Trong thời kỳ đầu chống Pháp xâm lược, Bảy Núi – An Giang được xem là vùng “địa linh nhân kiệt”, nơi xuất hiện rất nhiều anh hùng, nghĩa sĩ yêu nước. Trong số đó, Đức bổn sư Ngô Lợi được xem là người đầu tiên có công tập hợp nhân dân Nam Kỳ lục tỉnh về khai hoang, mở làng ở khu vực núi Tượng, núi Dài… và sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TÂHN). Bên cạnh hoạt động tôn giáo, đây còn là “tổng hành dinh” quy tụ những người yêu nước, từng là nỗi khiếp sợ của quân Pháp trong thời gian bình định miền Nam.
Chúng tôi tìm về “thánh địa” của đạo TÂHN ở thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn) để hiểu hơn về cuộc đời của Đức bổn sư Ngô Lợi – một chí sĩ yêu nước đáng kính.
Ngày nay, Ba Chúc đã trở thành một đô thị năng động còn đạo TÂHN cũng phát triển mạnh, thu hút cả trăm ngàn tín đồ khắp miền Nam nhưng ít ai biết rằng, trước khi Đức bổn sư đặt chân vào khai phá núi Tượng thì nơi đây vẫn là một vùng hoang vu, rừng thiêng nước độc, thú dữ, rắn rít hoành hành. Đồng thời, đạo TÂHN trong buổi sơ khai cũng trải qua lắm thăng trầm…
Theo nội dung trong “Ngọc lịch đồ thơ tạp chú” (chép tay bằng chữ Hán) và “Chánh tăng phật tích” (thơ lục bát chữ Nôm), 2 quyển tài liệu “bí truyền” của đạo TÂHN, thì Đức bổn sư Ngô Lợi sinh vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 năm Tân Mão 1831 (để thống nhất, tất cả mốc thời gian sử dụng trong loạt bài này đều tính theo âm lịch), tại huyện Mỏ Cày (Bến Tre) trong một gia đình nông dân. Ông tên thật là Ngô Viện, còn Ngô Lợi là tên tự. Ngoài ra, còn một số tên gọi khác như: Ngô Tự Lợi, Năm Thiếp, Năm Hữu, Chánh Tăng Đạo Sư...
Khi còn nhỏ, ông đã tự học chữ và rất thích đọc sách Phật. Năm 1851, khi mới 20 tuổi, ông đã viết cuốn “Bà La Ni kinh” bằng chữ Hán, rao giảng và khuyên người đời tu niệm, bỏ tư danh, tư lợi, biết yêu thương đồng bào, có trách nhiệm với đất nước khi bị ngoại xâm giày xéo…
Sau khi xâm chiếm nước ta, Pháp đẩy mạnh bóc lột người dân bằng sưu cao, thuế nặng, cộng với dịch bệnh hoành hành khiến đời sống của họ lâm vào bế tắc. Lúc này ở Nam Kỳ xuất hiện nhiều bậc chân nhân chữa bệnh giúp đời, vừa hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, mượn ngọn cờ tôn giáo để tập hợp tín đồ yêu nước đấu tranh chống giặc. Trong đó, có sự ra đời của đạo TÂHN.
Tương truyền rằng, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão 1867, bỗng nhiên Đức bổn sư Ngô Lợi bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm “đi thiếp”, ông hồi tỉnh lại, rũ sạch lòng trần và chánh đắc đạo quả (do đó, ông còn có tên gọi Năm Thiếp). Từ thời điểm này, ông chính thức truyền đạo theo giáo lý của mình, dạy nghi thức nhập đạo và thu nhận tín đồ. Lúc đầu, ông đặt tên là đạo Thờ ông bà, đến khoảng năm 1870 mới đổi thành đạo TÂHN (còn gọi là đạo Lành). Ông dạy tín đồ theo thuyết “học Phật tu nhân”, báo đáp “tứ ân” (gồm ân đất nước, ân tổ tiên, ân cha mẹ và ân đồng bào nhân loại), sống hiếu nghĩa, hành xử theo thập nhị giáo điều.
