Chúng ta đều biết, hò đích thực là tiếng hô hưởng ứng theo sau câu hát để cùng theo nhịp mà ra sức làm việc cho quên mệt. Nếu trong những khúc hát mang nội dung ca ngợi tình tự quê hương, tình yêu đôi lứa… âm thanh của tiếng hò không còn "hô" to nữa mà chỉ đưa hơi cho thêm mượt mà câu hát, và được một giai điệu thong dong, ngọt ngào thì, trái lại hò đưa linh là "đặc sản" của "đạo hò", chỉ dùng trong mỗi một trường hợp đặc biệt nhất định: khởi sự di chuyển quan tài lên linh xa đi táng an phần mộ.
Do đây là công việc hết sức nặng nhọc mà còn đồng thời phối hợp nhịp nhàng bởi một thái độ công nghiệp trong tinh thần nghiêm cẩn, nên trong suốt quá trình lao động, mọi hành vi đều phải tuân thủ nghiêm túc hiệu lệnh người chỉ huy tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ một kinh suất nhỏ nào. Như vậy, hò đưa linh hoàn toàn không mang tính giải khuây như các trường hợp khác mà, khi thực hiện công việc, mọi người đều phải luôn biểu hiện trên nét mặt sự đau đớn tột cùng trước giờ phút vĩnh biệt…
Trong tinh thần đó, tính cách đặc thù của hò đưa linh được thể hiện như trích đoạn một vở diễn hát bội mà diễn viên không ai khác hơn "đạo hò" – những người lãnh trách nhiệm khiêng quan tài ra huyệt mộ. Tạo nên "tấn tuồng" này, ông Huình Tịnh Của cho biết, đó là "chước ngươi Điền Hoành".
Người viết không biết gì về chước và con người Điền Hoành, nhưng qua vài lần mục kích những lớp diễn của đạo hò lúc tiến hành di quan, kết hợp với lời kể của nhà văn Sơn Nam nhân đề cập việc ma chay ở miền Nam ngày trước, ta có thể ước đoán Điền Hoành là nhân vật hiếu thảo, tựa như truyện/ vè chàng Lía (Văn Doan) xuất hiện trong bối cảnh thời nhà Nguyễn. Truyện kể rằng, tên cướp nọ sống ngoài vòng pháp luật, nghe bọn lâu la báo tin là mẹ ruột đã chết, trong xóm, thuộc vùng kiểm soát của bọn cường hào. Anh ta khóc lớn tối quyết định hành động bằng mọi giá: phải đánh cắp quan tài mẹ, ngay trong đêm, đem nhanh về núi, để có thể săn sóc phần mộ. Công việc không dễ dàng vì bọn cường hào đang theo dõi, chờ bắt. Khi bọn lâu la đã hoàn thành việc dọ thám, kế hoạch được triển khai…
Nửa đêm họ xuống núi. Cả bọn được lịnh ngậm thẻ để giữ im lặng, không hở môi. Anh ta cầm đuốc mở đường, chỉ huy bọn lâu la xông vào nhà "ăn cắp" trót lọt cái quan tài, rồi trở ra nhanh. Đi khỏi xóm một đổi, anh ta mới bắt đầu than khóc, họp lâu la hò hát (điệu hò đưa linh) cho đỡ mệt lúc khiêng lên sườn núi. Dọc đường, để chăm sóc cái quan tài không bị xao động, anh ta nhảy lên đứng trên mấy cây đòn khiêng để quan sát, đề phòng bọn cường hào đuổi theo…
Do vậy nên ngày nay trong việc di quan người "nhưng quan" đóng vai tên cướp chịu tang cho mẹ, bịt khăn trắng, còn những người khiêng quan tài thì mặc quần áo có kiểu thức rất đặc biệt như bọn lâu la, mỗi người ngậm một cây nhang tượng trưng cho cây thẻ, và tất cả đều thi lễ trước quan tài như lạy mẹ mình. Những hiệu lịnh truyền ra theo tiếng gõ sanh (sênh), hoặc theo dõi động tác của nhưng quan qua hai ngọn đèn trên tay thay cho 2 cây đuốc. Tất cả đều ở tư thế khẩn trương, nghiêm mật – không gây một tiếng động nhỏ nào.
Hoạt cảnh chuẩn bị "táng an phần mộ" diễn ra rất bài bản, ăn ý và hoàn chỉnh. Về mặt văn hoá nghệ thuật cũng đạt trình độ thẩm mỹ cao. Hãy dõi theo tiến trình đầy lễ thức của một cuộc di quan, hết sức độc đáo:
Một thầy cúng đầu đội mão từ lư, mình mặc áo bá nạp, múa hồi lâu một điệu múa ngoạn mục như để khử trừ yêu quái, gọi là "phá quàn". Bấy giờ trước linh cửu có hai người cầm siêu và đao, gác tréo, chận ngang như để gìn giữ chiếc quan tài ấy. Thầy cúng làm xong bài bản, nhìn thẳng vào họ, ra lịnh:
- Hỡi kim tướng! Hãy phòng thủ môn quan mật mật!
Hai tên cầm siêu và đao đồng thanh "Dạ".
Thầy cúng nhìn về phía bọn đạo hò đang hai hàng chực sẵn:
- Cả tiếng kêu nầy hỡi đạo hò! Ai điều khiển khá tua phân danh hiệu? Đắc, khả nhập môn quan; bất đắc, nan toàn tánh mạng!
