Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất An
Giang xưa, có thể nói Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An) là một trong những
nhân vật rất đặc biệt, có sức ảnh hưởng rất lớn mà cho đến ngày nay, người dân
An Giang vẫn rất kính trọng và tôn thờ. Vậy những đóng góp của Đoàn Minh Huyên
trên vùng đất An Giang này là gì ?
Đó là: ông có công rất lớn trong việc trị bệnh và vận động
nhân dân khai hoang lập ấp ở vùng đất Nam Bộ xưa (trong đó có An Giang), trị
bệnh, thành lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương mà nội dung là Tứ ân hiếu nghĩa: nói về
đạo làm người, các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam thuở xưa. Trong
khuôn khổ của Hội thảo kỷ niệm về nhân vật lịch sử Đoàn Minh Huyên, chúng tôi
xin đề cập vài nét về tiểu sử của Đoàn Minh Huyên, qua đó làm rõ hơn những dấu
ấn của ông đối với việc trị bệnh, khẩn hoang vùng đất An Giang xưa để từ đó
giúp cho giới trẻ hiện nay và mai sau hiểu biết nhiều hơn và cụ thể hơn về Đoàn
Minh Huyên, từ đó làm cho nhân dân An Giang thêm yêu quý xứ sở, ra sức làm tròn
nghĩa vụ xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp.
1. Phật
Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên: con người và sự nghiệp
Trước khi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Đoàn Minh
Huyên ở vùng An Giang xưa thì chúng ta hãy tìm hiểu sơ lược về tình hình
ViệtNam (nhất là miền Tây Nam Bộ - quê hương của Đoàn Minh Huyên) vào nửa
đầu thế kỷ XIX. Trong nửa đầu thế kỷ XIX vào thời Nguyễn, người dân Nam Bộ
(nhất là miền Tây) đã phải gánh chịu 3 biến động lớn : đầu tiên là bị bắt
đi lính cho triều đình, thứ hai là dịch bệnh hoành hành, bệnh tật triền miên đe
dọa mạng sống của họ; thứ ba là mâu thuẫn với người Chăm, Cao Miên (Campuchia)
khi họ (Chăm, Cao Miên) di cư vào sinh sống.
Về việc nhân dân bị triều đình bắt lính, bệnh tật triền miên
thì có thể nói từ sau khi được thành lập, triều đình Nguyễn luôn phải chống đỡ
các cuộc nổi dậy của nông dân (trong suốt 3 triều vua đầu tiên đã có gần 1.000
cuộc khởi nghĩa nổ ra) trong nước và nạn ngoại xâm. Do là một triều đại được
lập nên sau thắng lợi trước quân Tây Sơn, triều Nguyễn một mặt tăng cường quyền
lực cho trung ương - địa phương, mặt khác thực hiện chính sách bảo hộ
Viengtiane (Lào) và Oudong (Campuchia) chống lại ảnh hưởng của Xiêm lên hai
quốc gia này. Ngoài ra, để tăng cường bảo vệ biên giới Tây Nam, triều đình nhà Nguyễn
huy động khoảng 3 vạn dân phu (trong tổng số dân là 79.092 người ở Tây Nam Bộ -
số liệu năm 1847) đi đào kênh Thoại Hà (1817), Vĩnh Tế (1819)…; việc huy động
dân đi phu nhiều như thế đã làm hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều
người đi phu do không chịu nổi điều kiện sống khắc nghiệt nên họ bị nhiễm bệnh,
bị thú dữ ăn thịt. Không chịu nổi cảnh sống cơ cực này, nhiều người nông dân đã
nổi dậy khởi nghĩa, tiêu biểu là khởi nghĩa của Lê Văn Khôi (1833 - 1835) ở
Phiên An; khởi nghĩa Hà Âm (1839 - 1842), Vĩnh Tế - Ba Xuyên (1841), Trà Vinh
(1842)…
Một vấn đề nữa gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Nam
Bộ trong thời gian này đó là việc lưu dân người Việt ở Bắc Bộ, người Chăm ở
Trung Bộ và người Khmer, người Hoa tràn vào sinh sống. Tính đến
thờiNguyễn, Nam Bộ là vùng đất được các lưu dân này khai khẩn gần như
hoàn thành. Ở vùng Tây Nam Bộ, người Việt đã khai phá và lập các làng tại những
nơi có đồn an ninh như: Châu Đốc đạo, Tân Châu đạo, Đông Khẩu Đạo (Sa Đéc)….
