Cảm thương đức trọng Phật Thầy Tây An”.Đó là câu ca dao của người dân miền Tây Nam Bộ tuyền tụng để ca ngợi công đức giảng dân hóa chúng của Đức Phật Thầy Tây An. Người mang lại một nguồn sống mới cho những lưu dân Nam Kỳ gần hai thế kỷ trước và là người có tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long đến ngày nay. Đức Phật Thầy Tây An tên thật là Đoàn Văn Huyên, pháp danh Minh Huyên (1807-1856). Ngoài vai trò là một người khai sáng tôn giáo, một thầy thuốc cứu bệnh tài ba, Ngài còn là một nhà yêu nước, nhà dinh điền lớn, đã có công khai hoang vùng đất Tây Nam tổ quốc. Danh xưng “Phật Thầy Tây An” là do quần chúng tôn xưng Ngài vì những công đức ấy.
Đức Phật Thầy sinh vào giờ Ngọ ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (14-11-1807), niên hiệu Gia Long thứ sáu. Nguyên quán Ngài xưa ở vùng Cái Tàu Thượng, thuộc làng Tòng Sơn, tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Theo nhiều bô lão ở đây cho biết, Đức Phật Thầy bỏ nhà ra đi từ lúc tuổi còn rất nhỏ. Ngài đi đâu và làm gì, người trong làng và cả những người thân thuộc cũng không ai biết.
Theo tác giả quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm, Đức Phật Thầy trở lại làng Tòng Sơn từ năm Kỷ Dậu (1849). Ngài đến ở tại mái hiên đình Tòng Sơn mấy hôm. Lúc này trong làng xảy ra dịch bệnh rất lớn, quan chức trong làng hội nhau giết heo, gà để làm lễ “tống gió” cầu cho tiêu trừ bệnh tật. Thấy việc làm trái với “luật nhân quả”, Đức Phật Thầy bèn đem lời can ngăn và giảng giải nhưng làng không chấp nhận và tìm cách xua đuổi Ngài đi nơi khác. Trước khi ra đi, Phật Thầy đã kể lại gia thế của mình và cho biết trong thân tộc Ngài còn có hai người là ông Đoàn Văn Điểu và Đoàn Văn Viên.
Sau đó Ngài đến rạch Trà Bư (nay thuộc xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Thời gian này bệnh dịch tả đã nổi lên nhiều nơi tại miền Tây. Tại đây, Phật Thầy bắt đầu công việc trị bệnh cho dân chúng. Tương truyền, Ngài chỉ dùng những phương pháp đơn giản như giấy vàng, tro nhang, nước lã,.. cho bệnh nhân uống mà vô cùng hiệu quả. “Mấy hôm đầu còn có giấy vàng phát ra về sau Đức Phật Thầy chỉ cho bằng tro nhang mà không đủ. Số người kéo đến, xuồng ghe đậu chật cả một khúc sông. Trên bờ, lau sậy bị giậm rạp bằng cả xuống mặt đất. Một cảnh tấp nập đông vầy bỗng nhiên hiện ra giữa chốn hoang vu rừng bụi, không ai ngờ được” (Dật Sĩ - Nguyễn Văn Hầu, 1972, Thất Sơn Mầu Nhiệm tr.67).
Mùa thu, tháng 8 năm Kỷ Dậu (1849), Đức Phật Thầy đến trị bệnh cho nhân dân ở đình làng Kiến Thạnh (nay thuộc xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang), sau đó dời về cốc của ông đạo Kiến (Tây An Cổ Tự ở Chợ Mới ngày nay). Ngài “xuất hiện như một người cuồng, gây kinh dị không ít cho dân chúng” (Nguyễn Văn Hầu,1973, Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An tr.36).
Nhưng rồi dân chúng đều thán phục đức độ và tài trị bệnh của Ngài. Người ta chen nhau đến rất đông, nhiều người chờ đợi hai ba ngày mới thỉnh được thuốc, có người không chen vào được, phải lễ bái ở ngoài sân. Cảnh tượng này đã được Giảng xưa diễn tả như sau: “Dầm trời thiên hạ như mưa/ Ban mai đến tối phát chưa rồi bùa/ Người đi tới trước vô chùa/ Mấy người tới trễ lạy đùa ngoài sân”.
