Trong kho tàng văn học dân gian Nam Bộ, có một bộ tác phẩm thơ chữ Nôm với dung lượng đồ sộ mà đến nay vẫn chưa có nhiều công trình đề cập đến. Đó là Kim cổ kỳ quan - tác phẩm vô cùng giá trị trong lòng những người tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Tác giả của nó - ông Nguyễn Văn Thới cũng là một “ông đạo” nổi tiếng của tôn giáo nầy. Nội dung tác phẩm không chỉ chuyển tải giáo lý của đạo, mà còn phần nào phác họa tình hình xã hội và trạng thái tâm lý của người dân Nam Kỳ trong buổi đầu thuộc Pháp. Tuy nhiên do mang màu sắc tôn giáo, khiến Kim cổ kỳ quan đến nay vẫn chưa được chú ý nghiên cứu sâu và đánh giá đầy đủ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn giao thời giữa Nho học và Tây học, văn chương trên vùng đất mới phương Nam trước nay bị lãng quên, việc nghiên cứu Kim cổ kỳ quan như một đóng góp nhỏ cho công việc bổ khuyết khoảng trống đó.
2. Vài nét về tác giả
Nguyễn Văn Thới (1866 - 1927) được dân gian gọi là ông Ba Thới, quê ở làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, phủ Kiến Tường, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Năm 1906, ông tìm đến vùng Láng Linh (nay thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) quy y với ông Hai Nhu theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.
Bửu Sơn Kỳ Hương là tôn giáo nội sinh đầu tiên ở Nam Kỳ do Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856) sáng lập năm 1849. Sau đó, đại đệ tử của Đức Phật Thầy là Quản cơ Trần Văn Thành tiếp tục truyền bá mối đạo, đồng thời ông cũng là thủ lãnh nghĩa quân Gia Nghị trong cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa chống Pháp (1867 - 1873). Ông Hai Nhu tức Trần Văn Nhu (1847 - 1914) là con trưởng của Trần Văn Thành, sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, ông vân du đây đó để tiếp tục nối chí cha vừa truyền đạo vừa chiêu mộ hiền tài.
Sau khi quy y với ông Hai Nhu, sang năm sau (1907) ông Ba Thới đưa cả gia đình đến sống ở Láng Linh. Theo tác giả Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu [1972: 175], từ năm 1907 đến năm 1910, ông Ba Thới sáng tác ba quyển Vân Tiên, Thiện từ, Cổ vãng kim lai.
Đầu năm 1913, ông Hai Nhu tập trung tín đồ về Bửu Hương tự ở Láng Linh làm lễ tưởng niệm ngày nghĩa binh Gia Nghị bị đàn áp, quân Pháp hay tin đã kéo vào vây bắt nhiều tín đồ. Ông Ba Thới may mắn thoát thân, nhưng phẫn uất vì thời thế nên ba ngày sau ông trở về nhà cắt cổ tự tử. Gia đình phát hiện kịp nên đã đưa ông vào nhà thương Châu Đốc điều trị. Dân gian kể lại, tại đây ông đã cự tuyệt không dùng bất cứ món gì của người Pháp, song sau khi về nhà điều trị thuốc Nam, vết thương của ông dần thuyên giảm.
Năm 1914, gia đình ông rời Láng Linh dọn về nơi cư trú mới ở doi Lộ Lở thuộc làng Kiến An, tổng Định Hòa, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Cũng theo Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu cho biết, trong những năm tháng cuối đời, ông Ba Thới viết thêm các quyển Ngồi buồn, Kiểng tiên, Kim cổ, Cáo thị, Tứ đại, Thừa nhàn [Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu 1972: 178].
3. Tổng quan về tác phẩm
Hiện nay, bộ tác phẩm Kim cổ kỳ quan được lưu hành gồm chín quyển: Kim cổ, Giác mê, Cáo thị, Vân Tiên, Ngồi buồn, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Tiền Giang, Kiểng tiên. Theo kết quả khảo sát của Lý Hồng Phượng [2017], trọn bộ chín quyển Kim cổ kỳ quan có tổng số khoảng 23.729 câu (chưa tính phần bị mất hay cháy), gấp trên bảy lần Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Tuy nhiên, tên chín quyển trong bộ Kim cổ kỳ quan lưu hành hiện nay không giống với tên chín quyển từng được một số nhà nghiên cứu trước đây đã liệt kê [Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu 1972: 175-178; Vương Kim 1965: 50-51]. Cụ thể, các ấn bản hiện nay có ba quyển Giác mê, Tiền Giang, Bổn tuồng. Trong khi đó, một số tài liệu thời trước lại kể ba quyển Tứ đại, Thiện từ, Cổ vãng kim lai. Sáu quyển còn lại là Kim cổ, Cáo thị, Vân Tiên, Ngồi buồn, Thừa nhàn, Kiểng tiên - được các tài liệu từ xưa đến nay ghi nhận thống nhứt. Đây là điều cần được nghiên cứu thêm. Riêng quyển Giác mê có lời văn trau chuốt thoát tục, Nguyễn Văn Hầu [1973: 51] cho rằng có thể là tác phẩm của Đức Phật Tầy Tây An được ông Ba Thới chép lại.
