Láng Linh nằm giữa khu tứ giác bốn quận Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn (tỉnh Châu Đốc) và Châu Thành thuộc quận An Giang chiếm một diện tích khá rộng tương đương khoảng 1/3 diện tích của quận Châu Phú, một quận phì nhiêu về đất đai và trù phú về nông nghiệp.
Trước khi có kế hoạch di dân từ các quận lân cận về lập nghiệp, vào mùa nước nổi khoảng tháng tám đến tháng chín Âm lịch cả một vùng mênh mông như Biển Hồ, người ta có thể nhìn tận chân núi Cấm của quận Tri Tôn, núi Phú Cương, núi Két của quận Trực Biên và xa hơn nửa tầm nhìn đến núi Sập, núi Ba Thê của quận Huệ Đức An Giang. Với chiều dài trên 20 km, chiều rộng trên 10 km, Láng Linh chiếm một vị thế vô cùng quan trọng trong lãnh vực nông nghiệp. Vào cuối thế kỷ 19 và những thập niên đầu thế kỷ 20,
Láng Linh hãy còn hoang dã. Vào mùa khô, cả một diện tích của vùng nầy đắm chìm bởi lau sậy, bằng lăng, gáo và cỏ hoang, không thấy dấu chân người mà chỉ nghe tiếng chim rừng và thú dữ. Chính nơi đây, sau khi quy y với Đức Phật Thầy Tây An, Đức Cố Quản Trần Văn Thành đã được Đức Phật Thầy giao cho trọng trách đi cắm bốn cây thẻ quanh vùng Thất Sơn cùng trở về coi sóc trại ruộng Bửu Hương Cát ở Láng Linh. Nhờ chí khí hùng tráng sẵn có lúc thiếu thời, lại thêm được hun đúc bởi khí thiêng của dãy Thất Sơn hùng vĩ nên khi đất nước có loạn, chính Đức Cố Quản đã đứng lên chiêu mộ binh sĩ hợp cùng binh lực triều đình dẹp loạn cứu dân và cũng chính nơi đây, vào cuối thế kỷ 19, Bửu Hương Cát lại là Tổng hành dinh của đoàn quân Gia Nghị khởi nghĩa chống Pháp dưới sự chỉ huy của Đức Cố Quản.
Đức Cố Quản sanh năm nào, mãi cho đến bây giờ chưa có văn kiện nào xác định cụ thể, chỉ biết Ngài làm đến chức Chánh quản cơ dưới triều vua Thiệu Trị và Tự Đức. Bởi có công nghiệp rất lớn lao với Đời và Đạo, vả lại con của Ngài là Trần Văn Nhu và cháu nội Ngài là Trần Quang Nhơn đều là những bậc đạo hạnh cao siêu cho nên người đời sau kính trọng mà gọi Ngài là Đức Cố Quản.
Ngài quê ở Cồn Nhỏ thuộc xã Bình Thạnh Đông, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc, một xã nằm tả ngạn sông Hậu Giang cách tỉnh lỵ Châu Đốc khoảng 15 km. Thân sinh ra Ngài vốn nhà khá giả, nhiều ruộng đất nên khi Ngài vừa lớn lên thì được đi học chữ Nho. Ngài rất thông minh và khi trưởng thành chuyên tập võ nghệ, có thể nói Ngài là một người văn võ song toàn. Khi ra trận Ngài luôn luôn mặc ở ngoài một cái áo lá nhuộm màu dà (đây là một rong ba di vật mà Đức Phật Thầy Tây An đã trao cho Ngài; ngoài cái áo còn có cái ấn và cây cờ lệnh). Ngài đã quy y với Đức Phật Thầy Tây An lúc Đức Phật Thầy đến Xẻo Môn (Long Xuyên) để trị bệnh vào khoảng tháng 8 năm 1849 và từ đấy Ngài đã trở thành một đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An.
