Thờ cúng tổ tiên từ ngàn đời đã trở thành một tập tục tốt đẹp của người Việt. Nhân dân quan niệm rằng ông bà tuy đã khuất nhưng vẫn luôn âm thầm dõi theo và phò hộ con cháu trong đời sống. Chính vì thế, việc con cháu tôn kính ông bà hiện tiền lẫn những người đã quá vãng được xem như chuẩn mực đạo đức căn bản trong cung cách làm người. Trong phạm vi bài viết nầy, chúng tôi chỉ xin chia sẻ đôi nét về tục thờ cúng tổ tiên của người Nam Bộ, đồng thời cũng xin phép gọi theo cách dân dã của người phương Nam là “thờ cúng ông bà”.
Từ khi những bước chân đầu tiên vào khai phá vùng Cửu Long giang, di dân đã mang theo kho tàng luân lý được kết tinh từ nhiều đời trên đất nước Đại Việt xưa. Đó cũng là nền văn hóa có sự dung hòa tam giáo Nho - Phật - Đạo, và trên hết vẫn là truyền thống “hiếu hạnh vi tiên” không chỉ là tư tưởng lớn của tam giáo mà còn là quan niệm chung của người Việt. Theo nhận thức Á Đông, “dương gian âm cảnh đồng quy nhứt lý” tức cõi dương và cõi âm cũng giống nhau về lý lẽ, đã được người bình dân Nam Bộ khái quát một cách ngắn gọn và dễ hiểu là “sự mất cũng như sự còn”. Do đó, ông bà dù đã mất nhưng vẫn là điểm tựa tinh thần lớn lao cho thế hệ hiện tại.
Dẫu thờ cúng tổ tiên có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt nói chung, tuy nhiên do tánh cách mở thoáng của người Nam Bộ, nên quan niệm về tập tục nầy dường như có phần gần gũi hơn. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết: “Thà đui mà giữ đạo nhà / Còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Ở đây chúng ta hiểu, đạo nhà là đạo thờ kính tổ tiên. Đạo nhà không có sự ràng buộc về hình thức, trái lại tùy vào từng địa phương hay từng gia đình mà có cách thể hiện lòng kính ngưỡng của mình đối với ông bà khác nhau. Dù giàu sang hay nghèo hèn, mỗi người đều có thể thể hiện đạo nhà theo cách riêng của mình, miễn là với lòng thành kính.
Phật giáo là tôn giáo có tầm ảnh hưởng quan trọng đến văn hóa Việt Nam. Người Việt đã thể hiện sự sáng tạo để dung hòa tín ngưỡng tổ tiên vào Phật giáo, thể hiện qua hình thức thờ cúng kết hợp giữa Phật và tổ tiên. Chúng ta có thể thấy rõ điều nầy qua việc thiết trí bàn thờ theo mô hình “tiền Phật hậu linh” hay “thượng Phật hạ linh”, tức là bàn thờ gia tiên được đặt phía sau hoặc phía dưới bàn thờ Phật. Nghi thức lễ bái hằng ngày bao gồm vừa cúng Phật, vừa cúng gia tiên. Những ngày lễ của đạo Phật, bàn thờ ông bà vẫn được trang hoàng, và ngược lại những ngày lễ của dòng họ, bàn thờ Phật cũng vẫn khói hương nghi ngút.
Cuối thế kỷ XIX, hai tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa ra đời ở vùng biên giới Tây Nam đã nêu cao tứ ân gồm: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào nhơn loại. Trong đó, ân tổ tiên cha mẹ được đưa lên hàng đầu cũng đủ minh chứng cho tầm quan trọng của của việc thờ kính ông bà trong giáo lý của những tôn giáo nội sinh ở vùng đất nầy. Đức Bổn Sư Ngô Lợi - người khai sáng mối đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng từng gọi tôn giáo của mình là “đạo Ông Bà” - một cách gọi giản dị mà đầy ý nghĩa.
Cũng như văn hóa truyền thống từ cái nôi Bắc Bộ, hằng năm cứ đến ngày mất của ông bà, người Nam Bộ lại tổ chức lễ giỗ trang trọng. Đám giỗ được xem là hình thức kỷ niệm và tri ân của con cháu với ông bà đã quá vãng, cầu xin ông bà phò hộ cho con cháu, và cuối cùng là bữa tiệc ấm cúng của gia đình. Đây là dịp cả gia đình cùng nhau quây quần và hướng về đạo lý truyền thống, nên trở thành một sinh hoạt tinh thần cực kỳ quan trọng. Đó còn là dịp để dòng họ tề tựu kể cho nhau nghe chuyện mùa màng, làm ăn, học hành… Ngoài ra cũng có sự có mặt của láng giềng, chòm xóm, thân hữu… để thắt chặt thêm tình cảm.
