Sự dung hợp giữa văn hóa dân tộc, kế thừa giáo
lý của các tôn giáo, nhất là Phật giáo và Nho giáo, là cơ sở cho sự ra đời một
số tôn giáo nội sinh tại Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong
đó có đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Những tôn giáo như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân
Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo ra đời… đáp ứng được nhu cầu tinh thần cho một bộ
phận không nhỏ người dân Nam Bộ trong bối cảnh phải gánh chịu sự khốc liệt của
các cuộc chiến tranh và sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các tầng lớp trong
xã hội. Cho nên, sự xuất hiện của ông Đoàn Minh Huyên, người khai sáng đạo Bửu
Sơn Kỳ Hương với khả năng chữa bệnh cứu người và chủ trương khẩn hoang, dạy
người tu hành làm lành lánh dữ đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần của các tầng
lớp trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp nông dân. Chính vì vậy, đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ.
1. Khái quát về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời vào năm Kỷ Mão
(1849) tại vùng Thất Sơn (nay thuộc tỉnh An Giang). Người sáng lập ra tôn giáo
này là ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856), quê ở Cái Tàu Thượng, tổng An Thạnh
Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nông dân. Sau
bảy năm truyền bá và phát triển đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở khắp vùng Thất Sơn - An
Giang ông Đoàn Minh Huyên được dân chúng kính cẩn gọi là Phật thầy Tây An.
Về tên gọi của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, cho đến
nay vẫn chưa có sự thống nhất trong việc giải nghĩa nhưng nhiều giả thuyết cho
rằng ông Đoàn Minh Huyên đặt ra trên cơ sở bốn chữ đầu bài thơ :
Bửu ngọc quân minh thiên việt nguyên
Sơn trung sư mạng địa nam tiền
Kỳ niên trạng tái tân phục quốc
Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên.
Bài thơ truyền khẩu với nhiều ẩn ý sâu xa
nhưng từ lâu người dân Tây Nam bộ nói chung và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương nói
riêng vẫn suy luận và cắt nghĩa tên gọi Bửu Sơn Kỳ Hương là Hương lạ toả ra từ
Núi báu để chỉ sự xuất hiện của một đạo môn và ông đạo ở khu vực Thất Sơn huyền
bí.
Giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương gồm hai đặc trưng
cơ bản là báo đáp “Tứ Ân” với phương pháp “học Phật tu Nhân”, tùy duyên hóa độ,
thực hiện Thiền - Tịnh song tu; và dùng tấm Trần Điều (vải đỏ) làm biểu tượng
thờ cúng.
Để phù hợp với nhận thức và cuộc sống của
người dân Nam Bộ, ông Đoàn Minh Huyên đã chú trọng phương thức tu tập kết hợp
Thiền tông với Tịnh Độ tông của Phật giáo Việt Nam truyền thống. Bên cạnh pháp
môn Thiền - Tịnh, ông Đoàn Minh Huyên muốn gây dựng đức tin nơi dân chúng trong
thời kỳ Hạ Nguyên bằng việc sử dụng giáo pháp huyền diệu của Mật tông. Bởi vì,
Mật tong là tông phái Phật giáo lấy phép tu trì bí mật làm yếu chỉ. Giáo pháp
của Mật tông sử dụng mật ngữ, phù chú và ấn quyết. Giáo pháp này mang lại cho
dân chúng sự an lành, thịnh vượng và làm tiêu tan bệnh tật. Do đó, trong lúc
trị bệnh cho dân chúng, ông thường khuyên mọi người làm lành lánh dữ, trì niệm
danh hiệu của Đức Phật A Di Đà và dùng nước lã, hoa quả, niệm chú trị bệnh.
Cho đến ngày nay, hình ảnh của ông Đoàn Minh
Huyên (Đức Phật Thầy), người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương qua những huyền
thoại được truyền miệng vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của
một bộ phận đông đảo người dân Nam Bộ.
2. Những ảnh hưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương trong
đời sống tinh thần đồng bào Nam Bộ.
Giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương luôn khuyên dạy
tín đồ làm lành, lánh dữ, chú trọng sửa mình, trong đó, như đã đề cập, nổi bật
nhất là học Phật tu Nhân và báo đáp Tứ ân.
2.1. Quan niệm về học Phật tu Nhân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
Mặc dù kế thừa nhiều nội dung từ Phật giáo,
nhưng giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lại không diễn giải cao siêu, trừu tượng, mà
đơn giản đi rất nhiều để phù hợp với hoàn cảnh và trình độ nhận thức của người
dân Nam Bộ.
