“Chúa núi” Sơn Đào (biệt danh của Nguyễn Văn Sơn) đãbỏ hàng chục tỉ đồng dành dụm cả đời để mua đất núi cất điện, chùa, cho thú rừng sinh sống và làm du lịch… Có người bảo ông ngông, có người nói ông tưng tửng,… Có người lại khuyến khích, khen ông táo bạo…
Vượt hàng chục ngàn bậc thang đá, tôi mới lên đến đỉnh núi Ông Két (Anh Vũ sơn), một trong 7 ngọn Thất Sơn màu nhiệm, cao 225m.
Giữa núi rừng đại ngàn vi vút, những đám mây lờ lững trôi…Lạ lùng, cơn gió se lạnh trong tiết trời hừng hực nóng. Đang nghỉ chân bên cánh võng trong bộ áo bà ba màu ngọc bích đơn sơ, “chúa núi” Sơn Đào (biệt danh của Nguyễn Văn Sơn, 59 tuổi, ngụ xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, An Giang)- người tiên phong làm du lịch tâm linh kết hợp với bảo tồn thiên nhiên đầu tiên cả nước tiếp chuyện lữ khách một cách chân tình.
Chuyện đời cậu bé bán bánh mì hè phố
Sinh ra trong một gia đình đông anh em nghèo khó ở vùng đất Khánh Hòa (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang), 10 tuổi cậu bé Sơn cùng gia đình tha phương lên tận Sài Gòn sinh sống.
Quá nhỏ để hiểu sự đời, thế nhưng cũng đủ lớn để biết tự mình kiếm miếng cơm, cậu bé Sơn đi khắp hang cùng ngỏ hẹp đất Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) bán từng ổ bánh mì. Đêm về thì cùng những trẻ đồng lứa đồng nghề hay đánh giày, bán kẹo cao su bên các sạp chợ.
Cứ độ vài ngày, dôi dư vài cắc lẻ lại đến với lớp học lề đường, do những người cùng cảnh ngộ khốn khổ biết dăm cái chữ, nương nhờ ánh sáng đèn đường, dạy lại.
Cứ vậy. Kiếm tiền để đổi cái chữ, nhưng chính những buổi học ấy đã giúp cậu bé Sơn biết mặt chữ, mặt số thế nào. 5 năm ròng ở đất Sài Gòn đã trui rèn bản tính chịu thương, chịu khó của ông.
Lớn lên chút, Sơn Đào tiếp tục tha phương trở lại miền Tây, đặt chân về đất Cần Thơ theo ghe làm phu khuân vác. Cuộc sống sông nước, cảnh chợ búa, những vùng quê được đặt chân qua, đã khiến Sơn Đào mong có ngày trở lại quê hương tìm về nguồn cội.
Tuy vậy, đến năm 22 tuổi (năm 1979), Sơn Đào mới trở lại được quê hương, nhưng không phải nơi cồn bãi Khánh Hòa mà tận miệt núi đá Thất Sơn, trú chân tại làng Thới Sơn, huyện Bảy Núi (nay là xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên).
Trầm ngâm, ông nói: “Nghĩ đâu đó cũng là cái duyên, cái nợ. Mình đi mười mấy năm ròng, cuối cùng lại đến với miền đất hoang sơ Thới Sơn mới trải qua chiến tranh tàn phá ác liệt. Tứ cố vô thân, nhưng cũng quen rồi cảnh ấy nên tôi đến đình Thới Sơn xin nương nhờ giấc ngủ, sáng đi gánh đào (trái điều) thuê cho các chủ vườn hay củi khô trên núi Ông Két này”. Cái tên Sơn Đào cũng ra đời từ dạo ấy và gắn chặt với cuộc đời ông.
Nghèo khó, không gia đình, ít chữ nghĩa, nhưng được cái chàng trai Sơn Đào là người hiền lành, chịu thương, chịu khó nên anh cũng “đặng lời và nên vợ nên chồng với người con gái bán đường thốt nốt”. Cái nghèo vẫn đeo bám, làm lụng mãi vợ chồng Sơn Đào mới cất được cái chòi lá dưới chân núi Ông Két.
“Chúa núi” xuất phát từ… cái lu nước
Sau nhiều năm gánh đào thuê biết được mối mang, củi khô nhà nào cần, nơi nào thiếu, Sơn Đào bàn với vợ quyết định mua đào, mua củi tại núi mang ra chợ bán. Nhưng tiền dành dụm không đủ đặt cọc, nghĩ mãi, cuối cùng hai vợ chồng quyết định bán cái máng vú (giống cái lu nhưng lớn hơn, mình phình to), tài sản quý nhất gia đình và là đồ dùng tối quan trọng để đựng nước uống, sinh hoạt cả gia đình. Quyết định táo bạo ấy đã giúp gia đình gầy dựng cuộc sống, sang trang mới cuộc đời anh gánh đào thuê.
Được 300 đồng cả thảy, hai vợ chồng đánh bạo mua đào, mua củi đem bán. Thấy thương cảnh khổ, một số chủ vườn di du bán rẻ.
