Nhờ ánh sáng đó sáng hơn nên trong chỗ hoà hợp nó đồng hòa
các ánh sáng cũ thành một ánh sáng Phật giáo dân tộc hay có mang tính chất Phật
giáo . Sự hiện diện của nó, bởi cần thiết cho sự củng cố nền tảng quốc gia, vì
nó đồng hoá để mà bổ sung hơn là để tiêu diệt hay truất ngôi, nên dân tộc nào
cũng không cảm thấy bị mất gốc hay mất thể diện khi tiếp nhận nó.
Nhìn vào các nước Phật giáo, ta thấy quốc gia nào cũng có
những sắc thái Phật giáo riêng biệt về hình tướng cũng như về hệ thống giáo lý.
Đồng là Phật giáo cả, nhưng mỗi nơi mỗi khác, khác từ sự kiến trúc chùa chiền
đến lễ nghi trang phục. Những cái sắc thái riêng biệt ấy thích hợp với đời sống
của quốc dân, với cá tính của dân tộc. Do đó đạo Phật đã trở thành, ở các quốc
gia Phật giáo, một nền Phật giáo dân tộc.
Như ở Nhật Bản, hòa hợp với Thần đạo và Vũ sĩ đạo, Phật giáo
đã trở thành một nền Phật giáo Nhật Bản. Mặc dù chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung
Hoa, các Đại đức Thiền sư Nhật Bản như Đạo Nguyên, Thân Lan, Nhật Liên đã biến
Phật giáo Trung Hoa thành Phật giáo của dân tộc Nhật. Từ mái chùa cho đến chiếc
áo cà sa mỗi mỗi đều có những sắc thái khác biệt, phù hợp với cá tính Nhật Bản.
Cũng thời là Thiên Thai tông nhưng Thiên Thai tông của Nhật lại hòa hợp với
Mật. Thiền. Đến Tịnh độ tông và Thiền tông cũng thế. Ở Nhật hai tông ấy biến đi
rất nhiều từ tinh thần lẫn hình thức. Nói tóm lại, đạo Phật một khi du nhập vào
Nhật bản thì hòa hợp với tinh linh dân tộc Nhật mà có những sắc thái riêng
biệt, không còn giống với thoát thai của nó là nền Phật giáo Trung Hoa.
Đến như Phật giáo Trung Hoa, tiếp nhận ngay Phật giáo Ấn Độ,
đáng lẽ không có biến thái nhiều, thế mà vì tính chất thích nghi nên đã cách
tân từ việc tụng niệm trang y cho đến cách chia tông lập giáo. Có thể nói Phật giáo
Trung hoa là một nền Phật giáo hoàn toàn xây dựng trên cơ bản mới, khác hẳn
Phật giáo nguyên thỉ.
Vả chăng sau ngày Phật nhập diệt độ khoảng 500 năm. Ấn Độ bị
Hồi giáo xâm lăng, đạo Phật cơ hồ không còn. Những tăng ni theo giáo lý Tiểu
thừa thì di cư xuống miền Nam,
lập thành Phật giáo Nam
tông hay Tiểu thừa giáo; còn những học giả Đại thừa thì chạy sang Đông độ.
Thành thử cõi Chấn Đán tức Trung Hoa đã trở nên tổ quốc của Đại thừa giáo. Cái
hệ thống "Tổ tổ tương truyền" bắt đầu từ Đại đức Ca Diếp cho đến vị
tổ thứ 28 thì chấm dứt ở Ấn độ, nhưng lại được tiếp tục ở Trung Hoa.
Chẳng những thừa tiếp giáo pháp Đại thừa vừa mới khai sáng
nhưng chưa kịp phát triển ở Ấn độ, Trung Hoa còn chỉnh đốn các tông tổ thành hệ
thống thích hợp với cả linh dân tộc và đồng thời sáng tạo thêm ba tông hoàn
toàn Trung Hoa. Đó là: Hoa nghiêm tông, Thiên Thai tông và Thiền tông.
