quát toàn bộ giáo lý cũng như hoạt động thực tiễn của
đạo, có lẽ là tính nhân đạo.
Tính nhân đạo ở đây cần được hiểu
là đạo lý làm người, phải sống sao cho xứng đáng một con người, con người thấy
mình có nghĩa vụ và quyền lợi, con người ấy phải biết tri ân và báo ân. Toàn bộ
hệ thống tư tưởng lớn ấy, được nêu lên một cách bình dị, đơn giản và gần gũi.
Đó là việc khuyên người dân hãy “học Phật, tu nhân”, để được sống thiện, sống
đúng đạo lý đối với gia đình, xã hội:
“Nhiệm mầu vui đạo Thích Ca
Thiền môn hứng chí Di Đà lòng
chuyên
Nương thuyền bát nhã cho yên
Vào non ngũ uẫn tín thiền sùng tu
Hiếu trung trọn giữ một câu
Bãi tiên suối hạc cầm câu đợi
chờ...”
Tu nhân đạo tức tu phước, là hành
sử Tứ Ân, rèn luyện con người sống thiện để tạo một xã hội an lạc tại thế gian
và bốn trọng ân (tứ đại trọng ân) không thể không đền đáp là: Ân cha mẹ, ân
đồng bào, ân Quốc vương thủy thổ và ân Tam bảo.
Đạo lý làm người ở đây chính là
sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, của dân tộc. Đó là tinh thần đoàn
kết, yêu thương giữa đồng bào, nhân loại, là những điều đã trở thành ca dao,
tục ngữ, đã đi vào tâm hồn dân tộc :
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương
nhau cùng”
Câu ca dao ấy đã được hình tượng
bằng bức trần điều, như là một biểu tượng tối cao của ngọn cờ tập họp để trở về
nhân đạo tính.
Đạo lý làm người ở đây cũng là tư
tưởng thể hiện thành ca dao: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ kẻ trồng
cây”... do đó, để làm tròn bổn phận một con người trong xã hội, phải biết báo
ân
"Sanh tại tiên hiếu song thân
Một hậu vi nghĩa ân cần sớm mai”
Đạo lý ấy được bộc lộ qua những
dòng thơ lục bát, bình dị, dễ nhớ dễ thuộc, dễ đi vào lòng người thuộc mọi tầng
lớp và thành phần xã hội, đặc biệt là người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long.
Con người tròn nhân đạo, theo Phật Thầy Tây An là biết giữ trọn tứ ân (ơn cha
mẹ, ơn đồng bào, ơn Quốc vương Thủy Thổ và ơn Tam bảo), phải có lòng tôn trọng
thầy, quí bạn, sống đúng đạo vợ chồng, chăm lo con cái...
Tính sáng tạo trong đạo Bửu Sơn
Kỳ Hương cũng được thể hiện rõ nét. Đó là kết quả của một quá trình dài cư dân
đồng bằng sông Cửu Long đã thực nghiệm, đã sống và trải qua nhiều cảnh đời,
nhiều thế hệ tiếp nối của tổ tiên từ miền Trung di dân vào. Kinh nghiệm đó được
cha ông truyền lại, cùng với bối cảnh kinh tế – xã hội của nữa cuối thế kỷ XIX
đã hun đúc trong người dân tại đây nhiều khát vọng. Sự bế tắc về đời sống tinh
thần, khi đạo Nho phai nhạt, cùng với sự xa rời kinh đô cũ về vùng đất mới, mà
tín ngưỡng Phật giáo thì lại có quá nhiều nghi thức cầu cúng tốn kém và nặng về
hình thức. Giữa thế kỷ XIX (1850), phong trào ứng phú đã phát triển rầm rộ tại
trung tâm Gia Định là chùa Giác Viên, trong khi đó, vùng đồng bằng sông Cửu
Long với địa thế âm dương hòa hợp (với khu vực thấp của Láng Linh và dãy Thất
Sơn cao thâm huyền bí) đã thúc đẩy ông Đoàn Văn Huyên đi tìm một con đường
(đạo), giúp dân sống an lạc, thái bình.
Qua lao động, vốn là nếp sống của
dân tộc nhiều thế kỷ qua, ông đã tạo được một phong trào khai hoang rộng khắp.
