Khoảng giữa thế kỷ XIX, trong thời gian nhân dân Nam bộ nói chung và vùng lục tỉnh Tây Nam bộ đang chuẩn bị cuộc khởi nghĩa chống Pháp thì ở vùng Bảy Núi, Châu Đốc, tỉnh An Giang xuất hiện một sĩ phu về trảm thảo khai hoang lập làng An Định, xung quanh triền Núi Tượng (Liên Hoa Sơn). Ông quy tụ nhân dân từ lục tỉnh Nam kỳ về đây, được nhân dân gọi là “Người được giáng thế” truyền đạo cứu đời. Đó là ông Ngô Lợi (sau này tín đồ gọi ông là Đức Bổn sư Ngô Lợi) và tôn giáo do ông sáng lập là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TÂHN). Sự ra đời làng An Định và đạo TÂHN đã có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân, bởi nó đáp ứng được nhu cầu lợi ích thiết thực là tri bệnh, khai hoang lập ấp, tổ chức cuộc sống cho nhân dân, tổ chức, tập hợp lực lượng chống giặc Pháp lúc bấy giờ, đồng thời khuyên răn người đời phải kính trọng tổ tiên, yêu đồng bào và quê hương đất nước.
Danh nhân Ngô Lợi có nhiều tên: Ngô tự Lợi, Năm Thiếp, Đức Bổn Sư.
Ông Ngô Lợi (sinh ngày mộng 5 tháng 5 Âl /1831 – mất ngày 13 tháng 10 Âl/1890), tên thật là Ngô Viện - tên húy, còn Ngô Lợi là tên tự. Ngoài ra, ông còn có tên là Ngô tự Lợi. Ông là sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương, là lãnh tụ phong trào kháng Pháp tại Tây Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Ông sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa) tại Núi Tượng - Ba Chúc, An Giang nên được người trong đạo gọi tôn là Đức Bổn Sư hay Ông Năm Thiếp.
Danh nhân Ngô Lợi là người quê huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cha tên Ngô Nhàn (? - 1937), làm nghề thợ mộc, mẹ tên Phạm Thị Xuyến, người Bình An, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Tương truyền từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngô Lợi cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Cho đến năm 1851, lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh dài 223 chữ Hán, mang nội dung xưng tán Quán Thế Âm Bồ Tát để khuyên người đời tu niệm, mà sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867) - Năm ông 37 tuổi, bỗng nhiên ông bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm “đi thiếp” ông hồi tỉnh lại, trở thành người : "giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo" (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành). Bởi “đi thiếp" vào ngày nêu trên và thỉnh thoảng ông lại có những cuộc đi như thế, nên người đời còn gọi ông Năm Thiếp. Mỗi lần đi thiếp xong, ông thường nói những việc quá khứ và đoán định việc tương lai, nên được nhiều người tin theo .
Ngày rằm tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872), Ông Ngô Lợi cho hợp ghe thuyền của tín đồ đi đến xã An Lộc, tổng An Lương, tỉnh An Giang cất chùa ở xã Bình Long, rồi lấy đó làm cơ sở truyền đạo. Ông đã đi nhiều nơi vừa trị bệnh (nhất là trận dịch hoành hành dữ dội vào năm 1876), vừa thu nhận và dạy tín đồ thuyết "học Phật tu nhân, báo đáp tứ ân, hành xử theo thập nhị giáo điều". Tháng Giêng năm Bính Tý (1876), ông cho một tín đồ tên Trần Tịnh đi khảo sát vùng núi Tượng (nay thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), rồi đưa một số đệ tử vào theo để khai hoang, lập chùa miếu và lập thôn ấp mới. Theo Địa chí An Giang: "Sau cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho thất bại, Ngô Lợi bí mật đến núi Tượng (Châu Đốc, An Giang) lập căn cứ chiêu mộ nghĩa binh, lấy thuyết “Hội Long Hoa” và giáo lý “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” để che mắt giặc…” đã xác định vào năm này làng An Định và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã được ông khai sáng tại đây.