- Về học Phật: Với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, học Phật được
giải thích là
học những điều Đức Phật đã dạy và làm những điều Đức Phật đã làm. Để
học Phật, các tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương phải hành trì theo phép tu
của Đức Phật. Mục đích của việc học Phật là giúp tín đồ quay về với cái
thiện, lánh xa cái ác, thực hành lối sống giản dị, mong cầu giải thoát.
Giáo lý đạo Bửu Sơn Kỳ Hương khuyên tín đồ trong lúc tu hành phải
thành tâm trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Bên cạnh đó, nhằm giúp
cho tín đồ giữ gìn pháp môn học Phật, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đặt ra ngũ
giới cấm, bao gồm: cấm sát sinh, hại người hại vật; cấm tham lam, trộm
cắp, hưởng thụ của phi nghĩa, không làm mà hưởng; cấm tà dâm, trụy lạc;
cấm rượu chè, hút chích, ma túy, cờ bạc, đàng điếm, mê tín dị đoan, đồng
bóng, bói toán; cấm gian dối, vọng ngữ, châm chọc, chia rẽ. Có thể thấy,
giới luật của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là sự kế thừa từ giới luật Phật giáo,
và cũng giống như nhiều phần trong giáo lý của tôn giáo này, được giải
thích đơn giản cho phù hợp với con người và xã hội Nam Bộ đương thời.
- Về tu Nhân: Với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, tu Nhân là cơ
sở của đạo
làm người, là tiền đề giúp con người tự rèn luyện phẩm chất, đức hạnh. Tu Nhân
là yêu cầu bắt buộc đối với tín đồ của tôn giáo này. Do đó, ông
Đoàn Minh Huyên luôn khuyên tín đồ và dân chúng thực hành Tứ ân để
khơi dậy lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ; lòng yêu
quê hương đất nước; lòng biết ơn Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); lòng yêu
thương giữa con người với con người trong xã hội, và mục đích cuối
cùng của việc tu hành là sự giải thoát.
Nếu như phần học Phật của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
tiếp thu và cải
biên từ Phật giáo, thì phần tu Nhân của tôn giáo này tiếp thu và cải biên
từ Nho giáo.
Tu nhân được Phật Thầy giảng giải là quá trình tự rèn
rũa tâm tính của mỗi con người trong cuộc sống và phải luôn tâm niệm làm lành,
lánh dữ để tu nhân tích đức. Việc Tu nhân là nhằm dẫn dắt con
người ta trong cơn mê lạc được trở về với con đường lương thiện, chính đạo, phù
hợp với luân thường đạo lý, theo đúng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Để
mọi người dễ hiểu và dễ thực hiện hơn, Phật Thầy khuyên mọi người việc Tu
nhân không phải là điều gì cao siêu mà chính là việc thực hành Tứ
ân điều này có nghĩa là phải coi trọng việc báo đáp bốn ân huệ lớn mà
chúng sinh được hưởng là : ân tổ tiên, cha mẹ; ân đất nước; ân tam
bảo; ân đồng bào nhân loại (Tứ đại trọng ân). Đối với tín đồ Bửu Sơn
Kỳ Hương thì Tứ ân chính cốt đạo, là nội dung căn bản của giáo
lý chi phối đời sống tư tưởng của họ.
2.2. Quan niệm Tứ ân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
Tứ ân là căn cốt giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương. Quan niệm Tứ ân được ông Đoàn Minh Huyên kế thừa từ Phật giáo, nhưng đã
Việt hóa nội dung và tên gọi để cho người dân hiểu rõ hơn. Tứ ân trong đạo Bửu
Sơn Kỳ Hương, hướng đến các nội dung cốt yêu như sau:
- Ân tổ tiên, cha mẹ lên hàng đầu (kế thừa từ ân phụ mẫu của
Phật giáo), Ông thường nói ta có thân này trên cõi đời là nhờ công ơn cha mẹ đã
dày công cực khổ nuôi nấng, chăm nom dạy dỗ mà không sao kể siết, trên nữa là
có ông bà, tổ tiên, gia tộc nội ngoại, vì vậy ta phải luôn tự rèn luyện bản thân,
sống có đạo lý để tổ tiên được mát mẻ, yên lòng, phải hiếu nghĩa khi chăm sóc
phụng dưỡng cha mẹ, hoà thuận với anh em để cha mẹ vui lòng.
Tổ tiên, cha mẹ còn là người dựng nghiệp gia
đình giúp cho con cháu đời sau kế thừa. Cho nên, bổn phận của con cháu là phải
biết ơn tổ tiên cha mẹ, phải giữ gìn nghiệp gia đình.