Trong sách Ẩm băng thất, khi đề cập đến sự thành lập các tông
Phật giáo ở Trung Hoa. Lương Khải Siêu có viết: "Về Câu xá tông, tuy Thế
Thân có tạo một bộ luận được học giả Ấn Độ tranh nhau học tập, nhưng chưa chính
thức lập nên một tông. Tông này được thành hình là chính tự Trung Quốc. Còn về
Thành thực tông thì từ Ma lê bạt ma về sau không thấy Kinh sách nào ở Thiên
trúc nói đến mà chỉ riêng ở Trung Quốc thì rất thịnh. Tam luận tông ở Ấn Độ tuy
truyền bá hơi rộng nhưng cũng không bằng ở Trung Quốc. Đến như Hoa nghiêm thì
bản Kinh ấy ở Ấn Độ đã chìm lặn trong chỗ mờ mịt. (cứ theo truyền thuyết thì
sau Phật diệt độ 700 năm, Long Thọ Bồ Tát dùng thần lực nhiếp thủ Kinh Hoa
nghiêm ở Hải long cung. Bản Kinh lưu hành là bắt đầu từ đó. Truyền thuyết thần
bí này tuy chẳng đủ tin nhưng đủ thấy ở Ấn Độ tung tích Hoa nghiêm còn mờ mịt
lắm). Thế thì làm gì có Hoa nghiêm tông ! Lúc Bấy giờ ở Ấn Độ chỉ có hai bộ
luận: Đại bất tư nghị và Thập địa xiển minh nghĩa Hoa nghiêm còn kỳ dư thì không
thấy đâu nói đến. Nhưng dựa vào Hoa nghiêm để lập giáo, thật ra chỉ bắt đầu từ
các ngài Đỗ Thuận, Hiền Thủ, Thanh Lương, Khuê Phong. Cho nên có thể nói rằng
Hoa nghiêm tông là do Trung Quốc trước tiên sáng lập. Đến như Thiền tông, tuy
rằng Ấn Độ có 28 vị tổ, nhưng sự truyền nhau lại quá mật, giữa tiền tổ với hậu
tổ chỉ trong khoảnh khắc, không thể biết được uyên nguyên cho nên việc chân
ngụy hẳn khó mà phân biệt. Ấn Độ cho rằng chân nhưng trong khoảng hơn một ngàn
năm, ngoài 28 tổ ra thì không có thể nói là có Thiền tông, ấy chẳng qua chỉ vì
sau khi vừa nhận y bát thì vị tổ trước đã nhập diệt. Thành thử trong khoảng
không hơn một ngàn năm ấy, chẳng từng có được 2 người cùng một lúc hoằng dương
chính pháp Thiền tông. Như vậy có thể nói Ấn Độ không có Thiền tông cũng nên.
Tuy nhiên, Phật giáo nhờ có Lục tổ mà bắt đầu có Thiền tông , cũng như Gia tô
giáo nhờ có Luther mà bắt đầu có Tàu giáo. Như pháp môn chỉ quán "Thiên
Thai Tam muội" là đặc sáng của riêng Đại sư Trí giả; trước đó chưa có mà
ngay trong thời của Đại sư cũng không ai dạy thì đủ rõ. Do đó có thể nói rằng
trong mười tông, duy có Luật tông. Pháp tướng tông. Chân ngôn tông. Tịnh độ
tông là thịnh hành ở Ấn Độ, còn ký duy là do Trung Quốc sáng lập."
Lương Khải Siêu còn khoái cảm hạ bút rằng: "Đẹp thay
nước Trung Quốc của ta ! Chẳng thọ ngoại học thì thôi, bằng đã thọ thì phát huy
rộng sáng ra, biến thành một thứ đặc sắc. Hãy nhìn vào nền Toán học và Phật học
của nước ta đủ thấy. Phật học của Trung Quốc là phật học của Trung Quốc, chứ
không còn là Phật học thuần nhiên của Ấn Độ ."
Ấy đó, Phật giáo một khi du nhập vào Nhật bản và Trung Hoa
thì hoà hợp với dân tộc tinh của mỗi nơi mà có những sắc thái riêng biệt, biến
thành một nền Phật học dân tộc. Nước Việt Nam chúng ta cũng đồng thấm nhuần
giáo lý Phật đà, một mặt trực tiếp du nhập từ Ấn Độ, một mặt gián tiếp chịu ảnh
hưởng của Trung Hoa, có lý nào chẳng gây dựng một nền Phật giáo phù hợp với dân
tộc tinh Việt Nam như Trung Hoa và Nhật Bản hay sao ?
