Ông nghèo, phải đi làm thuê để dành dụm tiền mua đất. Có đất, ông cho người nghèo mượn để cấy cày. Ông còn giúp tiền bạc để tụi nhỏ đến trường. Ông là Bảy Soái – Trần Văn Soái, ở ấp 5, xã biên giới Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, An Giang.
Kiểu giúp… khác người
Nghĩ là làm, ông cùng một số nông dân nghèo tìm thuê đất ở vùng sâu và lao vào cày cấy. Quần quật trong 10 năm, cuối cùng ông cũng mua được đất, 20, 50 rồi 90 công, mặc dù là đất xấu. Nhưng đất xấu biết cải tạo cũng thành đất tốt.
“Chùa đã có đất, có lúa… nhưng nhìn cảnh dân nghèo đói tui chịu không được. Tui nghĩ cách tổ chức cho mấy chục hộ dân nghèo trồng giống lúa mới”, ông tâm sự. Thời đó, để tổ chức sản xuất và chuyển giao kỹ thuật trồng lúa tốt, ông cho bà con mượn đất, phân giống ông lo. Đến kỳ thu hoạch nông dân được phần nhiều, làm công quả cho chùa chút đỉnh.
Cứ vậy, túc tắc làm vài năm, trên 60 hộ dân đã thoát nghèo, lại tích lũy được, tự tay mua cho mình mỗi nhà 5 công đất lúa. Sau năm 1980, ông còn mua 12 công đất để xây dựng trường lớp cho con cháu trong xã và làm nghĩa trang cho người nghèo.
Giờ đang tuổi 74, đã già nhưng ít khi ông ở nhà mà thích rày đây mai đó, đi học kinh nghiệm trồng lúa về phổ biến cho bà con. Ruộng lúa của ông 100 công đất, hệ thống tưới tiêu hiện đại, máy cày, máy xới, có cả ruộng nhân lúa giống. Anh Phạm Văn Hải, cán bộ phòng nông nghiệp huyện, cho biết mỗi khi huyện có bộ giống lúa mới thì y như rằng chú Bảy là người đầu tiên đăng ký mua. Các đoàn kỹ sư nông nghiệp vẫn thường về điểm trình diễn trên “đất xóa nghèo” của ông.
Nhiều người còn gọi ông là “ông Bảy tín dụng”. Ông thành lập tổ tín dụng cho nông dân vay, tín chấp mỗi hộ 2 triệu đồng mua câu lưới khai thác nguồn lợi từ lũ. Mới đây bà con có người còn thiếu chút tiền mua đất, cất nhà, ông lấy tài sản chùa thế chấp.
Anh nông dân Trần Ngọc Huệ, 31 tuổi, ở ấp 5 không đất, nói: “Được mượn đất làm lúa đỡ cực hơn là không có đất”. Anh Khưu Minh Thiện, nhà có bảy người không nghề nghiệp ổn định, ở ấp 5, cũng nói: “Trồng lúa với chú Bảy hiệu quả lắm mà vốn bỏ ra không nhiều”.
Lo cho lớp trẻ
Giờ đây quê ông sắp hình thành khu kinh tế cửa khẩu biên giới quốc tế Vĩnh Xương. Ông nói dự định sẽ tiếp tục giúp em cháu học hành để xóa nghèo căn cơ bằng kiến thức khi kinh tế dịch vụ ở đây phát triển.
Trong khuôn viên của chùa, ông Bảy đã bàn với xã xây dựng một câu lạc bộ nông dân và vận động bà con của ít lòng nhiều mua máy vi tính nối mạng thông tin để ai cũng vào coi được. Cũng trong khuôn viên chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, ông cùng với xã hợp sức xây dựng năm phòng học của Trường tiểu học “C” Vĩnh Xương…
Ông còn giúp các trò nghèo không bỏ học. Em Phạm Thị Bé Nguyên, lớp 5A, đang ngồi nhóm lửa chuẩn bị cơm chiều trên căn nhà sàn liêu xiêu trống gió, kể: “Con mồ côi cha, bà ngoại già rồi…, vừa đi học con vừa làm thuê, tối lại bán vé số. Đã nhiều lần bỏ học nhưng ông Bảy biểu không được nghỉ, phải cố gắng. Thiếu gì ông Bảy sẽ giúp!”. Cuối năm học vừa qua trong số những học sinh khá giỏi của trường có mặt Nguyên. Có em như Nguyễn Hoàng Sơn, ở ấp 2, được ông giúp nay đã đậu vào Đại học An Giang, khoa công nghệ thông tin.
Ông tâm tình với lãnh đạo xã: “Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Chùa đã có đất, có lúa thì không thể để giáo viên thiếu gạo mắm, ai có khó khăn gì thì cứ gặp tui”. Hằng năm hội khuyến học đều có phần thưởng riêng cho giáo viên dạy học sinh ngoan, giỏi.