Vụ mất mùa và đại dịch năm 1849 - 1850 nặng nề ở Nam Bộ đã xô đẩy nhân dân vào thảm cảnh của sự cùng cực, khổ đau và chết chóc. Giữa lúc dân chúng đang khốn khổ vì dịch tả lan tràn, người chết không kịp chôn, thiên hạ hoảng sợ, đường vắng người đi lại, đêm chó không dám sủa...,ông Đoàn Minh Huyên đã xuất hiện và chặn đứng được cơn bệnh. Ông trị bệnh bằng nước lã và giấy vàng, bùa phép và dược thảo, bằng nói pháp dạy tu và kêu gọi dân chúng niệm Phật.
Vì dân chúng đến quá đông và do có kẻ tố cáo ông là gian đạo sĩ nên ông Đoàn Minh Huyên bị chính quyền cầm giữ tại Châu Đốc. Nhưng vì dân chúng phẫn nộ, vì dịch bệnh lan tràn và thấy không gây nguy hiểm gì, nên ông được trả tự do. Sau đó, Ông đã đến chùa Tây An tại núi Sam, gần Châu Đốc. Ở nơi vắng vẻ, hoang vu này ông đã lập nên đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Từ đây núi Sam trở thành nơi thu hút đông đảo tín đồ của cả vùng. Mỗi tín đồ của Đoàn Minh Huyên đều được cấp một “lòng phái” (hình thức như là một “thẻ chứng nhận”) có triện son mang 4 chữ báu linh “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Uy tín to lớn của đoàn Minh Huyên trước hết là do hoạt động chữa bệnh cứu dân thoát khỏi nạn dịch, sau nữa là do sức thuyết phục của giáo lý mà ông truyền bá.
Giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương là giáo lý Phật giáo được bình dân hóa, lược giảm lý thuyết cho phù hợp với trình độ nhân sinh. Bửu Sơn Kỳ Hương lấy Tâm Thành làm gốc, lấy Hướng Thiện làm mục đích, với pháp môn học Phật tu Nhân là sợi dây cố kết có hiệu quả đám quần cư tứ chiếng trước thiên nhiên hoang vu huyền bí. Về học Phật, ông khuyên tín đồ lo làm lành lánh dữ, cốt giữ cái tâm được tịnh. Muốn như vậy, phải rán tâm niệm 6 chữ Di Đà. Quan trọng hơn cả là tính thực tiễn của giáo lý. Bửu Sơn Kỳ Hương rút ra 3 điều quan trọng nhất của Phật giáo truyền thống là: Giới - Định - Tuệ. Giới là những phép tắc phải giữ đối với chính đạo, không cho phạm vào những lỗi lầm xấu xa và làm những điều ác vô minh. Định: lặng nghĩ để quên đi những lạc thú ở đời và diệt trừ ham muốn, tập trung tư tưởng để thấu đạt đạo lý. Tuệ là hiểu thấu vô thường và khổ não chi phối mình, bao nhiêu khổ đau được diệt trừ và thấy được Phật tính.
Bửu Sơn Kỳ Hương hướng tín đồ vào hành động tu Nhân, nỗ lực đền đáp Tứ đại trọng ân (Tứ ân): ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại - một sự canh tân giáo lý. Giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương còn là sự kết hợp giữa Học Phật và Tu Thân. Coi tu Thân là quan trọng hàng đầu, không tu Thân thì không học được Phật. Bửu Sơn Kỳ Hương chú ý tới việc canh tân về hình thức tu luyện, giản dị hóa những tập tục thờ cúng rườm rà để phù hợp với hoàn cảnh lưu dân khẩn hoang buổi đầu. Tín đồ không “ly gia cát ái”, không đầu tròn áo vuông, không thờ tượng cốt, chỉ treo tấm trần điều(vải đỏ) tượng trưng cho tinh thần vô vi, cho ngôi Tam bảo, không ăn chay, không gõ mõ tụng kinh, không xuống tóc cạo râu. Vật phẩm dâng cúng chỉ hương hoa và nước lã đơn sơ. Chỉ thuyết pháp chứ không dùng văn tự mà ghi chép kinh kệ. Tín đồ hầu hết là tại gia cư sĩ. Sự canh tân về giáo lý, tín điều như trên dù ít nhiều của Bửu Sơn Kỳ Hương nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thích hợp với hoàn cảnh lưu dân khẩn hoang vùng đất mới, nên thu hút được đông đảo tín đồ. Ông Đoàn Minh Huyên thực sự được quần chúng coi là một vị hoạt Phật, một Giáo chủ.