Đến thời Tự Đức, họ lập thêm 4 đồn điền (An Võ, An Dõng, An Biên, An
Ninh) và hơn 100 làng khác. Bên cạnh đó, người Hoa và người Thiên Chúa, người
Khmer cũng vào khai hoang, lập nên các làng mạc. Theo sử cũ, người Hoa tập
trung nhiều ở Sa Đéc, Cái Tàu Hạ, Cái Tàu Thượng, Chợ Mới. Người Việt theo Thiên
Chúa tập trung ở Long Hưng, Cái Đôi, cù lao Tây, cù lao Giêng…. Người Chăm thì sống ở vùng Châu Giang, Cỏ Tầm Bon... Cùng sinh sống chung trên một
vùng đất đang khai phá (Nam Bộ), những lưu dân này (Việt, Hoa, Chăm) ít nhiều
có sự giao lưu lẫn nhau. Bên cạnh mặt tích cực, sự giao tiếp này cũng có nhiều
mặt tiêu cực, mặt không tốt như đe dọa phong tục, nếp sống truyền thống tốt đẹp
của dân tộc, khiến những người quan tâm phải lo ngại.
Đó là hoàn cảnh lịch sử Việt Nam lúc đó, một hoàn cảnh rất
đặc biệt tạo điều kiện cho Đoàn Minh Huyên - một con người từ lâu không tên
không tuổi, luôn mai danh ẩn tích nơi đâu đó không ai biết được - đứng lên làm
nhiều việc có lợi để giúp dân, cứu nước và giúp đời.
Đoàn Minh Huyên (1807
- 1856) sinh ở làng Tòng Sơn thuộc Cái Tàu Thượng (có tài liệu viết là tổng An
Thạnh Thượng), Sa Đéc (nay thuộc xã Mỹ An Hưng
A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) vào giờ Ngọ ngày rằm tháng Mười năm Đinh Mão
1807 (chiếu theo Dương lịch hiện nay là ngày 14/11/1807), tức năm Gia Long thứ
tám. Về họ tên ông, theo một số tài liệu chúng tôi thu thập được,
chúng tôi xác định ông có họ là “Đoàn”, tên là “Văn Huyên”. Về họ “Đoàn”,
trong Sấm truyền Đức Phật thầy Tây An, Nguyễn Văn Hầu
viết: “Dòng họ của Đức Phật Thầy lúc bấy giờ (khoảng năm 1849) chỉ có vài
người, nhưng trong vài người ấy, ông Đoàn Văn Điểu và
ông Đoàn Văn Viên (có người gọi là Đoàn Văn Thuyên), cũng
không nhận diện được Ngài. Ngài phải nói hết căn cư do lưu lạc, việc tu hành
của Ngài như thế nào, thì anh em mới nhìn được nhau”. Tên “Minh Huyên”
là pháp danh của ông khi thọ Phật ở chùa Tây An. Mộ bia của
ông ở chùa Tây An viết rõ: “Tự Lâm Tế gia chư thiên phổ tam thập bát thê, ỳ
thượng Pháp hạ Tạng tánh Đoàn, pháp danh Minh Huyên đạo
hiệu giác linh chi miễn tọa”. chữ “Minh” không phải tên lót mà là một chữ trong
bài kệ của phái Lâm Tế: “Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên Minh Như
Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên... (chúng ta lưu ý các chữ trong bài kệ này
là tên dùng để đặt pháp danh cho đệ tử khi họ theo Sư thầy, nhà Phật). Tên
“Đoàn Minh Huyên”, chính là pháp danh của ông khi ông thọ giáo ở chùa Tây An
chứ không phải tên thật như nhiều người lầm tưởng.