Thấm nhuần giáo lý của Bửu Sơn Kỳ Hương, Ngài đã hiến dâng cả đời mình cho Đạo và Đời để làm tròn bổn phận của người dân giữa lúc nước nhà trong cơn nguy ngập.
Khi quân Pháp làm áp lực tại thành Châu Đốc, tình thế quá khẩn trương, quân sĩ Việt Nam chia làm hai khuynh hướng: một mở cửa nạp thành cho Pháp, một rút vào bưng kháng chiến. Chánh quản cơ Trần Văn Thành cầm đầu phe kháng chiến. Ngài rút quân về lập chiến khu tại một vùng hiểm địa là Láng Linh và chiêu mộ nghĩa binh, mở mang đồn trại, tích trữ lương thực ở nhiều địa điểm trong vùng. Đặc biệt, Ngài đã mở 5 lò đúc súng và giao cho Đề đốc Văn chỉ huy (năm 1936 người ta còn đào được ở Bảy Thưa 3 lò đúc súng và 12 họng súng đồng). Kỹ thuật ban đầu còn kém và để bổ khuyết, Ngài đã cho người vượt biên giới sang Thái Lan vận động mua súng và học hỏi kỹ thuất sáng chế. Tiếc thay, lúc bấy giờ Pháp và Thái Lan đã ký xong hiệp ước ngày 15/8/1862 và 15/7/1867 nên mọi việc bất thành nhưng đây chính là điểm rất quan trọng chứng tỏ cái nhìn xa của Ngài thời bấy giờ.
Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương các nơi nghe theo lời kêu gọi của Đại đệ tử Trần Văn Thành kéo đến hưởng ứng rất đông, mặt khác quần chúng đã nồng nhiệt tiếp tế lương thực chất đầy kho chuẩn bị chu đáo cho cuộc khởi nghĩa.
Sau khi lãnh tụ Nguyễn Trung Trực bị hành quyết vào năm 1868 tại Rạch Giá, có thể nói tổ chức kháng chiến của Đức Cố Quản Trần Văn Thành được xem là hùng hậu và quy mô nhưng không biết vì lý do nào mà các nhà viết sử khi đề cập đến cuộc khởi chống Pháp thời bấy giờ chỉ nhắc đến những cuộc khởi nghĩa của Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân, Trương Công Định... mà không nhắc đến cuộc khởi nghĩa nầy!
Vào hậu bán thế kỷ 19, tại miền Nam, thực sự chỉ còn có tổ chức Trần Văn Thành là quy mô và có tầm vóc chiến lược. Theo tài liệu của Pháp, viên Chủ tỉnh Long Xuyên là Emile Poech đã bố trí cuộc tấn công bằng cách chận nghẹt các đường tiếp tế của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn chiến khu Láng Linh đã gần cạn lương thực. Đứng trước nguy cơ thấy rõ, Bà Cố Quản Trần Văn Thành đã xuất sắc trong vai trò của mình trong việc nuôi quân bằng cách huy động nghĩa quân tự túc lương thực để sử dụng vừa lâu vừa dài. Tại Láng Linh hiện còn một cái hồ khá rộng gọi là Hồ Bà do Bà Cố Quản đào để lấy nước uống bắt cá nuôi quân.
Năm 1872, Đức Cố Quản khởi binh, nhứt tề tấn công các cứ điểm Tịnh Biên, An Giang và Đông Xuyên. Quân đội của Ngài mang danh hiệu "Đoàn Quân Gia Nghị" (Binh Gia Nghị). Cuộc tấn công tuy không kết quả nhưng quân Pháp cũng không dám phản công lâu dài, chỉ tấn công nửa tháng rồi rút quân về. Binh Gia Nghị tiếp tục áp dụng chiến thuật du kích. Những trận tập kích vào Chắc Cà Đao (Hòa Bình Thạnh, An Giang), tấn công đồn Pháp ở Tịnh Biên, vây đồn Cây Mít (Nhơn Hưng) và khi quân Pháp phản công thì quân Gia Nghị rút về căn cứ Bảy Thưa (Láng Linh), Pháp không làm sao tiêu diệt được.