Ngày 13/10 âl năm 1890 ông Ngô Lợi mất vì bị bịnh tại chùa Bửu Linh, Thôn An Hòa (nay Khóm An Hòa B, TT. Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang)
Dân gian còn giữ lại mấy câu thơ Thán về Ngô Lợi - Đức Bổn Sư:
… Đức Chánh tăng lúc truyền đạo pháp
Năm Canh Dần Tổ sắp vắng xa
Trong tháng mười, ngày mười ba
Tổ Sư nằm tại An Hòa qui tiên
Trong lúc ấy khắp miền Bảy Núi
Động đất trời túi bụi sơn lâm
Bá tánh khóc như mưa dầm
Vì chưng Đức Tổ âm thầm qui tây
(Trích Giảng Vườn Dầu do cụ Tín Thành (tức Trần Tịnh - đại đệ tử Ngô Lợi) viết)
Thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược:
Thời kỳ lịch sử dân tộc vừa thoát khỏi cảnh nội chiến huynh đệ tương tàn giữa chúa Gia Long và quân Tây Sơn, với truyền thống yêu nước nồng nàn, ông Ngô Lợi và tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở núi Tượng đã lập nên kỳ công vô cùng to lớn. Đó là việc thiết lập xây dưng thôn xóm, khai hoang dựng nên chùa, miếu, hình thành làng An Định - Ba Chúc, và ba thôn kề cận An Hoà, An Thành, An Lập bên vách núi Dài, Thất Sơn.
Chính sách bình định được thực dân Pháp tiến hành chặt chẽ để cố dập tắt các phong trào yêu nước của nhân dân. Song, cuộc khởi nghĩa này không thành công thì lại có cuộc khởi nghĩa khác nối tiếp... An Giang là nơi qui tụ những người theo đạo hoặc mượn lá cờ tôn giáo để chiến đấu chống thực dân Pháp. Núi Tượng, Thất Sơn của An Giang là vùng đất điển hình.
Sau cuộc khởi nghĩa hào hùng của Quản cơ Trần Văn Thành năm 1873 ở Bãi Thưa là hoạt động của Đạo Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi hưởng ứng hịch Cần Vương ở núi Tượng, làng An Định, Ba Chúc.
Tháng giêng năm Bính Tý (1876), từ Cù lao Ba (xã Vĩnh Trường, huyện An Phú ngày nay), ông Ngô Lợi hướng dẫn tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa vào núi Tượng khai hoang, thiết lập chùa, miếu và mở thôn, ấp mới. Những tín đồ đồng thời là nghĩa quân nầy về mỗi lúc một nhiều, tạo thành quần cư đông đảo. Mọi người mưu sinh bằng việc khẩn hoang, trồng tỉa đậu khoai, lúa nước… Theo tư liệu bằng tiếng Pháp lưu trữ tại văn khố Sài Gòn, nhà văn Sơn Nam sưu tầm và công bố năm 1971 - Giữa thế kỷ XIX vùng núi Tượng có nhóm người Khmer khoét lõm sống theo triền núi, Mãi đến hai mươi mấy năm sau Ba Chúc mới có người Việt đến ở. Đó là năm 1874, một số người ở Long Xuyên, Châu Đốc và các tỉnh phía Tiền Giang, Bến Tre… nghe theo lời dạy của ông Ngô Lợi – đức Bổn Sư đã vào đây sinh sống. Đất Núi Tượng, An Định, Ba Chúc bấy giờ vẫn còn hoang vu, mùa lụt đồng nước nổi lênh bênh, trên vách núi rừng rậm hoang du, sơn lâm chướng khí, nhiều thú dừ…Sách Địa chí An Giang đánh giá: "Ngô Lợi là một sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương. Bị thực dân Pháp truy nã, ông từ Mỹ Tho về Ba Chúc dựng chùa tu hành để che mắt đối phương".
Những cuộc khởi nghĩa thất bại, ông trở về núi Tượng, tiếp tục quy tụ nghĩa quân trong sắc đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Trong thời gian này ông Ngô Lợi cũng đã lãnh đạo tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho, sau đó lan rộng ra các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ…Từ năm 1877 - 1888, ông Ngô Lợi cùng thân bằng (tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa gọi nhau là thân bằng) đã phải lẩn tránh những cuộc càn quét của thực dân Pháp đến bảy lần. Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa gọi những lần bị càn quét này là “đạo nạn”. Với tinh thần chống Pháp kiên cường, tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã nhiều lần cưu mang, che chở, tìm nơi ẩn náu cho nghĩa quân. Thời kỳ Trương Quyền liên minh với nghĩa quân Khmer do nhà sư Pokum Pao lãnh đạo (1864 - 1867) chống Pháp đã bị thất bại, nghĩa quân chạy về vùng Thất Sơn và núi Tà Lơn (thuộc Campuchia), được tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa che chở, tránh sự bố ráp của thực dân Pháp. Do vậy, một số lớn người Khmer cũng gia nhập trở thành tín đò đạo (TÂHN).