Nhớ ơn tổ tiên, cha mẹ là một nét đẹp của văn
hóa truyền thống Việt Nam, không chỉ củng cố mối quan hệ huyết thống trong mỗi
gia đình, mỗi dòng tộc, mà còn khẳng định tính cộng đồng làng xã, góp phần bảo
đảm sự ổn định, phát triển cho cả dân tộc. Do ân tổ tiên, con cháu có điều kiện
tưởng nhớ đến quá khứ, gửi gắm tình cảm của mình để thực hiện đạo lý “Ăn quả
nhớ kẻ trồng cây”. Đây là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tưởng nhớ tổ tiên không chỉ là ôn lại quá khứ, mà còn là điều kiện giúp con
cháu noi gương cha ông, sống sao cho không phải hổ thẹn với tiền nhân.
Dựa trên quan điểm truyền thống ấy, ông Đoàn
Minh Huyên đã lồng ghép đạo nghĩa đền ơn tổ tiên cha mẹ vào giáo lý của tôn
giáo mình để khuyên dạy tín đồ và người dân. Rõ ràng, quan điểm ân tổ tiên, cha
mẹ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (và sau này là của một số tôn giáo nội sinh khác ở
Nam Bộ như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo) mang đậm truyền thống văn hóa
tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
- Ân đất nước (tức
ân quốc vương thủy thổ của Phật giáo), người sinh ra chúng ta là cha mẹ chúng
ta. Nhưng chúng ta tồn tại trên thế gian lại phải nhờ đất nước quê hương. Bởi
vì, đây là nơi đã cưu mang, đùm bọc, che chở cho thân chúng ta được yên, nhà
chúng ta được vững. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời vào lúc xã hội phong kiến Việt
Nam suy tàn, thực dân Pháp xâm lược, đời sống người dân lầm than khổ cực. Trước
tình hình đó, ông Đoàn Minh Huyên đã khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tự hào
về nòi giống, kêu gọi mọi người đứng lên chống giặc ngoại xâm để đền ơn đất
nước, bảo vệ thành quả của cha ông. Theo đó, ân đất nước là việc của mọi người
dân, mọi tín đồ tôn giáo trên đất nước Việt Nam. Do vậy, mọi người phải có bổn
phận và trách nhiệm đền đáp, cố gắng bảo vệ, thậm chí có thể hy sinh cho quê
hương đất nước.
- Ân Tam Bảo (Phật-Pháp-Tăng),
với quan niệm Phật-Pháp-Tăng là bậc giác ngộ sáng suốt dẫn dắt chúng sinh thoát
khỏi u mê, lầm lạc, mở lòng từ bi cứu độ, cứu khổ. Làm đúng pháp Phật dạy là
tránh loài ngạ quỷ trong mỗi chúng ta, còn chư tăng giúp cho chúng ta biết được
đâu là tà ác, tội lỗi, đâu là thiện là phước để chúng ta bỏ con đường tà đạo mà
một lòng theo chánh đạo.
Quan điểm ân Tam bảo của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương
cũng giống như ân Tam bảo của Phật giáo. Để các tín đồ hiểu biết và thực hiện
tốt ân Tam bảo, ông Đoàn Minh Huyên chia vấn đề này thành hai phương diện. Về
phương diện vật chất, con người được sinh ra, được nuôi dưỡng là nhờ tổ tiên
cha mẹ, tồn tại và phát triển được là nhờ quê hương đất nước. Còn về phương
diện tinh thần, để có được sự sáng suốt, thông minh trong cuộc sống, con người
phải nhờ ơn Tam bảo, tức là ân Phật bảo, ân Pháp bảo và ân Tăng bảo.
Ông Đoàn Minh Huyên lý giải vấn đề này như
sau: Vì mục đích cứu độ chúng sinh, Đức Phật bỏ quốc thành, thê tử, xuất gia
tầm đạo giải thoát. Khi thành đạo, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp độ sinh, lưu
truyền chính pháp với mong muốn cứu vớt được nhiều sinh linh ra khỏi vòng trầm
luân. Nhờ giáo pháp của Đức Phật mà chúng ta biết đường tu hành thoát ly sinh
tử; nhận rõ lý về vũ trụ, từ đó phân biệt được tà chính. Do vậy, để thực hiện
tốt ân Tam bảo, theo ông Đoàn Minh Huyên, bổn phận của tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương là phải noi theo chí đức của bậc tiền nhân, sống và hành đạo theo tinh thần
mà họ khuyên dạy, tiếp tục phát huy tinh thần đó để mở mang trí óc, dẫn lối chỉ
đường cho con người thoát khỏi bể khổ.
