* Vị trí – Địa điểm: Nằm tại ấp Hưng Trung, xã Đào Hữu
Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.
* Giới thiệu chung: Đây là một ngôi chùa nhỏ, kiến trúc
đơn sơ với mái thiếc và vách ván, được xây dựng dạng nhà sàn chống lũ cho phù hợp
với vùng đất thấp thuộc khu vực trũng nhất của tỉnh An Giang.
Vào nửa cuối thế kỉ XIX, chùa được dựng lên để che mắt giặc
Pháp, tránh sự ruồng bố và phá rối căn cứ kháng chiến chống Pháp của Đức Cố Quản
Trần Văn Thành sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Năm 1930, để giữ lại vết tích quan
trọng của Đức Cố Quản, chùa được người trụ trì là Nguyễn Hiền Lương, còn gọi là
ông Chín Tửu, pháp danh Nhựt Tảo trùng tu.
Ngôi chùa được kết cấu dạng 4 mái, tạo chính điện bên trong
có hình vuông, với 4 cột nên người dân thường gọi cấu trúc sườn mái theo dạng tứ
trụ hay tứ tượng. Đây là một ngôi chính điện có bày trí khá đặc biệt với 3 bàn
tam cấp nối liền nhau. Mặt vách chính điện trên cao là bức hoành ghi 4 chữ: “Đại
hùng bửu điện”. Thấp hơn là bức trướng bằng vải đỏ ghi 4 chữ Hán đọc từ phải
sang: Bửu Sơn Kỳ Hương.
Có tất cả 5 bài vị được thờ tại bàn tam cấp này. Bàn
cao nhất của chính điện là một long vị bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo, ghi 8 chữ
Hán theo hàng dọc: “Cung thỉnh Bửu Sơn Kỳ Hương chứng minh”. Bàn tiếp theo ở bậc
thấp hơn là nơi đặt bài vị gỗ đơn sơ bằng chữ Hán: “Nam mô Cửu Huyền Bá tánh
chi vị”. Dưới bài vị này là một bài vị gỗ, nền vàng, ghi chữ Hán màu đỏ, viết
thành hai hàng dọc. Đầu bài vị đọc từ phải sang trái là hai chữ Nam mô. Hàng dọc
bên phải gồm 4 chữ Trần phủ Đức Ông. Hàng dọc thứ hai bên trái là 4 chữ: Nguyễn
phủ Đức Bà. Cuối bài vị là 2 chữ Hán ở giữa đọc từ trên xuống: Chi vị.
Bài vị thứ tư được xếp chồng lên bài vị thứ năm, được đặt ở
bàn thấp nhất. Đây thực ra là một bộ ván gõ, bề dầy mặt ván khá cao. Bài vị bên
trong bằng sơn mài cẩn xà cừ các chữ Hán và hoa văn hình học gồm 3 chữ Hán theo
hàng dọc “Vạn Thọ Đường” kích thước lớn. Hai bên là hai câu đối, mỗi bên 7 chữ
Hán. Đặt chồng lên phía ngoài bài vị này là một bài vị kích thước nhỏ hơn, nền
vàng, ghi chữ Hán-Nôm màu đỏ từ trên xuống gồm 9 chữ: “Nam mô Trần phủ đức Cậu
Hai chi vị”. Phía trước chính điện, làm nền cho các bài vị là tấm trần điều che
phủ gần hết phần vách chính điện. Hai bên vách phía trên trang trí hai cặp quạt,
mỗi bên gồm một cây lớn và một cây nhỏ, được làm bằng lông sếu. Dưới hai quạt
này còn đặt hai quạt vải đỏ, viền len xanh. Quạt có hình tròn, cán là cọng sắt
uốn theo hình tam giác cân. Nền quạt ghi 5 chữ: “Việt Nam đại cường quốc” bằng
chữ Hán, thành hai hàng ngang dọc. Giữa bài vị thờ đức Ông và đức Bà là 2 ảnh
màu vẽ trên kiếng, hình Quan Công với Quan Bình và Châu Xương. Lư hương, chân
đèn, chân chò, giàn đựng đũa và tô, chén cũng được đặt thờ. Được biết đây là những
hiện vật đào được trong lần trùng tu chùa khi đào đất dựng cột vào năm 1930.