Ngày rằm tháng Giêng năm Nhâm Thân 1872, Đức bổn sư Ngô Lợi cùng tín đồ dong thuyền đến xã An Lộc (tổng An Lương, tỉnh An Giang) cất chùa ở cù lao Ba (nay là xã Vĩnh Trường, An Phú), rồi lấy đó làm cơ sở truyền đạo. Một mặt, ông ra sức trị bệnh giúp đời để thu nhận tín đồ (ông có công dập tắt trận dịch hoành hành dữ dội vào năm 1876), một mặt ông tập hợp lực lượng tham gia cuộc khởi nghĩa Mỹ Tho cùng các sĩ phu yêu nước khác. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa bị Pháp đàn áp dã man. Để che mắt giặc, vào tháng Giêng năm Bính Tý 1876, ông âm thầm đưa tín đồ vào khu vực núi Tượng (nay thuộc thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) khai hoang lập làng An Định. Xây dựng vùng đất này thành “thánh địa” của đạo TÂHN nhưng đồng thời cũng là căn cứ chiêu mộ nghĩa binh chống giặc. Và nơi đây trở thành “cái gai” trong mắt quân Pháp, thường xuyên bị chúng cho lính vào bao vây, bố ráp…
Trảm thảo khai sơn trên vùng đất núi
Từ một nơi bị xem là rừng thiêng nước độc, thú dữ hoành hành, Đức bổn sư Ngô Lợi đã không tiếc công cùng tín đồ khắc phục khó khăn, xây dựng đời sống mới ở vùng Thất Sơn huyền bí – vốn được coi là “linh huyệt” của Nam Kỳ lục tỉnh. Trong khoảng thời gian từ năm 1876 – 1890, ông đã lập được 4 thôn ở khu vực núi Tượng, núi Dài là An Định, An Hòa, An Thành, An Lập và 3 thôn láng giềng là Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc và Vĩnh Quới (huyện Tri Tôn ngày nay). Đồng thời, xây dựng 29 cơ sở thờ tự, thu hút đông đảo tín đồ khắp nơi về tham gia hoạt động yêu nước dưới màu sắc đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TÂHN).
Thư của chủ tỉnh Châu Đốc gửi Thống đốc Nam kỳ
kiến nghị cho phép lập làng An Định
Thời điểm tháng Giêng năm 1876, khi Đức bổn sư Ngô Lợi dẫn đệ tử vào núi Tượng khai hoang lập làng, phong trào khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Kỳ lục tỉnh đang lên nhanh nhưng cũng bị đàn áp dã man. Những cuộc khởi nghĩa lớn của các sĩ phu yêu nước như: Võ Duy Dương ở Đồng Tháp Mười (1866), Phan Tôn – Phan Liêm ở Bến Tre (1867), Trương Định ở Gò Công (1868), Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (1868), Quản cơ Trần Văn Thành ở Bãi Thưa (1873), Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho (1875)… đều lần lượt thất bại. Biết được Đức bổn sư Ngô Lợi hưởng ứng hịch Cần Vương, về dựng cờ tựu nghĩa ở Thất Sơn, đông đảo các anh hùng hào kiệt, chiến sĩ thất trận đã tìm đến đây lập căn cứ. Do vậy, đạo TÂHN phát triển nhanh chóng. Năm 1877, tín đồ dựng xong Phi Lai tự, ngôi chùa có quy mô lớn và được xem là “tổ đình” của đạo. Từ đó, nhiều chùa, miếu lần lượt mọc lên, vừa là nơi thờ cúng của tín đồ, vừa là căn cứ hoạt động của nghĩa quân.
