Ông Nguyễn Văn Cầu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, người chỉ đạo cho bốc và cải táng bộ hài cốt được cho là của Nguyễn Trung Trực, khi tiếp xúc với phóng viên Thanh Niên nhớ lại: “Lúc đó trình độ mình sơ đẳng, chưa có kinh nghiệm nhiều. Sau nghe phong thanh có ý kiến không chịu, tôi có đề nghị đi xét nghiệm cho chắc chắn”. Tuy nhiên, ông Cầu nói sau đó ông không nghe báo lại vụ việc. “Nếu không phải là hài cốt của Nguyễn Trung Trực thì đưa lên, không nên bảo thủ”, ông khẳng định.
Những ý kiến bị lãng quên
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Tấn Thanh (nay đã mất) cũng từng viết thư tay (ngày 19.10.1998) gửi các nơi đề nghị làm rõ bộ hài cốt trên. Trong thư, ông Thanh viết: “Lúc điều động tôi sang Campuchia, khi về nước báo tin tìm được mộ cụ Nguyễn, lúc đầu tôi rất mừng. Khi rõ lại ngôi mộ kế nhà tôi, tôi liền phản đối vì ngôi mộ này khai quật tôi có đến xem là ngôi mộ hòm gương cây danh mộc tốt, có đầu, mình, tay chân đủ, chôn cất đàng hoàng. Hỏi bà con lão thành người ta nói là một người tay sai làm cho Tây có công, khi chết có chánh sách chôn cất đàng hoàng. Tôi nhiều lần báo Tỉnh ủy, Ủy ban…”.
|
|
“Về việc này, báo chí nói nhưng chúng tôi ở Cục cũng chưa nhận được thông tin gì bằng văn bản từ địa phương. Bao nhiêu năm nay chả có ý kiến nào nghi ngờ về việc đó. Đây là một di tích đã xếp hạng từ hơn hai chục năm rồi. Mộ đó còn xuất hiện trước di tích, mà do chính nhân dân ở đó tôn vinh, tổ chức cúng giỗ. Nhà nước cho đến giờ cũng chưa động chạm việc đó. Cụ Nguyễn Trung Trực là một nhân vật lịch sử của đất nước, hầu hết nhân dân đặt niềm tin vào đó. Vì thế nếu làm điều gì không cẩn thận, lại tổn thương đến cụ Nguyễn Trung Trực”. Ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản
|
|
|
Ông Diệp Hoàng Du, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết không chỉ đến bây giờ ông mới lên tiếng cần làm rõ bộ hài cốt được cho là của Nguyễn Trung Trực. Năm 1988, ông từng có bài đề cập đến vấn đề này. Bài viết có đoạn: “Xốn xang vì thấy hàng vạn mái đầu thành kính phủ phục trước mộ của Nguyễn Trung Trực, nhưng nắm hài cốt nằm trong ngôi mộ này có phải của Nguyễn Trung Trực không? Tôi hồ nghi lắm! Hồ nghi từ khi được tin tìm lại được hài cốt của Người. Và sự hồ nghi đó càng tăng khi ở cuộc hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trung Trực có một ý kiến của cụ già 80 tuổi cũng đặt vấn đề nghi vấn như vậy… Đối với những vấn đề lịch sử, tôi nghĩ không nên kết luận vội vã một điều gì, khi điều đó chưa rõ ràng”. Ông Du cho biết, đến ngày 30.7.2013, tại cuộc họp chọn phương án kiến trúc Nhà bia đền thờ Nguyễn Trung Trực do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, ông cũng bày tỏ ý kiến không đồng ý.