Về nội dung, Kim cổ kỳ quan đề cập đến nhiều vấn đề khá đa dạng từ chuyện xưa, chuyện thời tác giả đang sống, đến những chuyện tương lai. Theo chúng tôi, Kim cổ kỳ quan xoay quanh ba nhóm đề tài lớn gồm: (1) Miêu tả cuộc sống sắp tới đầy rẫy tai ương, (2) Phác họa đời sống tốt đẹp trong tương lai, (3) Khuyên con người rèn luyện để hướng đến đời sống mới.
Về hình thức, các tác phẩm được viết bằng nhiều thể loại như lục bát, song thất lục bát, thất bát, thất ngôn, bát ngôn, tự do… Nhiều cách thể hiện mới mẻ đã làm phong phú thêm cho văn học bình dân miền Nam. Ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm kết hợp hài hòa giữa tính bác học và tính bình dân. Nếu như ngôn ngữ bác học nhằm thể hiện tính chất trang trọng của tác phẩm mang màu sắc tôn giáo, thì bên cạnh đó ngôn ngữ bình dân được sử dụng để tác phẩm dễ đi sâu vào lòng người dân lao động.
Nguyễn Ngọc Quận [2017b] nhận xét: “Một phần do lối nói mang phong cách đặc thù của một tác giả người Nam Bộ nói chung, một phần để tránh tai mắt của nhà đương cục, Nguyễn Văn Thới tìm lối ‘nói bắt quàng’ hay ‘Lời nói bắt quàng không hàng ngũ’, rất tuỳ tiện, khiến người nghe cảm thấy dường như thiếu mạch lạc, cảm thấy ‘ma ma Phật Phật’ (chữ dùng trong KCKQ). Nhiều đoạn thơ được viết dưới dạng lặp ý, lặp từ ngữ là nhằm nhấn mạnh ý tưởng vốn không dễ trình bày bởi nhiều lý do”.
4. Giá trị tư tưởng của Kim cổ kỳ quan
Trước tiên, do tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, dân chúng phẫn uất trước chế độ cai trị của Pháp, nên nội dung đã phản ánh phần nào bối cảnh xã hội đương thời. Bên cạnh đó là những lời tiên tri về chiến tranh, mất mùa, đói khổ, thiên tai, chết chóc… sẽ diễn ra. Chẳng hạn: “Thây không lấp mà để phơi khô / Không nước mà uống nam mô đạo nào”, hay: “Đói ăn bắp đói nữa ăn khoai / Hết khoai hết bắp chiều mai ăn đá”…
Song, sau những hiểm họa đó sẽ là một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Tác giả bày tỏ niềm lạc quan về một “đời thạnh trị” trên đất nước Việt Nam: “Của người Tây trả cho người Tây / Tân trào phế luật thẳng ngay rõ ràng”, hoặc: “Nơi nơi đều ngợi chữ thảnh thơi / Ca ngâm xứ xứ vui chơi thanh nhàn”… Con người của đời sống mới là những người tài giỏi: “Sau nước Nam ít kẻ vụng về / Thông minh trí huệ nhiều nghề giỏi hay”, hoặc: “Con mắt sao ngó thấy sáng ngời / Trong như mắt cọp miệng cười ngọt thơm / Răng thì trắng thiệt người ăn cơm / Lưỡi sao răng vậy gạo thơm ngọt ngào”…
Để hướng đến đời sống mới như thế, tác giả khuyên con người tu hành, làm điều thiện, noi theo những tấm gương tốt: “Nói trong lục tỉnh bây giờ / Làm lành niệm Phật mà chờ đợi vua” hay “Đền ngọn rau tấc đất mới ưng / Thờ cha kính mẹ vạn xuân tuổi trời / Khá noi theo Nghiêu Thuấn ở đời / Không nhà đóng cửa lập đời thanh nghiêm”… Đồng thời, tác phẩm cũng răn đe kẻ ác: “Lòng dân tâm quỷ tánh ma / Mười người xuống chốn Diêm La chín người”, hay: “Chớ đừng bạc nghĩa phi ân / Phật trời nay đã cầm cân công bình”…
Để đáp ứng được tâm lý của quần chúng nhân dân, tác giả Nguyễn Văn Thới đã khéo léo đưa giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương vào bộ tác phẩm đồ sộ của mình, với tư tưởng chủ đạo là tận thế sẽ xảy ra để kết thúc đời Hạ nguơn, hội Long Hoa sẽ được mở tại vùng “linh địa” Thất Sơn (An Giang) để lập đời mới Thượng nguơn. Điều đó được thể hiện qua rất nhiều câu, chẳng hạn như: “Bề nào hội thí Thất Sơn / Biết rằng quân tử tiểu nhơn vuông tròn”, hay: “Vận nghèo ai chẳng phi ơn / Của trời Phật để Thất Sơn thiếu gì”…
