1. Đặt vấn đề
Ngày nay, địa danh Thất Sơn - Bảy Núi của tỉnh An Giang được nhiều người biết đến, thậm chí người dân địa phương cũng tự thừa nhận rằng tỉnh An Giang có bảy núi [1]. Chúng ta thường được kể qua nhiều tài liệu, Thất Sơn gồm có núi Kéc [2] (Anh Vũ sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ sơn), núi Cấm (Thiên Cẩm sơn), núi Tô (Phụng Hoàng sơn), núi Dài (Ngọa Long sơn), núi Tượng (Liên Hoa sơn) và núi Nước (Thủy Đài sơn).
Tuy nhiên, thực tế thì không phải vậy, số núi ở An Giang cao hơn con số bảy rất nhiều lần, cụ thể đến nay 37 ngọn núi đã có tên. Mặt khác, bảy ngọn núi kể trên chỉ là “một phần” trong khái niệm Thất Sơn. Vậy tại sao người dân cho rằng chỉ có bảy núi? Đâu là nguồn gốc của địa danh Thất Sơn - Bảy Núi? Để giải thích về điều nầy, chúng tôi thử tìm hiểu qua những nguồn chánh sử và truyền thuyết.
2. Thất Sơn trong thư tịch triều Nguyễn
Như đã nói ở trên, Thất Sơn chỉ là bảy trong số 37 nọn núi ở tỉnh An Giang, tạm thời chưa nói đến Bảy Núi là những núi nào, nhưng trước tiên hãy thử tìm hiểu xuất xứ của nó.
Xa xưa nhứt có lẽ là Gia Định Thành thông chí (GĐTTC) viết vào đời vua Gia Long, khi đó đơn vị trấn chưa đổi thành tỉnh, tỉnh An Giang bấy giờ còn là trấn Vĩnh Thanh. Trịnh Hoài Đức kể tên ở trấn Vĩnh Thanh có 19 ngọn núi gồm Thoại Sơn, Bửu Sơn, Ba Thê, Tà Chiếu, Trà Nghinh, Tượng, Ca Âm, Nam Sư, Khê Lạp, Chút, Tà Biệt, Ba Xùi, Ất Giùm, Nam Vi, Đài Tốn, Chơn Giùm, Sâm Đăng, Đại Bà Đê, Tiểu Bà Đê [Trịnh Hoài Đức 2006: 66-70]. Thống kê được 19 núi so với tổng số 37 núi của ngày nay là một thành tựu đáng nể và có vai trò khá quan trọng trong nghiên cứu bấy giờ. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy địa danh Thất Sơn trong tài liệu nầy.
Ngót trăm năm sau, trong Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) đời vua Tự Đức, kể được thêm một số núi khác, tất cả 24 núi. Trong ĐNNTC, tên gọi một số núi được “dân gian hóa” và khái niệm Thất Sơn cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. ĐNNTC liệt kê gồm: Thoại Sơn, Bửu Sơn, Ba Thê, Trà Chiếu, Trà Nghinh, Tượng, Tô, Cấm, Tụy, Ốc Nhẫm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa, Đài Tốn, Thị Vi, Ba Xôi, Ca Âm, Nam Sư, Khe Lạp, Ngất Sum, Chân Sum, Thâm Đăng, Đại Ba Đê, Tiểu Ba Đê [Quốc sử quán triều Nguyễn 2006: 195-199].
Giữa hai tư liệu nói trên, ta có thể đối chiếu đôi nét:
- Tên gọi các núi có khác nhau đôi chút: Tà Biệt với Tà Béc, Ba Xùi với Ba Xồi, Ất Giùm với Ngất Sum, Chơn Giùm với Chân Sum, Sâm Đăng với Thâm Đăng…
- Địa hình khá phức tạp, nên việc thống kê có thể không thống nhứt. Có những núi liên kết thành dãy, nên có người chỉ tính là một núi, nhưng có người tính là nhiều núi. Bên cạnh đó, còn có thêm khó khăn trong phương pháp đo đạc, ghi chú vị trí…
- Ngày nay, có những tên núi vẫn còn giữ nguyên như xưa (hoặc biến đổi chút ít) như Thoại Sơn, Ba Thê, Cấm, Tô, Tà Biệt, Nam Quy, Ba Xoài… Một số địa danh hầu như không còn nữa, phần bị “dân gian hóa”, phần bị mất hoàn toàn như Trà Chiếu, Trà Nghinh, Ca Âm, Khê Lạp, Đài Tốn, Nhân Hòa, Thị Vi…
- Có những núi hiện nay nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam như Thâm Đăng, Chân Sum, Tiểu Ba Đê, Đại Ba Đê do phân định biên giới giữa Pháp và Cambodia trong giai đoạn Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp.
Trong tác phẩm Thất Sơn mầu nhiệm, Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu [1972: 16-17] dẫn lại giải thích của Hồ Biểu Chánh: “Đó có lẽ là hồi mới khai mở tỉnh An Giang, quan Tổng đốc viết sách địa dư dưng lên triều đình đã do theo thổ âm hoặc hình thể hay phương hướng mà đặt tên cho các ngọn núi trên đây. Mặt khác, dân chúng ở vùng sơn cước nầy, vì không biết được sách địa dư nói trên, hoặc vì trọng phong tục hơn sử sách nên gọi là núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Ông Tô; còn mấy hòn núi cao nằm khoảng giữa (Ba Xoài, Ngất Sung, Nam Vi, Đài Tốn) thì họ kêu chung là vùng núi Cấm”.
