Là người con Phật ai ai cũng nghe qua hai chữ “vô ngã”, nhưng cái tinh thần vô ngã trong đạo Phật thì hình như ít có người quan tâm, nhất là về phương diện áp dụng trong đời sống hàng ngày.
Tôi tin rằng đề tài “vô ngã” đã có nhiều người viết, thậm chí còn là một đề tài để giảng dạy trong các khoá học về Phật Pháp nữa. Tuy nhiên về phương diện thực hành thì có nhiều vấn đề cần được nêu ra ở đây.
Nghĩa thông thường của hai chữ vô ngã rất đơn giản, mặc dù nó là chữ Hán Việt. Trong phạm vi bài viết nầy, chúng ta có thể bắt đầu với cái nghĩa đơn giản và bình dân là nó trái ngược với “chấp ngã” và đôi khi người ta còn đối chiếu với “chấp hữu” nữa.
Theo lối định nghĩa bình dân thì vộ ngã chắc ai cũng biết vô là “không” còn ngã là “tôi”. Vậy “vô ngã” có nghĩa không có cái tôi hay cái tôi không có thực theo sự dẫn giải trong đạo Phật, tức là bản sắc của mọi hình tướng mà chúng ta có thể thấy được bằng mắt thông thường là do cái duyên kết hợp của nhiều thành phần vật chất khác nhau. Nếu các thành phần nầy không có mặt thì cái hình tướng đó sẽ không hiện hữu. Bản thân của mỗi người chúng ta được kết hợp bằng bốn thứ vật chất: đất, nước, gió, lửa. Nếu một trong những thứ nầy bị kém khuyết hay thiếu hụt thì thân thể chúng ta có vấn đề thường gọi bệnh !
Như vừa nêu, vô ngã là không có cái tôi ; ngược lại, chấp ngã là có cái tôi. Đây là hai khía cạnh triết lý trái nghịch nhau rất quan trọng trong đạo Phật, bởi vì nó chi phối mọi hành vi như lời nói và hành động của con người.
Chúng ta biết rằng, trong cuộc sống hàng ngày bất cứ cá nhân nào cũng cần có người khác về hai nhu cầu vật chất và tinh thần. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, không ai có thể tồn tại được mà không cần phải nhờ vã hay lệ thuộc vào người khác, ngoại trừ trường hợp người đó chỉ sống bằng rau quả thiên nhiên và không cần đến bất cứ một thứ vật chất nào do người khác tạo ra ! Trường hợp nầy hoàn toàn không có trong thế giới loài người !
Như vậy, khi nhận biết cuộc sống của mình cần có người khác thì mình phải nghĩ tới người khác ; không biết ơn thì cũng phải tôn trọng hay kính trọng họ như là những ân nhân của mình, bất kể họ là người trên hay kẻ dưới thấp kém hơn mình về một khía cạnh nào đó ! Như vậy mới gọi là người biết cách sống một cách hợp lý và công bằng.
Muốn tỏ ra mình là một người biết cách sống hợp lý và công bằng thì cần phải quên đi cái tôi của mình, tức là mình không chấp ngã trong từng lời nói và hành động mỗi ngày. Người chấp ngã được định nghĩa theo tinh nthần đạo Phật với từ ngữ “cống cao ngã mạn” còn theo từ ngữ thông thường ngoài đời là người phách lối.
Tinh thần vô ngã trong đạo Phật là kim chỉ nam trong cuộc sống hàng ngày để giúp ta cư xử hài hoà với mọi người, biết tôn trọng người khác cho dù mình đang đứng ở vị thế nào trong tập thể loài người. Tinh thần nầy phải được thể hiện bằng hành động và lời nói. Một ông thầy dạy cho học trò phải biết khiêm tốn mà chính ông thầy không có thái độ khiêm tốn là một điều nghịch lý vô cùng. Hai chữ khiêm tốn phát xuất từ tinh thần vô ngã trong đạo Phật, tức là phải biết hạn chế thái độ cống cao ngã mạn và tưởng mình là quan trọng.
Một giảng sư dạy về thuyết vô ngã mà không thực hành cái thuyết nầy trong các tình huống sinh hoạt thực tế ngoài đời, thì đương nhiên sẽ bị các đạo sinh đánh giá thấp. Nhờ được giảng dạy mà đạo sinh biết được cái thần vô ngã trong đạo Phật ; nếu vị giảng sư không áp dụng tinh thần nầy trong sinh hoạt hàng ngày thì sẽ bị chính các môn đệ của mình đặt vấn đề. Đó chính là “gậy ông đập lưng ông” vậy ! Tuy nhiên truyền thống của đạo Phật không cho phép môn đệ phê bình, chỉ trích chư tăng vì họ sợ phạm giới.
Ở ngoài đời, nhất là trong các xã hội dân chủ, giới lãnh đạo thu nhận ý kiến của quần chúng để đưa ra các chính sách “hợp lòng dân”. Trong các tổ chức chuyên môn, người ta cũng thường thu góp ý kiến của nhiều người để có quyết định về một vấn đề gì đó. Phương thức thu góp ý kiến chung thường là các buổi họp của tổ chức. Trong sinh hoạt Phật Giáo cũng vậy, có nhiều buổi họp khác nhau, thông thường được tổ chức riêng cho giới tì kheo và riêng cho một số thành viên trong Ban Trị Sự. Mục đích các buổi họp như vậy là để đúc kết các quyết định chung trước khi thực hiện các công tác Phật sự bởi một vài thành viên được phân nhiệm trong phiên họp. Như vậy, khi một thành viên không được phân nhiệm mà thực hiện một công tác nào đó thì có thể gây xáo trộn hay bất hoà trong sinh hoạt của tổ chức. Có nhiều khi một thành viên được phân nhiệm, khi thừa hành thì lại không theo đúng tinh thần quyết định chung của tập thể trong phiên họp. Đây là một trường hợp thiếu tinh thần vô ngã, vì họ tự quyết định trong hành động của mình, vì họ tự cho rằng mình có thẩm quyền quyết định, mặc dù nó trái ngược với quyết định của tập thể trong một phiên họp.