Trong năm 1878, ông tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho và được nhân dân nhiều làng tích cực hưởng ứng. Ngô Lợi tổ chức hai cuộc lễ đại trai đàn, kéo dài ba đêm liền, vừa để cầu siêu cho những vong linh "vị quốc vong thân", vừa để khơi dậy ngọn lửa yêu nước trong lòng của hàng ngàn người đến dự. Lần sĩ bị tù tội, bị đầu diễn ra vào ngày 16 tháng 2 năm 1878 qui tựu hơn 200 người, rao giảng thuyết "Hội Long Hoa" và tuyên bố "đời Minh Hoàng được thành lập, ai không theo thì bị thú dữ, cọp beo trong rừng ăn thịt" Lần thứ nhì diễn ra vào ngày 30 tháng 4 năm 1878. Trong lần này, ông phong Võ Văn Khả làm chánh tướng, Lê Văn Ong làm phó tướng để cùng lãnh đạo công cuộc kháng Pháp. Các cuộc khởi nghĩa trên đều bị thực dân Pháp và bọn tay sai đàn áp đẩm máu và nhiều chí sĩ bị bắt và xử tử hình…
Cũng trong thời gian này bọn mật thám không ngừng theo dõi hoạt động của ông. Sau khi thành lập làng An Định, chúng nhiều lần tiến hành bình định, kềm kẹp làng An Định, bao vây núi Tượng tìm bắt ông nhưng không thành.
Năm 1881, những người quần cư tín đồ (TÂHN) nầy cử đại diện đến gặp chủ tỉnh Châu Đốc xin hợp thức hoá vùng đất mình đang sống và đã gọi tên An Định thôn. Chủ tỉnh Châu Đốc trình bày mọi việc lên cấp trên. Viên Giám Đốc nội an ở Sài Gòn đồng ý trước sự việc đã rồi và khuyên chánh quyền Châu Đốc đề phòng âm mưu thành lập khu tự trị nơi hẻo lánh. Thôn trưởng đầu tiên của thôn An Định tên Lân. Mở rộng vùng Ba Chúc, năm 1882 ông Ngô Lợi hướng dẫn tín đồ khai hoang về hướng Tây nam và thành lập thôn An Hòa (hiện nay thôn An Hòa và thôn An Định là hai khóm của xã TT.Ba Chúc).(1) Trước sau ông Ngô Lợi – Đức Bổn Sư cùng tín đồ đã khai hoang, mở được bốn thôn (Pháp gọi là làng): An Định (năm 1876) trung tâm đạo, Ông cho cất 2 chùa là Tam Bửu, Phi Lai. Lấn sang vách núi Dài lập thêm thôn An Hòa (năm 1882) và cất chùa Phổ Đà, Bửu Linh nay thuộc khóm An Hòa thị trấn Ba Chúc; thôn An Thành (năm 1883) và cất chùa Châu Linh nay thuộc xã Lương Phi, và thôn An Lập (năm 1887) và cất chùa Vạn Linh nay thuộc xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Giáo lý của đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa là sự tổng hợp của 3 tôn giáo gồm Phật giáo, nho giáo, lão giáo; tín đồ hành đạo theo tôn chỉ “Tu nhân học Phật, Tứ đại trọng Ân” là Ân cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, Ân đồng bào nhân loại, phù hợp với bản sắc văn hóa và tiêu chuẩn đạo đức của người Nam bộ. Với đặc thù tập hợp hầu hết là các sĩ phu yêu nước từ thời kỳ chống Pháp.
