Theo địa bạ triều Nguyễn năm 1936, chùa Phước Trường thuộc
tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên tỉnh An giang. Nay thuộc ấp 2 – xã
Vĩnh Trường huyện An Phú - tỉnh An Giang.
Phước Trường tự khởi lập năm 1824, lúc đầu chỉ là một cái
cốc nhỏ mái lá đơn sơ, do gia tộc Hà Văn Bày cùng nhau dựng lên. Trải qua nhiều
lần duy tu sữa chữa, hiện chùa đậm nét khang trang cổ kính. Chùa tọa lạc trên
diện tích đất thổ cư 1 ha. Có thể nói sự kết hợp kỳ diệu giữa cảnh quan thiên
nhiên và nhân tạo nơi đây đã hình thành nên không gian nhà thiền hết sức trữ
tình thơ mộng đến xao xuyến lòng người. Khuôn viên được xây dựng trên nền cao
hơn 2m, kè đá núi hình lục giác kiểu da qui vững chắc, vừa gìn giữ chân móng
không bị mưa lũ xói mòn, vừa tạo mĩ quan cao thoáng cho khu vực chùa, sân chùa
rộng thoáng, trồng nhiều hoa kiểng đẹp duyên dáng nép mình dưới những tán cây
cổ thụ, hoà quyện cùng hương đồng cỏ nội sắc màu xanh tươi, tô đậm nét tĩnh
lặng trầm mặc nơi cửa Phật.
Lối lên thềm chùa phải qua nhiều bậc tam cấp, biểu
tượng nhân duyên, thử thách sự thành tâm của con người với Phật pháp. Tiền điện
chùa hướng chính Đông, phía trước là con rạch trong xanh lượn vòng như dải lụa
dài mát mẻ quyến rũ, gốc phải là miếu Ngũ Hành, gốc trái là miếu Chư thần, mặt
dựng trang trí các khuôn tranh sơn thuỷ cảnh làng quê sau lũy tre làng, sự tích
Phật Thích Ca tầm đạo…Nội thất kết cấu khung sườn gỗ, riêng tứ trụ tròn bê tông
cốt thép, song trụ phía trước đắp nổi long vấn rất to đầu nhô ra ngoài, thân
uốn khúc ẩn hiện trong mây, đuôi xoáy mạnh thể hiện oai linh của loài linh thú.
Bày trí thờ tự đơn giản, trung gian chính điện đặt ngôi thờ
Tam Bảo, bậc trên cùng thờ Phật A Di Đà. Bậc thứ hai thờ Phật thích ca Mâu Ni
(hai bên thờ Quan Âm Bồ Tát) Bậc thứ ba thờ Phật Di Lặc, Ngọc Hoàng (hai bên thờ
Nam Tào, Bắc Đẩu, Địa Tạng). Đặc biệt, các tượng thờ này đều chế tác bằng đất
sét, được nghệ nhân xưa làm theo phương pháp thủ công rất khéo tay, kỹ thuật
tạo tác tinh xảo sinh động, mỗi bức tượng là một tác phẩm đêu khắc tuyệt vời,
gây ấn tượng mạnh mẽ, điểm chung của các tượng toát lên vẻ đẹp trí tuệ cùng sự
cảm thông, cứu độ mang tính nhân bản sâu sắc, ẩn chứa một sức mạnh cao siêu
trong không gian nội thất.
Chùa Phước Trường không chỉ là cơ sở tín ngưỡng đơn thuần,
mà chùa còn chứa đựng nội dung lịch sử đáng trân trọng và hết sức tự
hào. Nhìn chung, Phước Trường tự có ảnh hưởng đậm nét và gắn bó mật thiết
với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ người dân sinh ra và lớn lên tại làng cù
lao sông nước thân yêu này. Đây là một địa chỉ nói lên nhiều ý nghĩa sâu sắc
trong việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho thế hệ hôm nay và
mai sau.
THƯ VIỆN DI TÍCH AN GIANG