Về tuổi thơ của ông, nhiều tài liệu cho biết ông thuở nhỏ đã
sống với song thân (hiện chưa rõ lai lịch) và hai
người anh chú bác là Đoàn Văn Điểu và Đoàn Văn Viên ở quê nhà. Khi cha
mất, người chú/bác (?) đã chiếm đoạt tài sản trong gia đình và đuổi hai mẹ con
ông ra khỏi nhà. Vì không đủ tiền sinh sống, mẹ ông phải bán trầu nuôi bản
thân và con mình cho đến khi bà qua đời. Mộ của bà hiện ở Cái Nai (cách Tòng
Sơn 3000 thước), không bia mộ và mộ này có đặc điểm khá lạ: cứ mỗi năm nước
dâng lên cao thì mộ tự động cao lên dù không ai bồi đắp lên bao giờ nên mộ
không bao giờ ngập úng; điều kỳ lạ hơn nữa là ở mộ đó, cỏ không mọc được và
trâu bò cũng không dám đi vào phá hoại, điều đó nói lên sự “thần thánh hóa”
ngôi mộ, mộ được thần linh bảo vệ để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt”. Người
đời sau gọi mộ này là mộ Phật Mẫu với hàm ý tôn kính, trọng
thân mẫu của Phật Thầy (về sau thì lập đền thờ).
Về phần mình thì sau khi mẹ mất, ông đi đâu và làm gì hiện
cũng chưa được rõ. Căn cứ theo lời của các bô lão trong làng khi xưa ông đã
sống thì sau khi mẹ mất, ông đã bỏ nhà ra đi lúc tuổi còn rất nhỏ (8 - 10 tuổi)
và đi đến một nơi thật xa. Nhưng ông đã đi đâu và làm gì thì không ai được biết
rõ. Song, căn cứ vào những lời sấm giảng thì trước khi trở về Tòng Sơn (năm
1849) thì ông đã ra đi và gần như chu du khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh: đến Gò Công
năm 1844, rồi sang Mỏ Cày, Bến Tre, Cần Chông, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,
Rạch Giá, Thất Sơn…. và cả vùng Gia Định. Chùa
Long Thạnh ở Tân Tạo - Bình Chánh tương truyền là nơi cụ Đoàn Minh Huyên thường đến và có
quan hệ mật thiết với các thiền sư ở đây.
Năm 43 tuổi (1849), nhiều nơi trong nước bị dịch tả hoành
hành dữ dội, hễ ai mắc bệnh là chết, thầy thuốc vô phương cứu chữa. Theo thống
kê, vào năm 1849 - 1850, cả nước có 58 vạn người chết vì dịch tả. Họ sống trong
lo âu “hôm nay mình liệm người, chẳng biết ngày mai có ai tẩm liệm mình không”.
Giảng xưa:
Tháng Tám ôn dịch rất nhiều
Thiệt năm Kỷ Dậu dương trần liêu
điêu.
Biết được tin xấu này, ông lập tức trở về quê nhà ở Tòng Sơn
(đầu năm 1849) để nghĩ cách cứu dân. Tương truyền ông đã tạm trú sau hè đình
làng, thay đổi trạng thái: không làm ăn, nói năng hư hư thực thực, làm người
không bình thường… cốt gây sự chú ý của dân làng; nhưng hành động cứu dân của
ông chẳng những không được dân chúng Tòng Sơn hoan nghênh mà họ còn tìm cách
xua đuổi ông ra khỏi làng. Bất mãn, ông chèo xuồng ra ra đi đến nơi khác trị
bệnh ở vùng Trà Bư, Xẻo Môn (cách Cái Tàu Thượng khỏang 7, 8 km), rạch Dứa
(Tân Phước), Mỹ Hưng (khỏang đầu cù lao Giêng), Cái Tre (ven Đồng Tháp Mười)...