Báo cáo vào tháng 9/1881, chủ tỉnh Châu Đốc đã ghi: “Ở làng An Định (làng mới lập ở núi Tượng) thiên hạ loan truyền nhiều giai thoại khó tin nhứt. Thí dụ như Năm Thiếp (tên thông dụng của Ngô Lợi) đang ở tại làng này, khi đến thì hoá phép, tàng hình. Người đến nhà ông (dọ thám), chẳng thấy gươm giáo, súng đạn chi cả, bởi ông khinh thường những thứ vũ khí thô sơ đó. Dân gian đồn rằng Năm Thiếp sẽ đuổi tất cả những người Pháp ra khỏi Nam kỳ lục tỉnh trong tương lai gần hoặc xa. Lúc thời cơ đến, chúng không dùng khí giới nhưng đánh bằng bùa phép"
Năm 1885 tình hình Huế sôi động, thực dân Pháp chờ cơ hội để chiếm nước ta. Tháng 5/1885 nhân dân làng An Định dưới sự chỉ huy của ông Ngô Lợi, quân kháng chiến Khmer do hoàng thân Sivotha khởi binh chống Pháp ở Konpong Chàm và dân tộc Khmer đánh chiếm hai bờ kinh Vĩnh Tế, chiếm đồn Phú Thạnh. Đồng bào làng An Nông gây tình trạng bất ổn khiến giặc rất lo sợ. Theo Sơn Nam (Lịch sử An Giang) - Chủ tỉnh Châu Đốc Le Brun báo cáo về Sài Gòn: “Sự thật làng An Định là bọn cướp bóc, lý lịch thiếu minh bạch, phản loạn. Theo ý tôi, hễ họ khuấy phá thì nhà nước chẳng nên đối xử dễ dãi như trước nữa“.
Đúng như báo cáo, quân Pháp ở Châu Đốc do đại úy Ferussac đem quân đánh dọc vào hai bờ kinh Vĩnh Tế và làng An Định. Chúng giết một số người Khmer ở làng Khuyết Nạp, Xuân Tô, Tú Tề, Vĩnh Trung, Trác Quan... Dân làng An Định phải tản cư. Lực lượng nghĩa quân của Ngô Lợi cũng rút về vườn Dầu ở Kampuchia.
Dù vậy, tháng 8/1885 trưởng làng An Định và một số dân vẫn trở về chốn cũ. Làng An Định bấy giờ rơi vào tình trạng thiếu đói bởi lúa gạo bị giặc đốt, ruộng rẫy hoang hóa, nhiều gia đình phải ăn củ Nừng để sống. Nhằm ngăn chặn sự tiếp xúc giữa người Việt và người Kampuchia, thực dân Pháp cho xây đồn Vĩnh Lạc sát bờ kinh Vĩnh Tế.
Lịch sử sơ thảo Đảng bộ huyện Tri Tôn - 2002 nêu bật: “Ông Ngô Lợi là một sỹ phu yêu nước, sau cuộc khởi nghĩa thất bại ở Mỏ Cày - Bến Tre, ông cùng một số người khác hưởng ứng Hịch Cần Vương quy tụ nghĩa quân dưới danh nghĩa đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ông quy tụ tín đồ động viên tinh thần yêu nước, tạo bình phong để tập hợp, mượn tôn giáo để chiến đấu chống thực dân Pháp, phối hợp với nghĩa quân Campuchia chống Pháp dọc theo hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia. Tháng 5 năm 1885, ở Campuchia Hoàng thân Si Vo Tha khởi binh chống Pháp tại Kom Pong Chàm, lúc này ông Ngô Lợi ở núi Tượng phối hợp quân kháng chiến Campuchia đánh chiếm hai bờ kinh Vĩnh Tế, chiếm đồn Phú Thanh, làm chủ vùng Tịnh Biên”.
Ngày 02/6/1886, thiếu úy Gri-mô (Grimaud) chỉ huy đồn Vĩnh Lạc và viên chỉ huy tiểu khu Châu Đốc mở cuộc hành quân sang đất Kampuchia, đánh vào vườn Dầu nhưng thất bại. Chúng đánh giá tình hình: “Uy tín và tinh thần của Ông (ý chỉ Ngô Lợi) còn mạnh. Ông là giáo chủ tôn giáo mới". Chúng cho rằng: "Chống sự khai hóa của người Pháp thì chùa nói trên là trung tâm điểm để phát khởi một phong trào phục hưng cho người An Nam"
Tháng 5/1887, giặc hành quân lớn, kéo dài từ 13 đến 29 để truy nã quân kháng chiến dọc theo hai bên biên giới và kinh VĩnhTế. Thiếu tá Peignaux ở Châu Đốc chỉ huy với sự hướng dẫn của tên việt gian Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo kéo quân vào làng An Định. Nơi đây, chúng đốt sạch nhà cửa, chùa chiền. Chúng tịch thu từng hộp thuốc súng, những tài liệu quan trọng, nhiều giấy tờ xác nhận người có can án chính trị bị đày qua Tân Đảo (Nouvelle Calédonne) mãn án, trở về tiếp tục hoạt động, chúng lùng sụt, tìm bắt Ngô Lợi.