Nhìn vào nền Phật giáo nước nhà, chúng ta không đến đỗi thất
vọng như khi nhìn vào đại hạt Nho học. Các danh tăng Việt Nam từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần luôn luôn cố gắng
tạo cho Việt Nam
một nền Phật giáo dân tộc. Cũng thời tiếp nhận Thiền tông của Trung Hoa truyền
sang, nhưng các danh tăng đời Trần đã thành lập một phái Thiền đặc biệt của
mình, không khác Chân tông và Nhật liên tông ở Nhật. Đó là phái Trúc Lâm Yên tử
do ba vị tổ: Điều ngự Giác hoàng, Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập. Bắt nguồn
từ giáo lý Thiền tông nhưng phái Trúc Lâm Yên tử chủ trương có khác. Cho được
hoà hợp chủng tính Việt Nam,
phái Trúc Lâm xây dựng Thiền lý trên căn bản Nhập thế và Xuất thế, trong lúc ấy
Thiền tông Trung Hoa chỉ thuần có một mặt xuất thế mà thôi. Nhờ có dung hợp cả
hai phương diện Nhập thế và Xuất thế, đạo Phật đời Trần cũng như đời Lý gây
được tinh thần sùng mộ đạo đức và tính khí thanh tao thoát tục, chẳng những
trong dân gian mà cả trong hàng quan khanh vua chúa.
Một khi đã thấm nhuần Thiền lý, các vua quan nhà Trần, mặc dù
lăn lộn trong chỗ quyền môn vẫn không mang nặng cái bệnh tham danh trục lợi.
Thế nên, khi mọi việc an bày, có nhiều vị vua quan nhường ngôi cáo lão để đi
tu. Nhờ đã hoàn thành giai đoạn nhập thế nên họ dễ tiến lên con đường xuất thế.
Đến như những danh tăng đã xuất thế, cũng không vì đã xuất
thế mà chẳng trở lại nhập thế khi quốc gia hữu sự, dân chúng đảo điên. Trường
hợp của Tuệ trung Thượng sĩ, khi nghe giặc Nguyên xâm lăng nước ta từ chốn
Thiền lâm cởi áo ca sa mặc lấy chiến bào ra trận, và khi giặc Nguyên đã bình,
bèn vứt chiến bào mặc lại áo ca sa, đủ cho ta thấy cái đặc tính dân tộc của
phái Trúc lâm Yên tử. Nhờ kiêm cả hai phương diện nhập thế và xuất thế, Thiền
tông Việt Nam
còn dung hợp với Tịnh độ tông để cùng điều hòa và trợ trưởng nhau trong pháp tu
vừa tự lực vừa tha lực.
Nhưng trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, tịnh thần
Phật giáo đời Lý đời Trần cùng theo thời gian mà mở dần trong dĩ vãng. Thừa lúc
loạn loạc Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi tiếp theo thực dân đô hộ non một thế kỷ,
tinh thần dân chúng hoang mang mất cả tự tin, những lối tu yếm thế, mê tín dị
đoan pha màu phương thuật lại được dịp xây dựng cơ đồ, làm nền Phật giáo dân
tộc phải thối triều trong khoảng thời gian ngót năm thế kỷ.
Nhận xét về nguyên nhân suy bại của Phật giáo ở xứ ta, ông
Hoàng Nhiên có nêu ra mấy điểm trọng yếu:
1. Phái tăng già ở xứ ta phần nhiều tu mà không học
2. Người minh hay trọng sự lạy lục cúng dường theo lối mê tín
dị đoan.
3. Không biết trọng sáng kiến của người khác.
4. Không biết giúp đỡ, tán dương người tài trí, nhà hiền giả,
bậc chân tu.