Để có được một phong trào quần chúng rộng lớn như vậy, Đoàn Văn Huyên đã thu
phục được nhân tâm, lòng tin và cả sự biết ơn của người dân nhiều vùng từ cơn
dịch tả năm 1849. Dùng phù chú và dược thảo để trị bệnh, chẳng qua đó cũng là
một sự sáng tạo, giúp người bệnh thêm tin tưởng, đem lại sự yên ổn về tinh thần
cho cư dân trong cơn khủng hoảng vì nạn chết dịch.
Tính sáng tạo còn được thể hiện
qua hoạt động thực tiễn của đạo, đã dung hợp nhiều tôn giáo (Khổng, Phật, Lão
), đã biết kế thừa tinh hoa trong truyền thống như đạo thờ cúng tổ tiên, lòng
biết ơn anh hùng liệt sĩ, tính cần cù, yêu lao động ... để đưa lên quan niệm về
“tứ đại trọng ân”, dùng nó như chiếc chìa khoá để khơi mở nhiều đức tính quý
báo của dân tộc : lòng yêu nước, tình thương nhân loại, tính đoàn kết ... Sự
sáng tạo ấy còn được kết hợp với giáo lý vi diệu của Phật giáo để hành động tùy
thời, tùy lúc. Đạo Phật gọi đó là “tuỳ duyên hoá độ”.
Tính tuỳ duyên ấy đã góp phần
giải thích cho chúng ta về sức thu hút mạnh mẽ của những bài kệ, bài sám do
Phật Thầy đưa ra. Người dân ngâm nga sám giảng trên sông nước vào những buổi
chiều tà, xem như một hình thức ca hát giải trí, lại như là những câu kinh nhựt
tụng khuyến thiện, trừng ác cần phải nhớ, phải thuộc nằm lòng.
Giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương được thể
hiện trên ba nét chính, với yêu cầu làm thế nào vừa dễ hiểu, dễ áp dụng, vừa
đạt kết quả mau chóng. Đó là đặc điểm của pháp môn tu tắt : Phải tùy duyên hoá
độ, hành sử Tứ Ân và áp dụng Thiền - Tịnh song tu.
Nếu như trong Phật giáo quan niệm
không có đấng thần linh nào ban phước giáng hoạ thì trong Bửu Sơn Kỳ Hương lại
có thần linh đầy huyền năng thưởng phạt qua hội Long Hoa
“Long Hoa thắng hội tiêu diêu
Dữ lành đến đó mai chiều sẽ hay”
Trong điều kiện sống ở vùng sông
nước, cần giải quyết miếng cơm manh áo, Phật Thầy đã kế thừa được tư tưởng
“biện tâm” của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, xem hình thức bên ngoài
không phải là quan trọng, là cốt lõi. Từ đó tinh thần “vô vi” trong Bửu Sơn Kỳ
Hương đã đưa đến sự đơn giản hoá trong thờ cúng và “phá chấp” 6 trong hình
tướng của người theo đạo : Mọi người đều là cư sĩ. Chính sự đơn giản, bình dị
trong sinh họat và hành đạo, là sự thể hiện đặc điểm, tính chất của Phật giáo
Việt Nam.
Ở mỗi quốc gia mà đạo Phật đã đến nó đều mang tính dân tộc ở nơi đó rõ nét.
Nhưng vấn đề không phải là trong Phật giáo Việt Nam cũng như trong Bửu Sơn Kỳ Hương
mới có sự hội tụ cả ba tông Thiền, Tịnh, Mật ấy. Nhiều nước ở Châu Á đều có dấu
ấn của ba yếu tố này. Nhưng kết hợp nó, đưa nó vào trong mỗi hoàn cảnh lịch sử
cụ thể của từng lúc, từng nơi và sử dụng yếu tố nào là trội bật trong tình
huống nào để đem lại kết quả tích cực nhất, và khơi dậy được sức sống của dân
tộc nhiều nhất thì đó mới là bản sắc văn hoá của dân tộc.