Tháng 6/1887 thực dân Pháp giải tán làng An Định, và cấm giáo phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa hoạt động. Dân làng An Định tất cả gồm 407 gia đình gồm 1994 người bị cưỡng bức xuống tàu thủy chở về nguyên quán. Nhưng đa số những người này đã tìm cách trốn dọc đường, tìm cách trở lại vùng đất vừa khai phá và tiếp tục ủng hộ thủ lĩnh của mình là Ngô Lợi. Bọn Trần Bá Lộc đã trực tiếp cho đốt phá chùa chiền, nhà cửa dân chúng, đồng thời theo dõi và chỉ huy tìm cách vây bắt ông Ngô Lợi.
Kết cuộc, Pháp xử bắn 8 người, đày ra Côn Đảo 13 người, cưỡng bức 407 gia đình gồm gần hai ngàn người già trẻ xuống tàu về quê quán và cho sáp nhập thôn An Định vào xã Ba Chúc, sáp nhập thôn An Thành vào xã Lương Phi... (2)
Ông Ngô Lợi cùng nhân dân làng An Định, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là nơi hội tụ của những người nuôi chí lớn, không ngại gian khổ, với truyền thống đấu tranh yêu nước, lập làng chống áp bức, mong có ngày giải phóng quê hương khỏi tay quân xâm lược nên trên một thập niên 80 ở thế kỷ XIX đã gây cho Pháp và tay sai nhiều khó khăn vất vả. Theo tư liệu Đạo Hiếu Nghĩa còn lưu truyền: Khoảng từ năm 1877 đến 1890 Làng An Định và những nghĩa binh, tín đồ theo Ông Ngô Lợi – Đức Bổn Sư đã bị đến 7 lần Pháp nạn. Nặng nhất là trong tháng 5/1887 cuộc càn quét đẫm máu nhất tại làng An Định - Chúng đốt nhà, cướp của, bắt bớ nghĩa quân kháng chiến, đi đày nơi khác…nhân đân đói rách, khốn khổ vô cùng.Thơ như ca dao được truyền tụng trong những người lớn tuổi ở núi Tượng cho thấy thực chất phong trào là hưởng ứng với cả nước, ủng hộ vua Hàm Nghi. Tương truyền, một sứ giả từ Huế vào núi Tượng, khi phong trào tan rã đã ngậm ngùi để lại bài thơ bát cú, hiện còn ghi lại trong chùa Tam Bửu, có câu:
Cửa thiền rày đã bặt hơi bon
Huê hạt sương bay hỡi vẫn còn
Tiếng sấm năm canh nghe lặng lẽ
Kèn chiêu muôn dặm hãy còn non
Dưới hồ, mưa lấp sen tơi tải
Trên đỉnh sương sa đá chẳng mòn
Muôn thuở gìn dà ghi dạ ngọc
Chín trùng non nước biệt tôi con…
(Vô danh? Hay Đức Bổn Sư Ngô Lợi?)
Tóm lại, trên 10 năm từ 1877 đến 1888, thực dân Pháp đã mở 5 cuộc càn lớn vào núi Tượng (trong này có cuộc càn lớn vào tháng 5/1887 là 1 trong 7 lần Pháp nạn của làng là đẫm máu nhất), Quan Pháp và tay sai hòng triệt hạ, xóa sổ làng An Định. Nhưng dù bị đốt nhà cửa, bị cưỡng bức đi nơi khác nhưng người dân An Định vẫn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tìm mọi cách để bám núi, bám đất dựng lại thôn xóm, tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ông Ngô Lợi mất năm 1890, tưởng chừng như phong trào kháng chiến sẽ bị tan rã, nhưng thực tế cho thấy truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm chẳng hề nguội tắt. Trong số hậu duệ, đẹ tử còn lại sau khi Ngô Lợi mất là Ông Trần Tịnh, Ông Nguyễn Thanh Liễu, Ông Sáu Đồn, Ông Nguyễn Nhiệm Mầu, v.v… là Ông Trò, Ông Gánh (quản lý đạo trong Thôn, xóm) về sau. Truyền thống ấy đã làm người dân Ba Chúc giữ thái độ tự tôn thầm kín về quá khứ của ông cha và tham gia tích cực vào công cuộc chống thực dân, đế quốc và sau này. Do công trận ông trong công cuộc lập làng, đấu tranh, quy tụ nghía binh kháng Pháp, hiện ngày nay Ông Ngô Lợi được đặt tên đường Ngô Lợi tại P. Bình Đức, Tp. Long Xuyên, An Giang.
