Từ tên gọi đạo Phật Thầy Tây An cho đến tên gọi chính thức Bửu Sơn Kỳ Hương còn có nhiều bỡ ngỡ ban đầu. Có nhiều lý do mà nhiều người trong bổn đạo thường ít dùng. Theo lời truyền dạy của Sư Hai thì Bửu Sơn Kỳ Hương (1) là mật lịnh. Khi xây dựng ngôi Tây An Cổ Tích Tự vào năm 1973, trên cổng tam quan cũng chỉ ghi Tín đồ Phật Thầy Tây An (2) bằng chữ Hán và có ai hỏi thì tín đồ là đạo gì thì trả lời đạo Phật Thầy.
Đạo Phật Thầy là niềm tin, là sự tín ngưỡng, là tinh thần tu tập của tất cả mọi tín đồ nơi đây. Với chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhà nước từ năm 1975 đến năm 2007, mọi hoạt động đạo sự đều được chính quyền các cấp ở địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ giúp đỡ. Nhờ vậy mà đạoBửu Sơn Kỳ Hương xã Nghĩa Thành huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc xây dựng đất nước; xây dựng đời sống văn hoá xã hội của địa phương nói riêng, tỉnh nhà nói chung. Được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Tôn giáo Dân tộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Ban Tôn giáo Chính phủ…từ năm 2000, Ban trị sự đã tập hợp tất cả mọi tư liệu về sử đạo, về quá trình học đạo, mở đạo trước đây và lập tự của các bậc tiền trong thời gian xây dựng đạo tại xã Nghĩa Thành trong hơn 40 năm. Qua quá trình thẩm tra xem xét đánh giá một cách nghiêm túc, đến tháng 5/2007đạo Bửu Sơn Kỳ Hương mới được tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cấp Giấy Đăng ký Hoạt động tôn giáo.
Mục đích của Đức Phật Thầy Tây An truyền dạy là “Học Phật tu nhân” hành theo “Tứ ân”trong đó Ân đất nước đặc biệt được Phật Thầy đề cao. Đây cũng là chân lý phục vụ nhân loại, phục vụ dân tộc, phục vụ Tổ quốc mà mọi người tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phải luôn ý thức và có bổn phận bảo vệ đất nước khi bị kẻ thù xâm lăng, nâng đỡ nhau quê hương khốn khó “Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, Quốc gia mạnh giàu thân ta mới ấm”. Chúng sanh phải có tầm nhìn từ nhân đạo rồi tiến đến Phật đạo, đó là pháp môn “Học Phật tu nhân” hành theo “Tứ đại trọng ân” do Ngài xướng xuất. Điều căn bản giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương là một nét đặc trưng của Phật giáo ViệtNam và cũng là tinh thần của Phật giáo nhà Trần với Sơ tổ Trần Nhân Tông. Tính nhập thế của Phật Thầy Tây An cũng được thấy rõ qua việc nâng cao việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, khai hoang, lập trại ruộng. Đặc trưng nổi bật của truyền thống dân tộc là kết hợp giữa Lợi lạc quần sinh với Vô ngã vị tha trong tư tưởng Phật giáo. Trong 90 năm qua, tính từ khi Sư Hai học và truyền đạo Thầy cho đến nay, các bậc tiền hiền của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại xã Nghĩa Thành đã đi theo một mục đích duy nhất đó học đạo và làm đúng theo con đường nhân đạo để tiến Phật đạo. Trong 400 gia đình là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương xã Nghĩa Thành đã có 01 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 30 gia đình chính sách, có 09 gia đình liệt sỹ. Hiện nay đã hơn 150 trí thức trẻ đang đóng góp công cuộc xây dựng ở địa phương và nhiều tỉnh lân cận. Ngoài con đường tu học thì người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương luôn hoàn thành trọng trách của người công dân đối với đất nước. Mọi hoạt động xây dựng đời sống văn hoá xã hội (3) của địa phương đều tham gia đầy đủ, được các cấp chính quyền đánh giá cao. Trong 03 năm qua từ năm 2010 đến năm 2012, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tặng Bằng khen Xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh nhà. Đặc biệt, ông Phạm Viết Thanh - Trưởng Ban trị sự đã tham dự và được Tuyên dương điển hình Tiên tiến trong Đại hội Thi đua Yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, ngày 25/12/2010 tại Thủ đô Hà Nội.
1. Hệ thống điều hành và công tác đạo sự:
Về hoạt động đạo sự, Bửu Sơn Kỳ Hương xã Nghĩa Thành có 01 cấp lãnh đạo chung theo quy định trực thuộc quản lý của Uỷ ban Nhân dân các cấp trong tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Phạm vị hoạt động của đạo giới hạn trong toàn tỉnh; Đạo có Điều lệ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, nội dung, các hoạt động đạo sự trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam cho phép. Ban trị sự có 15 vị do Đại hội Cư sỹ Tín đồ (4) suy cử. Hoạt động của Ban trị sự tuân theo Quy chế chung do Đại hội cư sỹ Tín đồ thông qua. Nơi thờ tự và sinh hoạt chính là ngôi Tây An Cổ Tích Tự.