Từ đồi núi hoang sơ ban đầu, nhân dân đã cải tạo thành một “vùng đất xinh đẹp” rộng lớn (như nhận xét của chính quyền Pháp). Người dân đã nộp đơn xin lập làng An Định. Tuy nhiên, chính quyền Pháp nghi ngờ họ đòi hợp thức hóa để che giấu Ngô Lợi và lập căn cứ “phản động” mới (lúc này Đức bổn sư đang bị Pháp truy lùng sau thất bại khởi nghĩa Mỹ Tho) nên chưa cho phép.
Mãi đến ngày 22-12-1879, viên Chủ tỉnh Châu Đốc mới có báo cáo với Thống đốc Nam Kỳ về việc dân xin lập làng: “…Trước kia, núi Tượng là nơi tụ tập của trộm cướp. Tôi đến đó bằng ghe lúc ban đêm, rồi dùng xuồng nhỏ mà vào sát chân núi. Khi mặt trời mọc thì tôi mới thấy rõ là dân ở núi Tượng đã lập thành xóm với hơn 150 nóc nhà mới dựng lên. Chung quanh nhà là rẫy khoai, rẫy bắp, thuốc lá. Theo ý tôi thì dân ở đây chỉ lo làm ăn, không có bằng cớ gì chứng tỏ rằng dân đang chuẩn bị nổi loạn. Tôi đi chung quanh núi Tượng cũng không tìm thấy bằng cớ khả nghi nào. Vì vậy, tôi tin Năm Thiếp không có mặt ở núi Tượng. Kết luận của tôi là bấy lâu nay ta quá đề phòng Năm Thiếp. Tốt hơn hết là ta nên cho dân lập 1 làng mới theo yêu cầu của họ” (tạm dịch từ tiếng Pháp). Chính sự “thông thoáng” của chính quyền Pháp mà làng An Định đã được hợp thức hóa và Đức bổn sư càng có điều kiện tập hợp tín đồ khai hoang mở đất, nuôi chứa nghĩa quân…
Với 4 thôn mới mở có diện tích rộng hơn 30.000 héc-ta là An Định, An Hòa, An Thành và An Lập (thuộc thị trấn Ba Chúc, xã Lương Phi và Lê Trì, huyện Tri Tôn ngày nay), Đức bổn sư đã bố trí làng, chùa miếu theo hình tam giác khép kín: Thôn An Định nằm phía bắc núi Tượng (đỉnh tam giác), thôn An Hòa ở tâm tam giác, còn thôn An Thành nằm ở đỉnh phía Tây và thôn An Lập ở đỉnh phía Đông của tam giác. Mỗi thôn đều có cấu trúc xây dựng giống nhau theo kiểu “tiền đình, hậu tự”. Đức bổn sư còn mở 3 thôn mới là Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc và Vĩnh Quới (nay thuộc 2 xã Vĩnh Gia và Lạc Quới, Tri Tôn). Nhìn tổng quan, 3 thôn này nằm ở hành lang biên giới Việt Nam – Campuchia, bảo vệ 4 thôn bên trong về phía bắc và phía tây, phía nam đã được che chắn bởi núi Dài, còn phía đông đã có thôn An Lập án ngữ cửa ngõ từ Tri Tôn, Châu Đốc vào. Cách bố trí này của Đức bổn sư Ngô Lợi tạo thành thế phòng thủ vững chắc cho “thánh địa” của đạo TÂHN, cũng là “thành trì” chiến đấu lâu dài của nghĩa quân yêu nước…
Bảy lần “pháp nạn”
Thế gian có những sự trùng hợp đến lạ lùng. Cuộc đời hoạt động đạo giáo cũng như khởi nghĩa chống Pháp của Đức bổn sư Ngô Lợi luôn gắn chặt với… những con số 7: Ông phải trải qua 7 ngày đi thiếp vào năm Đinh Mão 1867 thì mới “rũ sạch lòng trần, chứng đắc đạo quả”. Để tập hợp nghĩa sĩ và tín đồ theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TÂHN), từ cù lao Ba (xã Vĩnh Trường, An Phú ngày nay), ông lặn lội vào vùng Bảy Núi để “trảm thảo khai sơn”, lập nên 7 thôn mới. Trong thời gian dựng cờ tựu nghĩa, Pháp đã 7 lần tổ chức các cuộc tấn công quy mô lớn vào “thánh địa” của đạo TÂHN (tín đồ thường gọi là “pháp nạn”) nhưng mục đích chính là tiêu diệt phong trào yêu nước đang nổi lên nơi đây…