rồi đến đình làng Kiến Thạnh (xưa thuộc làng Long Kiến; nay thuộc xã Long
Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ở đình làng Kiến Thạnh, ông bí mật ngồi
trên bàn thờ Thần của đình. Một buổi sớm tinh sương, khi ông từ cửa đình theo
thường lệ phải vào quét dọn đình thì ông từ bất ngờ thấy một người đang ngồi
thiền trên bàn thờ. Bất giác, ông từ toan đi báo cho dân biết nhưng người đó
ngăn lại và người đó (đang ngồi thiền) tự xưng là Phật Thầy, tình nguyện chữa
bệnh cho dân. Sẵn có con ông Cả bị táo bón (ỉa mửa), ông đã chữa hết bệnh luôn.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân khắp nơi ùn ùn kéo đến xin ông trị bệnh. Một
điểm đặc biệt trong việc chữa bệnh của ông đó là ông dùng toàn là nước lã, bao
nhang, giấy vàng… trị bệnh (khác với những nhà y học trước kia - sẽ nói rõ ở
phần sau). Ở đình được 3 hôm, ông dời về cốc ông đạo Kiến (nền chùa Tây An nay)
tiếp tục trị bệnh. Để cứu dân, ông đã đi khắp nơi để chữa bệnh, chia và phát
thuốc đều đặn cho nhân dân; đồng thời dặn người bệnh trước khi uống thuốc phải
vái lạy Phật Trời - mong Phật Trời phù hộ để mau hết bệnh; dặn họ sống ngay
thẳng, tu tâm dưỡng tính và đừng làm điều giả dối. Danh tiếng ông ngày càng
vang dội, rất nhiều người đã đến trị bệnh và xin quy y; dưới sông đông nghẹt
xuồng ghe, trên bộ người lui kẻ tới tấp nập. Và cũng chính vào năm này (1849),
ông chính thức khai sinh ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương với phương pháp hành đạo rất
đơn giản.
Chính sự tập trung đông đảo thời kỳ này đã làm chính quyền An
Giang thời ấy, đứng đầu là tổng đốc An Giang nghi ngờ
ông là gian đạo sĩ, tập hợp dân lại để chuẩn bị làm loạn nên vào khoảng cuối
năm 1849 đã cho quân lính bắt ông đưa về Châu Đốc câu lưu để điều tra. Sau một
thời gian tra xét và thử thách… bằng nhiều cách, thấy không đủ chứng cứ để buộc
tội, chính quyền buộc phải thả ông ra. Tuy nhiên để tiện kiểm soát hoạt động
của ông, chính quyền đã cho người đưa ông vào tu hành ở chùa Tây An do
thiền sư phái Lâm Tế là Tiên Giác - Hải Tịnh (1847 - 1875) quản lý. Tại chùa,
ông lấy pháp danh là Minh
Huyên và đạo hiệu là Pháp Tạng. Nghe tin ông đã đến quy y ở chùa Tây
An, người dân đến trị bệnh, nghe thuyết giảng Phật pháp, quy y ngày càng nhiều.
Ông cũng thu nhận nhiều đệ tử có tài đức cao, uy tín lớn trong trị bệnh, cứu
dân như Quản Thành (Trần Văn Thành), Đình Tây (Bùi Văn Tây), Tăng chủ (Bùi Văn
Thân), Đạo Ngoạn (Đặng Văn Ngoạn), Đạo Lập, Đạo Xuyến… và trong số đó, nhiều
người do xem cụ là “Phật sống” nên gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An.
Mặc dù bị chính quyền quản thúc chặt chẽ, nhưng ông vẫn tiếp
tục đi khắp nơi để trị bệnh và truyền bá tín điều tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương mà
ông khai sáng vào năm 1849. Một hoạt động nổi bật trong cuộc đời Đoàn Minh
Huyên, ông không chỉ là người trị bệnh cho dân, mà ông còn kêu gọi nhân dân
khai hoang dẫn tới hình thành 4 dinh điền lớn (ông gọi là “trại ruộng”) là Đồng
Tháp Mười, Thới Sơn (Tịnh Biên), Láng Linh và Cái Dầu (đều thuộc huyện Châu
Phú). Ông mất ngày 10/9/1856 (nhằm ngày 12/8 âm lịch) tại chùa Tây An. Mộ của
ông ở phía sau chùa Tây An, không đắp nấm như lời dặn của ông. Hằng năm cứ đến
ngày giỗ (12/8 âm lịch) của ông, các tín đồ (khoảng 3 vạn người) viếng thăm và
phúng điếu ông tại chùa Thới Sơn, cúng bái tại trại ruộng Thới Sơn là nơi mà
ông cùng 2 đại đệ tử là Tăng chủ và Đình Tây có công khai phá.