5. Cố chấp về văn tự, theo tư tưởng Hán nho mà không rộng xem
các sách khác (1)
Về nguyên nhân suy đồi Phật giáo ông Thanh Sĩ cũng nhận rằng:
Cùng một cảnh huống đạo Khổng tử, đạo Phật Thích Ca ở xứ ta
hồi thời nhà Đinh, Lê, Lý, Trần rất thịnh đạt, không những trong dân chúng mà
luôn đến hàng vua chúa cũng cùng một tin tưởng mạnh mẽ. Các vua thời ấy, thường
hay nhường ngôi cho con để đi tu, hoặc lên non núi lập chùa chiền qui tụ cả
muôn tăng cả muôn tăng lữ lo viêc tu hành, hoặc xây cất am tự gần thành quách
của mình để truyền bá đạo Phật, nhất là hồi thời nhà Trần vua Nhân Tôn tu được
chứng quả, đạo hiệu của Ngài là Điều ngự Giác hoàng Đại Đầu Đà Người thời ấy
tôn Ngài làm đệ nhất tổ của phái Thiền tông ở Việt Nam. Hàng quan tướng lúc bấy
giờ xem gương của vua Nhân Tôn mà họ cũng lần lượt lánh rồi cuộc công danh phú
quí lo tu hành rất đông, như con của Trần Quốc Tuấn là Trần Quốc Tảng. Lúc Trần
Quốc Tảng mới mười bốn tuổi vừa đi học về nghe cha bị quân Nguyên vây tại thành
Thăng Long thì ông mới nhất thân nhất mã ra giải vây cho cha. Chừng ông được
hai mươi tuổi đã đi tu, ngộ được Phật chỉ đạo, hiệu của ông là Tuệ Trung Thượng
sĩ. Còn những hạng tu hành chứng quả ở thời đó không kể xiết.
Nhưng kể từ khi các vị Tổ bên Trung hoa ngưng việc truyền y
phó bát đến nay, phái Trần Tú càng lúc càng thêm mạnh, không những ở Trung Hoa
mà còn truyền qua xứ ta, họ bày ra cách thờ cúng đầy thinh, âm, sắc, tướng
(đờn, đẩu, trống, phách, lầu, phướn, sá hạc v.v…) làm việc hữu hình, hữu ảnh,
dân chúng xứ ta dần dần theo đó mà xa lần mối đạo vô vi chánh pháp của Phật,
Nền chánh giáo từ đó càng ngày càng mờ lu, các ngôi chùa miễu phần nhiều chỉ là
cái vỏ để các tà sư làm mê hoặc thập phương, lợi dụng việc lo cơm ấm áo vậy
thôi, chớ họ không chú vào việc dắt người đến chỗ sáng sủa giải thoát. Cũng bởi
phần đông hành đạo không chánh đáng, nên cả ngàn muôn người tu mà chỉ có một số
ít người đắc đạo; do đó mà gần đây có người lên án cho cảnh chùa là chỗ chứa
những phần tử ăn bám của xã hội, chỉ là tổ chức mê hoặc lòng dân, không có tinh
thần tiến hoá, thật là một con sâu làm rầu nồi canh.
Dầu vậy, tinh thần dân tộc vẫn không lịm hẳn trong Phật giáo.
Vào đầu thế kỷ thứ 19. Đức Phật Thầy Tây An xuất hiện lập nên giáo hệ Bửu Sơn
Kỳ Hương. Khai thị pháp môn Tu Nhân Học Phật, chẳng những khôi phục cái thịnh
huống đạo Phật đời Lý đời Trần mà còn xây dựng lên một nền Phật giáo hoàn toàn
dân tộc. ....
Nhìn vào lịch sử Phật giáo Việt Nam, chẳng sử gia nào không
nhìn nhận rằng chẳng có thời kỳ nào đạo Phật hưng thịnh bằng đời Lý đời Trần.
Trong nước từ quan chí dân đều một lòng sùng mộ việc tu hành, kẻ đủ điều kiện
tu giải thoát thì xuất gia, người còn bận việc đời thì giữ phần cư sĩ.
Khắp nơi trong nước, cảnh già lam được nhiệt liệt dựng lên, ở
mỗi gia đình, ngoài việc thờ phượng tổ tiên, còn có ngôi thờ Tam bảo. Có thể
nói xã hội Việt Nam
ở đời Lý đời Trần đã thấm nhuần tinh thần đạo Phật cả hai phương diện xuất thế
và nhập thế.
Do đâu đạo Phật đời Lý đời Trần hưng thịnh hơn các triều đại
khác? Hẳn phải có nguyên nhân? Nhiều sử gia cho rằng Việt Nam cho đến đời Lý, chủ quyền quốc
gia mới thật điện định. Nhờ được trấn an bờ cõi, các vua quan đời Lý có đủ thì
giờ lo nghĩ việc mở mang dân trí. Đương nhiên Phật giáo cũng như Khổng giáo và
Lão giáo là ba nền đạo đề cao nhân cách, đào dưỡng tinh thần hướng thượng của
chúng sinh, hẳn được nhà cầm quyền vun bồi và trợ trưởng. Đó là cơ hội thuận
tiện cho Phật giáo hưng thịnh.