Ngày 22-4-1873, đô đốc Nam Kỳ Dupé đã ký ban hành nghị định với nội dung: “Những chức sắc của đạo Lành (Bửu Sơn Kỳ Hương) đều bị truy tố theo Luật “Đảng cựu” (cấm hoạt động đối với những giáo phái kỳ lạ), quan trọng hơn hết là phong trào “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” do ông Ngô Viện, còn có tên là Ngô Lợi, Năm Thiếp cầm đầu”. Mặc dù bị người Pháp truy lùng gắt gao nhưng Đức bổn sư vẫn về núi Tượng khai hoang, lập căn cứ. Điều này càng làm tăng sự tức giận cho chính quyền Pháp lúc bấy giờ. Đây cũng là nguyên nhân khiến tín đồ đạo TÂHN phải chịu 7 lần “pháp nạn” trong thời kỳ Đức bổn sư còn tại thế.
Dưới ngọn đạo kỳ (bùa Ngũ công) này, Đức bổn sư
đã tập hợp được rất nhiều nghĩa sĩ chống Pháp
Theo nội dung còn lưu trữ trong Chánh tăng Phật tích của đạo TÂHN, lần “pháp nạn” đầu tiên xảy ra vào rằm tháng 7 năm Tân Tỵ 1881. Thời điểm này, Đức bổn sư Ngô Lợi thiết lễ trai đàn để cầu siêu cho vong linh của các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh vì nước,… tín đồ bốn phương đến dự lễ rất đông. Nhà cầm quyền Pháp sinh nghi nên đã cài tên vệ Ý trà trộn vào trai đàn thăm dò. Vệ Ý thấy dân chúng đến quá đông và hết lòng tin tưởng Đức bổn sư nên tức tốc về báo với nhà cầm quyền Pháp là “Năm Thiếp đang tập trung lực lượng để chuẩn bị đánh Pháp”. Nghe tin này, Pháp lập tức tập trung binh lính xuống tàu chạy thẳng từ Tân An (tỉnh Long An ngày nay) về thẳng Châu Đốc, đợi lúc canh ba đổ bộ vào bao vây núi Tượng. Thấy mọi người lo sợ, Đức bổn sư đã hướng dẫn bá tánh, bổn đạo rút qua Cao Miên (Campuchia) lánh nạn. Không bắt được Ngô Lợi, binh lính Pháp điên cuồng đốt phá nhà cửa, chùa miếu và lấy đi nhiều bảo vật quý giá của đạo TÂHN.
Mặc cho sự bố ráp của kẻ thù, những người yêu nước vẫn không làm nao núng. Đợi giặc rút quân, Đức bổn sư dẫn tín đồ về núi Tượng gầy dựng lại nghiệp lớn. Ông khuyến khích mọi người khẩn hoang thêm khu vực núi Dài, xây dựng chùa Phổ Đà tại trung tâm làng mới An Hòa vào tháng 2 năm Nhâm Ngọ 1882. Đồng thời, xây dựng chùa Tam Bửu tại thôn An Định. Đến năm Quý Mão 1883, Đức bổn sư tiếp tục mở thôn mới An Thành và xây dựng ngôi Châu Linh tự ở trung tâm thôn. Sau đó, tiếp tục khẩn hoang, lập làng và xây dựng thêm cơ sở thờ tự. Trước sự trù phú của vùng đất mới, những anh hùng nghĩa sĩ, dân nghèo càng tìm về với Đức bổn sư mỗi lúc một đông. Thấy thế, nhà cầm quyền Pháp lại đưa quân vào càn quét, tàn phá. Mỗi lần như thế, Đức bổn sư tiếp tục cho xây dựng lại và tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động, số người về tựu nghĩa lại càng tăng thêm.