Thái độ tự quyết định tuỳ hứng như vậy đã gây ra biết bao khó khăn cho tổ chức. Nó còn là một thái độ coi thường người khác, kể cả người chỉ huy của mình. Và như vậy không làm sao tránh được sự bất hoà trong một tổ chức, không làm sao đạt được hiệu quả tốt trong việc điều hành tổ chức.
Người lãnh đạo có nhiều khi cũng bó tay vì không muốn gây thêm sự xáo trộn hay bất hoà trong tổ chức. Do đó người lãnh đạo có rất nhiều khó khăn phải đương đầu bằng nhẫn nhục, kiên trì thật đáng kính.
Một thành viên cống cao ngã mạn, coi cái tôi của mình lớn quá, mà không có cơ hội tự nhìn lại chính mình để biết mình có đi lạc đường hay hay không thì bản thân sẽ không được tinh tấn trên con đường học đạo đồng thời gây ra nhiều khó khăn cho tổ chức.
Mỗi cá nhân thành viên trong một tổ chức Phật Giáo cần phải có cơ hội thúc đẩy để tự quán chiếu để hy vọng biết được hành vi, thái độ của mình có theo đúng giáo pháp hay không. Nếu cứ chủ quan, nghĩ mình am hiểu, cứ bước đi theo phương cách cá nhân, không có cơ hội tự quán chiếu trong tinh thần giác ngộ của đạo Phật thì làm sao tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc trong hành vi, lời nói của mình? Chủ quan chính là chấp ngã, là tự coi mình là hay, là đúng, hoàn toàn đối nghịch với tinh thần vô ngã trong đạo Phật.
Một sư cô đưa ra nhận xét khá chua cay về thái độ của một số cư sĩ tại một đạo tràng nọ: “Sau khi họ tham dự một vài khoá tu, họ tưởng mình đã thành Phật rồi !”. Dù đây chỉ là một nhận xét cá nhân, không có gì bảo đảm trung thực 100% ; tuy nhiên nó cũng phản ảnh một hiện tượng thiếu tinh thần vô ngã trong đạo Phật, nhất là trong giới cư sĩ có ý chí tu học để biết thêm giáo lý của Đức Phật ; ngặt nỗi cái “biết” thật khó đo lường mà người ta chỉ có thể tự đánh giá về cái “biết” của mình mà thôi. Bản chất của sự hiểu biết đã là trừu tượng rồi, còn lệ thuộc vào sự tự đánh giá nữa thì ôi thôi sự hiểu biết của con người thật là mơ hồ và rất dễ chủ quan, chưa kể “biết” mà không thực hành thì lại càng không có nghĩa lý gì ! Trên đời nầy, có mấy ai đo lường được cái mình biết là bao nhiêu ? Nói cho cùng, sự hiểu biết còn gọi là “kiến thức” không phải của riêng ai hết. Một cá nhân có được một chút hiểu biết về một vấn đề gì đó cũng chỉ qua là vay mượn của người khác mà thôi. Vay mượn từ sách vỡ, từ giảng sư, hay từ bạn bè thân hữu cũng chỉ là vay mượn! Vậy thì trong tinh thần đạo Phật, chúng ta không vay mượn của người khác làm của mình, tức là chúng ta không chấp hữu, bởi vì chấp hữu hay nhận làm của mình những thứ không phải là của mình, tự nó phản lại tinh thần vô ngã trong đạo Phật như đã định nghĩa ở trên - đã không có cái tôi thì làm gì có những thứ khác, kể cả cái gọi là kiến thức ?
Hiện tượng bất hoà trong một tổ chức Phật Giáo gây ra do chính các thành viên không thể hiện tinh thần vô ngã trong đạo Phật. Trong sinh hoạt Phật Giáo, mục tiêu tối thượng của mỗi người là muốn tạo cho mình có thêm phước báu, duyên lành để hy vọng được về một cảnh giới an lạc của Đức Phật sau khi lìa trần. Nhưng tiếc thay có nhiều người vì hăng say với công việc hay vì thiếu tinh thần vô ngã trong đạo Phật, đã đi lạc hướng và quên cái mục tiêu tối thượng của mình. Bao nhiêu công sức họ bỏ ra trong công tác Phật sự do đó mà không còn có ý nghĩa theo mục tiêu ban đầu.
Vấn đề cốt lỏi là làm sao phổ biến được tinh thần vô ngã trong đạo Phật để cho mọi người noi theo ? Xem chừng như chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn giữa vô ngã và chấp ngã, giữa giới lãnh đạo và người thừa hành, bởi vì chúng ta chưa có giải pháp để làm sao cho mọi người giác ngộ hay tự quán chiếu để tránh được thái độ ngã mạn trong từng hành vi và lời nói khi tiếp cận với mọi người chung quanh. Tự nhận biết được khi nào mình có thái độ chấp ngã để tránh, chính là một bước tiến thành công theo tinh thần giác ngộ của đạo Phật vậy.