Chùa Đất Sét có tên là Bửu Sơn Tự, tọa lạc tại số 286, đường Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 5, cách trung tâm Thành phố Sóc Trăng khoảng 1km về hướng Bắc, Nếu nhìn dáng vẻ bề ngoài thì chánh điện chùa chỉ là căn nhà rất đổi bình thường với diện tích khiêm tốn khoảng 370 m2, mái lợp tôn, vách tường xây gạch, khung bằng gỗ dầu, gỗ đước. Bố trí nội thất bên trong thì thể hiện dấu ấn của tôn giáo và tín ngưởng dân gian bởi ở đây vừa thờ phật Thích Ca Mâu Ni, Như Lai, Quán Thế Âm, bên cạnh lại có các vị thần Thiện, Ác và cũng có các “Mẫu” đặc trưng tín ngưởng của người Việt.
Bửu Sơn Tự là cơ sở thờ tự thuộc hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương do gia đình ông Ngô Kim Tây lập am thờ trên đất nhà có diện tích khoảng 2.582 m 2 để tu tại gia vào năm 1906 với 24 cột bằng đước, mái lợp lá.
Năm 1909, ông Ngô Kim Đính, sinh hạ được một người con trai là Ngô Kim Tòng, từ nhõ đã có thiên hướng say mê nặn tượng bằng đất sét, đầu tiên, ông phơi đất sét thật khô, sau đó bỏ vào cối giã thật nhuyễn, rồi sàng lọc bỏ rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn với bột nham, ô dước … để tạo sự kết dính, có tính đàn hồi nên khi khô lại thì tượng không bị nứt nẻ, tạo thành một hỗn hợp dẻo, thơm để sử dụng, khi nắn tượng Phật, ông Tòng dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng sườn, lấy vải màn bao lại rồi mới đắp đất lên, sau đó dùng kim nhũ, dầu bóng kéo lên… và sau 42 năm miệt mài sáng tạo, hiện Bửu Sơn Tự đang lưu giữ gần 1900 pho tượng phật, cùng biết bao linh vật… thoạt nhìn, nhiều người tưởng là đúc bằng đồng, mạ kim nhũ với dầu bóng, nhưng tất cả đều được làm từ đất sét.
Trong số đó có 3 công trình bằng đất sét tiêu biểu là tòa Tháp Đa Bảo, tháp bảo tòa trụ thế chuyển pháp luân và Lục Long Đăng. Bằng trí tưởng tượng và đôi tay khéo léo của mình, ông đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạo tác hoàn toàn bằng chất liệu đất sét. Làm nên nét khác biệt của Bửu Sơn Tự với các ngôi chùa khác, thu hút du khách hành hương đến lễ bái và chiêm ngưỡng những tác phẩm độc nhất vô nhị tại đây.
Cổng vào chùa được thiết kế theo mô hình tam quan gồm cổng chính và hai cổng phụ, chóp cổng được trang trí đắp nổi biểu tượng lưỡng long tranh châu, 4 cột cổng đều có đắp nổi chữ hán đối nhau, giống như những cổng chùa của người Hoa.
Từ cổng vào là tượng voi trắng cao gần 2 mét, chú voi đưa vòi lên cao như chào đón khách, đối diện cửa hông là một long mã được tạo tác bởi sự tưởng tượng phong phú, kỳ diệu, đầu rồng có một sừng lực lưởng ngẩng cao, bờm và đuôi là hình ngựa được thay bằng vẩy rồng, đuôi rồng. bên trong là đôi thanh sư, bạch hổ đang canh giữ hòn núi vàng, núi bạc. Đôi kim lân kế bên ở thế ngẩng cao đầu trước bệ thờ giữa chánh điện, miệng ngậm trái châu, chân gác lên quả , trông oai phong lẫm liệt.
Khuôn viên phía trước chánh điện được tôn trí phật di lặc, tượng quan âm cao trên 2 mét, được đặt ở vị trí trung tâm, hai bên là miếu thờ ông hổ, ông tà, giữa sân có bàn thờ thiên phụ địa mẫu, ở bốn góc là tượng tứ linh Long Lân, Quy, Phụng. Cổng chánh điện hướng ra phía đông, bên trong gồm 24 cột bằng gỗ đước được đắp bằng đất sét có trang trí đắp nổi kim long bạch rất sinh động, các gian thờ được ngăn cách thông qua lối đi lại và phân bố đối xứng ở 2 bên hành lang với kiểu bố trí theo chiều đọc ngang.
Bên trong chánh điện là trang thờ diêu trì kim mẫu, đầu đội kim mão, mình khoác áo dài, tay nâng đỡ quả địa cầu, ngồi trên ghế, được đặt trong lòng kính cao trên 1 mét, phía sau là mẹ đất kim mẫu, ngự trên quả địa cầu, cao 0,5 mét, hai bên là tượng thích ca đứng trên 7 ngọn núi, cạnh bên là tượng bồ tát ma ha tát, phía dưới là bộ tượng thất phật dược sư. Kế gian thờ mẫu là nơi thờ tượng nam tào, bắc đẩu cùng các quan được đặt trong lồng kính hình chữ nhật như một bức tranh, bên trong là những tượng nhỏ được tạo tác tinh xảo nhiều màu sắc.
