Vị giáo chủ đầu tiên của đạo giáo Bửu Sơn Kỳ Hương là Đức Phật Thầy Tân
An, thế danh Đoàn Minh Huyên. Sau khi ông qua đời, có các vị Phật Trùm, Đức Bổn
sư Ngô Lợi, ông sư Vãi Bán Khoai..., các vị này được xem là hậu thân của Đức Phật
Thầy - tiếp tục sứ mệnh truyền bá đạo giáo. Nhưng tùy lúc, danh xưng giáo phái
được thay đổi. Lúc đầu gọi là đạo giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, lấy ý nghĩa là “mùi
hương lạ trên vùng núi báu”. Đến khi Đức Bổn sư Ngô Lợi truyền đạo thì đạo giáo
lấy tên là đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa”, nhấn mạnh trọng trách thực hiện bổn phận đối
với bốn ân. Chúng ta có thể ghi nhận mấy nét đặc sắc của giáo phái này như sau
:
1- Hình thức và nếp sống của các vị giáo chủ:
Các vị giáo chủ này không mang hình thức của một Tăng sĩ đầu tròn áo vuông,
không có sự truyền thừa rõ ràng, chính thống, không thực hành nếp sống xuất gia
ly dục như các vị Tỳ kheo. Họ ăn mặc như người thường, sống một đời sống giản dị,
đạm bạc, với tâm nguyện phụng sự tha nhân nhiệt thành.
2- Cách thức thờ tự và nghi lễ :
Giáo phái này chủ trương không thờ tượng cốt, không dùng chuông mõ, không tụng
kinh, không cúng các thực phẩm, mà chỉ thờ một tấm vải đỏ gọi là trần điều, tượng
trưng cho tinh thần vô tướng viên dung của đạo Phật, cúng Phật bằng hoa quả và
nước lã, kính lạy ông bà và tổ tiên.
3- Giáo lý căn bản :
Căn bản giáo lý của đạo giáo này vẫn là giáo lý của Phật Thích Ca, khuyên người
làm lành, lánh dữ, tin nguyên nhân quả tội phước, nhưng có pha trộn một luân lý
Nho giáo trong cung cách xử thế. Nói chung gồm có hai phương diện:
a)- Phương diện tu thân: Lấy Giới, Định, Tuệ làm kim chỉ nam cho sự tu học để
hướng đến một đời sống hạnh phúc, an lạc. Giới: ngăn ngừa những hành vi bất thiện,
tội lỗi. Định: làm cho tâm an tịnh, không rối loạn. Tuệ: thấy rõ chân tướng của
các sự vật và sự thật của cuộc đời.
b)- Phương diện xử thế: Nỗ lực làm tròn bổn phận đối với 4 trọng ân: 1. Ân tổ
tiên, cha mẹ: Dạy cho tín đồ nhớ đến nguồn gốc tổ tiên, giữ tròn hiếu thảo đối
với cha mẹ, chu toàn đạo nghĩa làm người. 2. Ân đất nước: Dạy tín đồ tấm lòng
yêu nước, có nghĩa vụ giữ gìn và bảo vệ giang sơn do cha ông để lại. 3. Ân Tam
bảo: Khuyên tín đồ tôn thờ và biết ơn 3 ngôi báu, nơi mình cần phải nương tựa để
hướng đến chân-thiện-mỹ. 4. Ân đồng bào và nhân loại: Dạy tín đồ tấm lòng nhân
ái, biết yêu thương và biết cứu giúp đồng bào, đồng loại.
4- Quan tâm đến vấn đề y tế xã hội:
Hầu hết các vị giáo chủ và các vị cao đồ đều vô cùng tận tụy trong công tác chữa
bệnh cho dân chúng bằng những phương thuốc dân tộc, và đều nổi tiếng là những
thầy thuốc mát tay, được mọi người tín nhiệm. Vì lúc bấy giờ, tình trạng đất nước
và xã hội ta còn nghèo nàn, lạc hậu, phương tiện y học và thuốc men còn quá thiếu
thốn, các vị này đã lợi dụng cơ hội chữa bệnh để giảng đạo, khuyên quần chúng
làm việc phước thiện ; nhờ đó mà đạo giáo phát triển nhanh, tín đồ mỗi lúc một
đông.
5- Quan tâm đến công tác dinh điền khuyến nông:
Đức Phật Thầy ngoài tài trị bệnh cứu dân, còn đặc biệt khuyến khích nông dân
khai hoang lập ấp, đặt tên các nơi đó là trại ruộng. Những trại này được mở ra
nhiều nơi tại vùng đất núi Thất Sơn. Kế tục sự nghiệp ấy, đức Bổn sư Ngô Lợi đi
giảng đạo trong vòng 15 năm tại vùng núi Thất Sơn đã lập ra 4 thôn : An Định,
An Hòa, An Thành và An Lập v.v... Đến sư Vãi Bán Khoai cũng vậy, Ngài đi sâu
vào làng mạc, gần dân nghèo... để thuyết pháp, khuyên dân chúng phát triển nông
nghiệp. Những chỗ thuyết pháp của các vị, quần chúng tham dự rất đông, nơi nào
ít nhất cũng 1 - 2 nghìn người tham dự.