Trận cuối cùng cũng là trận quyết định đã xảy ra vào tháng 2 năm 1873. Sau nhiều lần dụ hàng bất thành, hải quân Đề đốc Dupré mở cuộc tấn công mãnh liệt vào chiến khu Bảy Thưa bằng cả hải, lục quân. Đại bác đánh từ nhiều mặt dồn lại làm cho quân Gia Nghị không thể đối phó. Ngày 21/2, quân Pháp với vũ khí tối tân đã tràn vào hành dinh cuối cùng của kháng chiến là đồn Hưng Trung. Binh Gia Nghị phần rút lui, phần chết trận, phần bị bắt, trong đó có các tùy tướng của Đức Cố Quản Trần Văn Thành và cũng từ đó Ngài đã mất tích.
Trong lịch sử kháng chiến của Đoàn Quân Gia Nghị có hai sự kiện cần ghi lại:
1 - Khi quân Pháp cho người đem thư tới tận Bảy Thưa yêu cầu Ngài về hợp tác noi theo gương Tôn Thọ Tường thì Ngài đã khẳng khái trả lời người bạn nhận sứ mạng đưa thư rằng: "Ta thà cùng quân sĩ bỏ xác tại rừng nầy chớ không chịu ra làm quan cho Tây đâu. Ông hãy trở về nói lại với chúng nó như thế và từ nay về sau đừng nên lãnh đi những việc nguy hiểm như thế nầy nữa. Tình anh em không thế nào lờn phép công được
Thà thua xuống láng, xuống bưng,
Kéo ra hàng giặc, lỗi chưng quân thần"
2 - Sau khi chiến khu Bảy Thưa thất thủ và người con trai của Đức Cố Quản là Trần Văn Chái bị Pháp bắt đem về An Giang, Bà Trần Văn Thành rất đau đớn vì chồng mất tích, con bị giặc bắt, cuộc kháng chiến tan vỡ nhưng Bà vẫn còn đầy đủ nghị lực và tiết tháo để viết một bức thư cuốn một con dao nhỏ, dấu giữa chiếc bánh tét cho người mang đến An Giang trao tận tay con với nội dung: "Con đã bị giặc bắt, ấy là gần xong bổn phận của con. Nếu quân thù cứ đem lợi danh cám dỗ, con liệu không thoát được mà về, mẹ muốn con tự dùng lấy dao nầy mà quyết định đời con để bảo tồn danh tiết cả nhà ta lâu nay đã hy sinh vì đất nước".
Đúng 5 hôm sau, tức ngày 26/2 cậu Trần Văn Chái đã dùng chính con dao của Bà Cố Quản tự sát tại ngục thất An Giang. Năm đó cậu mới 18 tuổi.
Tổ chức kháng chiến của Đức Cố Quản Trần Văn Thành, một Đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An cho ta thấy một một tấm lòng yêu nước nhiệt tình cao độ đã biểu lộ từ giới nông dân trong cuộc võ trang kháng chiến chống Pháp. Tuy biết rằng thế yếu chống mạnh, châu chấu đá xe nhưng người chiến sĩ nông dân vẫn xem thường cái chết, coi thường việc thất bại miễn là làm tròn bổn phận của con dân đối với Tổ Quốc.
"Kẻ phu tá cũng là trọng trách,
Một điểm son khác là trong cuộc kháng chiến của Đoàn Quân Gia Nghị, tấm gương anh thư của Bà Cố Quản Trần Văn Thành được xem là tấm gương hy sinh sáng chói của giới phụ nữ thời đó. Bà đã tiếp nối sự nghiệp oai hùng của Bà Trưng, Bà Triệu... Chính tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương đã thay đổi những con người nông dân an phận thành những chiến sĩ yêu nước nồng nàn và anh hùng như thế!