Bửu Sơn Kỳ Hương còn tỏ ra những hoạt động mang lợi ích thiết thực cho đời sống lưu dân. Năm 1851, Ông chia các đệ tử thành nhiều đoàn đi khẩn hoang những vùng hoang vu, lập nên những trại ruộng ở vùng Cần Lố (Đồng Tháp Mười) của Ông Đạo Ngoạn; vùng Láng Linh của Trần Văn Thành; vùng núi Két (Thất Sơn) của cụ Bùi Văn Thân (Bùi Thiền Sư), sau lập nên 2 làng Hưng Thới, Xuân Sơn; vùng Cái Dầu của cụ Nguyễn Văn Xuyến... Nhờ đức tin, tín đồ đã bám trụ và khẩn hoang những vùng đầm lầy và rừng rậm, phù hợp với chính sách phát triển đồn điền ở biên thùy Tây Nam của triều Nguyễn.
Khi thực dân Pháp xâm chiếm miền Tây Nam Bộ (1867), tiếp nối truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc và tư tưởng giáo lý Tứ ân, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã bị cuốn hút tự nhiên vào ngọn cờ khởi nghĩa do lãnh tụ Trần Văn Thành xướng suất ở Bảy Thưa (Láng Linh) - một hiền thủ của Phật Thầy Đoàn Minh Huyên. Từ năm 1867 - 1873, tại Láng Linh, nghĩa quân đã tích trữ lương thảo, rèn đúc vũ khí, chiêu mộ nghĩa dũng, xây dựng căn cứ và đã nhiều lần đem quân đánh phá các đồn giặc ở Châu Đốc, Long Xuyên... gây không ít khó khăn cho quân Pháp. Tuy nhiên, do lực lượng chênh lệch, cuối cùng khởi nghĩa Bảy Thưa không khỏi chịu chung số phận với các cuộc chiến đấu của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân...
Sau khi Phật Thầy Tây An viên tịch (1856) và “ngọn lửa Bảy Thưa” bị Pháp dập tắt (1873), các môn đệ của Ông tiếp tục hoằng dương giáo pháp của Phật Thầy qua 3 thời kỳ hoằng: Đức Phật Trùm ở núi Sà Lôn (An Giang) từ 1868 đến 1875, Đức Bổn Sư từ 1878 đến 1890 ở Bến Tre, Mỹ Tho và núi Tượng, Sư Vãi Bán Khoai trong hai năm 1901 và 1902.
Người đời thường bàn tới những ảnh hưởng rộng lớn của phong trào Bửu Sơn Kỳ Hương đối với xã hội. Trước hết, đó là thành công trong nghệ thuật tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ tín ngưỡng để thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn. Nghệ thuật lôi cuốn quần chúng của Ông là do thiên bẩm nhận mệnh lệnh của cõi Tiên, của Phật, của Trời; là đấng thiêng liêng làm gạch nối giữa cõi thiêng và quần chúng. Trong mắt tín đồ, Ông là người có quyền lực nhiệm mầu, một thứ quyền uy thiêng liêng, có thần cách của một vị Phật. Với huyền năng đặc biệt đó, Ông Đoàn Minh Huyên đã thu phục được một lực lượng quần chúng đông đảo, trở thành những tín đồ thuần thành sẵn sàng hy sinh vì đạo pháp.