Các vị ấy đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp là vì ý thức được rằng “có thực mới
vực được đạo” và “no thì nên Bụt, đói sẽ ra ma”, như ông bà ta từng bảo. Nếu
dân chúng lâm vào cảnh bần cùng đói khổ, họ rất dễ làm liều, gây nên tội ác.
6- Cổ vũ tinh thần yêu nước:
Trách nhiệm đối với quê hương và dân tộc là hai điểm trong bốn trọng ân của đạo
giáo này. Những hoạt động của các vị giáo chủ luôn luôn gắn liền với nghĩa vụ cứu
nước, giúp dân. Họ rất ưu tư trước cảnh mất nước, nô lệ và sẵn sàng lên tiếng
bênh vực đồng bào khi chứng kiến những nạn tham quyền, cường hào, những sự áp bức
bất công xảy ra trong xã hội. Do đó, chính quyền Pháp thường theo dõi và tìm
cách ngăn trở, thậm chí có lúc bắt giam, khủng bố, không cho họ truyền giáo và
cứu giúp dân lành. Ngoài Đức Phật Thầy Tây An, các Đức Phật Trùm, Đức Bổn sư
Ngô Lợi, cho đến sư Vãi Bán Khoai, không ai tránh khỏi cặp mắt dòm ngó, cản trở
của nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ.
Thiết tưởng sự ưu thời mẫn thế là một tình cảm đáng quý, nhưng đối với các bậc
tu sĩ phải có một giới hạn nhất định, và phải coi đó như một phương tiện chứ
không phải cứu cánh. Nếu xem vấn đề chính trị như một mục đích cứu cánh, thì
khi đạt đến mục đích đó rồi, chúng ta sẽ cảm thấy bị hụt hẫng, hết lý do để tồn
tại, thậm chí còn có thể xảy ra nạn giành giật, xâu xé và tiêu diệt lẫn nhau là
khác. Những bài học này chúng ta đã thường gặp và cũng rất dễ thấy. Thế nên, sứ
mệnh của tôn giáo là phải đạt đến những giá trị cao cả hơn, giá trị ấy vượt khỏi
thời gian và không gian; có như vậy mới hóa giải được mọi sự bất đồng, dẫn con
người đến chỗ cảm thông nhau để cùng nhau xây dựng một thế giới an lạc và tốt đẹp
thực sự. Nhưng điều đáng tiếc là có một số tín đồ của một vài tôn giáo đã làm
chúng ta cảm thấy thất vọng.
7- Phổ thông hóa giáo lý:
Phương pháp truyền đạo của giáo phái này là sử dụng thể văn vần song thất, lục
bát, lời văn bình dị, nghĩa lý dễ hiểu, có tính cách phổ cập đại chúng, hấp dẫn
người nghe, nhằm trình bày những vấn đề thực tiễn, những nghĩa vụ cụ thể của mỗi
tín đồ đối với gia đình, xã hội và đất nước.
Tóm lại, giáo phái này thừa nhận nguyên lý nhân quả luân hồi tái sinh, xem các
vị giáo chủ sau này là hậu thân của các vị giáo chủ trước. Trường hợp chuyển kiếp
này giống như trường hợp các Đức Đạt lai Lạt ma của Lạt Ma giáo Tây Tạng.
Giáo phái này đã nỗ lực hiện đại hóa Phật giáo, đem đạo vào đời, cập nhật hóa
những giáo lý của Đức Phật Thích Ca, phát huy những điểm giáo lý thích hợp với
hoàn cảnh và thời đại, đáp ứng được phần nào những nhu cầu bức thiết của xã hội
đương thời, có điều các vị giáo chủ ấy vẫn tôn thờ Đức Phật Thích Ca, vâng hành
giáo lý của Phật, chỉ cải cách một vài hình thức nhỏ mà tự xưng là giáo chủ thì
hình như chưa được ổn. Có lẽ danh xưng Phật Thầy hay Giáo chủ là do các tín đồ
quá sùng thượng các vị ấy nên suy tôn như thế mà thôi.
Một ưu điểm khác của giáo phái này là cố gắng dung hòa giữa giáo lý của đạo Phật
với luân lý của Nho giáo và dung hòa các truyền thống khác của dân tộc. Chúng
ta thấy rằng, khi hoàn cảnh và thời thế thuận lợi, có những vị giáo chủ, tu sĩ
đủ tài đức giáo hóa và hướng dẫn tín đồ đi đúng chánh đạo, thì đạo giáo này
phát triển mạnh. Trái lại, khi hoàn cảnh không thuận lợi, không có những vị
lãnh đạo đủ tài, đủ đức để cho tín đồ ngưỡng mộ, quy phục, thì nó trở nên suy
vi.