Tôi về Vĩnh Xương đã mấy lần, lần nào cũng có nhiều cảm xúc dạt dào. Lần này cũng vậy, có lẽ trong tôi mang theo nhiều thứ tình cảm khó tả.
Đứng kia bờ sồng Tiền, từ Hồng Ngự nhìn qua Tân Châu cảnh trời nước thật mênh mông. Mùa này nước không lớn nhưng màu phù sa đục đỏ tràn về, nó bồi đắp cho ruộng vườn thêm tươi tốt. Mới đi Vĩnh Xương lần đầu nên ông Tám nóng lòng tới nơi lắm!
- Khoảng mấy giờ tới nơi vậy, Bảy?
- Dạ, chừng 11 giờ hơn đó chú, mình đi sớm mà, tôi trả lời.
- Bay qua đó mấy lần rồi, chắc biết nhiều chuyện phải không, kỳ này ở lại con nhớ ghi chép cho tỏ tường. Thiệt tình thì chú nói chuyện với mấy đứa ở bển hoài mà giờ chú mới có dịp đi với bay qua đó. Trên phà, ông Tám vừa ngắm cảnh sông nước mênh mông vừa huyên thuyên đủ thứ chuyện với tôi.
Tân Châu là thị xã mới đường sá thì nhỏ hẹp, cuộc sống cũng khá êm ả không ồn ào, dân cư tương đối đông đúc, phố xá thì mới mẻ. Vòng qua vài con đường chúng tôi lại leo lên con phà nhỏ Tân An qua Vĩnh Xương. Đi về miền sông nước cứ lên xuống phà lên bắc kiểu này cũng mệt thiệt. Đi càng nhiều tôi càng khoái, chỉ tội ông già Tám cứ lệ kệ trông hơi vất vả một chút! Châm điếu thuốc phì phà, ông Tám chép miệng: Sắp tới chưa bay? Dạ chừng 20 chục phút nữa chú, tôi cười động viên ông cụ.
Năm nay, tôi về Vĩnh Xương vừa thắp nén nhang dịp giỗ ông Bảy, vừa tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hóa vùng đất này; vùng đất có đông đảo tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương làm ăn sinh sống. Xe vừa tới chỗ, mọi người mừng rỡ đón tôi và ông Tám. Nhiều người chưa hề gặp ông Tám lần nào, chỉ biết qua điện thoại và lời kể nhưng ai cũng trông được gặp mặt. Tôi đỡ ông Tám leo lên cầu thang vào cái nhà sàn. Hai cậu thanh niên Phương, Trung mừng ra mặt, đứa thì bưng đồ đạc xếp gọn gàng, đứa đi pha trà, trải chiếu mời khách ngồi nghỉ. Quên đi cái mệt sau quãng đường dài hơn 300 cây số, ông già Tám hỏi thăm đủ thứ từ chuyện gia đình, làm ăn cả chuyện tộc họ, chuyện làng chuyện xã mà chị Hai đã xoắn áo lo lắng mấy năm qua từ khi ông Bảy mất.
Bữa cơm trưa dọn ra, đói quá nên tôi ăn liền mấy chén, ông Tám ăn bữa trưa ngon lành không kém. Thấy cả nhà vui quá, ông Tám họa luôn một mớ chuyện. Dù không bà con thân thích nhưng vì cái tình huynh đệ đồng đạo mà ông Tám cố gắng qua đây. Cả nhà cùng nhau quây quần trò chuyện thật đầm ấm như anh em lâu ngày gặp lại.
- Cậu nói thiệt nghen, mợ bay bịnh mấy năm nay, cậu cố gắng lắm mới đi tới đây. Thấy nhà mình chu đáo cậu mừng lắm.!
- Chị Hai thì vui khỏi nói: Tui con trông cậu Tám mấy năm nay, kỳ này đám giỗ ông cậu con mà cậu Tám về đây thì nhà con quý quá.
- Thiệt tình thì cậu coi anh em ở đây như người trong nhà lâu rồi, ngặc nỗi đi không được vì nhà đơn chiếc. Thấy anh em ở đây thương yêu dùm bọc cậu thấy thỏa dạ rồi. Niềm vui tiếp niềm vui, ông hết khen lại động viên anh em con cháu ông Bảy.