2. Những
đóng góp của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên trong việc trị bệnh và khai phá,
lập làng ở vùng đất An Giang xưa
2.1. Trong
việc trị bệnh
Về hoạt động trị bệnh thì có thể nói, Đoàn Minh
Huyên (Phật Thầy Tây An) là một thầy thuốc, danh y xuất sắc của nhân dân tỉnh
An Giang. Vào thế kỷ XIX, vùng đất Nam Bộ tuy đã được lưu dân người Việt khai
phá và tạo dựng các làng mạc khá nhiều, nhưng do vùng này còn rất hoang sơ, khí
hậu nóng bức, ẩm thấp đã tạo điều kiện phát sinh các bệnh được coi như thảm họa
của người dân Nam Bộ thời đó là bệnh thời khí, bệnh tâm thần và đặc biệt là
bệnh tả. Theo những thống kê không chính thức thì trong những năm đầu thời
Nguyễn (thế kỷ XIX), đã có hàng chục nghìn người chết vì đại dịch này và nó đã
làm các thầy thuốc nước ta khi chữa trị cho người bị bệnh tả thời đó phải bó
tay vì không tìm ra nguyên nhân, không tìm ra được cách chữa trị phù hợp. Trong
hoàn cảnh đầy khó khăn này, Phật Thầy Tây An - một con người tài phép của An
Giang xuất hiện. Sau một thời gian đi xa về, ông có những hành động bất thường và tình nguyện trị bệnh cho dân. Hành động không bình thường của
ông đang làm đau đầu nhiều nhà khoa học, khi họ muốn tìm hiểu về khả năng và
sức mạnh tiềm ẩn của con người.
Khi trị bệnh, ông đã tiến hành bốc thuốc và thực hành các
phương cách để trị bệnh cho người dân bị bệnh. Về bốc thuốc trị bệnh thì ông
tiến hành rất lạ: nước lã (chắc là nước lạnh), giấy vàng, bao nhang để trị
bệnh. Việc ông dùng nước lã trị bệnh thì cũng có nguyên do của nó. Thứ nhất,
nước lã trong Đông y là phương thuốc chữa trị bệnh hữu hiệu (chữa được
khoảng 50 loại bệnh khác nhau); Thứ hai là ông dùng nước làm
thuốc là làm bớt gánh nặng chi phí mua thuốc của người dân lúc đó. Người dân
Nam Bộ còn nghèo, chi phí thuốc lại đắt đỏ nên hầu hết họ không đủ tiền để mua
nên họ chỉ mua những gì hợp túi tiền mà lại rẻ (thuốc thì chuộng cái rẻ). Đánh
trúng tâm lý người dân chuộng rẻ, mặt khác ông rất thông cảm đời sống còn khó
khăn của người nông dân nên ông bốc và phát thuốc miễn phí mà không lấy tiền
của dân. Thứ ba là thứ thuốc “nước” này có thể tìm thấy khắp
mọi nơi trên vùng sông nước Cửu Long rộng lớn. Người ta lấy nước, đem cúng theo
lời Phật Thầy là chữa bệnh được. Đoàn Minh Huyên dùng nước lã (lấy từ nước
sông, nước mưa, nước giếng…) đổ vào trong những chum nước nhỏ, đặt vào bàn thờ
Thần ở trong cốc ông đạo Kiến rồi cúng bái để trừ mọi bệnh tật, làm người
dân hoàn toàn khỏe mạnh. Tiếng lành đồn xa, nghe tin Phật Thầy có tài chữa hết
bệnh cho dân nên nhiều người từ khắp nơi kéo về cốc ông đạo Kiến ở An Giang xin
ông chữa bệnh. Họ đến nườm nượp, chen chúc nhau tạo nên quang cảnh náo nhiệt:
Dầm trời thiên hạ như mưa,
Ban mai đến tối phát chưa rồi bùa.
Người đi tới trước vô chùa,
Mấy người tới trễ lạy đùa ngoài sân.