Những yếu tố của Thiền tông, Tịnh
độ tông đã được Phật Thầy Tây An sử dụng như một phương tiện nhằm cũng cố niềm
tin thiêng liêng và lòng tự hào dân tộc. Dùng Mật tông với phù chú chữa bệnh để
tạo niềm tin được khỏi bệnh; dùng pháp môn niệm Phật của Tịnh Độ tông để khuyên
sống thiện, tránh điều ác, dùng Thiền tông để nâng cao nhận thức, khai mở trí
huệ... kêu gọi “Tứ Ân” với ân đầu tiên nhất chính là ân tổ tiên cha mẹ. Tổ tiên
đó, cụ thể của dân tộc ta là con rồng cháu tiên; là Lạc Long Quân với mẹ Âu Cơ.
Đưa ân tổ tiên, cha mẹ lên cao nhất phải chăng Phật Thầy Tây An muốn xác định
lòng tự hào về nòi giống của dân tộc và cũng cố niềm tin với tổ quốc, với dân
tộc cho cộng đồng cư dân nông nghiệp ở cuối vùng đất nước... ?
Kế thừa tinh hoa của tinh thần
nhập thế Phật giáo thời Trần, của Tuệ Trung thượng sĩ, trong một hoàn cảnh mới,
ở một vùng đất mới, phải chăng Phật Thầy muốn qua đó nêu cao tính chất đặc
trưng tộc người Việt qua việc tiếp nhận Phật giáo và cải biên nó cho phù hợp
với truyền thống dân tộc.
Một giáo thuyết, một hệ tư tưởng
vừa mang tính nhân đạo, hàm chứa trong nó sức sáng tạo phong phú và mang đậm
tính chất dân tộc như đạo Bửu Sơn Kỳ Huơng, lại được hưởng ứng nồng nhiệt của
người nông dân Nam Bộ, bởi vì trong nó đã bộc lộ tính chất địa phương sâu sắc.
Không thể phủ nhận một sự vật tồn tại, ngoài tác động của qui luật phổ biến
mang tính thống nhất, còn có cả những nét đặc thù, riêng biệt của một vùng đất,
một cộng đồng. Tìm hiểu lại nhiều nguyên nhân đưa đến sức thu hút mạnh mẽ của
đạo đối với người nông dân Việt miền Tây Nam Bộ, có thể dễ dàng nhận thấy đó
chính là vì đạo Bửu Sơn Kỳ Hương xuất hiện đã đáp ứng, thỏa mãn được nhiều khát
vọng của họ. Chỉ riêng những bài sám giảng bằng văn vần lục bát, đã in đậm
trong tâm trí người nông dân vốn sống bằng nghề sông nước. Tiếng ngân nga trầm
bổng của câu thơ dễ hoà hợp vào cảnh trời nước bao la, và khi gần gũi với thiên
nhiên như vậy, con người thường mở rộng cõi lòng ?
Tóm lại, có thể thấy rằng, với
bốn đặc điểm cơ bản nhất được đề cập là tính chất nhân đạo, tính sáng tạo, tính
dân tộc, tính địa phương... đã làm cho đạo Bửu Sơn Kỳ Hương trở thành một đạo
giáo riêng có ở đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có trong cộng đồng tộc người Việt.
Bốn đặc điểm ấy, trong đó có tính chất nhân đạo (đạo lý làm người ) là đặc điểm
cơ bản hội tụ được tinh hoa truyền thống dân tộc, đã làm cho Bửu Sơn Kỳ Hương
trở thành riêng biệt đặc thù.
Bốn đặc điểm chính vừa nêu cũng
là đặc điểm mang tính phổ quát của Phật giáo ở Việt Nam. Tính thống nhất và đặc thù ấy
đã làm cho Bửu Sơn Kỳ Hương vừa mang nét chung của Phật giáo vừa lại là một đạo
giáo riêng biệt. Chính tính chất sáng tạo và địa phương sâu sắc ấy đã làm nẩy
sinh nhiều nhận định khác biệt về đạo giáo này trong quá trình tìm hiểu nó.
Nhưng dù đã được định danh và đánh giá bởi nhiều ngôn từ và khái niệm không
giống nhau, Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn hiện diện bằng một sức sống bền bĩ, trở thành
nếp sống đạo đặc thù của cư dân Việt miền Tây Nam Bộ, với tư cách là một tín
ngưỡng của vùng đất chứa đựng tinh hoa sau cùng của nhiều lớp di dân, xứng đáng
tiêu biêu cho nền đạo nước nhà.
TRẦN HỒNG LIÊN