Người đó là ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1951 tại xã Thới Sơn, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Ðốc (nay là tỉnh An Giang). Mua một miếng đất đã khó, vậy mà ông Sơn đã làm chuyện “tày trời” này bằng “bí quyết” “tàm thực” nên trở thành chuyện khá dễ ợt. Nhưng ý tưởng mua núi của ông Sơn lại manh nha từ khi ông chỉ có hai bàn tay trắng, sức lực trai trẻ của mình trong việc hái và gánh đào mướn cho chủ vườn cùng một niềm tin tâm linh. Sống kham khổ trong cái chòi lá cùng kiếp làm thuê làm mướn, nhờ tánh tình hiền lành, siêng năng, ông lọt vào “mắt xanh” của một sơn nữ vùng Thất Sơn, rồi kết thành gia thất. Với quyết tâm vượt lên nghèo khó, cả hai vừa ra sức cần lao vừa tiết kiệm tiền bạc cho đến khi kha khá thì bắt đầu mua cây đào dạt cưa làm củi bán song song với việc mua bán hột đào. Trời thương, chuyện làm ăn của đôi vợ chồng trẻ ngày càng xuôi chèo mát mái.
Thất Sơn là vùng đất có nhiều người khai thác đá. Có tiền kha khá, ông Sơn liền bỏ nghề “chậm phát triển” bán củi và hột đào, mua xe ben chở đá cho các hầm đá. Trời lại thương, công việc làm ăn của vợ chồng ông ngày thêm phú thịnh, vậy là ông bắt đầu bước vào lĩnh vực khai thác đá với tên Sơn Ðào. Lấy “nhãn hiệu” này cho cơ sở của mình, ông Sơn nhằm nhắc nhở bản thân về những ngày khởi nghiệp cực nhọc đầy cam go đã vượt qua để có hôm nay. Và, trời cũng chẳng phụ người có tâm, ông Sơn dần trở thành một “đại gia” trong làng khai thác đá của địa phương. Bấy giờ, để tỏ lòng trân trọng biết ơn Trời Phật, ông Sơn bắt đầu thực hiện tâm nguyện của mình bằng cách mua núi Két của quê hương ông.
Tọa lạc tại ấp Ông Két (Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang), núi Két cao 225, dài và rộng trên 1,100m. Ðược gọi tên như vậy vì trên núi có mỏm đá to giống đầu chim kéc, mà người ta kính gọi là Mỏ Ông Két. Ông Sơn mua núi Két để thực hiện hoài bão giúp ngọn núi quê mình trở thành một điểm du lịch tâm linh, thu hút ngày càng nhiều khách thập phương gần xa đến thăm và bái lạy. “Vì, trên núi Két có nhiều hang động, nhất là có 2 vị Phật về đây và có 12 vị tu hành đắc đạo”, ông Sơn thố lộ. Thật vậy, hiếm người biết núi Két chứa nhiều huyền thoại kỳ thú của một thời “Thất Sơn mầu nhiệm”. Vậy là, có bao nhiêu tiền, ông Sơn mua bấy nhiêu đất núi để thực hiện nguyện vọng tâm linh của mình. Lần hồi, với những giọt mồ hôi qua kinh doanh đá núi, ông Sơn đã mua được khoảng 25ha/45ha diện tích núi. Ðó là những phần núi gắn với những huyền thoại vừa nêu.
Mua núi đã khó, thực hiện hoài bão hồi sinh sống động những di tích tâm linh gần như chìm lắng vào quên lãng của ngọn núi Két trong ông càng khó gấp nhiều lần. Cứ thử tưởng tượng, giá 1 công đất ruộng 1 chỉ vàng (ví dụ) thì giá 1 công đất núi 3 chỉ vàng; tiền nhân công một người ở dưới đất 50,000 đồng/ngày (thời điểm ông Sơn bắt tay thực hiện “chuyển hóa” núi Kéc) thì giá trên núi 150,000 đồng/ngày. Riêng giá gạch cát đá sắt xi măng còn “khủng khiếp” hơn. Ví dụ 1 thước khối cát dưới đất chỉ có 100,000 đồng nhưng lên tới trên này “leo thang” tới 1 triệu đồng. Ðúng là những cái giá “trên trời”. Nhưng ông Sơn vẫn không hề bỏ cuộc. Nhờ vậy mà đến nay, dưới khối óc kinh doanh nhạy bén của ông, diện mạo núi Két đã hoàn toàn thay đổi. Cái vẻ hoang vu vắng lặng ngày nào đã được khoác chiếc áo mới nhiều sắc màu, thu hút khách thập phương đến kính viếng với 20 điểm: Mỏ Ông Két (diện tích 1,000m2), Ðiện Chư Vị, Mẹ Quan Âm Nam Hải, Ðiện Phật Vương, Giếng Tiên, Ðiện Chư Thần Trăm Quan Cựu Thần, Sân Tiên, Ðiện Phật Thầy Tây An, Ðiện Phật A Di Ðà, Ðiện Ngọc Hoàng, Ðiện Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, Ðiện Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Ðiện Diêu Trì, Ðiện Huỳnh Long, Ðiện Ðịa Tạng Vương, Hang Cụ Cử Ða, Ðiện Ngũ Hành, Ðiện Ba Cô… Tất cả đều được xây dựng, sơn phết khá hoàn chỉnh, hấp dẫn người mộ đạo.