Cùng với huyền thoại được thêu dệt vây quanh Ông về một Thất Sơn huyền bí, linh địa càng khẳng định niềm tin về một vị Phật Thầy có sứ mạng mặc khải chân lý và giải thoát cho đời là hữu lý trong tâm linh tín đồ. Thất Sơn (Bảy núi) là một vùng núi có địa thế hiểm trở ở chốn biên thùy “sơn cao, thủy thâm, hữu danh tắc linh”. Huyền thoại “Thất Sơn mầu nhiệm”, nơi tích tụ khí thiêng trời đất dần được thêu dệt nổi tiếng với “đất linh danh tiếng xôn xao xa gần”, “tiền Tam giang, hậu Thất lĩnh”. Là nơi các bậc chân tu, đạo hạnh tu luyện “tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”. Hầu hết các vị hoạt Phật Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa... đều lập phát tích ở Thất Sơn. Do đó, tín đồ tin tưởng rằng, Thất Sơn là nơi phát xuất của minh vương, chân chúa. Cuối cùng, với tư tưởng Hạ ngươn Mạt pháp sắp chấm dứt, đời Thượng ngươn và hội Long Hoa sắp ra đời như là cứu cánh đã hấp dẫn và lội cuốn quần chúng một cách lạ thường. Vì vậy, Bửu Sơn Kỳ Hương đã tập hợp được một số lượng đông đảo nông dân miền Tây đứng dưới ngọn cờ tôn giáo.
Sự ra đời và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương ở Nam Bộ thế kỷ XIX đã có vai trò tích cực trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Dù nó tạo ra những hình ảnh, hy vọng, lý tưởng một cách giả tạo nhưng đã làm cho tín đồ được an ủi và vơi đi những nỗi đau thực tại, khỏa lấp những bất hạnh của cá nhân, tạo niềm tin, hy vọng cho những người ngèo khổ, bế tắc hướng tới một xã hội tốt đẹp. Bửu Sơn Kỳ Hương đã có tác dụng không nhỏ trong cuộc sống, lay động được cả một cộng đồng người, bằng đức tin chịu đựng gian khổ bám đất khẩn hoang, lập làng, bảo vệ vùng đất biên ải mà họ phải đấu tranh, vật lộn, đổ bao mồ hôi, kể cả máu mới giành giữ được. Thái độ ái quốc, hoạt động chống Pháp giành độc lập cho xứ sở chẳng qua là việc hành xử “Tứ đại trọng ân” theo giáo lý của môn phái.
Bửu Sơn Kỳ Hương và phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đến đầu XX chứng tỏ trong khung cảnh chính trị bế tắc, những nỗ lực đấu tranh giành độc lập đều nghi trang dưới hình thức tôn giáo. Bửu Sơn Kỳ Hương ở vào thế phải đấu tranh chính trị, giành độc lập cho quốc gia là do hoàn cảnh chính trị bế tắc.
Đến nay, những kinh nghiệm lịch sử và vai trò xã hội của Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn được nhiều người quan tâm. Đó không chỉ là sức sống mãnh liệt, một tiềm lực tự tồn, một “sự đoàn kết thiêng liêng” giúp ích cho sự phát triển khẩn hoang, trại ruộng, lập thôn ấp, phát triển kinh tế ở vùng đất biên ải và đấu tranh cho độc lập quốc gia, mà còn là nhân tố quan trọng góp phần liên kết cộng đồng, điều chỉnh hành vi đạo đức, tạo ra những tiêu chuẩn, những giá trị đạo đức tiến bộ, góp phần tạo nên ổn định xã hội, trị an ở vùng biên thùy phức tạp.
Bửu Sơn Kỳ Hương, một giáo phái Phật giáo thuộc thiền phái Lâm tế đời thứ 35- một tôn giáo địa phương ra đời sớm nhất ở Việt Nam, nhờ tính ưu việt của giáo lý được cải biên từ giáo lý Phật giáo và những hoạt động thực tiễn, đã thu hút được đông đảo nông dân miền Tây dưới ngọn cờ tín ngưỡng để giải cứu những nhu cầu kinh tế, xã hội và tâm linh, động viên tín đồ kháng chiến cứu nước. Bửu Sơn Kỳ Hương thực sự là một tôn giáo nhập thế, một tôn giáo yêu nước có ảnh hưởng lớn đến lịch sử chính trị và tôn giáo Nam Kỳ.
CAO THANH TÂN