Trong số 24 núi được kể trong ĐNNTC, có bảy ngọn núi được đề dòng chữ “là một trong Thất Sơn” gồm núi Tượng, Tô, Cấm, Ốc Nhẫm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa. Tuy nhiên ĐNNTC chỉ ghi như thế, ngoài ra không giải thích là bảy ngọn núi gì, bảy núi cao nhứt, bảy núi đẹp nhứt, hay bảy núi thế nào mà được xếp đặt riêng?
Nếu đọc kỹ những gì trong ĐNNTC ghi chép thì bảy ngọn núi nói trên đa phần là núi cao. Ta thấy núi Cấm được ghi chép là đỉnh núi rất cao, Nam Vi cao hơn 30 trượng, Tà Biệt cao 20 trượng… như vậy có thể phỏng đoán Thất Sơn mà ĐNNTC đề cập là những ngọn núi cao trong tỉnh An Giang. Tuy nghiên cũng có một nghịch lý: tại sao núi Tượng chỉ có 8 trượng lại được liệt vào Thất Sơn, trong khi các núi Đài Tốn (50 trượng), Ba Xùi (40 trượng), Ất Sum (40 trượng) lại không được kể vào, ngay cả các núi Trà Chiếu, Trà Nghinh, Sâm Đăng, Ca Âm cũng vẫn cao hơn núi Tượng.
Vậy chưa thể khẳng định chắc chắn rằng Thất Sơn trong ĐNTTC là những ngọn núi cao. Sơn Nam [2009: 218] gọi đó là bảy “linh huyệt”.
3. Thất Sơn trong tâm thức cộng đồng
Nói đến những cái tên lạ trong GĐTTC và ĐNNTC chắc hẳn người An Giang ít ai biết chính xác, nhưng nếu bảo họ kể tên Bảy Núi thì rất nhiều người có thể kể được. Tuy nhiên, tên bảy ngọn núi được dân gian kể lại không giống như ĐNNTC, mà chính là bảy ngọn núi chúng tôi đã giới thiệu ở phần đầu của bài viết nầy (núi Kéc, núi Dài Năm Giếng, núi Tô, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng, núi Nước). Như thế, có một Thất Sơn khác so với những gì triều đình ghi chép, nó đã trở thành “một phần” trong địa danh Thất Sơn - Bảy Núi. Vậy “Bảy Núi dân gian” bắt nguồn từ đâu?
Có lẽ, quan niệm về Thất Sơn trong dân gian ra đời trong khoảng thập niên 1850 và không xuất phát từ một văn liệu lịch sử nào mà từ truyền khẩu của một tôn giáo - đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, do Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên sáng lập. Thất Sơn trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương xuất hiện trước Thất Sơn trong ĐNNTC, bởi vì tác phẩm được bắt đầu biên soạn từ năm 1865, trong khi tôn giáo nầy đã ra đời từ năm 1849.
Sau khi lập đạo, vị tu sĩ họ Đoàn thuyết giảng về tận thế và hội Long Hoa. Theo đó, khi hết đời Hạ nguơn thì tận thế sẽ đến, vùng Thất Sơn sẽ là nơi mở hội Long Hoa để lập đời mới Thượng nguơn. Bảy ngọn núi được xem là linh thiêng bao gồm: núi Cấm (Thiên Cẩm sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ sơn, còn gọi núi Dài Nhỏ), núi Tô (Phụng Hoàng sơn), núi Dài (Ngọa Long sơn, còn gọi núi Dài Lớn hay núi Dài Văn Liên), núi Tượng (Liên Hoa sơn), núi Kéc (Anh Vũ sơn), núi Nước (Thủy Đài sơn). Một số tài liệu khác cũng liệt kê bảy ngọn núi như trên, nhưng tên chữ có phần khác biệt đôi chút, như núi Kéc là Ô Thước sơn, núi Cấm là Bạch Hổ sơn, núi Tượng là Kỳ Lân sơn và núi nước là Bích Thủy sơn.
Tuy vậy, Thất Sơn không hề là mê tín. Thực ra, thuyết tận thế và hội Long Hoa của Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ là tiền đề để trở thành động lực thực tế chấn hưng Phật giáo, đồng thời là sự sáng tạo của Đức Phật Thầy. Ông rao giảng mở hội Long Hoa tại bảy ngọn núi thiêng để gom tín đồ về vùng xa xôi hẻo lánh, khai phá đất hoang để canh tác và sinh sống - một kiểu dinh điền của thời đại mới hết sức tinh tế. Sơn Nam [2008: 15] nhận định: “Thầy Đoàn Minh Huyên rao giảng thuyết tận thế, làm lành lánh dữ thì được cứu rỗi, và phải gom nhanh về nơi thánh địa. […] Với niềm lạc quan để chờ đợi, người dân hăng hái lo việc ruộng nương, đoàn kết để xây dựng xóm làng”.
