Một Thiền phái già nhứt, mà cũng trẻ nhứt tại lưu vực Cửu
Long giang, phối hợp Tam Giáo “Phật Thánh Tiên” là căn bản Lập giáo, dùng Giáo
pháp “Tu Nhân Học Phật” làm căn bản Hành Giáo. Hình thức Cư sĩ, Tu sĩ nhập thế
hòa mình theo sự thăng trầm của Dân Tộc. Chưa thấy xuất thế làm Sa di, Tỳ Kheo
như các Thiền phái khác. Đó là: BỬU SƠN KỲ HƯƠNG.
Cho đến nay, Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn còn là một đề tài nghiên cứu
thu hút khá nhiều nhà khoa học, mặc dù đã có không ít công trình sách, luận án,
tham luận khoa học được trình bày tại các buổi toạ đàm, hội thảo … Nhiều vấn
đề hiện vẫn còn được tiếp tục tìm hiểu; nhiều ý kiến khá khác biệt nhau, xoay
quanh việc tìm hiểu về Bửu Sơn Kỳ Hương. Đó là một điều lý thú và cần thiết. Dưới
nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau, nhiều chuyên ngành riêng biệt, đồng thời
cũng cần sử dụng phương pháp liên ngành, chắc chắn đạo / giáo phái (secte
religieuse / religious sect) Bửu Sơn Kỳ Hương sẽ ngày càng được phân tích, đánh
giá và tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác hơn. Bài viết này cũng tiếp tục trên
phương hướng ấy để góp phần vào việc tìm hiểu những đặc điểm của một giáo phái
mang tính đặc thù của một khu vực và qua đó, phần nào hiểu rõ hơn về đặc trưng
tộc người Việt dưới góc độ đời sống văn hoá tinh thần.
Cách đây trên 100 năm, vào thời mạt diệp của nhà Nguyễn,
trong nước giặc giả rối ben, bên ngoài thì Quân Pháp nhiều phen gây khó dễ,
toan xâm chiếm Việt Nam làm đất Thực dân . Các văn quan trong tình trạng bở ngỡ,
nếu không nói là quá xa lạ vấn đề ngoại giao với người da trắng, mà lúc bây giờ
họ cho là phường “Bạch Quỷ” .
Trước tình thế đó Triều Đình phải xếp lại tất cả sự rối bời
của một xã hội đang lung lay tận gốc rễ. Đạo Phật thì, chỉ còn là thuyết “Thầy
cúng” các bực “Đầu tròn áo vuông” siêu độ cho người quá vãng bằng Xá hạt, Xá mã,
đầu phướn, Ông Tiêu, trống kèn, chuông mõ chọi Đẩu rình rang, trong các cuộc
Trai Đàn cất giá ăn tiền cũng như các nghề làm ăn khác.
Đạo Nho thì, rập theo khuôn thước khoa cử tầm chương trích cứu
: Văn, Thi, Chiếu, Chế, Biểu… ra công thập niên đăng quả để chờ một hội khả-vi,
nghĩa là sao đặng võng anh đi trước, võng nàng theo sau, chớ ít nghĩ đến việc
dùng triết thuyết của Thánh Hiền mà hòa hợp thành cái thực học để kinh bang tế
thế.
Đạo Tiên (hay Lão Giáo) thì những thuyết Cần, Kiệm, Liêm,
Chính hoặc Đạo khả Đạo Phi thường Đạo, Danh khả Danh phi thường Danh (cái Đạo
nói ra được thì không phải là Đạo. Cái Danh có thể gọi được thì không phải là
Danh) không còn ăn khách nữa, người ta cho rằng siêu thực quá, theo làm chi cho
mặt ! Do đó, Đạo Giáo của Lão Tử chỉ còn là thuyết Thầy phu, thầy pháp, bóng rỗi,
Ông lên Bà xuống . Mỗi khi các Ngài đi độ sanh thì, cũng cắt giá ăn tiền cũng hạng
thầy độ tử ! Thời nhân thực hành Tam Giáo là thế đó, bỗng nhiên vào năm Kỷ Dậu
(1843) có “Ông Đạo Khùng” xuất hiện (một danh xưng mỉa mai của Đức Phật Thầy
lúc bấy giờ). Ông Đạo chỉ dạy người tu Phật bằng cách niệm Phật, tưởng Phật
vào tâm, giản dị hóa kinh chú. Tu nhân theo Đạo Thánh Hiền bằng cách kính trọng
bốn ân. Nguyện cho người quá vảng bằng cách cầu Phật hộ trì cho được trực vãng
Tây Phương. Trị bệnh cho người Đời bằng những chất liệu tro nhang, giấy vàng,
lá cây... Khỏi phải sai đồng khiển tướng, bốc thuốc đầu thang, mà bệnh nào
cũng khỏi !
