Năm Kỷ Mão (1879), Đức Bổn Sư bảo đệ tử lên núi Dài đem cây
cam đàn (một loại cây gỗ quý hiếm) về cưa ra, chọn người giỏi trong hàng thợ
khéo của tín đồ của Bổn Sư đóng thành ngôi Long Đình (Long vị) do ngài vẽ kiểu
và cho thước tấc.
Đóng xong, ngài cho khiêng vào để giữa chùa Tam Bửu. Trên đó
còn có cặp gối mặt thụt (loại gối xưa), một cặp thước “Lỗ Ban Xích” và bản
tiền, bản phái. Trong hàng Bá gia tưởng rằng ngài sẽ dùng để tham thiền nhập
định. Không ngờ ngài rất tôn kính như dùng để thờ một đấng bề trên đang vắng
mặt.
Bá gia (Đức Bổn Sư gọi tín đồ) khắp nơi về đây quy y thọ
phái quá đông. Trong số nầy rất nhiều dư đảng Cần Vương kháng Pháp. Từ đó, giặc
Pháp theo dõi, bắt bớ đày ải khủng bố đốt chùa - miễu nhiều lần. Nặng nhất là
lần pháp nạn năm Ất Dậu (1885). Do Đốc Phủ Trần Bá Lộc hướng dẫn giặc Pháp và
thân binh vào đây đốt nhà cửa, tàn sát những người mến đạo và yêu nước. Phá
hoại hầu hết cơ sở tín ngưỡng, chở đem đi tất cả những gì người đạo quý trọng
trong đó có ngôi Long Đình.
Từ đó Bá gia không biết vật báu thiêng ấy còn hay đã bị giặc
phá hủy nên hợp nhau lại đóng ngôi Long Đình khác. Tuy không giống hẳn và khéo
bằng ngôi trước, nhưng cũng tạm để nơi nền cũ mà phụng thờ (hiện nay còn tại
chùa Tam Bửu, ở phía trước đang thờ Đức Phật Vương) như Đức Bổn Sư còn tại thế.
Đến năm 1935, không biết vì lý do gì mà Trần Bá Tư (con trai
Trần Bá Lộc) nghe nói hằng đêm hắn thường thấy ác mộng nên không dám để nhà mới
chở ngôi Long Đình đem hiến vào Viện Bảo Tàng Sài Gòn. Từ đó người lạ không
biết mới gọi là “Long sàng Gia Long”. Sau Hội Đồng Liên Phái Bửu Sơn Kỳ Hương
dựa vào sấm giảng (1), lấy đó làm dấu tích mặc dù ngôi Long Đình đã biến
thành công sản quốc gia.
Vào ngày 8 tháng 5 năm 1970, các hệ phái thuộc Phật giáo Bửu
Sơn Kỳ Hương, với danh xưng Hội Đồng Liên Phái Trung Ương do ông Nguyễn Đắc Cơ
và Trần Văn Phúc ký tên gởi thỉnh nguyện thư xin ngôi Long Đình về chùa Tam
Bửu, đồng thời đăng tải trên báo chí kể rõ nguồn cội ngôi Long Đỉnh và yêu cầu
hầu hết các cơ quan hữu trách về văn hóa, nhờ cứu xét lại trường hợp ngôi Long
Đình mà quy hoàn lại cho tôn giáo.
Đến ngày 21.11.1970, ông Trần Văn Ân phụ tá đặc biệt nghiên
cứu Chánh trị Văn hóa Phủ Tổng Thống trình bày lý do khúc chiết của ngôi Long
Đình, nên Tổng thống chấp thuận hoàn trả lại cho chùa Tam Bửu của hệ phái Tứ Ân
Hiếu Nghĩa tại núi Tượng Thất Sơn (Châu Đốc).
Vì thủ tục có nhiều khó khăn, mãi đến ngày 06.04.1971 Tổng
thư ký Phủ Thủ tướng mới ký văn thơ ban hành theo lệnh Tổng thống.
Đến ngày 11.5.1971, Giáo hội Bửu Sơn Kỳ Hương - Tứ Ân Hiếu
Nghĩa cử hành lễ cung thỉnh ngôi Long Đình ra khỏi Viện Bảo Tàng Sài Gòn.
Đại diện chánh phủ có ông Trần Văn Ân ký giao hoàn, đại diện
Tứ Ân Hiếu Nghĩa ông Nguyễn Đắc Cơ nhận lãnh.
Còn cặp Long Trụ… còn ở viện bảo tàng Paris, Pháp.
Ngày 12.5.1971, đoàn xe cung nghinh Ngôi Long Đình khởi hành
từ Sài Gòn về Châu Đốc đặt tại đây một đêm cho thiện tín chiêm bái.
Ngày 13.5.1971, đoàn xe cung nghinh Ngôi Long Đình khởi hành
từ Châu Đốc về núi Tượng, chùa Tam Bửu.
Bảng lưu niệm nhận lãnh Ngôi Long Đình
Bảng đề
Bảo tàng viện
Giao lãnh Long Đình
Giám đốc Viện Bảo tàng : Ông Nghiêm Phẩm, giao.
Viện trưởng Viện Chỉ đạo : Ông Nguyễn Đắc Cơ, lãnh.
Phụ tá văn hóa chính trị : Ông Trần Văn Ân, chứng.
Ông Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao công VIỆT NAM : Ông Trần
Quốc Bửu, kính tặng.
Ông Nguyễn Đắc Cơ
Viện Trưởng Viện Chỉ Đạo Liên Phái Bửu Sơn
Kỳ Hương
Ngày 14, 15.5.1971 (20, 21.5 năm Tân Hợi), Ban tổ chức Giáo
Hội Phật giáo BSKH Tứ Ân Hiếu Nghĩa cử hành đại lễ an vị ngôi Long Đình và
khánh thành tại ngôi chùa Tam Bửu.
Một bài thơ của bà lão kỷ niệm ngôi Long Đình :
Bao giờ đến hội Long Hoa
Lân nhào, Phượng múa mới ra thái bình
Bây giờ có hội Long Đình
Chắp tay cầu nguyện nước mình thảnh thơi
PHƯỚC ĐỒNG