Ban trị sự gồm có 01 Trưởng ban; 04 Phó trưởng ban phụ trách các mặt công việc bao gồm: Công tác tổ chức; công tác đạo sự; công tác văn hoá xã hội; ngoại giao….Bên cạnh có bộ phận thư ký, các ban trực thuộc để giúp mọi công việc của Ban trị sự về đạo sự và thế sự. Đạo có con dấu (5)riêng theo mẫu quy định của Ban Tôn giáo Chính phủ. Hoạt động của Ban trị sự theo tinh thần tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, biểu quyết các mặt công tác thống nhất theo đa số. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, hiện nay Ban trị sự có 03 vị là thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ Việt Nam (6) các cấp từ xã, huyện cho đến trung ương nhiệm kỳ 2009 – 2014. Nhờ đó, mọi ý kiến và tâm tư nguyện vọng của đạo hữu tín đồ đều được các vị đại diện bày tỏ với lãnh đạo các cấp, giúp cho công tác phối hợp giữa chính quyền và Ban trị sự trong việc vận động bà con tín đồ thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của Nhà nước.
Theo Điều lệ quy định nhiệm kỳ của Ban trị sự là 05 năm, số lượng thành viên Ban trị sự trong từng nhiệm kỳ do Đại hội Cư sỹ tín đồ quyết định. Từ khi có pháp nhân và tổ chức Đại hội Cư sỹ Tín đồ lần I đến nay, hoạt động của đạo đã đi vào khuôn khổ nền nếp. Trong hơn năm năm qua, hoạt động của đạo sự chú trọng vào việc xây dựng và phát triển khối cư sỹ tín đồ và hoạt động văn hoá xã hội(7) . Nhiều người mộ đạo từ các tỉnh miền Đông, miền Tây, miền Trung và cả Tây nguyên đến Tây Cổ Tích Tự tìm hiểu và xin thọ giới. Hoạt động văn hoá xã hội được chú trọng, việc chăm lo giúp đỡ bà con nghèo trên địa bàn và con em học giỏi được Ban trị sự thực hiện một cách tích cực và thường xuyên. Tính chung trong năm năm qua công tác từ thiện đã tặng trên 700 phần quà trị giá trên 150 triệu đồng; khen thưởng học sinh sinh viên giỏi, khó khăn là trên 700 cháu với số tiền gần 100 triệu đồng.
2. Kinh sách, Nghi thức thờ phụng và tu học:
Thực hiện công tác đạo sự một cách nghiêm túc, Ban trị sự đã hướng dẫn Cư sỹ tín đồ chăm lo tu tập đúng theo hướng dẫn của các bậc tiền hiền, đúng theo quy định giới luật của đạo. Đạo có 03bộ kinh (8) gồm: Bộ Kinh Thiên Ngươn “Tâm kinh”; Bộ Kinh Mạc Kiếp “Báo phụ mẫu ơn Kinh”; Bộ Kinh Huỳnh Đình “Kinh Mật Tông trợ duyên”; ngoài ra còn có kinh Thí thực (Chẩn tế) cúng ngoài sân vào giờ mão và giờ dậu. Hằng ngày tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương có tứ thời công phu gồm: Sáng (giờ mão); trưa (giờ ngọ); chiều (giờ dậu); khuya (giờ tý).
Đạo kỳ của đạo màu dà trên có 8 chữ Hán: Bửu Sơn Kỳ Hương - Phật Thầy Tây An màu vàng.
Về cách thờ phụng tại Tây An Cổ Tích Tự thờ Phật Tổ, Phật Thầy trên chánh điện (thể hiện qua tấm Trần Điều). Thờ Thập nhị hiền thủ của đức Phật Thầy, thờ Cửu huyền thất tổ của bá tánh và các vị tiền hiền của đạo. Việc thờ phụng của đạo hữu tín đồ vẫn duy trì theo hướng dẫn các bậc tiền hiền và như tại chùa. Các ngày lễ chính của đạo trong năm gồm: Lễ Đản sanh Đức Phật Thích Ca ngày 15 tháng 4 âm lịch; Lễ Vũ Lan báo hiếu ngày 15 tháng 7 âm lịch; Lễ Đản sanh Đức Phật Thầy Tây An ngày 15 tháng 10 âm lịch; Lễ Viên tịch của Đức Phật Thầy Tây An ngày 12 tháng 8 âm lịch.
Lễ vật dâng lễ, thờ cúng: Hương, đèn, hoa (ngũ hoa), quả (ngũ quả) và nước lạnh (tượng trưng cho sự tinh khiết).
Đạo phục trong hành lễ: áo tràng đà, mão Quan Âm hay (khăn đóng) đen.