Ngoài việc bảo vệ, nuôi chứa nghĩa quân tham gia phong trào Cần Vương, tín đồ đạo TÂHN còn nhiều lần che chở cho nghĩa quân Campuchia tránh sự truy quét của quân Pháp. Do vậy, thời gian này, có rất nhiều người Campuchia cũng theo đạo TÂHN. Đức bổn sư Ngô Lợi thường xuyên tổ chức những cuộc trai đàn lớn, vừa để cầu siêu cho những vong linh “vị quốc vong thân”, vừa để khơi dậy ngọn lửa yêu nước trong lòng của hàng ngàn người đến dự. Sau nhiều lần tổ chức các cuộc khởi nghĩa riêng lẻ không thành công, Đức bổn sư quyết định phối hợp với nghĩa quân Campuchia và nghĩa quân Khơ-me cùng chống Pháp. Tháng 5-1885, Ngô Lợi lãnh đạo nhân dân làng An Định đánh Pháp ở Bảy Núi, còn hoàng thân Sivotha (*) khởi binh chống Pháp ở Kompong Chàm, nghĩa quân Khơ-me thì đánh dọc theo kênh Vĩnh Tế. Quân khởi nghĩa chiếm được một số đồn giặc, đồng thời, phát động nhân dân gây bất ổn khiến quân Pháp rất lo sợ. Viên Chủ tỉnh Châu Đốc lúc bấy giờ là Le Brun đã phải báo cáo nhanh về Sài Gòn: “Sự thật làng An Định là bọn cướp bóc, lý lịch thiếu minh bạch, phản loạn. Theo ý tôi, chúng ta chẳng nên đối xử dễ dãi như trước nữa”. Trước tình hình này, quân Pháp ở Châu Đốc do đại úy Ferussac đem quân đánh dọc vào hai bờ kinh Vĩnh Tế và làng An Định, tàn sát dã man những người yêu nước. Lực lượng nghĩa quân của Ngô Lợi đành phải rút về vườn Dầu (Campuchia) lánh nạn.
Tuy vậy, ngọn lửa yêu nước của tín đồ đạo TÂHN vẫn không bị dập tắt…
Lịch sử Đảng bộ huyện Tri Tôn ghi nhận: “Ông Ngô Lợi là một sĩ phu yêu nước. Sau cuộc khởi nghĩa thất bại ở Mỏ Cày (Bến Tre), ông cùng một số người khác hưởng ứng hịch Cần Vương quy tụ nghĩa quân dưới danh nghĩa đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TÂHN). Ông động viên tinh thần yêu nước của tín đồ, tạo bình phong để tập hợp, mượn tôn giáo để chiến đấu chống thực dân Pháp, phối hợp với nghĩa quân Campuchia chống Pháp dọc theo hai bên biên giới Việt Nam – Campuchia, chiếm đồn Phú Thạnh, làm chủ vùng Tịnh Biên…”.