Các hiện vật tìm được dưới nền chùa là những đồ gia dụng gồm 2 tô lớn, 1 chén,
1 đĩa nhỏ và 1 chun trà đều có ghi dưới đáy 2 chữ Nội phủ và chữ Ngọc.
Dọc hai bên bàn thờ là giàn đặt bát bửu. Đối diện với bàn thờ
chính điện là một bàn thờ nhỏ, đặt hướng vào chính điện. Trước kia đây là nơi đặt
thờ Năm Ông, nay dành thờ Tam Hoàng. Phía trên bàn này là tấm hoành phi ghi 4
chữ: “Phật Nhật Quang Huy”. Góc trái chùa có đặt đại hồng chung còn khá mới ghi
4 chữ Hán: Xuân, Hạ, Thu, Đông ở 4 núm, nơi dóng chuông. Về phía phải chính điện
là bàn thờ dành cho Cửu Huyền của vị trụ trì chùa. Hiện người trông nom chùa là
một cư sĩ.
Khảo sát khá kĩ vị trí chùa Nam Long cũng như nghi thức thờ,
cúng, các ngày cúng trong năm, hiện vật đặt thờ… đã cung cấp cho chúng ta những
cứ liệu quan trọng, góp phần khẳng định thêm, làm rõ hơn các dữ liệu, sự kiện ở
một số công trình đã công bố trước đây về Trần Vạn Thành, về địa điểm đặt đại bản
doanh, tổng hành dinh, căn cứ kháng chiến chống Pháp của khởi nghĩa Bảy Thưa.
1. Về vị trí đại đồn Hưng Trung
Tháng 6 năm 1867, sáu tỉnh Nam Kỳ nhanh chóng rơi vào tay
Pháp. Trước đây, từ sau sự hình thành của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Trần Văn
Thành đã cầm đầu một nhóm tín đồ đi vào vùng Láng Linh khai hoang lập ấp, nên
ông rất thông thạo địa hình nơi này. Vì vậy, sau khi Pháp chiếm các tỉnh Nam Kỳ
và bắt đầu đưa chiến hạm, dàn mặt trận, chĩa đại bác vào thành An Giang, Trần
Văn Thành đã có những trận giao chiến đầu tiên với Pháp từ đầu năm 1868. Ông
cùng gia đình và nghĩa quân – binh Gia Nghị – rút vào rừng Bảy Thưa để xây dựng
căn cứ kháng chiến. Một hệ thống đồn được dựng lên, tạo thành căn cứ địa rộng lớn
tại khu vực Láng Linh bao gồm: “Đại đồn Hưng Trung nằm giữa, chung quanh có các
đồn khác bao bọc, giữ gìn. Phía tả có đồn Cái Môn nằm giữa hai đìa Nanh Heo và
Dày Trăm thuộc xã Thạnh Mỹ Tây. Phía hữu có đồn Giồng Nghệ thuộc xã Vĩnh Hanh
(H. Châu Thành). Phía trước có đồn Hờ (Vàm Cái Dầu – H. Châu Phú). Phía sau có
trạm canh Ông Tà (Tân Cương, H. Tri Tôn). Về phía Tây Bắc gần đồn Cái Môn có đồn
Lương (ấp Long Châu 3, xã Thạnh Mỹ Tây. Theo tài liệu của Trần Văn Đông, “đại đồn
Hưng Trung nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú. Nhân dân quanh vùng thường
gọi Cốc Ông Đạo Cậy (vì ông Cậy cất cốc tại đây). Một ý kiến khác cho rằng: “Tổng
hành dinh đặt tại trung tâm rừng Bảy Thưa, đặt tên là đồn Hưng Trung. Qua khảo
sát thực địa, qua kí ức các bô lão, đối chiếu với bản đồ hành chính hiện nay
thì đồn Hưng Trung nằm trên nền chùa Nam Long hiện thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện
Châu Phú, tỉnh An Giang”.
