Đi du lịch Kiên Giang tới Rạch Giá, chúng tôi nô nức vào thăm viếng, thắp hương nơi mộ và đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để tỏ lòng biết ơn cụ đã vì dân vì nước hy sinh và trong thâm tâm cũng cầu mong cụ phù hộ cho bình an, may mắn. Hôm đó tuy không phải dịp giỗ cụ nhưng người hành hương tới viếng cũng đông. Thật cảm động thấy bà con cô bác nhiều người quỳ lạy khấn vái rất thành kính. Vậy mới biết rằng dân ta giầu lòng yêu nước và biết ơn những vị anh hùng cứu nước.
Nhưng rồi khi ngồi trên xe ôm của ông già vui chuyện, tôi được biết, người đến viếng, thắp hương khấn vái là người tứ xứ, còn dân Rạch Giá không ai làm chuyện đó vì biết rằng hài cốt trong mộ không phải của cụ Nguyễn mà là của một thằng Tây!
Không tin tôi hỏi lại thì được kể: trong khuôn viên Tòa Bố Kiên Giang trước đây, tức Ủy ban tỉnh Kiên Giang ngày nay có một ngôi mộ, được xây cẩn thận, xung quanh có chôn những cọc sắt để mắc vòng dây xích bao quanh, giống như mộ người Tây thường gặp trước đây. Hồi chính quyền Sài Gòn cũ, có viên chủ tỉnh họ Nguyễn, tự nhận là cháu chắt cụ Nguyễn. Ông này vận động bá tánh đúc tượng cụ Nguyễn rồi đặt giải thưởng một triệu đồng cho ai tìm được hài cốt cụ nhưng không ai tìm được. Sau giải phóng, cách mạng cho gia đình ông Chủ tịch tỉnh ở trong khuôn viên Ủy ban. Khi san đất làm chuồng nuôi heo, người làm đào phải ngôi mộ, bật lên những lóng xương ống quyển dài khác thường. Dựa vào lóng xương cùng cung cách ngôi mả xây, ông chủ tịch bảo đó là xương cốt thằng Tây rồi cho lấp lại. Không hiểu sao sau này, người ta phát hiện rằng đó là hài cốt cụ Nguyễn rồi chuyển về Đình, xậy mộ thờ. Dân chợ Rạch Giá biết chuyện nên không ai tới lạy, còn dân tứ xứ thì tùy hỷ! Chuyện này khiến tôi quá ngạc nhiên, không hiểu thực hư ra sao? Chuyện động trời vậy liệu có không?
NGUYỄN VĂN DŨNG
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay (Hội Khoa học
Lịch sử Việt Nam), số 354, tháng 4/2010
* * *
SỰ THẬT VỀ HÀI CỐT CỤ NGUYỄN TRUNG TRỰC
Sau khi tạp chí Xưa & nay đăng ý kiến thắc mắc của bạn đọc người Bắc thắc mắc rằng “Hài cốt cụ Nguyễn hay xương thằng Tây”, là người gốc Rạch Giá, tôi xin thưa như sau:
Năm 1927 một người Pháp, đốc học trường Rạch Giá, mượn canô của thầy thuốc tên Bính du ngoạn trên sông bao quanh chợ Rạch Giá, không may bị tai nạn chết. Nguyên do nước chảy xiết quá mạnh, cano kẹt gầm cầu Quay. Xác không thể đưa về Pháp được, phải đem chôn phía sau Tòa Bố gần nhà tỉnh trưởng người Pháp, cận bờ tường, có cọc thép và dây xích bao quanh, theo thông lệ mộ một người phương Tây.
Những năm 1980 thế kỷ trước, để tỏ lòng biết ơn cụ Nguyễn Trung Trực, thủ tướng Võ Văn Kiệt ngỏ ý muốn tìm hài cốt Cụ đem về thờ phụng. Năm 1985, có một nhà văn muốn tỏ ra ta đây hiểu biết mọi việc ở phương Nam, chỉ ngôi mộ người Pháp trong khuôn viên Tòa Bố cũ, nói là mộ Cụ Nguyễn Trung Trực, vì tội chống Pháp nên bị xiềng. Sau đó cơ quan văn hóa tỉnh Kiên Giang đình đám kèn trống rước hài cốt người Pháp đem về đình thờ Cụ Nguyễn xây mộ, nói là mộ Cụ Nguyễn. Do vậy, ngôi đình và mộ được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ đó người bốn phương quỳ lạy khấn vái nhang khói không ngớt.
Đồng bào Rạch Giá nhiều người biết chuyện mà không dám nói vì sợ bị trù ẻo nhưng tin đồn thì lan đi khắp nên dân sở tại chỉ tới cúng đình mà không ai quỳ lạy ngôi mộ.
Có sự kiện là, sau giải phóng miền Nam, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang là ông Chín Cửu được bố trí ở dinh cơ cũ của tỉnh trưởng Pháp, phía sau Tòa Bố, gần mộ người Pháp. Theo lời ông Chín Cửu kể, có vài người lén đào mộ người Pháp nầy hy vọng có của quý để chôm chỉa, nhưng ngoài bộ xương người cao lớn, còn nguyên đầu, không còn vật gì nên lấp lại như cũ.