Nhưng quan y giáp chỉnh tề đứng lên trong đám đạo hò, liền nhảy ra, vừa múa vừa hát câu xưng danh:
- Như ta là: Thầy lưỡng bang võ tướng, đồng hiển thọ khai môn, troàn giáp sanh thượng khôn diệu linh, âm dương độc nhạc trình, Ngô Bửu Tự nhưng quan hiệu viết, a…
Nảy giờ thầy cúng đang ra bộ lóng tai nghe; tỏ ý chấp thuận, đoạn hô to:
- Troàn: Các tư kỳ sự! (Ai lãnh việc gì phải giữ lấy việc ấy).
Hai người cầm siêu, đao canh giữ trước quan tài lùi ra; nhưng quan cầm rọi lửa (hay đèn sáp to) vừa múa vừa tiến vào:
- Vưng lời thầy Đức Trọng, Cao Long! Hỡi đạo hò đàng ta! (Bọn đạo hò đồng "dạ" to – hoặc "ơi", nhưng nghe như "ơ". Nhưng quan lại hét lớn.
- Vậy chớ nào, như hà linh cửu?
Đoạn ông nhảy múa một vòng xung quanh trước quan tài như để khám xét xem sự nặng nhẹ, khó dễ trong việc cử quan, rồi trở ra hô to:
- Hỡi đạo hò đàng ta !(đồng "ơ" rân lên). Phải chính túc đai cáo… Cúc cung từ bái! ("ơ").
Y lịnh, đạo hò đồng lạy linh cửu theo một kiểu cách đặc biệt. Xong 4 lạy. Nhưng quan hát:
- Đây chi nài khó nhọc,
Đó chớ nệ tiếc công.
Nghiêng mình vàng đỡ lấy quan tài,
Di linh cửu táng an phần mộ! ("ơ")
Khi linh cửu được nhưng quan điều khiển, tập thể đạo hò phò ra khỏi nhà đặt lên chiếc linh xa chực sẵn bên đường, thì nhưng quan bỏ đăng chúc (đèn), hai tay cầm hai chiếc sanh bằng cây tre, miệng hát lên, trong khi tay thì nhịp gõ:
- Bớ đạo tuỳ ta! ("ơ") Hãy lẵng lặng mà nghe ba hồi sanh lịnh!(gõ sanh: cắc, cắc).
- Một hồi sanh, ngồi đâu ngồi đó! (cắc cắc… cắc).
- Hai hồi sanh, rán vó lên eo! (cắc cắc… cắc).
- Ba hồi sanh, thượng lộ đăng đàng! (cắccắc… cắc).
Qua mỗi lịnh truyền và tiếp theo một hồi sanh, những động tác rập ràng thuần thục diễn ra đồng bộ trong không khí nghiêm mật và im lặng khác thường, chiếc nhà vàng (linh xa) từ từ chuyển động đúng theo động tác rất ăn ý của tập thể nhưng quan, đạo tuỳ. Để đánh tan cái u sầu nhất định trong giờ phút đau đớn nầy, nhưng quan và đạo tuỳ đồng cất giọng để tỏ lòng thương tiếc người chết:
Ô hô!
Tam thốn khí tại thiên bang dụng,
Nhứt đán vô thường vạn sự hưng.
Người về âm cảnh quan liêu,
Kẻ còn dương thế những triêu tịch sầu!
(Hò khoan!)
Lại hát tiếp (thí dụ linh cửu là cha của tang chủ):
Vọi sơn cao lòng sầu mấy trượng,
Cám cha già phất phưởng anh linh,
Chương đài liễu nhược thinh thinh,
Xác cha gởi đất chạnh tình cháu con!
Cứ hát xong một đoạn thì tạm dừng để cùng nhau "la" lớn: "Hò khoan", hoặc những tiếng vuốt đuôi nào đó rất ăn ý như "dô ta" chẳng hạn, tuỳ theo trong nội bộ đạo hò đã có quy ước.
Trong lòng buồn, ngoài mặt buồn, nhưng mỗi lần nghe hô lên những tiếng "hò khoan" hoặc "ơ" ứng to lên theo sau câu gọi "Đạo hò ta" của ông nhưng quan, người ta lại thấy như vui tai. Có lẽ chính nhờ thế mà đạo hò quên mệt: tang gia, quyến thuộc cũng giảm sầu!
Con đường đưa ra huyệt lạnh càng dài thì đạo hò lại càng có thêm nhiều bài hò đưa linh – tất nhiên những lúc ấy tang gia mười người như một, tuy cố nén lòng, nhưng không thể không kêu khóc rất chi là thảm thiết!
Nếu người quá vãng là vợ, người ta chọn khúc hát:
Thiên cát âm dương lưỡng lộ,
Vái Phật Trời dẫn độ hồn linh,
Luỵ rơi phò cửu vẹn tình,
Trăm năm đành dứt bố kình nợ duyên,
Nàng ôi!
Chí lăm cho trọn lời nguyền,
Nào hay chia rẽ huỳnh tuyền, dương gian!
Hoặc nếu linh cửu là chồng:
Bạn cua lưỡi trắng, miệng đắng hôi cơm,
Nó làm bịnh chồng tôi rả rời xu xác,
Ngày hăm ba (chẳng hạn), hồn phiêu dật lạc,
Ngày hăm bốn táng an,
Ối trời ôi!
Ruột tôi đau từ đoạn,
Tôi muốn thác theo chàng,
Cho đôi bạn nằm chung!…
Vài mươi năm trước ở vùng sâu Nam Bộ người ta vẫn còn bắt gặp rơi rớt đó đây những điệu hò vĩnh biệt như thế. Nhưng nay, nông thôn đã hơi đô thị hoá, đường sá cũng đàng hoàng, việc đưa tiển người chết do vậy không còn quá vất vả khó khăn, nên đạo tỳ không phải cất cao điệu hò đưa linh no nề như trước!
NGUYỄN HỮU HIỆP