Đầu năm 1947, thầy Sáu bắt đầu dùng pháp danh Minh Đăng Quang do đức Phật A-di-đà xưng tặng [16], gánh vác sứ mạng Tổ sư, tham gia chấn hưng Phật giáo, chỉnh đốn Tăng-già theo xu hướng của thời đại…
2. Bảy năm hoằng pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang, 1947 – 1954:
Qua năm 1947, Tổ sư Minh Đăng Quang đã thâu nhận đệ tử Tăng, Ni và bắt đầu sáng lập Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam. Nêu cao tôn chỉ Nối truyền Thích-ca Chánh pháp, Tổ sư đã dung hợp mọi tinh hoa của Nam tông và Bắc tông Phật giáo, phá vỡ sự đối lập tư tưởng của hai nền Phật giáo căn bản trên thế giới. Sự dung hợp của Tổ sư thật khéo léo, lại thêm được thuyết minh bởi tư tưởng Khất Sĩ uyên thâm, thấu đạt chánh lý, nên nền Đạo Phật Khất Sĩ chẳng mấy chốc đã được tô đắp vững chãi và rộng lớn.
Đầu tiên ngài nhận đệ tử bên Tăng gồm chú Huệ Ngạn (khoảng 10 tuổi), các sư Nhựt Quang, Nguyệt Minh, Từ Huệ, Giác Tịnh (lúc đầu tên Huệ Tịnh); kế đến nhận bên Ni gồm các vị Bửu Liên (mất năm 1952), Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Ngân Liên, Kim Liên. Từ năm 1948 trở đi, Tổ sư Minh Đăng Quang thâu nhận nhiều đệ tử xuất gia như các ngài Giác Tánh (lúc đầu tên Huệ Tánh), Giác Chánh, Giác Như, Giác Hải, Giác Nhơn, Giác Thần, Giác Hòa… và Chơn Liên, Quang Liên, Tạng Liên, Trí Liên, Đức Liên, Thiện Liên…[17]
Năm đầu lập đạo, thầy trò ngài an cư tại Phú Mỹ, có ông Sáu Dành phát tâm cúng dường suốt mùa an cư. Ngài và chư Tăng ở tại Linh Bửu Tự, chư Ni ở tạm tại vườn nhà người dì của cô Huỳnh Liên, đến ngày sám hối lại về Linh Bửu Tự để Tổ sư nhắc nhở, chỉ dạy. Qua mùa an cư đầu tiên, ngài bắt đầu dẫn các đệ tử đi du phương hành đạo, đi lần ra Tân An rồi đến các nơi. Kể từ đó:
Bóng y bát đẹp quê ta tự rày
Chơn truyền Khất sĩ là đây
Bóng xưa với lại hình này dặm không…
Theo bước chân Tổ sư, chư Tăng, Ni khất sĩ đã du phương hành đạo từ làng này sang làng khác trong khắp vùng Nam bộ. Hạnh tam y nhất bát được thật hành hài hòa theo Niết-bàn thời khắc biểu:
Một bình bát đất du hành khắp nơi
Sáng ra khuyến giáo độ đời
Trưa về thọ thực, xế thời thuyết kinh
Chiều, khuya quán tưởng lặng thinh
Nửa đêm nhập định điển linh ngưng thần
Người tự giác ngộ độ thân
Giác tha, độ thế dạy dân tu trì…
Hình ảnh những vị khất sĩ khiêm cung xin ăn tu học đã khắc sâu vào lòng dân chúng niềm kính phục và quy ngưỡng. Do đó, những ngôi tịnh xá hình bát giác lần lượt được bá tánh góp công góp của dựng lên cho chư Tăng, Ni khất sĩ tạm trú hành đạo ở khắp các tỉnh thành miền Nam bộ. Đầu tiên là Tịnh xá Pháp Vân ở thị xã Vĩnh Long, kế đến là Tịnh xá Trúc Viên (sau đổi tên Ngọc Thuận), và Tịnh xá Ngọc Viên. Từ Ngọc Viên, các tịnh xá sau đều lót chữ Ngọc. Riêng tại xã Phú Mỹ, nơi kỷ niệm Tổ sư Minh Đăng Quang lập Đạo Phật Khất Sĩ, giữa năm 1952 các Phật tử đã cất lên Tịnh xá Mộc Chơn ngay kế miếng đất ban đầu ngài đã ở. Danh hiệu Mộc Chơn được Tổ sư định nghĩa là “Gốc cây Đạo”, gốc cây Đạo của ngài được trồng tại đây, không phải ở Linh Bửu Tự.
