Dù các hậu duệ ngày nay chưa chính thức thừa
nhận (và cũng không phủ nhận), nhưng những người nghiên cứu các tôn giáo nội
sinh ở Nam bộ đều nhất trí cho rằng tín ngưỡng ông Nhà Lớn là một chi của đạo Tứ
Ân Hiếu Nghĩa do đức Bổn sư Ngô Lợi sáng lập tại núi Tượng, vùng Thất Sơn, An
Giang vào năm 1870.
Sấm giảng còn ghi, ông
Ngô Lợi sinh ngày 5.5 năm Tân Mão (1831) tại Mỏ Cày, Bến Tre. Tương truyền từ
nhỏ đến lớn, ông cũng như bao người, nhưng đến năm 36 tuổi (1867) bỗng nhiên
ông bỏ cõi trần, chỉ còn chút hơi ấm nơi ngực, sau 7 ngày 7 đêm thì ông tỉnh
lại và bắt đầu có những hành động khác lạ, thành người làu thông kinh sử, biết
nhiều y thuật cứu người.
Sau đó ông rời nhà đi
nhiều nơi trị bệnh làm phước và khuyên nhủ bá gia tu niệm theo học Phật,
tu nhân. Do thỉnh thoảng ông lại có những cuộc "đi thiếp" như
thế, nên người đời gọi ông Năm Thiếp. Sau mỗi lần “đi thiếp", ông nói
những việc lạ lùng của quá khứ và đoán định chuyện tương lai, nên thu phục
nhiều tín đồ tin nghe.
Năm 1870, ông chính thức
phát phái (như thẻ tín đồ) cho những người quy y theo đạo của ông. Hai năm sau,
ông cùng nhiều đồ đệ tin cẩn đến núi Tượng (Tri Tôn, An Giang) quy tựu lưu dân
lập làng, dựng chùa. Trong vòng 13 năm, ông đã lập nên 4 làng : An Định, An
Hòa, An Thành và An Lập, có đến hơn chục ngàn dân. Ông còn đi nhiều nơi để
truyền giảng và thu phục tín đồ.
Năm 1878, tỉnh Mỹ Tho xảy
ra trận dịch lớn. Đức Bổn sư về đây phát thuốc, làm bùa và tổ chức cuộc
"trai đàn" để cứu độ. Thực chất đây là cuộc tập hợp để mưu toan
khởi nghĩa chống Pháp. Đốc Phủ Trần Bá Lộc biết được đã ra tay đàn áp và phát
lệnh truy nã ông khắp Nam Kỳ. Chính quyền thực dân đã 5 lần bố ráp làng An Định
(nơi được xem là thủ phủ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với ngôi chùa Tam Bửu và Phi
Lai do chính Đức Bổn sư tạo dựng) nhưng không bắt được ông. Tín đồ cho rằng ông
có phép tàng hình. Tháng 5.1885,nghĩa dân An Định lại nổi dậy, đánh chiếm đồn
Phú Thạnh trong nhiều ngày. Trong cuộc đàn áp năm 1887, Pháp đã bắt và xử bắn 8
người, đày ra Côn Đảo 13 người, làng An Định sáp nhập vào làng Ba Chúc, dân
chúng bị tập trung để kiểm soát, 407 gia đình bị trục xuất về cố quán khắp 13
tỉnh ở Nam Kỳ.
Đức Bổn sư viên tịch ngày
13 tháng 10 năm Canh Dần (1890) thọ 59 tuổi, an táng tại núi Tượng. Tại huyện
Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang hiện còn khoảng 50.000 tín đồ đạo Tứ Ân
Hiếu Nghĩa.
Nét đặc thù.
Cũng như nhiều tôn giáo
khai sinh trên vùng Thất Sơn từ nửa cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20 (Bửu Sơn
Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo, Tinh Minh Hiếu Nghĩa…), ban đầu đạo của ông Ngô
Lợi cũng không có tên gọi.
Sách Hệ phái Tứ Ân Hiếu
Nghĩa ghi rõ: “Có lắm người đến quy y và bạch với ngài (đức Bổn sư) xin cho
biết danh xưng của mối đạo gọi là gì ? Ngài đáp vắn tắt, gọi là Đạo Ông Bà. Cho
đến ngày đức Bổn sư viên tịch, nhà cầm quyền Pháp đến điều tra, bắt buộc người
tu theo Đạo Ông Bà phải chính thức khai lý lịch, mục đích và danh xưng chính
thức của đạo… Do đó các vị truyền nhân buộc lòng phải khai danh xưng là Tứ Ân
Hiếu Nghĩa".
Không chỉ đạo Tứ Ân Hiếu
Nghĩa, hầu hết tôn giáo nội sinh ở Nam bộ đều rất gần gũi, hợp với nếp nghĩ nếp
sống của người đi mở đất là can trường nhưng giản dị, cởi mở. Về lý thuyết, các
tôn giáo này không rao truyền kinh kệ cao siêu, chỉ dùng lời lẽ bình dân khuyên
con người ăn hiền ở lành, thi ân từ thiện. Về hình thức hành đạo : đơn giản hóa
các tập tục thờ cúng (không gõ mõ tụng kinh, không thờ tượng cốt), ai
cũng có thể tu tại gia, khuyến khích để râu tóc (cái gốc của ông bà), dựng vợ
gả chồng, hòa đồng với phong cách người đời song song với công cuộc trau sửa
tâm thân. Đây là sự pha trộn giữa giáo lý nhà Phật và triết lý Nho giáo một
cách bình dân hóa.
Dấu vết mối liên lạc.
Ngoài những nét sinh hoạt
và nghi thức thực hành tín ngưỡng giống nhau, vẫn có thể suy ra từ một số sự
kiện lịch sử có liên quan. Trên đường truyền đạo, ông Ngô Lợi từng có nhiều lần
dừng chân ở Giang Thành để liên lạc với ông hoàng A-cha-xoa chống Pháp ở vùng
Tà Keo, bên kia biên giới Hà Tiên. Năm ông Lê Văn Mưu cùng thân quyến rời bỏ
Giang Thành cũng là năm đức Bổn sư Ngô Lợi viên tịch và khi đó ông vẫn còn
trong vòng truy nã của thực dân Pháp. Ngày nay, ngư dân nhiều vùng ở Mỹ Tho
hằng năm vẫn góp lúa cho Nhà Lớn Long Sơn trong khi quê ông Lê Văn Mưu lại cách
rất xa nơi đây. Điều này chỉ có thể giải thích là ông Mưu cũng từng có mặt
trong cuộc khởi nghĩa bất thành do Đức Bổn sư khởi xướng tại vùng này năm 1878
và sau đó khi về Long Sơn, ông vẫn còn giữ được liên lạc.
Thiết nghĩ những nhà viết
sử không khó lắm để làm rõ các nghi vấn này. Nếu sự thật đúng như suy đoán, thì
Nhà Lớn Long Sơn có thêm nét đẹp.