Ngày 20, 21 và 22- 2 âm lịch tới đây, người dân vùng Láng Linh kỷ niệm ngày Quản cơ Trần Văn Thành hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp với cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa. Bửu Hương tự, Dinh Sơn Trung… vẫn ngàn đời ghi lại dấu chân và những chứng tích oai hùng của đoàn quân Binh Gia Nghị năm xưa…
Láng Linh là một cánh đồng trũng phèn rộng mênh mông, xung quanh rừng dày đặc, ít kênh rạch thông vào, đi lại khó khăn. Thời nhà Nguyễn, vùng đất này thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Ngày nay nằm trên địa bàn các xã: Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú (Châu Phú), Vĩnh An (Châu Thành). Bảy Thưa là khu trung tâm của cánh đồng này.
Sau khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực thất bại (1868), Trần Văn Thành tích cực tập hợp lực lượng và xây dựng các đồn lũy xung quanh căn cứ Bảy Thưa. Binh Gia Nghị ban đầu là tên gọi của lực lượng quân triều đình, những người nông dân yêu nước do Chánh Quản cơ Trần Văn Thành chỉ huy. Binh Gia Nghị có xưởng đúc, chế tạo vũ khí thủ công ở Láng Linh nhưng kỹ thuật còn thô sơ. Các chiến binh được trang bị gọn nhẹ với đao, kiếm, dao găm, súng điểu thương, tác chiến theo lối du kích, đột kích.
Nghĩa quân Binh Gia Nghị lấy tinh thần yêu nước, sự dũng cảm, dựa vào lực lượng nông dân, tôn giáo để đánh địch. Dù bị vây khốn, có nguy cơ bị tiêu diệt nhưng quân Binh Gia Nghị không bao giờ đầu hàng. Binh Gia Nghị đã tổ chức, tham gia thành công việc ám sát tên chủ tỉnh Vĩnh Long là Salicetti ở Vũng Liêm (Vĩnh Long). Bọn thực dân Pháp có lúc treo giải thưởng 1.000 quan cho ai bắt nộp được “Tổng binh Thành, gốc ở Thất Sơn”.
Sau nhiều lần chiêu dụ không thành, tháng 3-1873, thực dân Pháp cho quân đánh đồn Hờ ở rạch Cái Dầu (Châu Phú) và uy hiếp đồn Nghệ. Quân giặc nã đại bác vào trước và bắt dân dọn đường. Qua 5 ngày chiến đấu, quân Binh Gia Nghị lui dần. Ngày 19-3, Pháp chia làm hai cánh quân, dồn sức tấn công vào căn cứ Bảy Thưa. Cánh quân đầu tiên dùng tàu chiến đi từ Long Xuyên dọc theo sông Hậu vào rạch Mặc Cần Dung (Châu Thành) tấn công đồn Giồng Nghệ. Cánh quân thứ hai, từ Châu Đốc tiến dọc sông Hậu đánh chiếm đồn Hàng Tràm, đồn Hờ. Sau vài trận giao chiến, nghĩa quân của Trần Văn Thành rút vào đồn Sơn Trung. Tại đây, cuộc chiến đấu rất ác liệt giữa nghĩa quân Binh Gia Nghị với thực dân Pháp đã diễn ra. Với hỏa lực mạnh, Pháp chiếm đồn Sơn Trung.
Ngày 20-3-1873 (21 tháng 2 năm Quý Dậu), quân Pháp tập trung toàn bộ lực lượng tấn công vào đồn Hưng Trung. Báo Le Courrier de Saigon ra ngày 5-4-1873 tường thuật: Tại Hưng Trung, Trần Văn Thành vẫn bình tĩnh đối phó “đứng sau chiến lũy làm bằng những tấm ván và những bao gạo chồng lên nhau, để đốc thúc nghĩa binh chiến đấu. Nghĩa quân trong các chiến lũy thổi tù và, đánh trống và reo hò để tăng uy thế. Bên cạnh ông còn có con trai hỗ trợ cho ông bắn”... Quân Gia Nghị đã dũng cảm chống trả quyết liệt trong tầm hỏa lực mạnh của kẻ thù, số người chết và bị thương khá nhiều. Đến tối 20-3, đồn Hưng Trung thất thủ. Quân Pháp cay cú nổi lửa thiêu hủy Bảy Thưa…
Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa với thủ lĩnh Trần Văn Thành thể hiện tinh thần yêu nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những nén hương tưởng nhớ công lao của Trần Văn Thành và nghĩa quân Bảy Thưa vẫn luôn nghi ngút khói. Những con người mang khí phách anh hùng vẫn ngời sáng trong lòng bao thế hệ người dân An Giang nói riêng, của người dân miền Tây nói chung.
Dinh Sơn Trung (Đồn Bảy Thưa, ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh An, Châu Thành) được xây dựng ngay địa điểm đặt bản doanh Sơn Trung khi xưa - đại bản doanh của khởi nghĩa Bảy Thưa. Đây cũng là nơi có lò rèn Bảy Thưa chuyên đúc, chế tạo vũ khí cho nghĩa quân Binh Gia Nghị. Hiện nay, nơi đây là điểm du lịch tâm linh, thu hút khách thập phương hành hương về thăm viếng, tưởng nhớ công lao của Quản cơ Trần Văn Thành cùng nghĩa quân Binh Nghi Gia đã hy sinh chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. |