- Ân đồng bào nhân loại (kế
thừa ân chúng sinh trong Phật giáo), Phật Thầy dạy đồng bào nhân loại là những
người đã cưu mang giúp đỡ chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, là cùng một nòi
giống con Hồng, cháu Lạc với ta, sướng cùng hưởng, hoạ cùng chịu với ta, cùng
một tổ quốc, dân tộc. Chính vì vậy ta phải thương yêu, đùm bọc lấy nhau trong
nghĩa đồng bào, còn nhân loại là cộng đồng người trên cùng trái đất này đã chia
sẻ tình người với chúng ta trong lúc hoạn nạn, nguy nan nên chúng ta phải cảm
cái ân đó mà đối nhân xử thế. Ông Đoàn Minh Huyên giải thích, con người lúc mới
lọt lòng mẹ phải chịu ơn nhiều người xung quanh mình. Khi lớn lên, đi học, đi
làm, tham gia các hoạt động xã hội, sự chịu ơn của con người cũng lớn dần theo
năm tháng. Ít nhiều trong xã hội, chúng ta đều hưởng thành quả lao động của
đồng bào, rộng hơn nữa là nhân loại. Do đó, trong cuộc sống, chúng ta phải biết
yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Bởi vì, chúng ta có cùng màu da, cùng tiếng nói,
cùng tồn tại trên quê hương đất nước. Như thế mới gọi là đền đáp ân đồng bào
nhân loại.
Quan điểm đó của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương hoàn
toàn phù hợp với truyền thống yêu thương con người của dân tộc Việt Nam từ xa
xưa. Việc lồng ghép giá trị văn hóa truyền thống vào giáo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương, ông Đoàn Minh Huyên luôn khuyên tín đồ của mình phải sống chân thành với
nhau, mưu cầu hòa bình, hạnh phúc, không nên phân biệt màu da, chủng tộc.
Các pháp môn học Phật tu Nhân và báo đáp Tứ ân
của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã làm thức tỉnh những người nông dân nghèo ở Nam Bộ,
giúp họ có động lực tham gia vào các công việc xã hội như khai hoang lập ấp,
tham gia vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, góp phần giải phóng dân tộc.
Khi tín đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thấy rõ
nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với đời (gia đình, đất nước, cộng đồng và
xã hội), họ có ý thức đền đáp ơn nghĩa đã nhận từ tổ tiên, cha mẹ, đất nước,
Tam bảo, đồng bào nhân loại. Đây là cách giúp họ hiểu đạo, qua đó dẫn dắt họ
đến chỗ thoát tục, tự tìm thấy con đường giải thoát. Có người cho rằng, đời và
đạo là hai con đường khác biệt, tồn tại song song và không thể trộn lẫn vào
nhau. Bởi vì, một số người theo đạo cố ý bỏ quên việc đời. Họ cho rằng, họ phải
chuyên tâm tu tập khổ hạnh, phải xa lánh trần tục. Quan điểm như thế hoàn toàn
không phù hợp với tôn chỉ hành đạo của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ở tôn giáo này,
đạo không thể ở ngoài đời và đời không thể không có đạo. Hai yêu tố này có mối
quan hệ khăng khít, tồn tại song trùng, tác động lẫn nhau.
3. Kết luận
Sự ra đời và phát triển của đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương vào giữa thế kỷ XIX tại Nam Bộ là một hiện tượng phù hợp với xu thế khách
quan. Lịch sử cho thấy, tín đồ của tôn giáo nội sinh này luôn có truyền thống
yêu nước, gắn bó với dân tộc, đóng góp nhiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
đất nước.
Xét trong bối cảnh lịch sử xã hội Nam Bộ lúc
bấy giờ, sự ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh
của một bộ phận khá đông đảo người dân. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã làm tròn vai
trò tập hợp nhân dân, giảng dạy cho họ những giá trị đạo đức truyền thống, đưa
họ trở về với dân tộc. Tôn giáo này, do vậy đã ảnh hưởng quan trọng trong đời
sống tinh thần của người dân Nam Bộ không chỉ trong những giai đoạn thịnh hành
trước đây, mà còn đến tận ngày nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Bích Hợp (2007), Người Nam Bộ và tôn
giáo bản địa (Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo), Nxb. Tôn giáo.
2. Trần Trọng Kim (2008), Nho giáo, Nxb. Văn
hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Nguyễn Thanh Xuân (2013), Một số tôn giáo ở
Việt Nam, Nxb. Tôn giáo.