Kẻ lui người tới rần rần…
Họ nườm nượp kéo đến chỗ ông như là đang đi xem hội, nhang
khói xông lên nghi ngút. Họ đến xin liên tục làm ông không kịp làm thuốc, phát
thuốc (vì quá nhiều làm không xuể); thấy thế nhiều người đã tình nguyện thay
ông phát thuốc cho người bệnh. Phật Thầy sử dụng nước lã, tro nhang phát cho
người bệnh. Khi tro nhang đã sắp hết, ông lấy giấy vàng rồi xé nhỏ thành từng
mảnh nhỏ cỡ chừng 1 ngón tay; có khi lấy luôn cây ngũ sắc chặt làm thuốc chữa
bệnh luôn. Cách trị bệnh của ông rất thần diệu:
Phù linh hay tợ thuốc Tiên,
Bịnh chi Thầy cũng độ yên muôn ngàn.
Hết phù Thầy bước lại bàn,
Thỉnh bông cúng Phật chưng nhang âm
phù.
Bệnh gì cũng vậy, ông chỉ cho người bệnh uống phù (không rõ
là gì, chắc là nước cúng – nước phép), chưng nhang và hoa tươi cúng Phật, thế
là hết bệnh. Đối với bệnh tà ma (bệnh chướng khí) thì ông cũng trị như thế:
chưng nhang, cúng và cho người bệnh uống nước phép để giải trừ yêu ma. Nhưng mỗi khi chữa bệnh nào, ông (Đoàn Minh Huyên) luôn căn
dặn người bệnh phải sửa chữa tính tình và biết điều nhân nghĩa (ngay thẳng),
ngay thảo mẹ cha và kính thờ Trời Phật. Sở dĩ ông làm điều này vì người dân bấy
lâu nay sống mê muội, tham dục và tin vào những điều mê tín dị đoan nên sợ chết
chóc, sợ tai ương. Nhận thức điều này, Phật Thầy không thể dùng giáo lý của
Phật để thu phục mà lợi dụng lòng tin của người dân vào điều lạ (thần bí) dẫn
dắt họ rời khỏi nơi tà tưởng về nơi chính tín. Họ (người dân) ngoài đời sống u
mê, tham dục nên lúc nào cũng sợ chết. Thế nên, ai có khả năng cứu họ khỏi sự
chết thì dù với điều kiện khó khăn nào họ cũng ưng thuận. Bệnh thời khí phát
sinh, chính là cơ hội để Phật Thầy hóa độ những người như thế (tham dục, u mê);
lợi dụng cái lòng sợ chết mà ông dẫn dắt họ vào đường đạo hạnh. Tương truyền,
khi chữa bệnh xong, ông còn dặn bệnh nhân về nhà phải lập bàn thờ và năng niệm
Phật, thờ kính mẹ cha và tin tưởng Phật, ăn ở ngay thật. Gặp bệnh nào không trị
được thì ông dạy họ luật nhân quả báo ứng.
Dần dần, Phật Thầy chỉnh đốn cái cốc thành cái chùa và dạy
dân nghi thức thờ phụng đơn giản: chưng nhang, hoa, đèn và nước lã; thờ tấm
trần điều (khác hẳn việc thờ phụng nhà chùa Phật). Chính vì chữa bệnh hay,
nhiều người hết bệnh nên người dân tứ xứ nườm nượp đến xin Thầy chữa bệnh.
2.2 Trong
việc khai phá, lập làng ở vùng đất An Giang xưa
Như chúng ta đã biết, Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên không
chỉ có đóng góp trong việc chữa bệnh cho dân, mà còn có nhiều đóng góp lớn
trong việc kêu gọi nhân dân khai hoang, lập làng trong vùng đất An Giang. Theo
ý kiến của chúng tôi, đóng góp lớn nhất của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên
trong khai hoang, lập làng ở An Giang đó là ông đã chiêu tập, tổ chức các đoàn
khai hoang gồm nhiều người dân dưới sự dẫn dắt của những đệ tử thân tín đi khai
phá các vùng xa xôi, hẻo lánh do Phật Thầy chỉ định. Tại những nơi đang khai
phá, Phật Thầy đã thông qua các đệ tử của mình để truyền đạt những lời hướng
dẫn, những hành động cụ thể cho người dân khi khai hoang, lập làng ở các vùng
đất do Thầy chỉ định; đó là phải chế ngự thiên tai, thú dữ, thành lập các “trại
ruộng” (một hình thức làm ăn tập thể theo kiểu hợp tác xã nông nghiệp)cho dân
sinh sống ổn định, yên tâm sản xuất. Chúng ta đi sâu vào cụ thể:
Năm 1850 – 1851, để tránh sự nghi kỵ của chính quyền An
Giang, Phật Thầy Tây An ra lệnh cho các đệ
tử và tín đồ của mình tập trung lại thành nhiều nhóm đi đến những vùng xa xôi
để khai phá đất hoang, thành lập “trại ruộng”. Tương truyền trong năm đó (1851),
Ngài chia các nhóm đệ tử thành 4 đoàn:
- Đoàn khai hoang thứ nhất do Đình Tây, Tăng Chủ chỉ
huy tiến vào vùng Thất Sơn, bên chân núi Két; lập trại ruộng Hưng Thới và Xuân
Sơn.