Chúng tôi lên núi Két vào lúc 14 giờ 30 một ngày tháng nắng. Mệt bở hơi tai. Cứ leo được chừng trăm thước thì nghỉ một lần. Ðường núi quanh co không đáng ngại, ngại vì sườn núi quá dốc, càng leo càng hốc, suýt nữa bỏ cuộc vì… ngán! Ðón chúng tôi là “ông Ðạo” Huệ Hoàng (tên thật là Huỳnh Phụng, 49 tuổi). Nghe giọng nói cưng cứng, hỏi ra mới biết ông người Phù Cát (Bình Ðịnh), “vân du” gần khắp cả nước, đến đây thấy phong cảnh đẹp bèn “tịnh tu” luôn. Ông xăng xái đưa chúng tôi viếng thăm các điện, chui vào điện nào ông cũng tấm tắc khen: “Ðẹp mê hồn, mát như tiên cảnh”. Ðiện Huỳnh Long là một tảng đá khổng lồ, cạnh bên là khoảnh sân rộng. Ông Ðạo nói đây là nơi Phật Thầy Tây An cùng môn đệ tĩnh tọa. Ông Ðạo diễn tả: “Ban đêm, đứng đây nhìn xuống, đèn phố chợ Nhà Bàn sáng như sao sa, đẹp khủng khiếp”. Ông đưa chúng tôi chun vào Ðiện U Minh, nơi có tượng Thanh Xà Bạch Xà và cầu Nại Hà với Ngưu Ðầu Mã Diện mặt mày dữ tợn, cầm đao thương hành hạ tội nhân oằn oại khổ đau, được sơn phết màu mè dân dã. Trên vách đá có nhiều mảng rêu héo nhưng quyến rũ. Rồi chun vào Ðiện Phật Mẫu, thờ Phật Bà và Diêu Trì Thánh Mẫu. Ở một góc hang, ông Ðạo chỉ chúng tôi thấy ngọn Tà Lơn của Cambodia mờ xa trong màu nắng lóa. Ông nói núi Tà Lơn là nơi Ðức Phật Tròn tu tập. Rồi ông Ðạo đưa chúng tôi vào một hang, nơi có một miệng hang nhỏ cỡ một người qua lọt, được đậy bằng tấm tôn có khóa. Ông bảo đây là hang Cụ Cử Ða từng tu luyện. Hang sâu nhưng hiếm người có cơ duyên xuống dưới thưởng lãm cảnh đẹp như tiên bồng. Theo tìm hiểu, chúng tôi biết cụ tên thật là Nguyễn Ða, thi đỗ Cử Nhân Võ nên người đời gọi là Cử Ða. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe tiếng nói của cụ mang âm hưởng miền Trung, nên gọi là Thầy Huế. Người ta tìm hiểu, cho rằng cụ quê ở làng Phù Cát (có nơi ghi là Phù Lạc), huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn. Nhưng theo tài liệu khác thì Cụ Cử Ða đã từng nói quê cụ ở Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho), chống Tây rồi thất bại đi tu, lấy hiệu Ngọc Thanh. Trong quyển Nửa Tháng Trong Miền Thất Sơn, Nguyễn Văn Hầu đã viết về Cụ Cử Ða như sau: “Có rất nhiều truyền thuyết nói về tài xuất quỷ nhập thần của Cụ Cử. Cụ luôn luôn thoạt đây thoạt đó. Nơi xuất hiện nhiều nhất là Thất Sơn và Tà Lơn. Người ta đồn rằng cụ đã đắc đạo và có người trông thấy cụ cỡi hổ mun lui tới miền nầy. Ðiều đủ tin và đáng ghi nhớ hơn là Cụ Cử là người Việt đầu tiên thám hiểm và đặt tên cho từng hang hốc, từng suối, đường trên dãy Tà Lơn”…