Xét ra thì sự nhận định trên đây chỉ dừng trên phương diện,
ngoại duyên. Chớ chưa phải tìm động nhân chính. Thì như có một miếng đất tốt,
thích hợp cho sự trồng tỉa mà ngay hột giống không tốt, không có sức phát triển
thì cũng không làm sao có kết quả tốt đẹp. Miếng đất tốt chỉ là ngoại duyên,
còn hột giống mới là nội nhân. Một nền triết học hay giáo lý cũng thế, mặc dù
gặp hoàn cảnh thuận tiện cho sự phát triển nhưng nếu nội dung của nó không phù
hợp với đời sống cùng trình độ của mọi người thì cũng không tài nào hưng khởi
lên được.
Thế nên cái động nhân để làm phát triển một nền học thuật hay
giáo lý, chính là những khả năng thích nghi sẵn có của nó. Thiếu những khả năng
ấy thì dù hoàn cảnh có thuận tiện cũng không sao phát triển được.
Sở dĩ đạo Phật hưng thịnh nhất ở đời Lý đời Trần là cũng nhờ
các danh tăng lúc bấy giờ biết làm phát triển cái khả năng thích nghi sẵn có
của đạo Phật để được phù hợp với dân tộc tinh và cơ duyên của chúng sinh trong
nước. Thay vì mô phỏng mù quáng theo các danh tăng dời Lý đời Trần khéo biến
Thiền tông Trung Hoa thành một môn Thiền Việt Nam, phối hợp tu xuất thế và nhập
thế. Các Ngài Điều ngự Giác hoàng, Pháp Loa và Huyền Quang đời Trần thành lập
một Thiền phái hoàn toàn Việt Nam lấy tên: phái Trúc Lâm Yên Tử.
Với danh hiệu hoàn toàn Việt Nam, với pháp tu phù hợp với
trình độ và căn tính của dân trong nước. thảo nào đạo Phật chẳng được phát đạt
và toàn dân sùng mộ.
Chính cái nội nhân thích nghi của đạo Phật mới là cái động cơ
chính làm phát triển đạo Phật khắp nơi. Đó chẳng phải là cái thông lệ riêng của
Việt Nam mới có, mà bất cứ ở nơi nào, nếu người đứng ra hoằng dương giáo pháp
biết làm phát triển cái nội nhân thích nghi ấy cũng đều thâu hoạch kết quả như
thế.
Thử lấy Thiền tông để chứng minh, ta sẽ thấy ngay ở Ấn Độ là
nơi xuất phát Thiền tông ; nhưng chính ở đấy trong khoảng thời gian một ngàn năm,
Thiền tông chưa lập thành hẳn tông phái. Mãi khi du nhập vào Trung Hoa, các
danh tăng cõi Chấn dân, biến nó thành một môn Thiền Trung Hoa, gây nên một
thịnh huống vô cùng náo nhiệt mở rộng khắp nơi trong nước, đâm chồi nảy tược ra
làm ngũ gia thất tông, Ngũ gia là: Lâm tế, Tào động, Qui Ngưỡng, Vân môn và
Pháp nhãn, Về sau phái Lâm Tế có thêm hai chi Dương Kỳ và Hoàng Long; do đó mới
gọi là Ngũ gia Thất tông.
Đến như Thiền tông ở Nhật Bản, mặc dù do hai Ngài Vĩnh Tây và
Đạo Nguyên cầu pháp ở Trung Hoa, nhưng khi du nhập vào Nhật lại dung hợp với
Thần đạo và Võ sĩ đạo lập thành một Thiền phái hoàn toàn Nhật Bản. Nhờ thích
ứng với dân tộc tinh Nhật, Thiền tông phát triển rất mạnh ở đảo Phù tang và sau
hai Ngài Vĩnh Tây và Đạo Nguyên, còn phân ra khá nhiều chi phái, giáo nghĩa
thêm đủ dầy, lợi ích càng sâu rộng.
