Chùa Bửu Thành - thuộc hệ phái Nam tông, tọa lạc trên diện tích gần 1000m2, tại tổ 2, khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Hiện nay do Đại đức Thích Ngọc Quang trụ trì.
Lịch sử hình thành ngôi chùa
Chùa Bửu Thành được khởi nguyên vào năm Canh Tý 1960, trên phần đất nhà tại địa chỉ nêu trên, do ông Quảng An Kiết sinh năm Bính Thìn 1916 là người khai sáng. Thuở ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ lợp lá trên nền đất, được dựng lên để tu theo hệ phái Đức Phật Thầy Tây An.
Đến năm Mậu Thân 1968 chiến tranh tàn phá ác liệt, ông Quảng An Kiết cùng gia đình phải chạy ra thị xã Cần Thơ lánh nạn, sau đó xuất gia quy y tại Bửu Pháp Tự (gần Cầu Nhị Kiều – hiện nay là đường Hùng Vương, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) pháp danh Thích Ngọc Nguyện. Đến cuối năm Canh Tuất 1970, chiến tranh tạm lắng xuống, Sư Thầy Ngọc Nguyện trở về quê cất lại ngôi Tam Bảo rộng lớn khang trang trên nền đất cũ, đặt tên Bửu Thành Tự. Ngôi chùa được cất mới cột bằng gổ quý, mái lợp tôn xi măng, vách bằng tôn thiết, nền lót gạch tàu… Thượng tọa Thích Ngọc Nguyện trụ trì và tu tại đây cho đến ngày tháng năm Nhâm Ngọ 2002 - viên tịch, hưởng thọ 86 tuổi.
Để thừa kế và tiếp tục phát huy ngôi Tam Bảo được trường tồn. Đại đức Thích Ngọc Quang (là con trai của Thượng tọa Thích Ngọc Nguyện) trực tiếp trông coi ngôi chùa. Tháng 3 năm Quý Mùi 2003, Đại đức Ngọc Quang đã hiến cúng dường ngôi chùa cho giáo hội Phật giáo Việt Nam và năm Ất Dậu 2005, Đại đức được Ban trị sự giáo hội Phật giáo thành phố Cần Thơ chính thức bổ nhiệm làm trụ trì chùa.
Đại đức Thích Ngọc Quang thế danh Quảng Thanh Liêm sinh ngày 20 tháng 6 năm Quý Mẹo 1963, xuất gia vào tháng 10 năm Bính Dần 1986 và tu tại Bửu Pháp Tự - Cần Thơ. Đến năm Bính Tý 1996, thọ giới Tỳ kheo tại chùa Mu Ni Ren Say - Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Năm 2000 chuyển về tu tại chùa Bửu Thành và năm 2005 chính thức trụ trì chùa cho đến ngày nay.
Sau khi được gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2004, thấy ngôi chùa cũ đã bị xuống cấp trầm trọng, cột kèo bị mối mọt, tôn thiếc thì mục nát. Đại đức Thích Ngọc Quang cho tiến hành xây mới và mở rộng thêm diện tích ngôi chùa. Phía trước là gian chánh điện có diện tích 72m2, (chiều ngang 6 mét, chiều rộng 12 mét). Gian nối tiếp là thờ Hậu tổ rộng 36m2. Gian thứ ba là nhà ăn, nhà bếp và nhà kho… rộng hơn 200m2. tổng kinh phí xây dựng hơn 70 triệu đồng.
Điện thờ chính trong chùa
Chùa Bửu Thành là hệ phái Phật giáo Nam tông, nên trong chùa chỉ duy nhất thờ tượng Phật Thích Ca và các tượng được tập trung tôn trí ở điện thờ trung tâm.
Vách sau điện thờ là một bức tường gạch, trên nền tường có gốc cây Bồ Đề cổ thụ đấp nổi trên một bức tranh phong cảnh núi đồi, phía trước là điện thờ. Trên bậc cao tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca Mầu Ni ngồi trên tòa sen cao 1,4 mét, trước đài tòa sen xếp thêm một pho tượng Đức Phật nhập diệt dài 1,2 mét; bậc thứ hai ở giữa có 3 pho tượng nhỏ, trong đó có một tượng Phật đản sanh cao 0,8 mét; bậc thứ ba dùng để xếp các bình hoa tươi và trái cây để cúng Phật.
Những đặc điểm thờ cúng trong chùa
Phía sau chánh điện là bàn thờ Hậu tổ. Trên bàn treo khung di ảnh Đức Phật Thầy Tây An - Đoàn Minh Huyên, bên dưới xếp các khung ảnh thờ Thượng tọa Thích Ngọc Nguyện…
Chùa Bửu Thành trước đây là ngôi chùa gia đình, hiện nay nhà chùa đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đã có hàng trăm người dân đến tính ngưỡng thờ cúng, nhưng vẫn là một ngôi chùa nhỏ nằm cách khá xa đô thị, đường vào chùa khúc khiểu quanh co, nên ít được nhiều người biết đến. Mặc dù vậy, hiện nay Đại đức Thích Ngọc Quang vẫn tổ chức đầy đủ các nghi lễ của các ngày lễ lớn của Phật giáo như: Rằm Thượng Ngươn, rằm Trung Ngươn, rằm Hạ Ngươn kết hợp với lễ Vu Lan báo hiếu và lễ Phật đản hằng năm… có rất đông bà con phật tử đến cúng viếng.
QUỐC LƯƠNG