Ông Ngô Lợi với công trận lớn trong việc lập làng An Định thuộc thị trấn Ba Chúc và 3 thôn thuộc các xã Lương Phi, Lê Trì, huyện Tri Tôn, An Giang ngày nay nhân dân có đạo Tư Ân Hiếu Nghĩa ngày càng phát triển (hiện nay có trên 80.000 tín đồ nội, ngoại đạo) gắn liền với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ biên cương Tổ quốc... Bên cạnh đó, việc hành đạo cũng thực hiện theo truyền thống "tốt đời đẹp đạo" của danh nhân Ngô Lợi – Đức Bổn Sư truyền dạy, đảm bảo cho tín đồ vừa làm tốt việc đạo vừa đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
TRẦN VĂN GẶP
* Tài liệu tham khảo:
- Website Ban tôn giáo chính phủ
- Địa chí An Giang (UBDN tỉnh)
- Lịch sử An Giang (Sơn Nam)
- Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ huyệnTri Tôn, và Ba Chúc (1945-2010)
- Tư liệu Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Núi Tượng.
* Phụ chú:
(1) Tháng 7 năm 1885 chủ tỉnh Châu Đốc là Le-Bron (Le-Brun) đã gởi báo cáo về cấp trên về những người “mượn tôn giáo làm chính trị”, đề nghị:
+ Giải tán tức khắc làng An Định, dân làng phải trở về nguyên quán.
+ Sát nhập làng An Định vào làng Vĩnh Lạc, vì gốc là từ làng Vĩnh Lạc cắt ra, lập làng mới từ năm 1881 mà thôi. (Vĩnh Lạc và Vĩnh Quới là hai làng xưa, nhập lại, nay là Lạc Quới – (theo Sơn Nam- LS An Giang).
Năm 1917, Ba Chúc là một trong 8 xã thuộc tổng Thành Ngãi, quận Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc.
Năm 1930, huyện Tri Tôn giao Ba Chúc lại cho huyện Tịnh Biên.
Tháng 04/1957, huyện Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang. Ba Chúc là một trong ba xã thuộc tổng Thành Tín.
Năm 1964, Ba Chúc là một trong năm xã thuộc tổng Thành Tín, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc.
Năm 1975 – (30/4/1975) thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh Long Châu Hà – Sau đó An Giang.
Năm 1977, Ba Chúc là một trong 21 xã thuộc huyện Bảy Núi, tỉnh An Giang.
Năm 2000, Ba Chúc là một trong 14 xã thuộc huyện Tri Tôn, có 6 ấp: An Định, An Hòa, Thanh Lương, Núi Nước, An Bình, An Phước.
Tháng 11/2003 Thủ tướng chính phủ ký NĐ số 119/NĐ.CP, tách một phần cho xã mới Vĩnh Phước và nâng Ba Chúc lên Thị Trấn với 07 khóm: An Định A, An Định B, An Hòa A, An Hòa B, Thanh Lương, Núi Nước và An Bình.
Tháng 5/2010 Đại biểu đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lần thứ I, nhiệm kỳ 2010-2015, theo công văn chấp thuận số 287/TTCP-TGK của Ban Tôn giáo Chính phủ nước CH.XHCN.VN ký ngày 28/4/2010.
Tham dự Đại hội có 120 đại biểu chính thức, đại diện hơn 80.000 thân bằng của 24 Gánh đạo (11 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam). Các ông: Phạm Huy Thơ, Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Nguyễn Chánh Tháo, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đã đến dự. Bầu ra 22 vị trong Đạo hội.
(2) Năm 1886, sau nhiều đợt khám xét làng Ba Chúc, chủ tỉnh Châu Đốc Bocquet làm báo cáo gởi về giám đốc nội an Sài Gòn ngày 14/3/1886 ghi dân số ở Ba Chúc là 422 người, nhưng chỉ điều tra được 342 người: “ Sóc Trăng (2 người), Trà Vinh (3 người), Hà Tiên (3 người), Nông Pênh, Campuchia (10 người), Cần Thơ (13 người), Tân An (18 người), Vĩnh Long (24 người), Bến Tre (25 người), Thủ Dầu Một (25 người), Gò Công (26 người), Long Xuyên (30 người), Châu Đốc (33 người), Sa Đéc (33 người), Mỹ Tho (33 người), Chợ Lớn (64 người)”.