Tại nơi đây, Đức Phật Thầy bắt đầu truyền đạo, chỉ dạy nhân dân cách tu hành và dựng lên nghi thức thờ phượng, mở rộng chùa chiền, cùng thu nhận nhiều đệ tử. Đức Phật Thầy dạy thờ Tam Bảo (Phật, Pháp. Tăng) nhưng không dùng tượng cốt hay tranh ảnh, Ngài chỉ dùng một tấm vải đỏ hình chữ nhật để thờ gọi là tấm “trần điều”. Ngài cũng không dùng chuông mõ và đọc tụng kinh kệ ó la nhưng các tăng sư đương thời. Những người qui y với Phật Thầy Tây An đều được Ngài phát cho một lòng phái bằng giấy trên đóng ấn triện có bốn chữ “寳山奇香” (Bửu Sơn Kỳ Hương) màu đỏ. Danh tiếng Phật Thầy ngày càng lan ra xa, người đến xin thuốc và quy y theo đạo mỗi lúc một nhiều, người dân lúc ấy truyền tai nhau rằng Ngài là “hoạt Phật” (Phật sống) ra đời cứu dân.
Bấy giờ, chính quyền đương thời thấy dân chúng đến với Phật Thầy đông quá, họ lo sợ Ngài sẽ quy tập dân chúng để nổi loạn thì khó khăn cho triều đình, nên cấp tốc sai lính đòi ngay Ngài về tỉnh. Quan Tổng đốc An Giang bấy giờ là Huỳnh Mẫn Đạt nghi rằng Phật Thầy là một gian đạo sĩ, chuẩn bị quần chúng để làm một cuộc nội loạn. Tại đây, Phật Thầy đã đem tài hùng biện và dùng những huyền nhiệm để ứng phó với các viên chức chánh quyền. Sau đó, Ngài bị tạm giam trong thời gian khoảng 3 tháng rồi được trả tự do vì những thử thách bày ra đều không thể làm khó được Ngài.
Thể theo đề nghị của quan Tổng Đốc tỉnh An Giang, Đức Phật Thầy được triều đình vua Tự Đức chính thức công nhận, được tự do hành đạo, nhưng buộc phải xuống tóc như hàng tăng sĩ xuất gia ở chùa. Sau đó, Ngài đến núi Sam ở chùa Tây An xuất gia theo thiền phái Lâm Tế, đời thứ 38, lấy đạo hiệu là Giác Linh. Từ khi Phật Thầy về núi Sam, người dân lại kéo nhau đến đây xin phù thỉnh thuốc và thọ pháp qui y cũng rất đông chẳng thua gì cảnh tượng như lúc trước.
Thời gian này tuy tiếng là ở núi Sam, nhưng Phật Thầy vẫn thường xuyên chu du khắp vùng Thất Sơn để giáo đạo. Ngài đã tổ chức cho những đệ tử thân tín của mình quy tụ tín đồ thành lập làm 4 đoàn đi khai hoang lập nhiều cơ sở tu hành mà Ngài gọi là “trại ruộng”. Bốn đoàn người đi khai hoang đó là:
- Đoàn thứ nhất do ông Bùi Văn Thân (Tăng Chủ) và Bùi Văn Tây (Đình Tây) chỉ huy tiến vào vùng Bảy Núi, quanh chân núi Két (Tịnh Biên, An Giang).
- Đoàn thứ hai do ông Trần Văn Thành (Cố Quản) chỉ huy tiến vào vùng Láng Linh (Châu Phú, An Giang).
- Đoàn thứ ba do ông Đặng Văn Ngoạn (Đạo Ngoạn) chỉ huy tiến vào khu vực Trà Bông, Cần Lố, rạch Ông Bường (Cao Lãnh, Đồng Tháp).
- Đoàn thứ tư: do ông Nguyễn Văn Xuyến (Đạo Xuyến) chỉ huy tiến vào khu vực Cái Dầu (Châu Phú, An Giang).
Cùng với việc khẩn hoang lập làng, năm 1851, Đức Phật Thầy còn giao cho Quản cơ Trần Văn Thành – tức đại đệ tử của Ngài, tiến hành cắm 5 cây thẻ ở 5 điểm theo dịch đồ “Ngũ Long trấn phục” quanh vùng Thất Sơn. Hiện nay vẫn còn các di tích như sau:
- Đông Phương Thanh Đế (Dinh Quan Thẻ số 1 - xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, An Giang).
- Bắc Phương Hắc Đế (Dinh Ông Thẻ số 2 – xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang).
- Tây Phương Bạch Đế (Chùa Bồng Lai - xã Vĩnh Tế, Thành phố Châu Đốc, An Giang).