Cứ xem đó thì một nền giáo lý cho được phát triển, cái động
cơ chính là các nhà truyền giáo phải biết làm cho thích hợp với dân tộc tinh và
trình độ của dân trong nước. Cái nguyên nhân giúp cho đạo Phật hưng thịnh ở đời
Lý đời Trần chính là ở chỗ đó.
Các danh tăng Việt Nam đã biết phối hợp đạo Phật với dân tộc
tinh nên gây được lòng sùng mộ của toàn thể nhân dân, nhưng cái thịnh huống ấy
không thể duy trì lâu dài, khi cuộc Nam Bắc phân tranh nổi lên và tiếp theo đó
dẫn khởi cuộc đô hộ của quân Pháp, khiến cho tinh thần dân tộc phải một phen
tiềm tàng, cơ hồ mai một.
Trong những lúc hỗn loạn làm xáo trộn cả giá trị tinh thần,
chính là lúc rất thuận lợi cho các mê tín dị đoan nảy mục đâm chồi. Lịch sử
Trung Hoa đã chứng minh rằng vào đời Lục Triều và Tam Quốc, trong nước không
dứt loạn lạc, chính là lúc phái phương sĩ, một biến thể của đạo Lão phát triển
mạnh mẽ nhất. Hoàn cảnh xã hội Việt Nam sau đời Hậu Lê cũng diễn ra những cảnh
huống loạn lạc tương tợ Phái Trúc Lâm Yên Tử không sao tránh khỏi cảnh suy vi
thất lạc, trong lúc tư tưởng của dân trong nước đang thối triều. Ban sơ Thiền
phái Việt Nam chưa suy lạc cho lắm, nhưng trải qua một thời gian hàng mấy trăm
năm loạn lạc, các tập tục mê tín ngoại lai thâm nhập càng nhiều làm cho bản
chất thuần lý phù hợp với dân tộc tinh phai lạc đi.
Nay muốn trấn hưng đạo Phật, tất phải làm sống lại tinh thần
dân tộc. Nếu mãi nô lệ ngoại quốc, cứ nhất nhất mô phỏng những điều chỉ thích
hợp với nước người mà không chịu áp dụng đúng với tinh thần dân tộc và phù hợp
với căn cơ của dân trong nước thì những giáo lý ấy dù có được tiếp nhận chăng
nữa cũng không gây được sự ngưỡng mộ nồng nhiệt của toàn dân. Một giáo lý thiếu
tinh chất thích nghi là một giáo lý cằn cỗi ngưng đọng, mất bản tính chất Phật
giáo.
Ý thức được cái động nhân tiến triển của đạo Phật, nên chỉ
khi ra đời Đức Phật Thầy Tây An không đạp theo dấu của các nhà sư lúc bấy giờ
chỉ biết bắt chước và tai hại hơn nữa là Ấn Độ tùng xướng khởi lối tu mê tín dị
đoan của Thần Tú. Để đề khởi tinh thần Phật giáo đời Lý đời Trần. Ngài noi
gương các vị tổ của phái Trúc lâm Yên tử mà sáng lập một tông phái phù hợp với
dân tộc tinh Việt Nam
và tương xứng với trình độ của dân chúng trong thời kỳ mạt pháp. Ngài thành lập
phái Bửu Sơn Kỳ Hương và xướng xuất pháp môn Tu Nhân học Phật.
Bửu Sơn Kỳ Hương là một tông phái hoàn toàn Việt Nam.
Kiểm điểm các danh tông của Phật giáo Ấn độ và Trung Hoa hay bất cứ nền Phật giáo
của một nước nào ta thấy Bửu Sơn Kỳ Hương là một danh từ đặc biệt Việt Nam,
không có trùng tên hay trùng ý với một tông phái nào khác.
Nước Trung Hoa lấy làm hãnh diện về sự sáng lập Thiên thai
tông là một tông hoàn toàn Trung Hoa, thiết tưởng chúng ta cũng không đến đỗi
thiếu sáng kiến hay tự ty mặc cảm khi có tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhật Bản tự hào có Nhật liên tông một
đặc sáng Nhật Bản nhưng thật ra Nhật liên tông chẳng qua là một thoát thai của
Thiên thai tông Trung Hoa, do Thượng tọa Nhật Liên, sau một thời gian tu tập
bên Trung Hoa trở về nước sáng lập.