Từ độ sanh đến độ tử thảy đều “độc đáo” quá, nhứt là khỏi tốn
xu nhỏ nào, khiến cho các bực “đầu tròn áo vuông” đều há mồm trợn mắt, các đấng
“Nho gia cử tử” bực tức mỉa mai, nhưng không lấy câu sách nào mà định nghĩa được,
cũng như các Ngài “điều binh khiển tướng” không ngớt chỉ trích ganh tị, nhưng tướng
chúa Ôn hay bà Hồng, cố Hỷ không dám xâm phạm đến Đức Phật Thầy. Đến Ngài
qui y cho người nhập Đạo cũng giản dị bằng bốn chữ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG, trên một
cái ấn nhỏ hình chữ nhựt. Thế là Thiền phái BỬU SƠN KỲ HƯƠNG chào đời từ đó .
Đức Phật Thầy Tây An hoằng khai Giáo Pháp “Tu Nhân” ấy để dọn
mình mà “Học Phật” đúng vào lúc các tầng lớp dân đen đang đi sâu vào đường mê
tín tà thuyết lớp người có đôi chút trí đạo thì đang hoang mang mất tin tưởng
những hàng Đạo Sĩ Thầy cúng xử dụng Tam Giáo quá bừa bải. Khi họ thấy rõ sự
Giáo Đạo và cứu nhơn độ thế của Đức Phật Thầy chẳng những hiệu nghiệm mà canh
tân theo trào lưu không xa chánh pháp, nên ùn ùn qui y nhập Đạo để nhờ Ngài tế
độ.
Về vấn đề Đức Phật Thầy hóa thân, chuyển kiếp qua nhiều lớp
như: Đức Bổn Sư, Đức Phật Trùm, Đức Sư Vãi... Nếu căn cứ thực tế theo các
nhà sưu khảo thì không dựa vào tiêu chuẩn nào mà chứng minh các Ngài là một .
Nhưng dựa vào “lễ tục” và “Cảm nhận” thì, đại đa số đồ chúng cùng quả quyết các
Vị hoạt Phật ấy chỉ là một . Bởi căn cứ vào những điểm trùng hợp “độc đáo” sau
đây :
- Cùng tôn thờ, hoặc quy y cho đồ chúng bằng bốn chữ BỬU SƠN
KỲ HƯƠNG .
- Dùng Trần điều làm nghi thức thờ phượng .
- Cùng trị bịnh cứu đời bằng những vật liệu thông thường Lá
cây, giấy vàng, tro nhang, nước lã...
- Cùng giáo hóa thuyết Tu Nhân Học Phật cho người Cư sĩ Tu
sĩ nhập thế gian. Phối hợp Tam Giáo (Phật Thánh Tiên) làm nền tảng của Đạo
- Tiên tri những việc đã qua và những việc sắp đến để tế độ
những người ngang bướng, khinh thị Phật Trời .
- Không Vị nào thoát khỏi bị lên án là “Gian Đạo Sĩ” hoặc đầu
độc dân chúng khởi loạn...
- Mỗi Vị khi tỏ ngộ đều trãi qua giai đoạn “Điên Khùng” hoặc
tự xưng Điên Khùng.
Dầu cho thời gian, không gian hoặc vì hoàn cảnh mà nghi thức
thờ cúng, danh xưng Tông phái có thay đổi, nhưng trọng tâm hành đạo và tôn chỉ
lập giáo vẫn không sai biệt . Do đó, những đặc điểm nêu trên gần như đặc biệt của
Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là đặc tính của Phật Giáo Miền Nam, không giống
Thiền Phái nào của Ấn Độ, Trung Hoa. Duy có điểm thứ bảy là tương tợ Ngài Tế Điên
Hòa Thượng của Trung Hoa vào đời Tống.
Tại sao có những điểm sai biệt quá xa như thế lại dám võ
đoán rằng các Vị chỉ là một ? Theo sự tìm hiểu và suy luận của chúng tôi thì,
càng tương phản nhiều lại càng gần nhau hơn vì những người quy y Phật Pháp thảy
điều nhìn nhận thuyết NHÂN DUYÊN VÀ QUẢ. Nếu không có Nhân (hạt giống), Duyên
(thửa đất) thì làm thế nào có Quả (đâm bông kết trái) ? Thế nên, hình thức tương
phản ấy, cũng không ngoài nguyên nhân mà sanh ra hậu Quả. Hay nói cách khác,
do hoàn cảnh, thời gian và không gian tương phản mà ra .
