
Đại lễ Phật Đản (Vesak) là ngày lễ truyền thống quan trọng của Phật giáo, tổ chức vào ngày rằm tháng Tư âm lịch hằng năm. Đây là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khánh đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni. Ngoài ra, Vesak còn mang ý nghĩa Tam hiệp gồm:
Phật đản sanh, Phật thành đạo và Phật nhập Niết Bàn. Ngày 15/12/1999, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Phật giáo là tôn giáo lớn trên thế giới, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sáng lập vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên. Giáo lý của đạo Phật xoay quanh các vấn đề cơ bản về thực trạng của khổ đau, định hướng nhìn và phương pháp vượt qua khổ đau. Những lời dạy minh triết, các lý tưởng đạo đức của Đức Phật về hòa bình, từ bi, nhân ái, tỉnh thức, nhận biết về thế giới quan… phát huy giá trị và ý nghĩa cao cả hơn 2500 năm qua.
Nhà bác học Einstein đã nhận định về Đạo Phật như sau: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”.

Phật Đản là ngày nghỉ lễ chính thức của quốc gia tại nhiều nước như Thái Lan, Sri Lanka, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Cambodia, Myanmar, Hồng Kông, Đài Loan… Tại Việt Nam, mặc dù không là ngày nghỉ lễ chính thức của quốc gia, nhưng Phật Đản vẫn được xem là ngày lễ quan trọng, thu hút sự tham gia của hàng chục triệu người dân trên mọi miền đất nước.
Việt Nam đã hai lần đăng cai tổ chức Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc vào năm 2008 và 2014. Vesak năm 2008 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), từ ngày 14 đến 17/5/2008 với chủ đề “Phật giáo và Xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh”, có sự tham dự của đại diện 74 quốc gia. Vesak 2008 đã để lại ấn tượng đẹp về Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Sau Vesak 2008, ngày lễ này ngày càng được Phật giáo ViệtNam tổ chức long trọng trên cả nước.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2014 được tổ chức tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình) từ ngày 7 đến 11/5/2014 với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc”. Đại lễ có sự tham dự của hàng chục ngàn khách mời đến từ 95 quốc gia. Đặc biệt có sự tham dự của lãnh đạo Phật giáo các nước, Quốc vương Toro, Thủ tướng Sri Lanka, Công chúa Bhutan, Công chúa Thái Lan, đại diện Liên Hiệp Quốc, UNESCO và các tổ chức quốc tế…
Trong Thông điệp Phật Đản 2014, Trưỡng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh: “Trải qua quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, Đức Giáo chủ đã để lại cho nhân loại một hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, hòa hợp và phát triển”. Hòa thượng cũng khẳng định Đại lễ Vesak 2014 do Việt Nam đăng cai là: “Phật sự có ý nghĩa quan trọng của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành tâm kính dâng lên Đức Từ Phụ nhân ngày Đản sinh của Người”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng gửi Thông điệp Vesak có đoạn: “Vì những lời dạy của Đức Phật có giá trị vĩnh cửu, nên trong thời đại ngày nay quan điểm Phật giáo vẫn có giá trị khi chúng ta thúc đẩy nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đưa thế giới vào một con đường phát triển công bằng và bền vững hơn”. Ngoài ra, Tổng giám đốc UNESCO, Quốc vương Cambodia, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Australia, Tổng thống Ấn Độ, Tổng thống Sri Lanka… cũng có Thông điệp chúc mừng Vesak 2014.
Hòa cùng không khí hân hoan của cả nước, Đại lễ Phật Đản ở An Giang nhiều năm gần đây có nhiều khởi sắc. Đại lễ các năm diễn ra với trang nghiêm, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự tham gia của Ban Trị sự các huyện, đông đảo Tăng Ni, Phật Tử. Đại lễ có nhiều hoạt động phong phú, nêu cao tinh thần “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” và “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường Chư Phật” mà Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra. Tuy nhiên, so với các địa phương khác trong nước và khu vực, Phật Đản ở An Giang nhìn chung vẫn còn khó khăn, chưa đủ điều kiện để "lễ hội hóa" và "quần chúng hóa" như khuyến khích của Giáo hội.
Với lý tưởng cao đẹp của Phật giáo, Đại lễ Phật Đản hằng năm là dịp để nhắc nhở con người những bài học về trải rộng tình thương, diệt trừ thù hận, mưu cầu an lạc, hạnh phúc cho nhân loại. Đồng thời, Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 nói riêng, còn là dịp để quảng bá hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người và những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
THIỆN PHÚC