Từ tỉnh thành Châu đốc vô Núi Sam có 5 cây số ngàn. Khi đi đến ngả ba nơi chơn núi, thì trước mặt sừng sựng một cảnh chùa nguy nga, kiến trúc nửa tân, nửa cựu. Trước chùa có một cái cửa chánh trên có đề một hàng chữ nho: Tây An môn ; nhưng ngỏ này không vào ra gì được. Chỉ có cái cửa có đề ba chữ Việt: Tây An tự là vào được mà thôi. Muốn vào chùa, phải bước trên mười nấc thang lót gạch. Vượt qua cửa và vòng hàng rào rất kiên cố là đến sân, ngó qua phía đông có ba ngôi tháp cao vọt khỏi nóc chùa.
Nếu là khách thập phương đến hành hương lần thứ nhứt, khi thấy ngôi tháp đồ sộ này thế nào cũng đinh ninh rằng: Trong mấy ngôi tháp ấy thế nào cũng có ngôi mộ của Đức Phật Thầy. Nhưng người ta đều lầm.
Đó là mấy ngôi tháp của những vị hòa thượng trụ trì từ ngày Đức Phật Thầy tịch trở lại đây. Còn chính ngôi mộ của Ngài thì lại khiêm nhượng nằm trên triền núi, ẩn phía sau giải tháp nguy nga ấy. Ngôi mộ này do thiện nam tín nữ chung nhau tu bổ hồi tháng sáu năm Kỷ mão (1939). Bên ngoài mộ có một vòng thành bề dài lối 5 thước, bè ngang lối 4 thước. Ngả vào có hai cánh cửa, sáng mở ra cho thiện nam tín nữ vào lễ bái, tối đến thì đóng khóa lại. Hai trụ cửa có hai câu đối:
Phách vãng Tây phương, bật thảo điêu tàn chu vị tử,
Hồn qui thọ vức, đàm hoa lạc khứ hữu dư hương.
Phía ngoài cửa, một bên vách có khắc ba bài thơ bát cú như vầy:
Tây-An Phật-cảnh Cao cung
Nam mô nhị tự chánh liên hoa,
Di-Đà cứu khổ niệm tam thinh.
Phật truyền nhơn nguyện tà tâm giải,
Khẩn niệm Như Lai Phật độ sanh.
Tụng đắc hàng ma trừ yêu quái,
Tâm trung tưởng niệm diệt thanh niên.
Gia trạch bình an viên công niệm,
Thường hành tế độ phước lai tâm.
***
Dạ đoản canh sơ, sơ canh trường,
Cộng ngâm thị nhã cộng bình trường.
Bá vạn thiết thiết tâm mưu vọng,
Vạn lý bôn lai sơ hải cường.
Quá khứ vi lai thiên cổ tích,
Phàm nhơn tụng niệm diệc thanh cường.
Tâm thường bình đẳng nhàn cộng niệm,
Cứu khổ tai ương bất ngộ ương.
***
Lòng ở từ bi đã bấy chầy,
Thanh nhàn cực lạc chốn Phương Tây.
Năm hằng đạo đức hằng vui vẻ,
Sáu ngả luân hồi chẳng chuyển xoay.
Lặn lội theo người xa bể khổ,
Dắt dìu cứu kẻ bước thang mây.
Đã nguyền tế độ cơn lâm nạn,
Vì việc nhơn gian mới đến đây.
Tương truyền mấy bài thơ này là của Đức Phật Thầy giáng bút từ lâu, nên được khắc vào đây làm kỷ niệm.
Trước mộ có một tấm bia, khắc như vầy:
Nguơn sanh Đinh mão niên, thập ngoạt, thập ngũ nhựt, ngọ thời chú sanh.
Tự Lâm tế gia chư thiên phổ tam thập bát thế, thượng pháp hạ tạng tánh Đoàn, pháp danh Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh chi miễn tọa.
Tịch ư Bính thìn niên, bát ngoạt thập nhị nhựt, ngọ thời thị tịch diệt.
Mộ không có đắp nấm cao lên như các mộ khác, vì trước khi tịch, Đức Phật Thầy đã di giáo làm như vậy.
Ngoài ngôi mộ, Đức Phật Thầy con để lại một di tích nữa là cái giếng nước ở lưng chừng giữa triền núi cách mộ lối 200 thước. Chỗ đó trước kia là một cái khe nước chảy rỉ rả, nhưng từ ngày được Ngài khai vét thành một cái ao nhỏ thì quanh năm nước chứa xài không hết. Từ ngày Ngài tịch về sau, có một độ dân chúng xem nó như cái suối ở thành Lourdes bên Pháp. Những người có bịnh đến múc nước ấy, lượm vài lá xoài, lá mít rụng bên mộ Ngài đem về nấu nước uống, thế mà cũng hết bịnh.