Pháp âm của Đạo Phật Khất Sĩ vang vọng khắp các giới quần chúng Phật tử, lại thêm gương sáng chân tu thật học của chư Tăng, Ni khất sĩ, nên rất nhiều người đã phát tâm xuất gia, theo chân Tổ sư Minh Đăng Quang tiến bước trên con đường giải thoát. Theo con đường đó, có ba giáo pháp Khất sĩ Thanh Văn, Khất sĩ Duyên Giác và Khất sĩ Bồ-tát cho mỗi người lựa chọn. Thế nên mọi căn cơ đều được Tổ sư Minh Đăng Quang tiếp độ, làm cho Giáo hội Khất Sĩ của ngài trở thành một nơi ngọa hổ tàng long.
Qua mỗi tỉnh thành, Tổ sư Minh Đăng Quang đều gặp gỡ giới trí thức Phật giáo đương thời tại địa phương ấy, để trao đổi và bổ sung về sở học, sở tu cho nhau. Việc làm này đã để lại nhiều thiện cảm trong các tổ chức tôn giáo đương thời. Cũng trong tinh thần xây dựng Tăng-già, không phân chia tông phái, Tổ sư Minh Đăng Quang đã thường kêu gọi Tăng chúng hãy tập sống chung tu học theo Pháp bảo của chư Phật.
Tuy Tổ sư cũng cho phép đệ tử tu hạnh Độc giác:
Nhất bát thiên gia phạn Một bát cơm ngàn nhà
Cô thân vạn lý du Một mình muôn dặm qua
Dục cùng sanh tử lộ Muốn hết đường sanh tử
Khất hóa độ Xuân Thu. Xin, hóa độ nghiệp xưa…
Nhưng đây không phải tinh thần phổ biến mà ngài khuyến cáo đến toàn thể đại chúng khất sĩ. Tổ sư thường cảnh giác người xuất gia không nên lìa đoàn thể và ngài yêu cầu giáo hội phải xem xét kỹ lưỡng rồi mới cho phép những ai muốn tách riêng tìm chỗ vắng tu tịnh. Đối với quần chúng, những người còn mang nặng nhiều trách nhiệm thế tục, ngài khuyến dạy họ rằng:
Mỗi người phải thuộc giới.
Mỗi người phải học đạo. [18]
Tổ sư thường nhấn mạnh về mục đích giải thoát sanh tử đối với mọi giới Phật tử xuất gia và tại gia. Ngài phá bỏ những rào cản Tông, Phái, Giáo, Vật sở hữu… cho những ai đang muốn đi theo chân chư Phật về chốn an vui. Một điều đặc biệt ngài đã lưu ý mà mọi người ít quan tâm là “Việt Nam Đạo Phật không có phân thừa”. Quả thật phải là bậc thấu triệt chân lý, giác ngộ sâu xa rằng chỉ có một pháp giới chân thật trùm khắp mười phương ba cõi, mới hiểu được cái lẽ Một của vũ trụ nhân sanh… Chính cái Một đó đã thành tất cả những gì đức Tổ sư đã làm: khai sáng dòng đạo Khất Sĩ, tiếp Tăng độ chúng, hoằng pháp lợi sanh, kiến lập đạo tràng, trùng hưng giới luật, cho đến lập nhà in Pháp Ấn để in ấn Chơn Lý, lái xe phục vụ cho Tăng đoàn…
Rằm tháng 7 năm 1953, Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ đầu tiên, gồm có 21 vị sư, xuất phát từ Vĩnh Long đi hành đạo lên vùng Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn (nay là Tp. Hồ Chí Minh) và miền Đông Nam bộ. Chuyến hành đạo này đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người ở các nơi Đoàn Du Tăng Khất Sĩ đi qua. Thiền sư Minh Trực ở chùa Phật Bửu, ông Mai Thọ Truyền, chư hòa thượng ở Giác Nguyên Phật học đường, chư hòa thượng ở chùa Ấn Quang, ngài Hộ pháp Phạm Công Tắc ở Tòa Thánh Tây Ninh… đều tán dương sự tinh tấn hoằng pháp của phái đoàn.
Lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam trong suốt 2000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam, Đoàn Du Tăng Khất Sĩ là một đường lối hoằng pháp độc đáo của Tổ sư Minh Đăng Quang. Đồng thời, mô hình đoàn du Tăng này cũng là một bản sao của đoàn du Tăng thời đức Phật. Đến mùa Xuân năm 1954, Đoàn Du Tăng Khất Sĩ đã trở lại miền Tây Nam bộ. Những năm sau đó, Đoàn lại khởi hành ra miền Trung Việt Nam…
Từ ngày rằm tháng giêng năm 1954, tại Tịnh xá Ngọc Quang ở Sa Đéc, Tổ sư Minh Đăng Quang đã tập trung chúng Tăng về để chỉ dạy thêm sự tu tập. Sau đó Tổ sư lên đường đi viếng hết các tịnh xá ở miền Đồng và miền Tây Nam bộ, ghé thăm Núi Cấm lần cuối rồi về lại Tịnh xá Ngọc Quang tụng giới và cúng hội vào ngày 30 tháng giêng. Hôm sau, Tổ sư lên đường sang Cần Thơ để trả nghiệp và để bảo vệ giáo hội non trẻ của ngài trước sự chú ý của chính quyền Pháp ở Đông Dương. Sự ra đi này đã được ngài nói trước với các đệ tử kề cận trong những ngày cuối là ngài “đi tu tịnh ở núi lửa một thời gian”.
Sáng thứ Sáu, ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ, Tổ sư Minh Đăng Quang đi Vĩnh Long và Cần Thơ trên một chiếc xe ô-tô 4 chỗ ngồi hiệu Rờ-nôn do một thiện nam (sau này là sư Giác Nghĩa) lái. Lúc xe ghé Tịnh xá Ngọc Viên lấy Chơn Lý có sư cụ Giác Thủy (79 tuổi) xin đi nhờ xe về Cần Thơ và chú tập sự Giác Pháp (14 tuổi) theo hầu Tổ sư. Cùng đi còn có một xe nhỏ khác của các thiện tín ở Sài Gòn. Khi đến bến phà Cái Vồn để sang Cần Thơ, cả hai xe đã được mời về căn cứ Cái Vồn để gặp Tổng tư lệnh Trần Văn Soái có việc. Đương thời, mọi người thường gọi vị Tổng tư lệnh này là ông Năm Lửa. Khi đến nơi, Tổ sư đã bị bắt giam hơn 2 tháng và từ đấy hàng đệ tử cùng tín đồ không còn được gặp ngài nữa. Từ khi bị bắt đến bốn ngày sau, hai xe và các cư sĩ lần lượt được thả ra. Riêng sư Giác Thủy và Giác Pháp thì hai tháng sau, ngày 30 tháng 3 âm lịch mới được thả. Còn 8 vị sư đi tìm thầy: Giác Tôn, Giác Hoằng, Giác Lập, Giác Nguyên, Giác An, Giác Thường, Giác Duyên, Giác Giới đã bị bắt giam chung trong trại, hàng ngày làm lao công,đến mùng 8 tháng 5 âm lịch mới được cho về. [19]
Sau 7 năm hoằng đạo (nếu kể cả thời gian tu học thì sẽ là 10 năm hành đạo), ngày 5 tháng 3 năm 1954 (nhằm ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ) đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã tùy duyên tiêu cựu nghiệp. Về sau, hàng môn đồ đã chọn ngày mùng 1 tháng 2 để làm ngày tưởng niệm Tổ sư vắng bóng. Giáo pháp Khất Sĩ do đức Tổ sư Minh Đăng Quang triển khai đã được ngài viết thành bộ Chơn Lý. Bộ Chơn Lý gồm có 69 bài, thuyết minh rộng và sâu sắc về tư tưởng Khất sĩ, về mọi mặt tôn giáo, xã hội, tín ngưỡng, Phật pháp… Đến đầu thập niên 1970, bộ sách này đã được tách ra thành hai là Chơn Lý gồm 60 bài và Luật Nghi Khất Sĩgồm có 9 bài thiết yếu cho sự hành trì hàng ngày của chư Tăng, Ni khất sĩ.