Tuy nhiên nhìn chung, bàng bạc trong Kim cổ kỳ quan vẫn là tâm lý ưu thời mẫn thế của một người thất chí trong cơn ly loạn của đất nước: “Đêm năm canh thổn thức chẳng yên / Ngày sáu khắc sầu riêng mối đạo / Tưởng ái quốc cơ đồ sáng tạo / Nhìn lê dân cường bạo đa đoan / Chúa mỏi lòng chúa nghỉ thân an / Tôi mệt dạ còn mang nạn cả / Thời quân nhược quả kia báo quả / Thế thần cường giày giã trung cang”. Toàn bộ nội dung tác phẩm mang tính định hướng cao, nhắc nhở con người về các giá trị đạo đức, chân - thiện - mỹ, đặc biệt là giáo lý Tứ ân của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào nhơn loại)…
Người Nam Bộ mến mộ tác phẩm Kim cổ kỳ quan vì “họ có thể tìm thấy ở đó tấm lòng ưu thời mẫn thế, kiên trinh, tiết tháo của tác giả, tinh thần từ bi bác ái, khuyến thiện trừng ác, yêu nước thương dân, chống ngoại bang xâm lược…, vì đó đều là những nội dung tích cực, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc cần được nghiền ngẫm, phổ biến và lưu truyền cho con cháu” [Nguyễn Ngọc Quạn 2017a].
5. Thay lời kết
Qua những giới thiệu sơ bộ nêu trên, chúng tôi hy vọng cung cấp thêm cái nhìn tổng quan về tác phẩm Kim cổ kỳ quan, đặc biệt là phải đặt nó trong bối cảnh Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp đầu thế kỷ XX để hiểu hơn giá trị mà những áng thơ bình dân nầy mang lại. Với hàng chục ngàn câu được viết lần lượt qua khoảng thời gian dài, tác giả đã thể hiện tấm lòng trung quân ái quốc, đau thương trước tình cảnh nước mất nhà tan, nhưng cũng mong ước đến một ngày mai tốt đẹp cho dân tộc, và quan trọng hơn cả khuyên nhủ mọi người hướng thiện.
Qua việc nghiên cứu tác phẩm Kim cổ kỳ quan, không chỉ giúp người đời sau hiểu thêm về tư tưởng của tôn giáo bản địa Bửu Sơn Kỳ Hương, bổ sung thêm tư liệu phong phú về văn học đồng bằng sông Cửu Long buổi đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, mà còn giúp chúng ta phần nào hình dung cụ thể hơn về tình hình xã hội Nam Kỳ buổi ấy. Hiện nay, Kim cổ kỳ quan chỉ được người dân tự lưu hành dưới hình thức các ấn bản sao chép, chúng tôi hy vọng tác phẩm sẽ được giới nghiên cứu hiệu đính và xuất bản chính thức, để góp phần bảo tồn một di sản quý giá của tiền nhân.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 4 (184), 2019 & in
trong sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021)
______________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dật Sĩ & Nguyễn Văn Hầu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, tái bản, Nxb Từ Tâm.
2. Lý Hồng Phượng (2017), Chữ Nôm Nam Bộ qua khảo sát tác phẩm Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới, Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm, Trường ĐH KHXH&NV.
3. Nguyễn Ngọc Quận (2017a), “Kim cổ kỳ quan, một bộ thơ Nôm độc đáo ở miền Tây Nam Bộ”, Website Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV (www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn), 10/1/2017.
4. Nguyễn Ngọc Quận (2017b), “Kim cổ kỳ quan trong đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ”, Website Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV (www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn), 15/1/2017.
5. Nguyễn Văn Hầu (1973), Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, Ban Quản tự Tòng Sơn cổ tự.
6. Vương Kim (1965), Tận thế và Hội Long Hoa, Nxb Tân Sanh.