Còn nhớ, sau khi nghĩa quân Bảy Núi do Đức bổn sư lãnh đạo phối hợp với nghĩa quân Campuchia và nghĩa quân Khơ-me đánh chiếm được 2 bên bờ kênh Vĩnh Tế, đại úy Ferussac đem quân đàn áp dã man, buộc quân khởi nghĩa phải rút về vườn Dầu (Campuchia) lánh nạn. Nhằm ngăn chặn sự tiếp xúc giữa người Việt và người Campuchia, thực dân Pháp đã cho xây đồn Vĩnh Lạc sát bờ kênh Vĩnh Tế, tăng cường binh lính kiểm soát gắt gao. Mặt khác, tháng 6-1886, thiếu úy Grimaud đã mở cuộc hành quân sang đất Campuchia, đánh vào vườn Dầu hòng tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân Bảy Núi nhưng không thành công. Tháng 5-1887, Pháp lại tổ chức hành quân lớn, kéo dài suốt nửa tháng để truy nã quân kháng chiến dọc theo tuyến biên giới và 2 bên bờ kênh Vĩnh Tế. Dưới sự hướng dẫn của tên Việt gian Trần Bá Lộc và cai tổng Trương Văn Keo, thiếu tá Peignaux đã kéo quân vào làng An Định. Không bắt được Đức bổn sư Ngô Lợi, chúng tức giận đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, lấy đi nhiều “báu vật” của đạo TÂHN như: Ngôi Long Đình, cặp Long Trụ, bảng Tiền, bảng Phái…
Trước sự lớn mạnh của phong trào chống Pháp ở núi Tượng, tháng 6-1887, nhà cầm quyền Pháp đã giải tán làng An Định, nhập vào làng Vĩnh Lạc và cấm giáo phái TÂHN hoạt động. Dân làng An Định tất cả gồm 407 gia đình với gần 2.000 người bị cưỡng bức xuống tàu thủy chở về nguyên quán. Tuy nhiên, đa số những người này đã tìm cách trốn dọc đường, tìm cách trở lại vùng đất vừa khai phá và tiếp tục ủng hộ “thủ lĩnh” Ngô Lợi.
Trong thời gian chạy giặc ở vườn Dầu, tín đồ đạo TÂHN được người dân Cao Miên (Campuchia ngày nay) hỗ trợ từ lương thực cho đến cây lá dựng nhà. Tại đây, Đức bổn sư đã cho lập thôn mới là Sơn Thạch, dựng ngôi chùa Ông, thu nhận giáo đồ là những nghĩa quân yêu nước người Cao Miên về đây lánh nạn và người dân tại chỗ. Khi tình hình Bảy Núi tạm lắng, Đức bổn sư tiếp tục dẫn tín đồ trở về nước gầy dựng lại căn cứ. Tính từ năm 1877 – 1890, thực dân Pháp đã mở 5 cuộc càn lớn vào núi Tượng hòng “xóa sổ” làng An Định, dập tắt phong trào yêu nước dưới danh nghĩa đạo TÂHN của Ngô Lợi. Tuy nhiên, dù bị đốt nhà cửa, cưỡng bức đi nơi khác nhưng người dân nơi đây vẫn bám núi, bám làng, theo chân Đức bổn sư khởi binh đánh Pháp.
Ngày 13-10 năm Canh Dần 1890, Đức bổn sư Ngô Lợi viên tịch, để lại biết bao thương xót cho tín đồ đạo TÂHN cũng như những chí sĩ yêu nước vùng Bảy Núi. Những tưởng khi ông mất, phong trào kháng chiến chống Pháp sẽ bị tan rã nhưng thực tế, truyền thống yêu nước hào hùng vẫn được tiếp nối. Những hậu duệ của Đức bổn sư Ngô Lợi như: Trần Tịnh, Nguyễn Thanh Liễu, sáu Đồn, Nguyễn Nhiệm Mầu, sau này là các ông Trò, ông Gánh (quản lý đạo trong thôn, xóm) tiếp tục phát triển đạo TÂHN, tập hợp tín đồ hoạt động chống Pháp.
Ông Nguyễn Hữu Nghi, Trưởng gánh – Trưởng ban Văn phòng đạo hội TÂHN, cho biết, sau khi Đức bổn sư Ngô Lợi qua đời, những đệ tử trung thành của ông đã phát triển tôn giáo TÂHN ra khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thu hút trên 100.000 tín đồ theo đạo sinh hoạt tại 24 Gánh. Ngày nay, người ta vẫn nhớ về Đức bổn sư Ngô Lợi như một chí sĩ yêu nước tiêu biểu, một người có công khai hoang lập làng, dạy bảo tín đồ hành “tứ ân”, sống “hiếu nghĩa”, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc cũng như xây dựng quê hương giàu đẹp.
NGÔ CHUẨN