- Đoàn khai hoang thứ hai do Ông Quản Thành tức Đạo
Thành điều khiển, tiến về vùng Láng Linh và thành lập trại ruộng Bửu Hương Các.
- Đoàn thứ ba do Đạo Ngoạn (Đặng Văn Ngoạn) chỉ huy, đến
khai phá vùng ven rạch Trà Bông, trong lòng Cần Lố, lạch Ông Bường ở Đồng Tháp
Mười.
- Đoàn thứ tư do Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến) chỉ huy, tiến
vào khai phá vùng Cái Dầu ở hữu ngạn sông Hậu.
Đứng đầu các đoàn khai phá thời kỳ này là những vị đệ tử
thân tín của Phật Thầy, họ có đức độ và đạo hạnh, nhiều tài năng và phép thuật,
nên dễ dẫn dắt người dân đi theo khai phá và lập làng; trong số đó cần phải kể
đến là Đình Tây, Tăng Chủ, Đạo Ngoạn…
Những hoạt động
của các tín đồ Phật Thầy trong việc khai phá và lập làng ở An Giang đã khẳng
định chắc chắn một phần nào những đóng góp quan trọng của Đức Phật Thầy Tây An
– người con “đặc biệt” mà nhân dân An Giang hằng quý mến và kính trọng – đối
với việc khai hoang, lập làng ở An Giang xưa. Hình thức “trại ruộng”, hình
thành trong hoạt động khai phá của ông (thông qua các đệ tử thân tín), chính là
nét rất đặc biệt và cũng là quan trọng nhất của ông trong công cuộc khai phá,
mở rộng vùng đất An Giang xưa. Thông qua “trại ruộng”, ông góp phần giúp cho
người dân Nam Bộ thuở mở đất khai hoang phải biết chế ngự những khó khăn do
thiên tai, thú dữ đe dọa; đồng thời tổ chức cho người dân biết làm ruộng, trồng
hoa màu, lập lại cấu trúc làng xã Nam Bộ ở An Giang với những luật lệ rất cởi
mở (không hoặc ít khi cấm cản họ), khuyến khích họ khai hoang; và đồng thời
cũng lợi dụng hoạt động lập làng này để tuyên truyền, giáo dục họ lối sống,
cách ăn ở, đối nhân xử thế và luật nhân quả… rất phù hợp với tình hình Nam Bộ
lúc đó, phù hợp với những giáo lý – điều răn dạy mà Phật Thầy giảng dạy cho các
tín đồ khi họ còn ở vùng Tòng Sơn ngày xưa. Và chúng tôi cũng khẳng định rằng,
những đóng góp của Đức Phật Thầy Tây An đối với vùng đất An Giang xưa sẽ góp
phần làm vùng đất An Giang này ngày càng phát triển và đạt nhiều thành tựu rực
rỡ về mọi mặt.
Tóm lại qua bài viết này, tác giả đã khắc họa một bức tranh
khái quát về cuộc đời, sự nghiệp cũng như những đóng góp quan trọng của ông
trong việc trị bệnh, khai hoang và lập làng ở vùng đất An Giang. Mong rằng
thông qua bài viết này, giới trẻ An Giang sẽ có cái nhìn bao quát và toàn diện
hơn về Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên – người có công lao lớn trong việc xây dựng
và phát triển vùng đất An Giang tươi đẹp; qua đó thức tỉnh giới trẻ cố gắng học
tập để sau này về quê hương An Giang, xây dựng nơi đây thành nơi giàu đẹp.
THÁI NGUYỄN ĐỨC MINH QUÂN