Là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương – Phật Thầy Tây An thì ai cũng phải nhớ và phải hiểu được ba câu nguyện trong bữa com hằng ngày. Mỗi ngày chúng ta dùng ba bữa cơm sáng, trưa và tối và mỗi lần ăn cơm chúng ta phải cầu nguyện trời phật đất nước gia hộ cho chúng ta có hạt cơm ăn và đọc ba câu nguyện để thấy, rèn dũa và sửa sang lại tâm tánh.
Trước khi ăn cơm, mỗi người phải so đũa cắm lên chén cơm và nâng cao trước mặt ngang tráng để tỏ lòng tạ ơn trời đất cho ta có cái ăn hằng ngày, sau đó để xuống bái tạ lễ và dùng ba miếng cơm lạt. Đối với người đệ tử Phật Thầy việc dùng ba miếng cơm lạt trong mỗi bữa ăn tượng trưng cho việc dùng chay mỗi ngày, trước khi dùng cơm thường nhật. Người tại gia cư sỹ phải làm ăn, phải va chạm với đời cho nên không thể nào kiêng cữ hết mọi thứ, việc ăn chay chỉ thực hiện vào ngày 30 – mùng 1 và 14 và rằm hàng tháng (04 ngày) các ngày lễ trọng của đạo. Việc ăn ba miếng cơm lạt là giúp cho người tín đồ tự chay chính tấm lòng của mình. Khi ăn mỗi miếng cơm lạt gắn với một câu nguyện mà theo lời dạy của Thầy dạy chính là nhắc nhở người tín đồ phải biết tu tâm dưỡng tánh biết sửa sang lại mình:
1. Nam mô Nhứt nguyện giải trừ tam nghiệp chướng;
2. Nam mộ Nhì nguyện báo bổ Quân ân Phụ mẫu;
3. Nam mô Tam cầu trực vãng Tây phương Tịnh độ.
Câu nguyện thứ nhứt nhắc nhở đến Tam nghiệp chướng trong mỗi chúng ta chính là : tham – sân – si. Mỗi khi đọc câu nguyện này , mỗi người hãy xem lại mình để dẹp đi ba cái nghiệp chướng lớn này đó là tham lam; sân hận và si mê. Nếu hiểu mà thường gọt rửa tâm tánh thường xuyên đúng như lời Thầy thì chắc chắn mọi người sẽ có đạo quả ngày một tinh tấn.
Câu nguyện thứ hai nhắc nhở người tín đồ chúng ta nhớ đến ơn vua, công ơn sinh thành dạy bảo của cha mẹ. Đất nước hưng thịnh hòa bình an vui đó là nhớ ơn đất nước, của các vị lãnh tụ và nơi chúng ta sinh ra lớn lên, trưởng thành cho nên phải ra sức giữ gìn và biết đền đáp. Với cha mẹ chữ hiếu phải luôn để lên hàng đầu. Chăm lo phụng dưỡng cha mẹ lúc sinh tiền cũng khi quá vãng. Ân đất nước, ân cha mẹ to lớn mênh mông vì thế người tín đồ phải hiểu phải nhớ mà ra thực hành.
Câu nguyện thứ ba là nói đến pháp môn niệm Phật của người tín đồ. Khi mới học đạo, ai cũng được các bậc tiền nhắc nhở chuyện thực hành “niệm Phật”. Không phải vào am, vào chánh điện công phụ mới gọi là tu là thực hành việc niệm phật mà khi đi đúng nằm ngồi việc niệm phật vẫn phải nhớ mà thực hành. Biết làm lành, làm thiện và biết niệm phật mọi lúc mọi khi thì phật quả mới có mới về được Tây phương.
Không nói nhiều luận giải mênh mông, khi bước vào đạo, mỗi tín đồ đều đã học và thực hành ba câu nguyện này. Ai cũng phải hiểu và thực hành việc tu học của bản thân ngay cả trong bữa cơm hằng ngày. Đây chính việc tu tập của mỗi tín đồ mỗi ngày dù là khi ta làm gì và ở đâu.
BAN TRỊ SỰ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
BÀ RỊA - VŨNG TÀU