Giữa bàn thờ tam bảo là tác phẩm lục long đăng là tác phẩm cuối đời của ông Ngô Kim Tòng. Lục Long Đăng gồm 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Đáy đèn là một bông sen Thân rồng được làm bằng đất sét với ngàn vạn chi tiết tinh vi, trãi qua thời gian đến nay vẫn chưa hề biến đổi.
Bên phải chánh điện là tượng mẹ sanh, mẹ độ, kim tinh thánh mẫu, hình tượng sự tích phật đản sanh được đặt trong lồng kính, cạnh chính điện thờ đức thầy và cư sĩ Ngô Kim Tòng. Hai bên chính điện thờ thập điện minh vương, mỗi dẫy gồm 5 vị, tiếp đến là gian thờ quan thánh đế quân, địa tạng bồ tát, thái tử du hành, phật du ngoạn, phật giáng sanh, bà chúa thượng, tượng cửu huyền. Bên trái chính điện, thờ tượng phật thuyết pháp, phật cảm hóa ma vương, phật khổ hạnh, tượng cửu tiên huyền nữ, đạt ma tổ sư, được đặt trong lồng kính. Nổi bật ở giữa là thờ sự tích phật di lạc, phật thích ca nhập niết bàn, ngọc hoàng thượng đế với cách thiết kế nữa tranh, nữa tượng, đối diện trang thờ này là bàn thờ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được tôn trí rất trang trọng.
Cạnh gian thờ của Bác là tòa sen 1.000 cánh, mỗi cánh sen là 1.000 vị phật ngự, trên đài sen cùng vầng haò quang ẩn hiện 500 vị phật. Dưới đài sen có hình bát giác tiên thiên gồm tám cung tượng trưng cho : trời, đất, sét, sấm, gió, nước, đồi và đầm trũng. Tám cung có 16 tiên nữ ứng hầu, dưới bát quái là bốn phương Đông – Tây – Nam – Bắc, mỗi phương có tứ đại thiên vương trấn giữ, chân tòa sen là Long – Lân – Phụng và 12 con cá hóa long chầu quanh bảo tòa cao 2,5 mét
Ngoài ra còn có tháp đa bảo 13 tầng, 208 cửa, 208 vị phật, mỗi vị trấn một cửa, 156 con rồng uốn khúc chầu quanh đỡ từng mái tháp. Đây là tác phẩm có kỹ thuật , nghệ thuật tinh tế, thể hiện nhiều chi tiết, họa tiết. Mỗi tầng tháp có ý nghĩa riêng diễn tả từng giai đoạn phát triển lịch sử Đức Phật. Đối diện với tháp bảo tọa là tòa tam giáo cộng đồng, gồm các tượng A di đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Bổn Sư Thích Ca, A Nan, Ca Diếp, Khổng Tử, Lão Tử, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Địa Tạng, Di Lặc. Bộ tượng được đặt trên hai tầng kệ, hai cột phía trước để chống đỡ tòa tháp đắp nổi hình rồng (gọi là long trụ) được sơn son thếp vàng điểm xuyến cho bộ vây xanh trông rất lạ mắt, 4 cột nhỏ bên trong cũng đắp hình rồng uốn lượng khá công phu.
Phía sau các gian thờ chính là nhà tổ được thiết kế theo dạng “tiền phật hậu tổ”, đây là nơi đặt bài vị và hình ảnh các ông, bà, anh, chị em trong thân tộc họ Ngô đã sáng lập, trùng tu ngôi chùa từ khi thành lập đến nay cùng lư hương, đỉnh thờ, cũng đều làm bằng đất sét sơn son thếp vàng và những bức hoành phi do ông Tòng tự vẻ, thiết kế.
Ngoài các công trình bằng đất sét, Bửu Sơn Tự còn đặc biệt nổi tiếng bởi 04 cặp nến ở các gian thờ, mà việc đổ đúc đèn ngoại cở là quá trình kỳ công, đầu tiên ông mua sáp bạch lạp nguyên chất rồi cùng các đệ tử chặt vụn sáp nguyên khối nấu chảy ra rồi mới đổ vào khuôn. Do các đôi đèn này có kích thước quá to nên ông Ngô Kim Tòng đã dùng tôl lợp làm khuôn, nấu sáp đổ liên tục trong nhiều ngày đến khi đầy ống với chiều cao 2 mét.
Sau mấy tháng ròng làm việc, ông Tòng đúc được 6 cây đèn cầy lớn, mỗi cây nặng 200 kg, và theo ước tính thì mỗi cặp đèn sẽ cháy liên tục trong thời gian hơn 70 năm mới hết sáp.
Bửu Sơn Tự được xem là một công trình văn hóa vật thể nổi tiếng bởi sự tưởng tượng phong phú và bàn tay tài hoa đầy sáng tạo của ông Ngô Kim Tòng, một nghệ nhân dân dã luôn miệt mài nâng niu từng vốc đất.. đã tạo dáng, phả hồn vào đất và biến đất trở thành hàng ngàn bức tượng lớn nhỏ, không trùng lắp, mỗi tượng một vẻ, làm nên đặc điểm riêng thu hút sự tìm tòi khám phá của du khách gần xa đến với Thành phố Sóc Trăng.
HOÀNG DANH