Chỉ mới đi vòng ngoài chùa Tây An, người ta đã gặp bao nhiêu di tích của Đức Phật Thầy. Ai cũng tưởng khi vào phía bên trong chùa, thế nào cũng còn được thấy nhiều bửu vật của Ngài nữa. Nhưng người ta không khỏi ngạc nhiên khi bước qua ngưỡng cửa, thấy trong chùa thờ la liệt những tượng cốt, khác hẳn nghi thức thờ phượng mà Ngài đã truyền lại ở Tây An Cổ tự. Càng ngạc nhiên hơn nữa là ngày cũng như đêm, trong những thời khóa tụng, vang lên những tiếng chuông mõ, đọc tụng ó la.
Đứng trước cảnh tượng ấy, người hiểu đạo của Đức Phật Thầy không khỏi băn khoăn tự hỏi: Sao người ta nói chùa nầy là chùa chánh của Đức Phật Thầy mà lại nghi thức thờ phượng không trần thiết đúng với chơn truyền?
Có hiểu qua lịch sử chùa Tây An mới biết tại đâu có những mâu thuẫn ấy.
Nhắc lại khi Đức Phật Thầy được triều đình nhìn nhận xuống chỉ sắc phong thì các quan yêu cầu Ngài lập một cảnh chùa tại tỉnh thành An giang, nhưng Ngài không khứng. Sau khi xem địa thế, Ngài vào Núi Sam lập một ngôi chùa cột săng lợp lá. Đương nhiên chùa này phải là chùa công. Mà đã là chùa công thì nghi thức thờ phượng phải nhất trí và cùng một hệ thống với chùa công khác. Chừng như khi cất xong chùa, nhà cầm quyền có phái một vị hòa thượng đến hiệp cùng Đức Phật Thầy trong công việc trần thiết nhứt trí ấy.
Nếu chẳng thế, sao khi Đức Phật Thầy tịch chùa Giác lâm ở Chợ lớn lại phái sư cụ Nguyễn Nhứt Thừa lên thế cho Ngài mà trụ trì chùa Tây An.
Một bằng chứng là trong bài vị Đức Phật Thầy thờ ở chùa Tây An, có câu: “Tự Lâm tế gia chư thiên phổ tam thập bát thế thượng pháp hạ tạng.. “.
Lâm tế là một trong năm giáo phái ở Tàu truyền qua nước ta như: Lâm tế, Tào động, Qui ngưỡng, Vân môn và Pháp nhãn. Chùa Giác lâm ở Chợ lớn là một chùa theo phái Lâm tế và được triều đình chính thức nhìn nhận. Chừng như lúc bấy giờ, các chùa trong miền Nam đều đặt dưới sự chi phối của chùa này, nên chi khi Đức Phật Thầy tịch thì sư cụ Nguyễn Nhứt Thừa đương chức Yết ma chùa Giác lâm được phái lên chùa Tây An thay thế. Có lẽ vì thế mà trong bài vị, người ta gáng Đức Phật Thầy vào phái Lâm tế.
Từ ngày Đức Phật Thầy tịch, chùa Tây An hoàn toàn thuộc vào phái Lâm tế, do sư cụ Nguyễn Nhứt Thừa trụ trì. Về sau sư cụ được thăng lên chức hòa thượng và tịch năm Giáp thân, tức năm 1884, thọ 50 tuổi. Tháp của ông rất lớn, nằm kế bên chùa.
Người thứ nhì thừa kế sư cụ Nguyễn Nhứt Thừa là sư cụ Nguyễn văn Khiêm, pháp danh Hoàng Ân, cũng là một nhà sư của chùa Giác lâm phái lên. Sư Hoàng Ân tịch năm Giáp dần (1914), nghĩa là trụ trì được 30 năm.
Khi sư cụ Nguyễn văn Khiêm tịch thì trưởng tử là Nguyễn Trang Nghiêm, pháp danh là Huệ Quang lên thay thế. Rồi tiếp đó là ông Nguyễn Thuần Hậu ở Hà tiên được mời về trụ trì. Sau ông Hậu thì có ông Ngô văn Hòa là người ở tại chùa từ nhỏ được đưa lên kế vị. Lúc thiếu niên, ông được đưa lên Sài gòn học tập.
Người thứ sáu cũng là người chót, hiện nay còn sống, là ông Nguyễn văn Mật, pháp danh Bữu Thọ đệ tử sư cụ Nguyễn văn Khiêm từ nhỏ đến lớn. Năm nay ông được sáu mươi ngoài tuổi.
Cứ xem đó cũng đủ thấy chùa Tây An, từ hồi Đức Phật Thầy tịch cho đến nay, các nhà sư của phái Lâm tế liên tiếp nối nhau trụ trì.
Mặc dầu Đức Phật Thầy đứng ra xây dựng, nhưng vì nó mang phải cái danh hiệu là chùa công được triều đình nhìn nhận, mà Ngài không được tự do tổ chức việc thờ phượng đúng với pháp môn hành đạo của Ngài.
Có phải vì thế mà Ngài vào láng Thới sơn dựng lên một cảnh chùa theo ý muốn mà Ngài gọi danh là trại ruộng để tránh sự can thiệp của nhà cầm quyền đó chăng?
VƯƠNG KIM - ĐÀO HƯNG