2. Nền chùa Nam Long trước đây
Qua hai ý kiến nêu trên, đồn Hưng Trung có vị trí khác nhau.
Như vậy, để có căn cứ xác định được vị trí của đồn Hưng Trung, cần xét đến vai
trò của chùa Nam Long. Dựa trên những cứ liệu quan trọng về ngôi chùa, cách bày
trí, cùng hiện vật đào được tại nền chùa đã cho thấy chùa Nam Long có những đặc
điểm gợi cho chúng ta thấy rõ hơn vị trí của ngôi chùa sau cuộc khởi nghĩa Bảy
Thưa. Có thể nghĩ rằng, trước đây, trên nền chùa hiện nay đã có một ngôi nhà nhỏ.
Ngôi nhà này, qua các hiện vật đào được, cho thấy chủ nhân của nó phải là một
quan lớn của triều đình, hoặc có mối quan hệ thân thiết với triều đình và được
vua ban tặng. Các loại tô chén ấy là những mặt hàng gốm sứ Trung Quốc, được sản
xuất theo đơn đặt hàng của Việt Nam. Đây là những hiện vật được sử dụng phổ biến
trong triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt là dưới triều vua Tự Đức. Hai chữ Nội phủ
dưới đáy hiện vật cho thấy điều đó. Đáy hiện vật cũng giới thiệu tên lò gốm Ngọc
ở Trung Quốc. Nền đất đào được các hiện vật nói trên nằm cách đại bản doanh, tức
đồn Hưng Trung 500 mét (nơi mà sau này ông Đạo Cậy đã đến dựng cốc lá). Như vậy,
nền chùa trước đây có thể là ngôi nhà mà ông Trần Văn Thành và vợ là bà Nguyễn
Thị Thạnh đã lưu trú trong thời gian điều hành cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Giai
đoạn ấy thuộc đời vua Tự Đức. Các hiện vật đào được đều thuộc giai đoạn này. Trần
Văn Thành, thủ lĩnh đội binh Gia Nghị, người cầm đầu phong trào kháng chiến chống
Pháp đặt địa điểm cư trú gần đại bản doanh, tổng hành dinh, tức đại đồn Hưng
Trung ấy, hiện nay là địa điểm cốc Ông Đạo Cậy, như Trần Văn Đông nhận xét. Còn
Nam Long tự là nơi cư trú của ông bà, vì vậy nó trở thành một địa điểm lịch sử
quan trọng, nên sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, nhóm nghĩa quân trốn thoát phải
tìm mọi cách giữ gìn lại vết tích của nó. Chùa Nam Long, do vậy được dựng lên
như một bình phong để duy trì một di tích lịch sử quan trọng của An Giang, nơi
có dấu ấn cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, từ đấy xuất phát ra những chỉ đạo quan trọng
có tính quyết định đối với cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính vì vậy mà không
phải ngẫu nhiên, bên trong chính điện ta tìm thấy bài vị thờ Trần Văn Thành được
ghi với một nội dung khá khác biệt hơn so với các nơi khác. Đó là việc thừa nhận
đây là phủ ông và phủ bà: Nam mô Trần phủ đức ông, Nguyễn phủ đức bà chi vị;
Nam mô Trần phủ đức cậu Hai chi vị.
Cặp quạt và bộ ván gõ có lẽ là vật sử dụng trước đây của ông
và bà Trần Văn Thành, nay được đặt thờ trang nghiêm trên chính điện. Ngoài 3
ngày cúng các rằm lớn trong năm (rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10), vía Phật Thầy
Tây An (11, 12/8 ), những ngày cúng khác tại chùa Nam Long chủ yếu cũng là những
ngày giỗ của ông Trần Văn Thành (21, 22/2), bà Nguyễn Thị Thạnh (5/5), ông Trần
Văn Nhu (con trưởng của ông bà, giỗ ngày 24, 25/3 âm lịch)… Điều này cho thấy
đây là địa điểm kỉ niệm nơi cư trú xưa kia, là phủ của Quản Cơ Trần Vạn Thành
chứ không phải là ngôi chùa thuần tuý thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Bài vị
cao nhất trên chính điện đã ghi: Bửu Sơn Kỳ Hương chứng minh!
