Người anh hùng nông dân
Về tên gọi Láng Linh – Bảy Thưa, ông Nguyễn Văn Sanh (70 tuổi, người dân Bảy Núi) cho biết: “Nơi đây xưa kia là rừng rậm hoang vu, sình lầy, mọc toàn cây bảy thưa. Nơi đây là bãi đất rộng lớn mọc toàn loại cây nầy nên người dân gọi là “bãi thưa”, hoặc đồn Bảy Thưa. Còn Láng Linh là tên chỉ vùng đất thấp nhiều lau sậy có nhiều cá linh”. Theo quan sát của chúng tôi, Láng Linh có chiều dài xấp xỉ 20 km, trong đó căn cứ Bảy Thưa nằm ở khu vực trung tâm. Từ xa xưa người dân Láng Linh đã rất quen 2 câu ca dao: “Bãi bồi mọc những trát thưa/Thương em đi sớm về trưa một mình”.
Trong khi đó, quản cơ Trần Văn Thành sinh năm 1820 tại ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) trong một gia đình nông dân. Ông gia nhập quân đội nhà Nguyễn vào năm 1840. Nhờ có vóc dáng cao to, tư chất thông minh và tài thao lược, ông đã góp công lớn đánh thắng quân Xiêm thời nhà Nguyễn và được phong chức Chánh Quản Cơ, chỉ huy 500 binh sĩ đóng tại An Giang. Năm 1858 triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước giao nộp 3 tỉnh miền Tây (gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) cho Pháp và ra Sắc lệnh cấm người dân 3 tỉnh miền Tây không được chiêu mộ nghĩa quân kháng Pháp.
Bất bình trước sự bạc nhược của triều đình, tháng 6/1867 Quản Cơ Thành tập hợp lực lượng vũ trang chống Pháp. Lực lượng của ông thẳng tay trừng trị bọn tay sai hương chức làm việc cho Pháp, tấn công các toán quân Pháp. Sau vài trận đầu ngĩa quân bị giặc phản công, ông phải biên chế nghĩa quân thành nhiều đội, rút sâu vào cánh đồng Láng Linh hoang vu để chiến đấu lâu dài. Tại rừng Bảy Thưa, ông cho xây dựng một hệ thống đồn lũy khá kiên cố, tích lũy lương thực, rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ… chờ ngày đánh Pháp.
Tháng 4/1872, ông sắp xếp lại lực lượng lấy danh hiệu là Đội binh Gia Nghị rồi tiến hành các cuộc tấn công vào căn cứ của giặc Pháp đóng xung quanh căn cứ Bảy Thưa. Quân Pháp lúc đầu bị động nhưng sau đó nhanh chóng phản công khi được các lực lượng từ Long Xuyên, Châu Đốc hỗ trợ. Tuy nhiên với thế tiến công, nghĩa quân nhanh chóng bao vây chặn đường tiếp tế của địch, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, quân Pháp phải tháo chạy sau 15 ngày chiếm giữ căn cứ.
Sau khi tấn công thất bại, quân Pháp đã chiêu dụ ông ra hàng nhưng không thành công, chúng lại tập trung đánh phá Láng Linh – Bảy Thưa với qui mô lớn hơn cùng nhiều vũ khí hiện đại đưới sự chỉ huy của một Đại úy Pháp và Tham biện chủ tỉnh Long Xuyên.
Ngày 20/3/1873, quân Pháp tập trung lực lượng đánh đồn Hưng Trung (nay là dinh Sơn Trung), đại bản doanh của căn cứ Bảy Thưa. Cuộc chiến ác liệt kéo dài suốt ngày 20/3 khiến nghĩa quân thương vong rất nhiều, thành lũy bị phá hủy, chủ tướng Sơn Trung rơi vào tay giặc. Trong đồn lúc đó chỉ còn lại 18 nghĩa quân cũng bị bắt, trong số đó có 5 người bị thương rất nặng.
Người đi tiếng thơm còn mãi
Sau khi bị bắt, theo tương truyền Quản Cơ Trần Văn Thành đã tự sát để giữ gìn khí tiết. Người dân địa phương đã suy tôn ông là anh hùng dân tộc và lập đền thờ tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Ngoài ra, người dân các địa phương xung quanh cũng lập nhiều đền thờ ông tại các xã của huyện Châu Thành, ví dụ trong Khu di tích Lò rèn Bảy Thưa. Năm 1986, khu vực này được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia...
Hằng năm, vào các ngày 19 đến 22 tháng 2 Âm lịch, chính quyền địa phương cùng hàng ngàn người dân trong vùng tổ chức lễ giỗ Đức Quản Cơ Trần Văn Thành và các nghĩa quân đã hy sinh. Đây là một lễ hội truyền thống văn hóa lịch sử và tâm linh lớn của An Giang và được địa phương tổ chức rất trọng thể với nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ cùng các trò chơi dân gian thu hút hàng ngàn người đến tham gia. Đáng chú ý, do Quản Cơ Trần Văn Thành cũng là người kế thừa đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vang danh tại vùng Bảy Núi, nên ngày giỗ của ông cũng chính là Ngày khai hội tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương tại vùng này.
PHAN THỊ ANH THƯ