Người muốn thọ giới đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tại Tây An Cổ Tích Tự am hiểu đạo, tự nguyện xin cầu đạo, Ban trị sự mới tổ chức lễ thọ giới tại chùa. Khi thọ thực hiện đầy đủ nghi thức theo quy định; phải thực hiện đầy đủ Tam quy Ngũ giới. Từ đây người thọ giới chính thức là tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương.
Về nghi thức công phu công quả hằng ngày, tại tư gia người cư sỹ tín đồ phải đầy đủ các thời công phu. Vào các dịp lễ trọng của đạo, tại chùa còn tổ chức các lễ cầu an, cầu siêu cho bổn đạo và nhân dân bá tánh. Nghi thức công phu công quả, lễ dâng cúng cũng khá đơn giản.
Giáo lý của đạo dựa trên căn bản từ lời dạy của đức Phật Thầy Tây An “Học Phật tu nhân” hành theo “Tứ ân” làm đầu, lấy “Giới - Định - Huệ” làm gốc, hoà hợp và đoàn kết dân tộc, hoà bình cho nhân loại, giáo huấn nhơn sanh vun bồi tính thiện, xa lánh cái ác; hoằng dương chánh pháp chơn truyền của Đức Phật Thầy Tây An, phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc để quê hương, đất nước, thế giới được thái bình an lạc, dân tộc và nhân loại được ấm no, hạnh phúc.
3. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thực hiện tốt phương châm “Tốt đời đẹp đạo”:
Theo lời dạy của các bậc tiền hiền, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chăm lo làm ăn và tu hành. Trong 90 năm qua, mọi tín đồ trong đạo luôn đi theo chân truyền của đức Phật Thầy giáo hoá. Các bậc tiền hiền đã học đạo, ngoài tu luyện thân tâm thì việc phổ độ nhơn sinh là việc rất được chú trọng. Nhờ đó mà rất nhiều người ngưỡng mộ và tin theo đạo.
Từ khi lập tự tại xã Nghĩa Thành huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu năm 1973, bà con đạo Bửu Sơn Kỳ Hương luôn gắn bó giúp đỡ mọi người trong cộng đồng xã hội tại địa phương không phân biệt tôn giáo nào. Trong nhiều năm qua, việc tu tập hành đạo của bà con tín đồ được Nhà nước quan tâm giúp đỡ vì thế mọi hoạt động đạo sự đều diễn ra đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Ban trị sự rất quan tâm đến việc tham gia các cuộc vận động lớn của Nhà nước như: Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; tham gia cộng việc xoá đói giảm nghèo; quan tâm giúp đỡ người nghèo; hỗ trợ các vùng thiên tai lũ lụt; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học…Thường xuyên nhắc nhở bà con tín đồ thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới; phòng chống các tệ nạn xã hội, tội phạm…Chính vì vậy mà cuộc sống bà con trong bổn đạo ngày một phát triển đi lên.
Là một thôn đạo (9) , bà con đạo Bửu Sơn Kỳ Hương Bà Rịa Vũng Tàu luôn nêu tinh thần trách nhiệm của mình theo phương châm “Tốt đời - đẹp đạo” vừa làm ăn tu học, vừa tham gia xây dựng đời sống xã hội của đất nước để mối đạo mà Phật Thầy truyền dạy ngày càng phát triển đi lên trong lòng dân tộc Việt Nam.
(Tham luận Hội thảo lịch sử Nhân vật Đoàn Minh Huyên do Hội
Khoa học Lịch sử An Giang tổ chức tháng 9/2013 tại huyện Tịnh Biên)
__________________________________
Chú thích:
- (1) Theo lời Sư Hai dạy Bửu Sơn Kỳ Hương là mật lịnh của đạo;
- (2) Trước đây gọi đạo Phật Thầy Tây An;
- (3) Bài phát biểu chúc mừng của ông Dương Văn Khá – Phó Ban Tôn giáo Chính phủ tại Đại hội Cư sỹ Tín đồ đạo BSKH lần I nhiệm kỳ 2008 – 2013;
- (4) Ban trị sự có 15 vị, hiện còn 12 vị; 02 vị qua đời; 02 vị xin nghỉ công tác do bận việc gia đình.
- (5) Con dấu của đạo hình tròn, ở giữa là chữ Bửu viết bằng chữ Hán;
- (6) Ông Phạm Viết Thanh - Trưởng ban trị sự là thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Nghĩa Thành VIII; huyện Châu Đức khoá V; ông Trần Anh – Phó ban trị sự là thành viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khoá V; ông Nguyễn Văn Lộ - Phó ban trị sự là thành viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VII, nhiệm kỳ 2009 - 2014;
- (7) Ban trị sự có các ban giúp việc theo điều lệ đạo;
- (8): Đạo có các bộ kinh được truyền thừa chính thức;
- (9) Thôn Quảng Tây xã Nghĩa Thành là nơi đầu tiên bà con tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương - Phật Thầy Tây An về sinh sống lập tự. Từ đó đến nay bổn đạo mở rộng các xã, các huyện, thành phố lận cận trong tỉnh BRVT và các tỉnh khác.