Căn cứ theo giảng xưa của Đức Phật Thầy, không thấy Ngài giải
thích rộng bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương như thế nào nhưng sau khi Ngài viên tịch có
những câu sấm ký:
Chữ BỬU là hiệu Phật Vương
Chữ SƠN Phật Thầy tin tưởng phước dư
Chữ KỲ là hiệu Bổn Sư
Chữ HƯƠNG Phật Trùm bốn chữ phải mang
Mai sau một là một ngàn
Tiền thời thấy đó giấy vàng trơ trơ
Những câu sấm ký trên, gần như thành ca dao thành ngữ của
dân chúng vùng đồng Cửu Long Giang. Đúng như thế thì, chữ Sơn là hiệu Phật Thầy,
chữ Kỳ là hiệu Bổn Sư, chữ Hương là hiệu Phật Trùm. Còn chữ BỬU ? Phật Vương
là vị nào ? Phải chăng chữ Bửu là Minh Vương cho hậu vận nước Việt ? Chẳng hạn
lời cầu nguyện của Đức Bổn Sư dạy bá gia, trước khi vào tụng kinh hay cúng dường
những lễ tiết quan trọng : “Nguyện Hoàng Đồ củng cố, Đế đạo hà xương, Phật nhựt
tăng huy, Pháp luân thường chuyển (cầu cho cơ đồ thêm bền vững, Đạo của Vua
Thánh được rộng xa, hào Quang Phật thêm chói ngời, bánh xe Pháp thường xoay trở). Hoặc : Điền nhiên tiên liễu định, Nam thiên “Quốc Bửu” sanh (Cơ duyên
đã định rồi, Trời nam sau nầy có chữ Bửu Sanh). Có lẽ do hoàn cảnh nghiệt ngã,
thế đạo suy đồi, hoặc nhơn tâm của mỗi thế hệ mỗi khác, nên các Ngài phải thay
hình đổi dạng cho hợp với căn cơ của chúng sanh . Một vài dẫn chứng khác, tượng
trưng cho sự “độc đáo” của các bậc Siêu nhân : Khi Đức Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ
sang Trung Hoa, Ngài tiếp xúc với các nhà tu thông thái của Tàu, trong số đó có
vua Lương Võ Đế. Ngài thấy những nhà tu nầy chú trọng vào hình thức nhiều hơn
nội tâm nên bỏ ra đi. Đồng thời đề xướng một thông điệp : “Bất lập văn tự,
giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” (Truyền đạo
ngoài giáo pháp, không cần Văn tự, chỉ nhắm vào thâm, như thấy tánh tức là thấy
Phật). Ngài còn tạo thêm một thuyết “độc đáo” khác đó là là “Đại thừa bích
quán” ngồi day mặt vào vách suốt 9 năm, gây thành một lối tu khổ hạnh truyền
tâm rất sôi nổi. Đến đời Tam Tổ Tăng Xán lại truyền tâm ấn bằng văn tự. Đến Lục
Tổ Huệ Năng thêm tưởng niệm Bồ Đề pháp và không cần đến hình thức truyền thụ y
bát. Khi Thiền Tông du nhập Việt Nam thì, phương pháp Đại Thừa bích quán không
còn thích hợp, mà kệ văn là Bồ Đề pháp rất thịnh hành. Hình tướng và nghi thức thờ phượng có thể tùy vào hoàn cảnh
mà biến dạng, canh cải, điều tối quan trọng của Đạo là TÂM . Đức Phật Thầy đã
dày công khai sáng Thiền phái Bửu Sơn Kỳ Hương, rất thích hợp với căn cơ của
chúng sanh lúc bấy giờ, nhưng chắc chắn Ngài không được toại nguyện. Vì Ngài vẫn
mất tự do trên đường truyền đạo, Ngài vẫn bị sức mạnh cưỡng ép phải cạo trọc đầu,
tụng niệm chuông mõ. Nhưng điều quan trọng là ít ai lưu ý đến vấn đề này, mà người
ta chỉ biết là kính nễ Đức Phật Thầy Tây An là Sơ Tổ của phái Bửu Sơn Kỳ Hương .
Có lẽ do hoàn cảnh nghiệt ngã mà Đức Bổn Sư đã tạo ra rất
nhiều âm thanh sắc tướng, nhưng nội dung của kinh điển thì Ngài rất chỏi lại âm
thanh sắc tướng như “Thanh âm sắc tướng giai phi Đạo, thiết vật tín tà tập
ngoại biên” (Thanh âm sắc tướng đều không phải là Đạo, đó là tà thuyết đừng nên
tin theo). Hoặc tụng niệm cho nhiều kinh điển, rốt lại : “… Sự túc thị lý, lý
tức thị sự. Vô lượng duy nhứt, nhứt vi vô lượng. Tướng tức phi tướng, phi tướng
tức tướng. Phật thuyết pháp tức ngã thuyết pháp, ngã thuyết pháp tức Phật thuyết
pháp” (Sự tức là lý, lý tức là sự, vô lượng là một, một là vô lượng. Không tướng
là tướng, tướng tức là không tướng. Phật thuyếp pháp tức là ta thuyết pháp, ta
thuyết pháp tức là Phật thuyết pháp)
Những thuyết trên cho ta thấy, dầu âm thanh sắc tướng hay
không cũng do Tâm. Khi Tâm được vững chắc thì có sắc tướng cũng như không.
Tâm giao động thì không sắc tướng cũng sanh ra sắc tướng. Phải chăng, Đức Bổn
Sư tạo ra nhiều sắc tướng và kinh điển để bá gia kiên trì học hỏi và chịu đứng
đường dài trên 80 năm bị trị ?
TRẦN HỒNG LIÊN