Năm nay là kỳ giỗ đầu của ông Bảy (*) nên cả nhà chuẩn bị đón tiếp khá chu đáo. Bà con xa gần, đồng đạo kính trọng ông Bảy từ nhiều nơi cũng tề tựu đông đúc. Mọi người không ai bảo mà chung tay sắp xếp mọi việc, chuyện bếp núc đã có mấy bà mấy chị; đàn ông thì thì có việc gì thì phụ việc đó. Nghỉ trưa một lát, tắm rửa sạch sẽ Trung đưa ông Tám và tôi đi một vòng thăm viếng xóm làng, chùa chiền nơi đây. Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương là di tích lịch sử của tỉnh An Giang gần căn cứ Bưng Ven nối liền căn cứ B1 với Giồng Trà Dên, là giao điểm giữa Trung ương và địa phương thuộc đồng bằng miền biên giới, giữa Khu 8 và khu 9. Nơi đây là căn cứ cách mạng, năm 1961- 1962 từng đón bà Nguyễn Thị Định và ông Lê Đức Anh về thăm trước khi vào căn cứ Bảy Núi. Chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978 - 1979, bị Khơ-me đỏ tàn phá, chùa chiền làng mạc bị thiêu rụi. Rồi bà con lại chung tay xây dựng nên bây giờ khang trang sạch đẹp như thế này. Đứng trên con đường vành đai biên giới nhìn sang Cam- Pu – Chia, bạt ngàn là lúa xen lẫn với cây xanh tươi. Từ Vĩnh Xương lội bộ qua cửa khẩu vào một cái chợ nhỏ thuộc tỉnh Kandal của Cambodia để mua một ít đồ về dùng cũng thấy hay hay.
Chùa Bửu Sơn Kỳ Hương là di tích lịch cách mạng được công nhận năm 2001 lại là nơi thờ Phật Thầy Tây An, địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo trong vùng. Có lẽ đây là nơi duy nhất hiện nay ở An Giang được sinh hoạt đạo của hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Vĩnh Xương là xã biên giới, nhưng đời sống nhân dân khá ổn định, an ninh trật tự khá tốt, người nông dân thật thà chất phác, lòng mến khách thật dạt dào. Nét chân chất, nền nếp được gìn giữ từ cụ già cho đến các cô bé cậu bé còn tí xíu. Đi lễ chùa người lớn trẻ con đều mặc đồ đen đậm chất văn hóa vùng quê Nam bộ. Không được ở lâu nhưng tôi cảm ấm áp mỗi lần về đây.
Ông Tám (**) đi từng chỗ, hỏi từng chuyện, rồi lại chỉ chỉ nhắc nhở anh em Trung, Phương các việc phải sửa sang gìn giữ để bảo tồn nền nếp đạo đức trong gia đình cũng như động viên bà con tín đồ yêu thương đoàn kết với nhau, phát huy những điều mà họ đã một lòng theo con đường ông Bảy dìu dắt.
Thắp nén cho ông Bảy, tôi và ông Tám đều cầu nguyện cho quốc thới dân an, nhà nhà no ấm, mọi người phải làm lành lánh dữ, giúp đỡ bảo bọc nhau. Cầu cho ông Bảy phò hộ cho những người kế tục ông gìn giữ và phát huy những điều tốt đẹp ông đã làm cho quê hương Vĩnh Xương và Tân Châu này trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay.
Nghe nhiều chuyện về ông Bảy, tôi mới thấy được hình ảnh của ông là biểu tượng cho nét đẹp về văn hóa độ đức của một lãnh đạo tinh thần với niềm tin tín ngưỡng chân chính; một dân người Nam bộ sống chan hòa, mẫu mực vì mọi người, vì quê hương đất nước.
Một ngày về Vĩnh Xương, một vùng quê biên giới của tỉnh An Giang thật nhiều điều thú vị về tình đất tình người, tình yêu quê hương và được sống trong cảm quý mến của những dân miền Tây Nam bộ chất phác thật thà, mến khách và giàu tình cảm thương yêu…
______________________
(*) Ông Bảy tức ông Trần Văn Soái lãnh đạo tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tại xã Vĩnh Xương thị xã Tân Châu tỉnh An Giang, ông mất vào ngày 22 tháng 6 năm Tân Mão (2011).
(**) Ông Tám tức ông Lê Văn Tào – Phó ban trị sự Đạo BSKH tại Bà Rịa Vũng Tàu.
NGUYỄN VĂN KỶ