Vừa làm vừa tích lũy, 10 năm gánh, bán đào đã giúp Sơn Đào dành dụm số tiền kha khá, mua được vài công đất vườn tạp sâu trong núi và chiếc xe chở đá cũ.
Chỉ vài năm làm nghề đá, Sơn Đào đã có trong tay hàng tỉ đồng, thành lập doanh nghiệp tư nhân khai thác đá và nhiều hecta đất núi Ông Két đã có chủ là người gánh đào thuê ngày trước.
Thế nhưng, chỉ làm nghề đá vài năm thì Nhà nước quy hoạch, không cho khai thác tài nguyên khoáng sản. Đang loay hoay chuyển nghề thì Sơn Đào nhận được lời đề nghị của ông Út Năng (tên gọi thân mật của bà con xã Thới Sơn với ông Huỳnh Thế Năng– Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang), Phó Chủ tịch huyện Tịnh Biên lúc bấy giờ, cũng là người con quê Núi Két: “Sơn Đào thử đầu tư làm du lịch ở núi Ông Két xem sao? Nhưng nhớ làm du lịch kết hợp với bảo tồn thiên nhiên đó”.
Câu mở lời đã đánh trúng tâm tư của Sơn Đào muốn làm cái gì đó có ích cho quê hương thứ 2 của mình. Dốc tất cả vốn liếng gần chục tỉ đồng, mua đến hơn 20ha đất trong số 45ha đất núi Ông Két, ông bắt tay vào làm du lịch. Thời điểm đó là năm 2000.
Người mở đường cho du lịch tâm linh, bảo tồn sinh thái
Câu chuyện kể bỗng cắt ngang khi những chú khỉ tinh nghịch trèo xuống tha quà vặt từ du khách hành hương cúng viếng. “Chú thấy đó, khỉ chim về đây ngày một nhiều vì mình bảo tồn chúng”, ông Sơn Đào lý giải.
Bắt tay vào làm du lịch năm 2000 nhưng mãi đến 2004 khu du lịch này mới chính thức được cấp phép hoạt động. Bắt đầu từ chân núi đến mỏ Ông Két, dài lên đỉnh núi, Sơn Đào cho xây những điện thờ, những địa điểm cúng viếng thờ tự tất cả những vị tiên thánh, Phật thầy đến những chiến sĩ hy sinh vì độc lập dân tộc.
“Làm du lịch tâm linh không phải là cất nhiều chùa thu hút khách thập phương cúng viếng để lấy tiền, trục lợi, làm chốn thiên tự nhuốm cuộc sống thị trường. Mình từng bôn ba, vượt qua biết bao sóng gió cuộc đời để gầy dựng cơ nghiệp, để hiểu đâu là cái cốt hướng tâm thanh bạch. Du lịch tâm linh là giúp mọi du khách hướng thiện, tu nhân tích đức, phúc hiếu đạo hạnh với cha mẹ, ông bà, đạo đời sáng đẹp với quê hương, đất nước”- Sơn Đào bảo vậy.
Hiện nay, Khu du lịch núi Két của ông có 23 điện thờ từ Phật pháp đến đạo pháp tâm linh như: điện Chư vị Năm non bảy núi, điện Phật bà Quan âm Nam Hải, điện Phật Vương, điện thờ chiến sĩ cách mạng, điện A Di Đà, điện Chư thần, điện Thầy Bửu Sơn, điện Lê Sơn Thánh mẫu, điện Ngọc Hoàng thượng đế, dinh Cửu thiên Huyền nữ, điện Cử Đa, điện Phật mẫu, điện Ngũ hành, điện U minh…
Cũng từ ngày Sơn Đào bắt tay vào làm du lịch, trở thành “chúa” ngọn Anh Vũ sơn cũng là lúc muôn thú quần hội về sinh sống. Ông kể: “Từ ngày làm du lịch, tôi cấm tiệt tụi săn bắn chim, thú, nhiều loài động vật hoang dã đã dần trở lại sinh sống, nhất là khỉ, trăn, mang, rắn, cheo, chồn, chim chóc,…
Mấy dạo trước, chim ưng, đại bàng về đây khoảng tháng 11 hàng năm. Đặc biệt, dưới chân mỏ Ông Két có trên ngàn tổ yến với hàng chục ngàn con chim yến từ biển Đông vào trú ngụ”.
Từ con số chưa đầy 1.000 người đến với Anh Vũ sơn, nay đã có đến trên 43.000 lượt khách/năm. Khi ánh mặt trời đã ráng đỏ, khuất dần sau những rặng núi mờ xa tít chập chùng hướng Vương quốc Campuchia, những đàn chim bắt đầu bay về tổ, từng bầy yến líu ríu vang rần không gian khoáng lặng…thì cũng là lúc chủ nhân của khu du lịch này tận hưởng những giây phút bình yên nhất sau hàng chục năm ông mới có được.
BẢO TRỊ