Vào thời điểm Tổ sư vắng bóng, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam có số Tăng, Ni khoảng 100 vị, tịnh xá có hơn 20 ngôi. Đến khoảng 20 năm sau, mối đạo này đã mau chóng phát triển thành cả chục giáo đoàn, phân hóa thành mấy giáo hội, truyền bá khắp các tỉnh thành trong 2 miền Nam và Trung Việt Nam. Hiện nay, pháp nhân của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là Hệ phái Khất Sĩ, một trong 3 hệ phái Phật giáo lớn trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3. Ngưỡng vọng người xưa:
Mượn lốt nhân sanh xuống cõi trần
Học hạnh Sĩ Đạt dứt tình thân
Linh căn Thích đạo duyên ngàn trước
Noi dấu Ta-bà giáo hóa dân.
Hơn 30 năm xuất hiện trong cuộc đời, Tổ sư Minh Đăng Quang đã làm nên một sự nghiệp vẻ vang và kỳ diệu là dựng lập thành công nền Đạo Phật Khất Sĩ. Dấu xương ngài để lại cho đời là bộ Chơn Lý. Cảnh huy hoàng của thời Chánh pháp do ngài mang lại là Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ. Đó là Tịnh độ Khất Sĩ do Tổ sư cùng chư đại đức Tăng, Ni khất sĩ xây đắp. Tháp vàng núi báu xuất hiện khắp nơi là đạo tràng tịnh xá. Và các Đoàn Du Tăng Khất Sĩ chính là những chiếc thuyền Trí Huệ ngược dòng đời cứu độ chúng sanh…
Sau bài viết Tứ Chúng trong Bồ-tát Giáo, Tổ sư đã ký tên là “Pháp vương Minh Đăng Quang” – “Nhiên Đăng thượng cổ Phật” – “Giáo chủ cõi Ta-bà”. Xưa nay mấy ai dám tự xưng là Pháp vương, là cổ Phật tái thế! Điều đó có nghĩa rằng đây phải là sự thật, một sự thật thiêng liêng mà người phàm không sao biết được, nhưng đối với chư thiên trong Tam giới thì lại không thể dối được.
Sanh trong đời mạt pháp, thật hữu duyên đa phước cho những ai gặp được Giáo pháp Khất Sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng. Tắm mình trong dòng Chánh pháp mà đức Tổ sư đã khơi nguồn, được thừa hưởng những đạo vị thanh cao từ ân đức của Pháp bảo, người con Phật sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm những niềm tri ân sâu xa. Thấm nhuần ân đức ấy, mỗi Phật tử sẽ nhận ra rằng: đức Minh Đăng Quang chính là hiện thân của Chánh pháp!
Minh Đăng Quang bóng an bình
Minh Đăng Quang ngọn đèn linh Ta-bà!
Noi gương đức Tổ sư và các bậc thầy Khất Sĩ, chúng ta gìn giữ giáo pháp của Tổ Thầy, để tô điểm cho tâm hồn, để giúp bao kẻ hữu duyên đều được giải thoát. Bóng y vàng làm đẹp cho những nẻo đường quê hương, lại càng đẹp hơn do chính sự thanh tịnh và trang nghiêm của người mặc y đó. Bình bát đất nối liền những khoảng cách của lòng người, sẽ đem đến sự khiêm cung và thân thiện cho cả chính người cho và kẻ nhận. Mà như thế, Tổ sư sẽ sống mãi trong đạo hạnh của mỗi vị khất sĩ…
Từ ngàn trước bao người dong ruổi
Nay chốn này đến buổi chúng ta
Con dòng hưởng lấy tài gia
Đoái nhìn sự nghiệp, thương cha công trình…
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã nối truyền Thích-ca Chánh pháp trong một đời hoằng pháp độ sanh của ngài, chư khất sĩ thừa kế sự nghiệp của Tổ Thầy, ngày nay lại tiếp bước con đường mà chư Phật mười phương ba đời đã đi. Đây là điều cuối cùng cho chúng ta ghi nhận, sau khi đã tìm hiểu về cuộc đời và hành trạng của đức Tổ sư Minh Đăng Quang.
HÀNH VÂN