Tết xưa ở quê tôi nghèo, cực lắm nhưng vui. Những ngày cận
Tết đi đâu trên cái xứ cù lao này cũng thấy chuyện ngâm, xay bột bằng cối đá để
quết bánh tráng, bánh phồng, đặc biệt là bánh phồng nếp tráng nếp sữa thơm dẻo
lạ thường.
Má tôi rất thích làm mứt chuối xào gừng đậu phộng, mứt dừa
ngào đường và bánh tét nhưn mỡ hành. Những liếp tre phơi bánh mọc đầy các con
đường làng, tiếng cối quết bánh thình thịch khá vui tai.
Hầu như nhà nào ở quê
tôi cũng có một cây mai lớn trước bàn ông thiên, cứ độ khoảng mười lăm, mười
sáu tháng Chạp là nhà nhà tước lá mai để có được những đóa mai rực rỡ nở đúng
vào đêm giao thừa. Mọi nhà đều tranh thủ những khoảng đất trống để trồng một
vài cây bông vạn thọ, cúc, hướng dương... để cúng trên bàn thờ tổ tiên ngày
Tết. Lối hai mươi Tết là tía má cùng anh em tôi đi làm cỏ, quét nước vôi, cũng
vái tảo mộ ông bà (hồi đó đâu có nước sơn tốt như bây giờ nên năm nào cũng phải
quét vôi mới).
Hồi ngoại tôi còn sống, đêm hăm ba đưa ông táo về trời, lũ
nhỏ chúng tôi thường xúm xít xung quanh nghe kể chuyện ông táo có hai bà vợ, về
bẩm Ngọc Hoàng bằng cá chép rồi quay về đúng đêm ba mươi, đồ cúng phải có thèo
lèo “cứt chuột” và dưa hấu.
Càng gần Tết thì công chuyện tất bật hơn, cha tôi
thì chuẩn bị chặt trúc để làm cây nêu, lau chùi nhà cửa, nhất là mấy cái bộ lư
hương bằng đồng sáng choang, đi chợ về bao giờ cũng có mấy tờ giấy đỏ có in
hình “ông ba mươi” ghi câu đối để dán trước của nhà trừ ma quỷ; chị tôi thì
tăng tốc để may đồ mới cho cả gia đình, chuẩn bị nồi thịt heo kho “rịu” ăn với
dưa giá, rau sống. Chiều ba mươi Tết là anh em tôi đã đổ đầy lu gạo mới, các
khạp, mái đều đầy nước sông lóng phèn, chị tôi còn cẩn thận đổ đầy các keo nước
mắm, muối, đường, bột ngọt, nước màu.
Đêm ba mươi làng quê tôi không ngủ. Thường thì phụ nữ thức
canh nồi bánh tét bên ánh lửa hồng, có nơi tụm năm tụm ba đánh bài tứ sắc; cánh
đàn ông thì nhâm nhi ly rượu đế để “đả cựu nghinh tân”, ngẫm nghĩ chuyện mần
ăn, thế thái nhân tình năm vừa qua; trẻ con chúng tôi thì kéo nhau ra đầu làng
để coi hát bội, chơi lô tô, bầu cua cá cọp, tài xỉu, đánh bài cào... có đứa
liến mắt đốt pháo “tiểu” ném vào đám con gái rồi bỏ chạy với cái cười đắc chí
(mấy mươi năm trước chưa cấm đốt pháo và các loại hình cờ bạc này).
Đã hơn bốn mươi năm qua nhưng hương vị Tết quê xưa cứ sống
mãi trong tôi. Ở thị thành hiếm hoi quá để bắt gặp cây “nêu” trước nhà, muốn có
mai, cúc, đào chưng thì ra chợ Tết tha hồ mà lựa. Đâu còn những keo mứt chuối
xào gừng, những cái bánh tráng, bánh phồng sữa nếp thơm lừng bởi bánh mứt làm
sẵn quá dư thừa, đâu còn những đêm thức trắng để canh nồi bánh tét; quần áo
thời trang “mô đen” đủ kiểu, đủ giá nhan nhản đâu cần phải ngồi đạp bàn máy may
lách cách như chị tôi ngày xưa.
Còn nhiều lắm những cảm giác buồn, tiếc nuối mỗi lúc xuân về.
TÔ PHỤC HƯNG