3. Chùa Nam Long, sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa đã được
dựng lên để làm bình phong che mắt giặc Pháp, tránh sự ruồng bố, phá rối của
chúng, và trên hết là nhằm vào việc giữ gìn di tích cũ một cách trọn vẹn. Người
có nhiệm vụ giữ vững ngôi chùa ấy đã đặt tên cho địa điểm này là Nam Long tự
(Chùa của rồng ở phương Nam). Do xuất phát từ mục đích ấy và nguồn gốc giáo lí
của đạo giáo Bửu Sơn Kỳ Hương nên chùa không thờ Phật. Tất cả những bày trí, từ
trần điều đến long vị được đặt thờ sau năm 1930 là hoàn toàn theo nghi thức của
Bửu Sơn Kỳ Hương, một đạo giáo mà Trần Văn Thành chính là người đã được trao
truyền để tiếp nối vẻ vang nền đạo sau khi Phật Thầy Tây An tịch diệt.
4. Ngoài dấu ấn của việc thờ tự, chúng ta cũng tìm thấy trên
vách chính điện 5 tư liệu quan trọng, đó là bản sao văn bằng phong cho ông Nguyễn
Kế Trung làm chức chính đề đốc, ghi năm “Tự Đức nhị thập bát niên” (tức năm
1875-THL); bản gốc hộ giới điệp bằng chữ Hán; bản gốc lòng phái thế độ của ông
Nguyễn Hiền Lương (tức người trụ trì chùa Nam Long trước đây) bằng chữ Việt;
hai bản gốc lòng phái thế độ do Tỉnh Hội Lục Hoà Phật Tử cấp, ghi hai thứ chữ
Hán và Việt. Trong thời gian trụ trì, ông Nguyễn Hiền Lương đã dùng hình thức
đi cúng đám, giúp đỡ bà con trong vùng khi có nhu cầu cầu siêu cho thân nhân
quá vãng. Trong chùa vẫn còn giữ lại một con dấu bằng đồng, hình tròn, ghi 4 chữ
Hán Vãng sanh thần chú. Đây là chứng cứ cho thấy việc sử dụng bản in này dùng
làm sớ cầu siêu những năm sau khi trùng tu chùa là khá phổ biến, và đồ hình khắc
trên con dấu này còn mang ảnh hưởng của Phật giáo Mật tông.
Tóm lại, căn cứ vào những hiện vật đào được, qua nghi thức
cúng lễ và thờ tự tại chùa Nam Long đã góp phần quan trọng cho việc xác định vị
trí đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Đó là địa điểm thuộc Cốc Ông Cậy
hiện nay, nằm cách chùa Nam Long 500 mét, băng qua con rạch Cốc nhỏ. Chùa Nam
Long trước đây là nơi cư trú của ông bà Trần Văn Thành – Nguyễn Thị Thạnh để điều
động cuộc khởi nghĩa tại đại bản doanh gần đây! Kháng chiến Bảy Thưa kết thúc,
hai di tích quan trọng là tổng hành dinh và phủ của ông bà đã được người dân–
những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương – những nghĩa quân trong cơ Gia Nghị – tìm cách
gìn giữ, bảo vệ đến ngày nay, nhằm lưu giữ lại, qua việc thờ tự, như một thông
điệp cho thế hệ tiếp nối về một truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chống
ngoại xâm, một tinh thần yêu nước nồng nàn, đầy tính dân tộc. Điều đó được thể
hiện và phát huy qua hình ảnh chiếc quạt thờ ghi 5 chữ: Việt Nam đại cường quốc!
Đó là khát vọng của người dân Nam Bộ nói chung và nhân dân An Giang nói riêng về
hình ảnh của một nước Việt Nam hùng mạnh và phát triển. Cơ sở và cội nguồn của
niềm tin và khát vọng ấy đã được hàng hàng lớp lớp anh hùng liệt sĩ, qua bao thế
kỉ, vì nước quên thân, hiến dâng máu xương mình vì một tương lai tươi sáng của
dân tộc.
TRẦN HỒNG LIÊN