- Nam Phương Xích Đế (Đền Thờ Quản Cơ Trần Văn Thành – xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, Kiên Giang).
- Trung Ương Huỳnh Đế (Thiên Cẩm Sơn, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Đến năm Bính Thìn (1856), vào giờ Ngọ ngày 12 tháng tám, Đức Phật Thầy viên tịch trong lúc không có bệnh, tinh thần sáng suốt, sau khi đã nhắc nhở đạo đức và dặn dò công việc cho các tín đồ, trụ thế 50 năm, mộ phần của Ngài được phả bằng không đắp nấm theo lời di giáo, hiện còn phía sau Tây An Cổ Tự (Châu Đốc) là một di tích quan trọng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Tương truyền, trước khi viên tịch Phật Thầy có truyền lại bài thơ như sau:
Tuy Đức Phật Thầy Tây An chỉ xuất hiện trong khoảng 7 năm, nhưng có thể thấy sự nghiệp mà Ngài để lại lại vô cùng quan trọng và có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với người dân Nam Kỳ thời bấy giờ. Đức Phật Thầy là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lập nên một tôn giáo bản địa thuần Việt, dựa trên những truyền thống văn hóa và tâm linh tốt đẹp của dân tộc, trong đó lấy đạo Phật làm nồng cốt. Ngài đưa ra pháp môn “Học Phật – Tu Nhân”, lấy việc báo đáp Tứ Đại Trọng Ân (Ân Tổ tiên cha mẹ; ân Đất nước; ân Tam Bảo; ân Đồng bào và nhân loại) làm căn bản.
Phật Thầy Tây An là người đầu tiên trong Phật sử Việt Nam có tư tưởng canh tân Phật pháp nhằm giản dị hóa mọi tập tục thờ cúng (với tinh thần “vô vi” của đạo Phật) và chỉ ra cách thức tu hành mới cho người dân để phù hợp với đặc điểm xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Theo đó, những hình thức có tính cách sắc tướng thinh âm hoặc dụ gạt của thế đều được Ngài giải quyết một cách dứt khoát, lấy tiêu chuẩn “vô vi” và vị nhân sinh thay vào. Ngài cực lực bài trừ các tập tục có tính chất mê tín như: đồng bóng, xá phướn, lầu kho, đốt giấy tiền vàng bạc... ra khỏi sự sinh hoạt trong đạo Phật.
Ngài không kêu gọi mọi người ly gia cắt ái, không bao giờ răn dạy tín đồ phải cạo tóc, cắt râu. Ngài chủ trương tu hành tại gia và lấy việc tu “tâm” làm gốc. Tín đồ của Ngài vừa tích cực làm ăn sinh sống bằng nghề lương thiện, vừa tích cực tu hành và làm lợi ích cho đời. Cách thức tu hành của Phật Thầy đưa ra vừa phù hợp với hoàn cảnh xã hội vừa thích ứng với trình độ và tâm lý người dân thời bấy giờ nên đã được hưởng ứng đông đảo và tạo thành một phong trào tôn giáo rộng khắp cả vùng.
Cùng với việc truyền dạy đạo pháp, Đức Phật Thầy còn cảm hóa được các tầng lớp nhân dân bằng công đức cứu bệnh và công trình khai khẩn đất hoang, lập làng và trại ruộng. Sự kiện Đức Phật Thầy Tây An ra đời giữa thế kỷ thứ XIX như một ánh đuốc sáng soi cho những tầng lớp nông dân khốn khổ thời bấy giờ.
Miền Tây Nam Bộ là nơi quần cư tứ chiếng, đủ hạng người, đủ thành phần xã hội gặp nhau, phần lớn đều là những tay giang hồ phiêu bạt, tánh nết không mấy thuần hậu, thế mà Đức Phật Thầy Tây An đã hóa cảm lớp người đa diện của một xã hội đa tạp trong vòng trật tự và biến cải thành những mẫu người hiền lương nhơn ái, vui sống với kinh kệ sớm chiều có tôn ti, lễ nghĩa... tưởng là một việc làm ít ai ngờ được.
Đến nay đã trải qua gần hai thế kỷ, nhưng những tư tưởng và công đức của Đức Phật Thầy Tây An vẫn còn lưu dấu và ngời sáng cho đoàn hậu thế mãi hướng về vị tiền nhân vĩ đại trong dòng lịch sử miền Tây Nam Bộ của dân tộc.