Trải qua hơn hơn một thế kỷ, từ năm 1873, Láng Linh đã chứng kiến không biết bao nhiêu là dâu bể tang thương, vùng đất kiêu hùng ngày nào vẫn còn như phảng phất đâu đây tiếng reo hò của Đoàn Quân Gia Nghị. Những địa danh trong vùng Láng Linh dù trải qua biết bao đổi thay của đất nước nhưng vẫn giữ nguyên vẹn như ngày nào; Vàm Cóc, Bảy Thưa, Hào Đề, Kinh 7, Kinh Ông Bà như gợi nhớ những ngày đầu của cuộc chiến khốc liệt.
Ngày nay trên đà phát triển về dân số, Láng Linh và nơi đất lành chim đậu, dân chung quanh vùng tập trung về đây lập nghiệp. Vùng đất hoang sơ thiếu dấu chân người nay đã trở thành khu thương mại khá sầm uất. Thị tứ Long Châu có thể nói là trung tâm thương mại đứng thứ nhì của huyện Châu Phú sau thị trấn Cái Dầu. Vùng Láng Linh với cơ cấu tổ chức mới được chia làm 6 xã gồm: Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú, Bình Chánh, Ô Long Vĩ và một phần của xã Mỹ Phú. Với những cánh đồng lúa bạt ngàn, Láng Linh là trọng điểm nông nghiệp của huyện Châu Phú và tỉnh An Giang. Thị tứ Long Châu là trung tâm điểm giao thông, tàu bè tấp nập tỏa đi khắp ngã; từ nơi đây có thể đi Tri Tôn, Nhà Bàng, Ba Thê, Vàm Sáng, Kinh Tám Ngàn... Vào mùa nước nổi, Long Châu như chìm đắm dưới những đặc sản vùng sông nước. Những loại cá đồng thi nhau phơi bày dưới ánh nắng ban mai, những con cá he vàng nghệ, những con cá mè dinh trắng nõn nà, những con cá loé đen nhánh... hòa lẫn những loại sản phẩm thiên nhiên như bông súng, điên điển, rau dừa càng tăng thêm đặc trưng của vùng đất dồi dào lương thực và ấm áp tình dân quê. Vào mùa khô, chợ lại đổi màu bởi những sản phẩm từ ruộng đồng như: cua đồng, rắn, lươn, chuột đồng, rau ngổ, rau đắng giúp cho bữa ăn càng tăng thêm đậm đà. Hòa với hương đồng cỏ nội, người ta có thể ngửi được mùi thơm từ chú chuột đồng bên bếp than hồng, thưởng thức vị ngọt đắng của bát canh rau ngổ trong bữa cơm chiều bình dị.
Vùng Láng Linh vẫn còn tiềm ẩn những di tích diệu kỳ của thời khai đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Bửu Hương Cát, một di tích được xếp hạng cách chợ Long Châu khoảng 2 km, nơi đây, hằng năm đã đón hàng chục ngàn lượt du khách từ khắp nơi đổ về lễ bái, đặc biệt vào hai ngày 21 và 22 tháng 2 Âm lịch hằng năm. Dinh Ông Thẻ ở Kinh 7 thuộc xã Thạnh Mỹ Tây còn lưu giữ một "Cây Thẻ" do chính Đức Cố Quản vâng lệnh Đức Phật Thầy Tây An đi cắm bốn hướng thuộc vùng Thất Sơn linh địa vào cuối thế kỷ 19.
Dù cuộc sống của cư dân ở đây còn nhiều khó khăn, hằng ngày họ phải đổ mồ hôi xuống luống cày để gia tăng sản xuất phục vụ đời sống nhưng ở những tấm lòng người dân chất phác nầy tiềm ẩn những đức tính khiêm nhường, trung hậu và luôn gìn giữ giáo lý Tứ Ân trong cuộc sống. Mỗi tối, từng bàn Thông thiên khói hương nghi ngút, đây là lúc họ trở thành những tín đồ thuần hành và luôn trọn niềm tin vào vĩ nghiệp của Tổ Thầy.