Bất bình trước việc dối trá tầy đình: biến xương của một người thực dân Pháp thành hài cốt anh hùng dân tộc để hàng vạn người và con cháu sau này phải khấn vái quỳ lạy kính cẩn, bác sĩ Trần Cửu Kiến một nhân sĩ người Rạch Giá, trong một lần họp đồng hương Kiên Giang tại thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng yêu cầu đem bộ xương đi. Có năm thủ tướng Võ Văn Kiệt dự họp, nghe chuyện này, có nói cần xem lại nhưng rồi không ai nhắc tới nữa.
Đề nghị tỉnh Kiên Giang chuyển hài cốt trong ngôi mộ ở đình Nguyễn Trung Trực đi nơi khác để tránh cho đồng bào hôm nay và con cháu mai sau khỏi nỗi nhục thờ phụng hài cốt tên thực dân.
TRẦN ĐÔNG SƠN
* * *
CẦN XEM LẠI HÀI CỐT CỤ NGUYỄN TRUNG TRỰC
Sau khi đăng bài “Hài cốt cụ Nguyễn hay xương thằng Tây”, một bạn đọc cung cấp cho chúng tôi công văn của Ban Vận động Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến tỉnh Kiên Giang gửi các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại hài cốt cụ Nguyễn. Chúng tôi xin đăng nguyên văn để rộng đường dư luận:
BAN VẬN ĐỘNG CÂU LẠC BỘ
TRUYỀN THỐNG KHÁNG CHIẾN TỈNH KIÊN GIANG
Ngày 19 tháng 10 năm 1988
Kính gởi: - Thường vụ Tỉnh ủy
- Ủy ban Nhân dân tỉnh
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh
- Sở Văn hóa và Thông tin
(V/V hài cốt Cụ Nguyễn Trung Trực)
Năm nay tỉnh ta chủ trương tổ chức hội thảo khoa học về thân thế sự nghiệp Cụ Nguyễn Trung Trực nhân ngày giỗ 120 năm của Cụ, được công chúng trong và ngoài tỉnh hoan nghinh, là năm mà quần chúng đến viếng và cúng đông hơn trước. Chứng tỏ chiến tích và tinh thần bất khuất của Cụ Nguyễn Trung Trực trở thành di sản quý báu ăn sâu trong lòng nhân dân Kiên Giang, dân Nam Bộ và cả nước. Kiên Giag có vinh dự đón tiếp và cùng cụ đứng lên chống xâm lược. Cụ hy sinh, máu Cụ hòa tan trên đất Kiên Giang nầy. Người Kiên Giang qua nhiều thế hệ luôn luôn mến phục tôn kính Cụ.
Trước sự tôn trọng đối với Cụ, những người Kháng chiến cũng có trách nhiệm gìn giữ truyền thống đó của quần chúng. Dựa vào đông đảo dư luận, Ban Vận động Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến tỉnh họp thảo luận, phân tích đi đến kết luận là cần làm sáng tỏ hài cốt trọn vẹn với Cụ:
1/ Cần xem lại hài cốt của Cụ Nguuyễn Trung Trực. Từ khi Sở Văn hóa khai quật đem hài cốt cải táng vào Đình, đông đảo dư luận hoài nghi, không tin đó là đúng hài cốt Cụ Nguyễn Trung Trực vì cho rằng Cụ đã mất đến lúc khai quật gần 120 năm, thực dân Pháp hành quyết chém đầu Cụ, bộ xương khai quật vừa qua còn nguyên vẹn và có cả sọ, đầu được chôn tử tế có hàng rương gần dinh thự của Pháp thật là điều khó tin mộ đó là của Cụ Nguyễn.
Do đó đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Mặt trận Tổ quốc tỉnh có sự chỉ đạo: dựa vào khoa học xác định lại hài cốt, có sự tham gia của các nhà khảo cổ, địa chất, sử học và các tổ chức quần chúng, công bố kết quả rộng rãi để quần chúng được yên tâm.
2/ Vì hài cốt Cụ Nguuyễn Trung Trực chưa làm sáng tỏ còn hoài nghi, nên đề nghị Tỉnh ủy can thiệp với Bộ Văn hóa rút lại quyết định công nhận ngôi mộ Cụ Nguyễn Trung Trực mà chỉ nên công nhận ngôi đình là di tích lịch sử.
3/ Đề nghị Sở Văn hóa cho thu hồi lại tác phẩm của nhà văn Sơn Nam do Sở Văn hóa vừa ấn phẩm phục vụ trong những ngày giỗ vì đã nói sai về Cụ Nguyễn Trung Trực, sai với lịch sử.
Đề nghị sớm phổ biến kết quả của hội thảo vì có nhiều luận cứ đúng đắn về Cụ Nguyễn.
Chúng tôi xin phản ảnh với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Mặt trận Tổ quốc tỉnh các vấn đề mà quần chúng đang quan tâm.
Trân trọng kính chào đoàn kết.
_____________________________
* Ông Nguyễn Tấn Thanh (Chín Cửu) nguyên là Chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Gia đình ông có thời gian ở trong khuôn viên UBND tỉnh, gần ngôi mộ viên đốc học người Pháp.
(Văn bản đánh máy lại đúng như nội dung)