Nghe tin chuẩn bị xây dựng nhà bia Nguyễn Trung Trực trên ngôi mộ hiện nay tại đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Kiên Giang đã viết thư gửi ông Mai Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang để can ngăn. Trong thư, ông Hùng viết: “Năm 1989, sau khi ngôi mộ được gọi là của Nguyễn Trung Trực xây dựng xong, nhiều người đã lên tiếng phản đối vì hài cốt nằm trong đó không phải là của cụ Nguyễn. Tôi đã cố công sưu tầm, nghiên cứu để xác minh lại sự thật như thế nào. Sau đây là ý kiến của tôi về bộ hài cốt ấy:
Căn cứ khoa học: - Bộ hài cốt được khai quật từ ngôi mộ phía sau UBND tỉnh. Ngôi mộ ấy được xây khá cẩn thận, trang trí hai bên có chạm nổi hình con cò, cây trúc. Điều đó chứng tỏ rằng người nằm trong mộ phải có thân thế và khá giả. - Hài cốt khi khai quật còn nguyên đầu cổ, không bị mẻ xương cổ, được giám định là người có độ tuổi trên dưới 50, được nuôi dưỡng đầy đủ, có ăn trầu. (Nguyễn Trung Trực hy sinh ở độ tuổi 30).
Đối chiếu với sự thật lịch sử và truyền thuyết thì ngôi mộ ấy không thể nào là của Nguyễn Trung Trực được.
Căn cứ vào truyền thuyết: Sau khi thực dân Pháp hành quyết Nguyễn Trung Trực và đã chôn thì có một nhóm nghĩa quân đi ghe bầu đến ăn cắp xác đưa về hướng sông Cái Lớn. Từ đó, tôi và nhiều nhà nghiên cứu (cả đồng chí Diệp Hoàng Du, người chịu trách nhiệm về lịch sử của tỉnh) đều cho rằng hài cốt dưới ngôi mộ trong đình Nguyễn Trung Trực là của người khác chứ không phải của cụ Nguyễn”.
Thế nhưng, sau 28 năm với nhiều ngờ vực, nhiều ý kiến phản đối, nhiều nhân chứng lên tiếng, nhiều căn cứ được đưa ra... vẫn chưa thuyết phục được những người có trách nhiệm tiến hành “điều tra, khảo sát, nghiên cứu thêm” về sự thật của hài cốt được cho là của Nguyễn Trung Trực. Trong đó, với điều kiện khoa học tiến bộ, việc tiến hành xét nghiệm AND không còn quá phức tạp.
Một nguyên lãnh đạo tỉnh Kiên Giang giải thích: “Vì mộ đã được công nhận di tích lịch sử, nên rất khó lòng mà bốc hài cốt để lấy mẫu đi xét nghiệm”. Trong khi đó, lại có ý kiến nên cùng với việc cải tạo, trùng tu bia mộ, nên tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
Lá thư viết tay ngày 10.12.1988, ký tên ông Trần Lam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đề gửi GS Trần Văn Giàu và Hội đồng KHXH TP.HCM, băn khoăn:
“Vấn đề xương cốt Nguyễn Trung Trực được khai quật năm 1986 di dời về đình, gần đây có một số ý kiến phản ứng, trong cán bộ cũng có, ngoài dân cũng có, tất nhiên diện không rộng lắm. Nội dung là không thừa nhận xương cốt... Có người đề nghị Tỉnh ủy cho moi ra, chỉ để ngôi mộ tượng trưng thôi, kèm theo đó cùng nhiều lời chỉ trích. Trong khi đó, cũng chưa ai tìm ra xương cốt hay ngôi mộ nào khác và trong khi xương cốt này đã được gia đình (cháu, chắt) cụ Nguyễn thừa nhận và đã được Bộ Văn hóa nâng lên là một di tích lịch sử (mộ và đình)... Với hiểu biết của tôi, về kiến thức cũng như trong thực tiễn, với trách nhiệm của mình, lắm lúc tôi cũng muốn “đối thoại”...”.
Ở phần trả lời ngay phía sau bức thư, có đoạn: “Chúng tôi (Trần Văn Giàu) và Trần Bạch Đằng cho rằng: có điều kiện, có lý do để các đồng chí ở Kiên Giang xác định di hài đó là của Nguyễn Trung Trực. Điều kiện thì có, tuy không đủ; không đủ nhưng đã có tối thiểu. Không đủ thì còn có thể điều tra, khảo sát, nghiên cứu thêm, cho đến khi nào có bằng cớ là không phải thì ta sẽ nhận định lại. Còn bây giờ, hãy xem đó là di hài của Nguyễn Trung Trực...”.
|
ANH KIỆT - TIẾN TRÌNH