Trần Văn Nhu sinh ra trong thời buổi đất nước bước vào giai
đoạn suy yếu tột độ và thực dân Pháp đang đe dọa xâm lược nước ta. Giữa lúc ấy,
triều Nguyễn ra lệnh thực hiện các chính sách đồn điền tại An Giang. Gia đình
ông là một trong các di dân lập làng đến An Giang.
Lần đầu tiên Phật Thầy Tây An (tên thật Đoàn Minh Huyên) và
Đức Cố Quản Trần Văn Thành đã đến trung tâm Láng Linh (nay thuộc xã Thạnh Mỹ
Tây, huyện Châu Phú) lập một trại ruộng để khai khẩn đất hoang, đặt tên là
Bửu Hương các (Bửu Hương: tên đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ; các: ruộng), người dân
quen gọi là trại ruộng Phật Thầy (1) (ngày nay ghi là trại ruộng Bà Nguyễn Thị
Thạnh ?!).
Tài liệu truyền miệng cho biết: Cậu Hai Nhu rất giỏi chữ Nho
(chữ Hán) và giỏi võ nghệ. Nhưng không thấy đề cập mức độ khai khẩn vùng đất
này. Thậm chí đóng vai trò như thế nào trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa ? Chúng
ta chỉ nghe nói đến Trần Văn Chái (Tư Chái) và các ông Đội. Nhưng từ sau cuộc
khởi nghĩa Bảy Thưa thì trong gia đình Đức cố Quản Trần Văn Thành có hai người
đóng vai trò quan trọng trong việc khai phá và mở mang làng Thạnh Mỹ Tây huyện
Châu Phú sau này: Bà Nguyễn Thị Thạnh (vợ Quản Cơ Trần Văn Thành) và con trưởng
nam: Trần Văn Nhu.
Sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, gia đình Đức Cố Quản Trần Văn
Thành về trú ngụ tại Bửu Hương các mà xưa kia Đức Cố từng khai phá. Vào thời buổi
đó chưa có kênh xáng Vịnh Tre (kênh Tri Tôn do Pháp đào vào những năm 30 của Thế
kỷ XX) thông vào. Con đường duy nhất đi vào Bửu Hương các lúc này chỉ có rạch
Cái Dầu.
Sống trong điều kiện khắt nghiệt, hầu như bị cô lập vớí bên
ngoài. Nhưng người trong dòng tộc, gia đình và các nghĩa binh kể cả tín đồ
trong đạo vẫn trụ được nơi miền đất Láng khắt ngiệt cũng là điều dễ hiểu. Dù
không bạo động chống Pháp, nhưng tinh thần không hợp tác với giặc là quan niệm
sống của người dân đất Láng vẫn được duy trì khá lâu đối với cư dân vùng đất mới.
Lúc đầu nơi đây chỉ có vài gia đình. Về sau số dân trong
vùng tăng lên . Nguồn gốc đều là dân tứ xứ đến lập nghiệp. Thực tế cuộc khởi
nghĩa Bảy Thưa thất bại và bị đàn áp, nhưng dấu ấn ấy vẫn còn âm vang, người ngưỡng
mộ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn đến. Cuộc sống của Ông Hai Nhu không chỉ bình thường,
mà ông tiếp tục hành Đạo theo tôn chỉ của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương: phát phù
trị bệnh cho dân trong vùng và tiếp tục kết nạp tín đồ bằng phân phát lòng
phái, với tờ giấy vàng với bốn chữ son: Bửu Sơn Kỳ Hương. Lúc bấy giờ việc phát
phù trị bệnh lôi kéo tín đồ là việc làm nguy hiểm. Vì thực dân Pháp đã nghiêm cấm
Đạo Lành (Đạo Thành) hoạt động. Nhưng ông Hai Nhu bất chấp nguy hiểm vẫn tiếp tục
hành đạo. Nhiều người mộ đạo đến quy y và lập nghiệp. Xóm Láng ra đời. Ho sống
theo tinh thần “đói ăn rau, đau uống thuốc”. Mương Ông – Bà ( để chỉ ông Hai
Nhu và Bà Cố Quản) được đào để lấy nước uống và sinh hoạt, trồng dâu nuôi tằm.
Dần dần dân trong vùng nạo vét nối liền với rạch Cái Dầu.
Năm 1899 bà Cố Quản qua đời, ông Trần Văn Nhu tiếp tục chuẩn
bị xây dựng Bửu Hương tự. Nhân ngày 22 tháng 2 ÂL (1913), kỷ niệm 40 năm
ngày cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa thất bại, thực dân Pháp được mật báo, chúng bố
trí lực lượng bí mật từ Châu Đốc xuống Cái Dầu và tiến vào đất Láng đàn áp Bửu
Hương tự. Qua cuôc bố ráp ấy chúng bắt đi 83 người và triệt phá Bửu Hương tự.
Cuối cùng chúng kết án 56 người và đài đi Côn Đảo 20 người. Ông Trần Văn Nhu trốn
thoát (2). Ông được người thân cận đưa ra Cái Dầu định đến Campuchia, nhưng
không rõ lý do nào đó ông quyết định về Cần Thơ và cuối cùng về Trà Bang (Rạch
Giá) rồi mất tại đó năm 1914 (3).
Trong dân gian hiện nay có thói quen gọi Bửu Hương tự là
chùa Nhà Láng. Vì sao có tên gọi ấy ? Theo lời kể các vị bô lão ngày xưa muốn lập
làng phải có người đứng ra bảo lãnh và làng phải có đình thần. Vì vậy nhiều người
trong đất Láng muốn hợp thức hóa với chính quyền thực dân xin phép lập đình
làng Thạnh Mỹ Tây. Trên thực tế là xây dựng Bửu Hương tự. Nhưng do quy mô
chùa Láng lúc đó nhỏ, làm bằng tre lá. Theo quan niệm của Bửu Sơn Kỳ Hương là
tu tại gia nên chùa nhiều khi là nhà. Bên cạnh đó có ý kiến cho rằng để tránh sự
dòm ngó của chính quyền thực dân nên gọi chùa Nhà Láng. Khi chính quyền đến xét
hỏi thì nói đây là nhà chứ không phải là chùa. Láng là xuất phát từ Láng Linh.
Vì vậy khi nói đến ông Trần Văn Nhu thì dân trong vùng quen gọi là ông Hai nhà
Láng.
Suy cho cùng, đối với ông Hai nhà Láng không có những chiến
công oanh liệt như Đức Cố Quản Trần Văn Thành. Nhưng ông đã để lại dấu ấn rất đặc
biệt ở vùng Láng Linh không phải từ việc phát phù trị bệnh mà chính là hành động
nhân sinh: quy tụ nhiều người đến trú ngụ và lập ra làng Thạnh Mỹ Tây. Ông là một
trong những người chủ trương xây dựng Bửu Hương tự mà nay trở thành di tích được
xếp hạng cho nhân dân trong vùng và khắp nơi đến chiêm bái và ghi ơn công đức của
nghĩa binh Gia Nghị và Quản cơ Trần Văn Thành. Ông xứng đáng được ghi ân như những
người có công khai hoang vùng Láng Linh và làm tiền đề cho sự phát triển
vùng sâu thuộc huyện Châu Phú sau này.
VÕ THÀNH PHƯƠNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Trần Thu Lương – Võ Thành Phương – Khởi nghĩa Bảy Thưa, NXB TP.HCM 1999.
(2) UBND tỉnh An Giang – Địa chí An Giang, Sở VHTT An Giang 2003.
(3) Võ Thành Phương – Tìm hiểu An Giang xưa, Văn nghệ An Giang 2004.