Đám giỗ ở miền Nam thường có bốn món cơ bản là hầm, luộc, xào, kho. Hầm là canh thịt hầm, có thể là khổ qua hoặc măng. Món luộc và món xào có nhiều cách chế biến, có khi là thịt luộc trộn gỏi, cuốn bánh tráng, xào rau đậu… Riêng món kho thì luôn phải là thịt kho rệu với trứng vịt - món ăn đặc trưng không thể thiếu. Bánh tét được xem là loại bánh thiêng - bánh của nghi lễ, nên người Nam Bộ ngày xưa không gói bánh tét một cách tùy tiện hay ngẫu hứng mà chỉ đợi đến dịp đám giỗ và Tết. Đại thể là vậy, song cũng với cá tánh mở thoáng, người Nam Bộ không quá đặt nặng sự cầu kỳ vàmực thước trong nghi lễ. Các món ăn được dâng cúng trong ngày giỗ vẫn thể hiện quan điểm của người cúng là “có gì cúng nấy” hay “mình ăn gì ông bà ăn nấy” miễn là có lòng thành.
Tết được xem là những ngày quan trọng nhứt trong năm. Thông thường, từ khoảng 24 đến 28 tháng Chạp (sau ngày đưa Ông Táo đến trước Giao thừa), người miền Nam sẽ dọn dẹp và sơn sửa lại phần mộ ông bà cho đẹp đẽ, để ông bà cũng “vui xuân” cùng con cháu. Theo tục lệ cổ truyền, vào ngày 30 tháng Chạp (hoặc tháng thiếu là 29), mỗi gia đình dâng cúng bữa cơm thành kính mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Các gia đình trang hoàng nhà cửa, mua sắm, chuẩn bị thức ăn, đồ cúng từ rất sớm. Dầu nhà nghèo cũng phải cố gắng nấu bữa cơm đơn giản nhưng thành kính.
Các dòng họ ở miền Nam thường không xây dựng từ đường, nhà họ, nhà tổ… nên địa điểm mà được chọn để sum vầy thường là nhà của ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ - những người đã có công gầy dựng, duy trì và phát triển gia đình. Đôi khi là nhà của người anh lớn hoặc em út, trong trường hợp ông bà cha mẹ đều không còn. Con cháu dầu làm ăn xa cách mấy cũng phải trở về và tề tựu bên gia đình vào những ngày đầu tiên của năm mới, trước là thắp nén nhang trước bàn thờ ông bà, sau là thăm hỏi nhau sau một năm tất bật. Ngày nay, do sự phát triển của xã hội hiện đại, lắm khi con cháu không giữ tập tục tốt đẹp nầy.
Ngoài giỗ và Tết, do chịu ảnh hưởng từ văn hóa của người Hoa cộng cư trên vùng đất mới phương Nam, nhiều gia đình người Việt cũng tổ chức lễ Thanh minh khá trang trọng. Cũng như ngày giỗ, Thanh minh được tổ chức thế nào và cúng món gì đều tùy hoàn cảnh gia đình. Nhưng những công việc mang tính “quy tắc” thường phải có là dọn cỏ khu mộ, quét vôi hoặc sơn phết ngôi mộ, dùng giấy ngũ sắc trang trí trên nấm mộ, cúng thức ăn… Sau khi hoàn tất phần nghi thức, cả gia đình cùng bày biện ăn tại mộ, khiến ngày Thanh minh thêm phần nhộn nhịp.
Thiết nghĩ, gia đình là một gốc cổ thụ sùm suề, nơi gieo trồng và chăm bón hạt giống văn hóa dân tộc - cội nguồn của con người. Trong quan niệm của người Việt, dù bất cứ tôn giáo hay triết lý nào cao siêu đến đâu cũng không thể khiến họ bỏ quên tổ tiên được, như ca dao từng dạy: “Chữ rằng vấn tổ tầm tông / Cháu con nỡ bỏ cha ông sao đành”. Cách nay gần 600 năm, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cũng đã khiêm tốn cho rằng nhờ sự che chở của tổ tông mà xã tắc mới vững bền: “Thị do thiên địa tổ tông chi linh, hữu dĩ mặc tương âm hựu, nhi trí nhiên dã” (Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ - Ngô Tất Tố dịch). Văn hóa gia đình nói chung và tục thờ cúng ông bà nói riêng đã giữ gìn và bồi đắp những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Nếu ông bà xưa có câu “Giấy rách phải giữ lấy lề”, thì truyền thống gia đình chính là cái “lề” quan trọng ấy. Ngày nay, dù trong bối cảnh hội nhập cùng nhiều nền văn hóa khác trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng truyền thống nầy vẫn không ngừng được duy trì và phát triển.
VĨNH THÔNG
(Bài đăng trên Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa, số 197, 2018 & in
trong sách Dấu ấn thượng châu thổ, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2021)