Trưa nắng chang chang. Ðá núi tỏa hơi nóng, cây núi khô khan không động lá, thật thấm thía cái cảnh “ngàn thước lên cao ngàn thước… oải!” Chưa kịp trở gót xuống núi đã thấy ông Sơn mặc bộ đồ màu lam cắt may theo kiểu “đạo” bước đến. Trước khi “thượng sơn”, nhân viên công Khu Du Lịch Sinh Thái Vân Hà Núi Két ở dưới đất cho biết ông Sơn vừa mới lên núi. Vậy mà đến giờ này ông mới xuất hiện vì phải lo giải quyết một số công việc khẩn cấp. Ông Sơn nhanh nhẹn hướng dẫn chúng tôi đến Sân Tiên, bảo: “Ðây là nơi Ðức Phật Thầy Tây An hội kiến với chư tiên”. Khoảng sân rộng 200 thước vuông, khá mát với ngọn gió mùa khô heo hắt. Loanh quanh qua những tảng đá to tròn và dài được bao bọc bởi hàng rào sắt chúng tôi lần đến Giếng Tiên. Giếng khá sâu trong lòng một tảng đá to, ở trên cao chót vót núi Két vậy mà lấp lánh nước trong ánh sáng mặt trời. Ông Sơn bảo lúc nào giếng cũng có nước. Nước giếng trong, mát và ngọt như nước Cam Lồ nên được nhiều Phật tử thuần thành múc về nhà làm nước Thánh. Sân Tiên và Giếng Tiên là hai nơi cao nhất của núi Két.
Qua chiếc cầu sắt đẹp như cầu vồng trên thiên giới bắc qua hẻm núi là nơi trú ngụ qua đêm của khách hành hương, cũng là nơi bán cơm chay và nước giải khát. Trong bóng mát của những cây xoài, vú sữa, ngồi trên chiếc băng bên bàn trà bằng đá mài, chúng tôi khỏe ngay với chiếc khăn lạnh lau mặt cùng chai nước khoáng lạnh ngắt. Ông Sơn kể sự tích Ðức Phật Thầy Tây An. Theo ông Sơn và một tài liệu của Ðạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì Ðức Phật Thầy Tây An sinh vào giờ Ngọ, ngày Rằm Tháng Mười năm Ðinh Mão (1807), chánh quán làng Tòng Sơn, nay là xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp. Tên họ của ngài là Ðoàn Văn Huyên (có nơi ghi Ðoàn Minh Huyên). Ngài đã vân du nhiều nơi, chữa dứt nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho bá tánh. Ngài lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, với 4 ân: Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào và nhân loại. Hiện mộ ngài tọa lạc phía sau Tây An Cổ Tự bên chân núi Sam.
Ông Ðạo đưa chúng tôi xuống núi với hai cây gậy bẻ dọc đường. Ông nói: “Lên xuống núi có gậy sẽ dễ đi hơn”. Cũng là con đường cũ, nhưng không còn ngán ngại nữa vì không thấy mệt, phải chăng nhờ cây gậy? Ðường càng dốc xuống, càng phơi phới bước chân. Chiều ngả bóng. Núi xa núi gần, chợ ấp chợ huyện lấp lóa mái tôn trong nắng hoe vàng. Qua lối đi phủ đầy lá vàng, ông Ðạo than: “Mỗi ngày tui quét hai ba bận. Lối đi có lá dễ khiến khách trượt té, nguy hiểm”, rồi tiếp: “Mùa mưa khỏe, rừng cây xanh um lá. Ðó là nơi cư trú của một số động vật hoang dã như: rắn, gà rừng, sóc… Ðặc biệt, khỉ nhiều lắm. Cầm một nắm bắp rang thẩy vào bụi cây một chút là khỉ bu đầy”. Hào hứng, ông chỉ một cây cao chót vót, nói: “Cây hương đó”. Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông thêm: “Giáng hương”. Một loại cây cho gỗ quý, có mùi thơm, có nhiều trên núi Kéc cùng nhiều nơi trong vùng Thất Sơn. Nghe chúng tôi khen đi xuống sướng hơn đi lên, ông Ðạo tiết lộ: “Tại mấy huynh không biết, chứ nếu muốn lên núi khỏe thì thuê mấy người Khmer cõng. Chừng trăm ngàn đồng. Có mấy ông sư già ở Sài Gòn lên đây hoài bằng cách được khiêng”. Cũng “huyền bí” thật!