Ngày nay, mong ước của Đức Phật Thầy Tây An đã trở thành sự thật, vùng Bảy Núi không còn là nơi hoang vu nữa. Rừng hoang, đất cằn đã trở thành ruộng lúa, nhà cửa mọc lên san sát, bóng quân thù không còn. Thánh địa Thất Sơn qua lời tiên tri ngày nào, nay đã thực sự sung túc, ấm no. Tuy vậy, địa danh Thất Sơn thời xa xưa vẫn đi vào tâm thức cộng đồng như là sự trân trọng và kế truyền dấu tích của tiền nhân.
Qua những gì đã phân tích ở trên, có thể nhận định rằng có đến hai cách lý giải khác nhau về Thất Sơn cùng song song tồn tại: Thất Sơn theo chánh sử và Thất Sơn theo dân gian. Tuy ngày nay tỉnh An Giang đã xác định 37 ngọn núi đã có tên, nhưng con số bảy vẫn không hề thay đổi. Bảy Núi từ lâu đã trở thành biểu tượng tự hào của người dân An Giang: “Trước ba sông thêm rạng chí tang bồng / Sau bảy núi chẳng nao lòng anh kiệt” [Thơ dân gian].
Với niềm tự hào ấy, hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang từng có thời gian ngắn sáp nhập thành huyện Bảy Núi, từ năm 1977 đến năm 1979. Hiện nay, tạp chí sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang cũng được mang tên là tạp chí Thất Sơn.
4. Thất Sơn ngày nay
Ngày nay, ở vùng Bảy Núi vẫn có nhiều mặt tích cực lẫn tiêu cực. Bài viết nầy cốt chỉ trình bày về danh xưng Thất Sơn, nên những thực trạng nơi đây chỉ nêu ngắn gọn. Bảy Núi đã thực sự “trở mình”, những ngôi nhà kiên cố mọc lên nhanh chóng, nhà tre lá tạm bợ hẩm hiu bên sườn núi dần vắng bóng. Những con đường đất sìn lầy, lòng vòng quanh vùng sơn cước đã được sửa chữa kiên cố, đường bộ lên núi cũng được trải nhựa hoặc xây bậc thang. Hệ thống truyền thông, giáo dục, y tế… được hoàn thiện và phục vụ tốt cho đời sống nhân dân. Nhiều ngọn núi có cảnh quan đẹp được khai thác thành khu du lịch.
Tuy nhiên, một số ngọn núi có tiềm năng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Núi Trà Sư, núi Bà Đội Om có thể kết hợp du lịch với văn hóa tâm linh, núi Dài Năm Giếng có cảnh đẹp và khí hậu trong lành, núi Tượng là nơi có những dấu tích của cuộc thảm sát Ba Chúc trong chiến tranh biên giới Tây Nam… vẫn chưa phát triển về du lịch. Núi Tô, núi Kéc đã mở thành khu du lịch nhưng đầu tư vẫn còn không ít vấn đề bất cập, chưa khai thác hết tiềm năng. Núi Cấm là khu du lịch nổi tiếng, nhưng chỉ chủ yếu tập trung phát triển du lịch quanh khu vực hồ Thủy Liêm, một số nơi có nhiều thế mạnh như vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hong, vồ Cây Quế… chưa được “đánh thức”, đường xá trắc trở gây khó khăn cho khách du lịch.
Đáng buồn nhứt là việc khai thác đá và phá rừng. Có dịp vào Tri Tôn nhìn những vạt núi bị khoét sâu mà thấy xót xa. Núi bị khai thác đá, rừng cũng mất, dẫn đến suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Thất Sơn muôn đời vẫn là Thất Sơn - địa danh quen thuộc và sống mãi trong lòng bao người, song liệu Thất Sơn ngày nay có còn là vùng đất “thiêng” nữa không?
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 11 (113), 2012)
_______________________
CHÚ THÍCH:
1. Khi đề cập Bảy Núi với tư cách một địa danh, chúng tôi viết hoa (danh từ riêng), khi đề cập bảy núi với ý nghĩa bảy ngọn núi, chúng tôi viết thường (số từ + danh từ chung).
2. Trước nay tên núi được viết là “Két”, song về chính tả phải viết “Kéc” mới đúng. Chỉ có chim kéc là loài vẹt lớn, hoặc chim mòng két thuộc họ vịt, không có chim két. Do đó, tác phẩm nầy chúng tôi viết là núi Kéc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, tái bản, Nxb Từ Tâm.
2. Duy Minh Thị (1944), Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí, Thượng Tân Thị dịch, Đại Việt tạp chí.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Phạm Trọng Điềm dịch & Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb Thuận Hóa.
4. Sơn Nam (2009), Tìm hiểu đất Hậu Giang & Lịch sử đất An Giang, tái bản, Nxb Trẻ.
5. Sơn Nam (2008), Đi và ghi nhớ, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
6. Trịnh Hoài Đức (2006), Gia Đinh thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch & Huỳnh Văn Tới hiệu đính, tái bản, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.